BÁO CHÍ TRONG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

BÁO CHÍ TRONG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

Trong GĐPT văn nghệ là một bộ môn tu học quan trọng có mục đích giáo dục rõ rệt và ảnh hưởng mạnh mẽ sâu sắc đến sự tu học rèn luyện của Huynh trưởng và đoàn sinh trong đó BÁO CHÍ là một bộ phận thường được các cấp GĐPT thực hiện. 
Ở A Dục, người Đoàn trưởng đã được học về ý nghĩa và cách thức làm báo GĐPT để thực hiện trong phạm vi Đoàn. 
Trên cương vị tổ chức, điều hành hướng dẫn mọi hoạt động của đơn vị GĐPT, người LĐT cần thấu đáo nhiều hơn về đường lối, tinh thần lẫn cách thức thực hiện để việc điều hành hướng dẫn được hiệu quả. Vì vậy đề tài này nhằm hai mục đích yêu cầu:
– Để người LĐT có thể hổ trợ, hướng dẫn các Đội, Chúng, các Đoàn thực hiện các loại báo Đội, Chúng, báo Đoàn được kết quả tốt đẹp.
– Tổ chức thực hiện các loại báo của đơn vị được mỹ mãn. 
I. MỤC ĐÍCH CỦA BÁO CHÍ TRONG GĐPT:
 Báo chí trong GĐPT có các chức năng mục đích chính sau:
– Giáo dục tinh thần yêu mến đạo pháp, quê hương đất nước tôn trọng chân thiện mỹ cho Huynh trưởng đoàn sinh.
– Phổ biến giáo lý, truyền đạt tư tưởng đạo pháp, phát triển tâm linh
– Phản ánh trung thực đời sống tập thể, hoạt động của đơn vị, thể hiện tình cảm của Huynh trưởng đoàn sinh đối với đạo pháp tổ chức, với lý tưởng GĐPT …
– Nhằm rèn luyện và khai thác năng lực về văn chương, nghệ thuật, sự tháo vát, sáng tạo của Huynh trưởng và đoàn sinh. 
II. TINH THẦN NỘI DUNG CỦA BÁO CHÍ TRONG GĐPT: 
Là một phương tiện giáo dục sắc bén, nên báo chí trong GĐPT dù ở thể loại nào văn chương, hội hoạ, nhiếp ảnh … các tác phẩm đều phải đảm bảo tinh thần văn nghệ GĐPT, các nội dung căn bản sau:
– Hướng về tinh thần đạo pháp
– Hướng về tinh thần và lý tưởng GĐPT
– Ngợi ca tình yêu quê hương đất nước, tự hào dân tộc, nghĩa đồng bào, tình đồng loại, yêu thiên nhiên và muôn loại. 
Đối với Huynh trưởng khi sáng tác thì cần nhớ đối tượng của chúng ta là các em, nên chúng ta viết là cho các em, viết vì lợi ích của các em để hướng các em đến với chân thiện mỹ. 
Đối với đoàn sinh, Huynh trưởng cần động viên khuyến khích và hướng dẫn các em vui thích sáng tác đúng theo tinh thần đạo pháp, quê hương đất nước và mục đích lý tưởng GĐPT.
III. CÁC PHẠM VI THỰC HIỆN BÁO CHÍ TRONG GĐPT: 
Báo chí trong GĐPT có thể thực hiện ở nhiều phạm vi, nhiều cấp tổ chức. Riêng ở cấp GĐPT cơ sở có nhiều đơn vị thực hiện nhiều loại báo chí khác nhau:
– Báo Đội, Chúng, Đàn
– Báo Đoàn
– Báo ngành hay báo Liên Đoàn 
Tất cả các hạng báo nói trên đều cần thiết, quan trọng và thường được thực hiện. Tuy nhiên tờ báo của đơn GĐPT được chú trọng nhiều hơn. 
IV. CÁC LOẠI BÁO TRONG GĐPT: 
Nhìn chung có rất nhiều loại báo với nhiều hình thức in ấn thực hiện mà thông thường phổ biến nhất là Báo Viết. 
Báo viết tuỳ theo định kỳ thời gian phạm vi phát hành mà có nhiều tên gọi như nhật báo, tuần báo (hay tuần san) bán nguyệt san, nguyệt san, đặc san, giai phẩm … 
Ngày nay khoa học kỹ thuật tiến bộ nhất là công nghệ thông tin nên đã phát triển thêm nhiều loại báo hiện đại như báo nói, báo hình, báo điện tử… 
Riêng trong GĐPT từ trước đến nay thường sử dung hai loại báo viết thông thường nhất là  Báo tường  và  báo tập
1. Báo tường:
Báo tường (hay còn gọi là Bích báo) là loại báo viết trên tờ giấy bản lớn (giấy Croquis) hoặc viết trên những tờ giấy nhỏ rồi dán lên tờ giấy bản lớn, hoặc viết trên tấm vải rồi treo lên tường hoặc viết trực tiếp lên một bức tường. Ngoài ra còn có một số biến thể của báo tường thông thường như báo chiếu (viết trên chiếu), báo bảng (viết trên tấm bảng), báo nia (viết trên chiếc nia), báo mành (viết trên tấm mành), báo chữ to … tuỳ theo sự sáng tạo, khéo léo, ý đồ của những người thực hiện. 
Báo tường (hình thức viết trên giấy bản, trên vải) là loại thông dung nhất đối với cấp Đội, Chúng và Đoàn, vì có nhiều ưu điểm như ít công phu, không cần nhiều bài vở, ít tốn kém tiền bạc và thời gian, bài vở không cần dài, dễ trưng bày, nhiều em đoàn sinh có thể đóng góp bài và trực tiếp tham gia thực hiện trình bày báo, nên báo có thể ra mắt đều đặn đúng định kỳ. 
2. Báo tập:
Báo tập là báo viết trên nhiều trang giấy dưới nhiều hình thức tuỳ theo điều kiện hoàn cảnh như viết tay, đánh máy chữ, in ronéo, (ngày nay thường đánh vi tính rồi in bằng photocopy) xong đóng thành cuốn, vừa dễ đọc, dễ phổ biến và thuận tiện trong việc bảo quản, lưu giữ. 
Báo tập có nhiều thứ dưới nhiều hình thức nhiều tên gọi, nhưng có hai loại thông thường nhất là Nội sanđặc san. 
a. Nội san: Nội san là loại báo tập chỉ phổ biến trong phạm vi nội bộ của cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cho nên dù là tuần báo, nguyệt báo … cũng đều gọi là Nội san. 
Trên thực tế tuy phạm vi đơn vị GĐPT, chúng ta không có điều kiện và khả năng thực hiện các loại báo ngắn ngày từ nguyệt san trở xuống, mà chỉ có trong vài ba tháng, sáu tháng thậm chí một năm mới có một tập báo nên thường gọi chung là Nội san (hay tập san). 
b. Đặc san: Cũng là nội san, nhưng báo ra vào các ngày lễ lớn như Phật đản, Vu lan, Chu niên … 
Ngoài ra có những biến thể của Nội san hay đặc san như Kỷ yếu, giai phẩm, văn tập … mà nội dung nghiêng về một chủ đề nhất định. 
Do tính chất khá phức tạp nhưng thông dụng cần thiết của loại báo tập (nội san) đối với đơn vị GĐPT nên ở đây sẽ đề cập đến cách thức thực hiện một tờ nội san của đơn vị, mà người LĐT đóng vai trò chính yếu. 
V. TỜ NỘI SAN CỦA ĐƠN VỊ GĐPT: 
1. Tinh thần nội dung tờ nội san: 
Thông thường một tờ nội san, phần nội dung có phong phú hay không là tuỳ thuộc vào các yếu tố khách quan lẫn chủ quan có thuận lợi hay không, chẳng hạn nhờ sự tổ chức khéo léo, biết động viên khuyến khích của BHT đối với đoàn sinh để tất cả các em đều đóng góp tiếng nói, tâm tư tình cảm của mình nhằm xây dựng tờ báo. Cho nên ở đây cần nhắc lại tinh thần của một tờ nội san là:
– Trước hết tờ nội san phải tuân thủ đường lối tổ chức, đảm bảo tính chất văn nghệ GĐPT.
– Nội san là một phương tiện thể hiện tâm tư, tình cảm, suy nghĩ, niềm ước mơ của mọi Huynh trưởng, đoàn sinh về các vấn đề liên quan đến lý tưởng GĐPT, các hoạt động và sự hưng thịnh của đơn vị.
– Nội san là hình ảnh bộc lộ bản sắc riêng, phản ánh đời sống nội bộ, là kho báu lưu giữ những kỷ niệm buồn vui, những chặng đường thăng trầm trong quá trình sinh hoạt của đơn vị.
– Nội san là diễn đàn để nói lên tinh thần đoàn kết, lục hoà, tình thương yêu gắn bó, ý thức chung sức chung lòng xây dựng đơn vị của mọi Huynh trưởng đoàn sinh dựa trên tinh thần Bi Trí Dũng và mục đích GĐPT.
– Ngoài ra, nội san còn có thể đề cập đến các vấn đề khác như gia đình, học đường, các mặt hoạt động xã hội cần thiết liên quan ảnh hưởng bổ sung cho GĐPT. 
2. Nội dung căn bản của nội san: 
Thông thường một tờ nội san có một số tiết mục đề tài tổng quát. 
2.1. Loạt bài nghiên cứu lý luận:
Là những bài viết “chính luận” có chủ đích làm sáng tỏ những lý thuyết, tư tưởng thuộc về đạo pháp, các vấn đề liên quan đến đời sống xã hội dựa trên tinh thần Phật giáo. Thuyết minh, trình bày mục đích, đường lối ý nghĩa, phương pháp giáo dục, tinh thần, thể thức tổ chức sinh hoạt GĐPT, các sáng kiến để thăng tiến tổ chức. 
2.2. Loạt bài phản ánh đời sống sinh hoạt nội bộ:
Là những bài viết thể hiện tâm tư tình cảm, suy nghĩ, nguyện vọng của Huynh trưởng, đoàn sinh. Đây là những đề tài chính yếu, nhiều về số lượng, lại phong phú nhất về nội dung nói lên trung thực và sâu sắc nội tâm của các em, nên cần chú trọng để động viên các em đóng góp bài viết. Một tờ nội san sẽ có được sắc thái riêng khi chứa đựng nhiều phản ánh sinh hoạt, nêu bật được tâm tư tình cảm gắn bó thương yêu đoàn kết trong nội bộ, tinh thần hăng hái dũng tiến của tất cả Huynh trưởng và đoàn sinh. 
2.3. Loạt bài đặc biệt theo chủ đề:
Gồm các bài viết phù hợp với từng thời gian sinh hoạt công tác có những sự kiện đặc biệt và quan trọng như số đặc biệt mừng Phật đản, Vu lan, Thành đạo, Số xuân, Chu niên, ngày Dũng, ngày Hạnh, ngày Hiếu … 
2.4. Loạt bài thời sự:
Viết về thời sự Phật giáo, GĐPT và các tin tức sinh hoạt khác liên quan đến sinh hoạt của tổ chức hay đơn vị. 
2.5. Loạt bài phụ diễn:
Gồm truyện cổ, chuyện vui cười, ký hoạ, câu đố … làm cho tờ báo thêm vẻ tươi vui, sống động, đỡ khô khan. 
3. Cách thực hiện tờ nội san: 
Một số việc cơ bản khi muốn thực hiện một tờ báo nội san cho đơn vị như sau: 
3.1. Đặt tên báo:
Tên báo chính là hình ảnh, biểu hiện bản sắc riêng, là tinh thần là hơi thở là “chất máu” của đơn vị mà khi nhìn tờ báo, cầm tờ báo trên tay, lật từng trang tờ báo là các em hình như nghe được tiếng gọi thân thiết, lấy làm vui sướng, tự hào và sẽ nâng niu trân trọng giữ gìn như một báu vật. Cho nên BHT cần nghiên cứu, cân nhắc chọn đặt tên báo phù hợp với đặc điểm hoàn cảnh, tâm tư, bản nguyện của đơn vị mình. 
Tên tờ nội san là duy nhất từ trước về sau dù báo ra đều đặn thường xuyên.
3.2. Thành lập Ban biên tập:
Ban biên tập gồm những Huynh trưởng chịu trách nhiệm lãnh đạo điều khiển và một số có khả năng về văn nghệ báo chí, được BHT giáo nhiệm vụ điều hành việc biên tập về nội dung, hình thức trình bày, viết vẽ, in ấn để đảm bảo tính chất tinh thần tờ báo cũng như hình thức được mỹ quan, ra mắt đúng thời gian. Một ban biên tập gồm một số chức vụ chủ yếu là: 
* Tổng biên tập: Điều hành chung, trách nhiệm pháp lý về nội dung tờ báo trước đơn vị, nghiên cứu thiết lập nội dung, xác định chủ đề cho từng số báo, xét duyệt tuyển chọn bài vở trước khi “lên khuôn”. Chức vụ này thường là Gia trưởng, hoặc LĐT trực tiếp đảm trách. 
* Phó tổng biên tập: Phụ tá cho tổng biên tập trong việc nghiên cứu nội dung, xác lập chủ đề, tuyển chọn bài vở và giải quyết các việc liên quan khác. 
* Thư ký toà soạn: Tiếp nhận sắp xếp bài vở để trình Tổng biên tập, Phó tổng biên tập giải quyết. Phụ trách các việc giao dịch và các việc thuộc văn phòng toà soạn. 
* Quản lý: Nếu có điều kiện có thêm người phụ trách quản lý thu chi. 
Là Nội san thì trên nguyên tắc, tất cả Huynh trưởng, đoàn sinh trong đơn vị cần viết bài gửi cho ban biên tập để tuyển chọn đăng báo, nhưng trên thực tế, một số lớn anh chị em do không quen hoặc do e ngại … nên sự đóng góp bài vở khó đáp ứng được yêu cầu, vì thế ban biên tập có lúc phải phân công nghiên cứu, sưu tầm để viết thêm bài hoặc sửa chữa phần nào các bài viết nhận được để cho đăng báo. 
* Tổ biên tập viên và ấn loát: Ngoài các chức cụ chính trên, còn có thể thêm một tổ biên tập và ấn loát gồm các Huynh trưởng, đoàn sinh tuỳ khả năng phụ trách nội dung, hình thức về một mảng đề tài, viết vẽ, trình bày, đánh máy, in ronéo, photocopy, xếp giấy, đóng tập tuỳ theo hình thức và nhu cầu của tờ báo. 
Một điểm cần lưu ý nữa là ban biên tập phải có kế hoạch sưu tập bài vở, vận động khéo léo Huynh trưởng và đoàn sinh đóng góp bài vở để nuôi dưỡng, duy trì cho báo ra đều đặn thường xuyên, không “chết yểu” và ngày mỗi khởi sắc thăng tiến. 
KẾT LUẬN: 
Văn nghệ GĐPT nói chung, báo chí nói riêng, trong đó có Nội san là một khí cụ tu học sắc bén có tác dụng không nhỏ đối với Huynh trưởng đoàn sinh. Trên đây chỉ là những nét phác hoạ cơ bản về ý nghĩa và việc điều hành. Một tờ nội san tốt là khi có nội dung phong phú đúng tinh thần văn nghệ GĐPT, có hình thức trang nhã, được duy trì liên tục do sự nhiệt tình đóng góp xây dựng và đón nhận của toàn đơn vị, trong đó một phần lớn là nhờ ý thức trách nhiệm, tinh thần yêu mến tổ chức, lòng ham thích văn nghệ, óc sáng tạo, sự khéo léo bén nhạy và năng lực của toàn ban báo chí được tin cậy giao nhiệm vụ. 
Về hoạt động báo chí, người Liên đoàn trưởng có hai việc phải làm:
– Một là hướng dẫn theo dõi động viên, thúc đẩy việc thực hiện báo chí ở các Đội, Chúng, Đoàn được đồng đều nề nếp.
– Hai là nhận thức đúng mức tính chất quan trọng cần thiết của tờ báo của GĐPT mà quyết tâm vượt mọi khó khăn, mạnh dạn chủ trương tổ chức thực hiện cho kỳ được tờ Nội san của đơn vị. 
Một tờ nội san có giá trị, ra mắt thường xuyên sẽ là niềm tự hào vinh dự và tài sản tinh thần quý báu của toàn đơn vị. Đặc biệt trong thời đại công nghệ hiện đại ngày nay, một GĐPT cũng có thể thực hiện được một trang tin một tờ báo điện tử cho đơn vị vậy.
Cần chú ý tính khế thời của các bài viết trên nội san.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.