LẮNG NGHE TIẾNG NÓI ĐOÀN SINH VÀ HUYNH TRƯỞNG NĂM 2020
Bản báo cáo được trình bày dưới dạng slide; được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi chuyển sang văn bản để dễ tham khảo hơn:
BÁO CÁO KẾT QUẢ KHẢO SÁT
“Lắng nghe tiếng nói Đoàn sinh và Huynh trưởng năm 2020”
Trình bày: Htr Quảng Tâm Tôn Thất Kỳ Văn
(Ủy viên Thiếu Nam BĐH)
NỘI DUNG CHÍNH
1. TỔNG QUAN VỀ ĐỢT KHẢO SÁT
2. CÁC PHÁT HIỆN CHÍNH
2.1 Tình hình sinh hoạt hiện nay
2.2 Thực trạng về đội ngũ Huynh trưởng
3. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
3.1 Đối với Đoàn sinh
3.2 Đối với Huynh trưởng
4. KẾT LUẬN
- TỔNG QUAN VỀ ĐỢT KHẢO SÁT
1.1 TÊN GỌI: “Lắng nghe tiếng nói đoàn sinh và Huynh trưởng năm 2020”
1.2 MỤC ĐÍCH:
Nắm bắt tâm tư nguyện vọng, mong muốn của đoàn sinh và Htr từ các đơn vị cơ sở để BĐH Tp. Huế nghiên cứu và đổi mới hoạt động trong năm 2021 và các năm sắp đến cho phù hợp với xu thế xã hội thời kỳ mới.
1.3 CÂU HỎI KHẢO SÁT:
“Trong năm 2021, nếu anh/chị/em muốn thay đổi 1 điều trong chương trình tu học sinh hoạt thì đó là điều gì?” (không giới hạn nội dung: các ACE có thể nêu bất cứ ý kiến gì liên quan đến sinh hoạt tu học, phương pháp/nội dung dạy và học, tổ chức vui chơi, huấn luyện, thể thao, văn nghệ, giao lưu, tham quan, cắm trại…)
1.4 SỐ LƯỢNG THAM GIA KHẢO SÁT
- 268 Huynh trưởng và đoàn sinh từ 14 đơn vị GĐPT
- 20 phụ huynh gửi ý kiến
- Các kênh phản hồi thông tin: bình luận trên Facebook, tin nhắn Messenger, gửi Email, trao đổi trên điện thoại, Zalo…
- CÁC PHÁT HIỆN CHÍNH
2.1 TÌNH HÌNH SINH HOẠT HIỆN NAY
- Số lượng đoàn sinh các đơn vị giảm sút nghiêm trọng sau các đợt dịch bệnh, bão lụt do nghỉ sinh hoạt kéo dài. Tinh thần sinh hoạt đi xuống, nhiều đơn vị số lượng chỉ còn một nửa (15-20 đoàn sinh/tuần). Một số đơn vị tình hình rất nguy cấp, có nguy cơ bị giải tán.
- Việc đi học thêm, phụ đạo, bồi dưỡng vào cuối tuần rất phổ biến nên các em không còn thời gian đi sinh hoạt.
- Vì GĐPT chậm thay đổi, đi vào lối mòn nên phụ huynh cho các em chuyển sang sinh hoạt với các tổ chức khác trẻ trung năng động hơn (các CLB đội nhóm, Hướng đạo sinh…).
2.2 THỰC TRẠNG VỀ ĐỘI NGŨ HUYNH TRƯỞNG:
- Năm 2020 là một năm kinh tế vô cùng khó khăn nên đa phần Htr trẻ phải tập trung chuyển đổi nghề nghiệp, xoay sở mọi cách lo tìm kiếm thu nhập nên không còn thời gian đi sinh hoạt.
- Nhiều đơn vị/đoàn rơi vào cảnh rắn mất đầu, mỗi Htr phải kiêm nhiệm nhiều vị trí do Htr trẻ phải lo lắng sinh kế, chu toàn bổn phận gia đình, thậm chí phải đi làm ăn xa nên đành phải rời khỏi tổ chức.
- Công tác đào tạo và huấn luyện Htr còn nhiều bất cập, lạc hậu, thời gian kéo quá dài nên nhiều Htr trẻ không thể dù rất muốn theo học các khoá Kiên Trì Định và các trại huấn luyện.
- Chất lượng đào tạo thấp: Nhiều Htr dù đã tốt nghiệp các trại huấn luyện nhưng vẫn hạn chế trong kỹ năng cầm còi, tổ chức sinh hoạt, thụ động trong việc lập kế hoạch tu học/sinh hoạt của đoàn/đơn vị. Tại nhiều đơn vị GĐPT, các Htr hầu như không nắm được nghiệp vụ sư phạm và đổi mới công tác dạy học, lúng túng không biết xử lý các tình huống phát sinh trong đoàn/đơn vị. BHT của nhiều đơn vị chậm ứng dụng công nghệ thông tin/mạng xã hội trong việc tu học và sinh hoạt ở Gia Đình…
- Những nguyên nhân này chủ yếu là do công tác đào tạo và huấn luyện Htr quá nặng về lý thuyết, ít mang tính thực hành/rèn luyện kỹ năng, và không cập nhật những thông tin/kỹ năng mới và chia sẻ kinh nghiệm thực tế. Đồng thời cũng thiếu các khóa bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao nghiệp vụ Htr để giúp đội ngũ Htr luôn năng động, nhạy bén, nắm bắt xu thế xã hội, đặc biệt là những nhu cầu trong giới trẻ hiện nay để biết cách thu hút các em.
- ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
3.1 ĐỐI VỚI ĐOÀN SINH
a) Để duy trì và tiếp tục thu hút các đoàn sinh hiện nay:
- Các Htr cầm đoàn cần triệt để đổi mới công tác giảng dạy, chuẩn bị giáo án đầy đủ, sử dụng tranh ảnh nhiều hơn, áp dụng các phương pháp thảo luận nhóm, thuyết trình, hỏi đáp, lồng ghép đố vui, trắc nghiệm và đặc biệt phải có phần đúc kết áp dụng thực tế sau mỗi bài học (Vd: dạy bài Lục Hòa thì phải có phần ứng dụng thực tế trong cuộc sống).
- Tại từng đơn vị GĐ: Hàng tuần mỗi tiết học chỉ tổ chức trong vòng 30 phút, sau đó là phần sinh hoạt văn nghệ, trò chơi, thi đua…Mỗi tháng chỉ tu học 3 tuần và xen kẽ giữa các bộ môn (Phật pháp, Văn nghệ, Hoạt động thanh niên…), tuần thứ 4 nên cho các em sinh hoạt bên ngoài, vd đi ra ngoài công viên, đến thăm một đơn vị láng giềng, đạp xe khám phá Huế, tham quan một ngôi chùa để thay đổi không khí sinh hoạt…
- Tổ chức sinh hoạt theo cụm giữa các đơn vị lân cận theo hình thức liên GĐ để đơn vị mạnh hỗ trợ các đơn vị yếu hơn. Đồng thời các em có cơ hội giao lưu, sinh hoạt, làm quen bạn bè mới, thay đổi môi trường tu học, sinh hoạt…Các cụm có thể tổ chức hoạt động theo quý – cùng nhau đi cắm trại, dã ngoại, tham quan, tổ chức đố vui Phật pháp như Rung chuông Trí tuệ, Đường về Hy Mã Lạp Sơn, thi đua Trò chơi lớn, kể chuyện theo tranh, thi khéo tay như vẽ, thêu, cắt dán, cắm hoa…)
- Ủy viên ngành và UV chuyên môn nghiên cứu tổ chức các hoạt động giao lưu/thi đua văn nghệ, thể thao để chào mừng 70 năm Kỷ niệm GĐPT VN (Vd: Giải bóng đá, cờ vua, Cuộc thi đoàn sinh giỏi, Hội thi hát bài hát sinh hoạt tập thể, Tiếng hát đoàn sinh, Tiếng hát Htr, thi làm đèn trung thu, Liên hoan múa lân…)
b) Để bổ sung và phát triển lực lượng đoàn sinh mới:
- Nghiên cứu tổ chức chương trình “Một ngày sinh hoạt dành cho giới trẻ” để các bạn học sinh cấp 1, cấp 2 trong địa phương có cơ hội trải nghiệm và làm quen với môi trường và phương thức sinh hoạt của GĐPT. (Có thể một cụm 3-4 đơn vị cùng nhau tổ chức tại một điểm).
- Mục tiêu: giúp những thanh thiếu nhi lâu nay bận rộn học hành, thi cử, học thêm học bớt…và quá mê chơi game, điện tử, TV, Ipad, Iphone…có 1 khoảng thời gian tách ra khỏi thế giới ảo để sống với thế giới thực và tương tác, giao lưu, học hỏi lẫn nhau một cách trọn vẹn hơn, đồng thời cũng để thư giãn sau những thời gian học tập bận rộn.
- Đối tượng: học sinh cấp 1, cấp 2 con em các đạo hữu trong khuôn hội, bạn bè của ĐS hiện tại, các em thanh thiếu nhi ở trong phường/khu phố…
- Thời gian: vào khoảng cuối tháng 5 khi các em vừa kết thúc năm học, sau đó phụ huynh sẽ thu xếp bố trí cho con em đi sinh hoạt thường xuyên trong mùa hè. Một khi đã hứng thú và có thể sắp xếp được việc học tập, các em có thể trở thành đoàn sinh lâu dài.
- Mỗi năm trong 1 cụm 3-4 đơn vị có thể tổ chức một đợt như thế này để hướng đến việc thu hút và phát triển đoàn sinh mới.
3.2 ĐỐI VỚI HUYNH TRƯỞNG
3.2.1 Đối với hệ thống đào tạo chính chức theo cấp bậc (Kiên, Trì, Định…): cần triệt để đối mới công tác đào tạo và huấn luyện Htr:
Thực hiện phương châm tinh gọn, giảm tải, chú trọng kỹ năng/thực hành hơn lý thuyết, hiện đại hóa quy trình đào tạo (đặc biệt cần áp dụng phương pháp học tập của người trưởng thành, hệ thống học hàm thụ, tự nghiên cứu – tự học). Cụ thể:
a) Đối với các lớp học Kiên – Trì – Định: chỉ tổ chức gói gọn trong 3 tháng (từ tháng 02-04 hàng năm), thời lượng 2 tuần/lần. Ban điều hành lớp học gửi trước cho học viên các tài liệu cần nghiên cứu (qua email hoặc tải về trên Google Drive). Các tiết học tập trung chỉ đi sâu vào thảo luận các chủ đề khó, khuyến khích tính phản biện, đặt câu hỏi, chia nhóm trao đổi, tọa đàm cách ứng dụng các chủ đề Phật pháp vào cuộc sống. Cần bổ sung các tiết học về phương pháp sư phạm căn bản, kỹ năng xây dựng giáo án, làm tranh ảnh dạy học, kỹ năng tổ chức các hoạt động thảo luận nhóm/thuyết trình, thi đua, đố vui trong khi dạy (Vd: lồng ghép học mà chơi, chơi mà học…), bố trí đi thực tập dự giờ như quy trình đào tạo của ngành sư phạm. Các bài kiểm tra cuối năm cũng cần thay đổi theo hướng rà soát tính ứng dụng chứ không kiểm tra trí nhớ.
b) Đối với các khóa huấn luyện Htr: áp dụng phương pháp học hàm thụ – gửi trước tài liệu, chỉ tổ chức gói gọn trong 3 ngày – từ sáng Thứ Sáu đến chiều CN. Tại đất trại không giảng lý thuyết suông mà chỉ tập trung vào phần huấn luyện và chia sẻ kỹ năng cầm đoàn, kinh nghiệm lãnh đạo đơn vị dựa trên các ví dụ thực tế.
Cụ thể, đối với Htr cầm đoàn, chương trình huấn luyện cần bổ sung thêm các kỹ năng cần thiết trong giai đoạn hiện nay là:
- Bổ sung các chủ đề về kỹ năng thuyết trình, phát biểu trước đám đông, làm MC, làm việc nhóm và xây dựng tinh thần đồng đội.
- Huấn luyện các kỹ năng tổ chức các hoạt động “học mà chơi – chơi mà học” phù hợp theo độ tuổi (Vd: lớp 1-2-3 thích các hoạt động tô màu, thi nối từ; trong khi đó lớp 4-5-6 thích sáng tác truyện, sắm vai, kể chuyện theo tranh…).
- Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các sinh hoạt giao lưu, tổ chức trại, các sân chơi, sự kiện sinh nhật Đoàn, trò chơi gameshow cho đoàn sinh và giới trẻ (VD: Rung chuông trí tuệ, Nhanh như chớp nhí, đường về Hy Mã Lạp Sơn…)
- Nâng cao khả năng nắm bắt và nhạy bén với tâm lý và xu hướng của thanh thiếu nhi trong thời đại công nghệ 4.0.
- Áp dụng Công nghệ thông tin và Mạng xã hội trong việc cầm đoàn và tổ chức các hoạt động cho đoàn và đơn vị GĐPT (xây dựng Fanpage trên Facebook cho một đơn vị, cách đăng bài/ảnh và quản lý Fanpage, tạo kênh Youtube, làm livestream các sự kiện văn nghệ/lửa trại, tổ chức các cuộc thi online như Ảnh đẹp áo lam, thi thiết kế clip hoạt động của đoàn; tạo group Messenger/Zalo cho đoàn cũng như BHT để liên lạc thường xuyên…, hướng dẫn cho ĐS biết cách sử dụng Internet và mạng xã hội một cách an toàn, bảo mật…)
- Đối với HT lãnh đạo đơn vị, cần bổ sung các chủ đề về kỹ năng lãnh đạo và xây dựng đơn vị GĐPT vững mạnh: vd kỹ năng sử dụng các phầm mềm máy tính căn bản trong quản trị đơn vị (Word, Excel), kỹ năng lập kế hoạch theo tháng/quý/năm/nhiệm kỳ và tổ chức công việc hiệu quả, kỹ năng điều hành cuộc họp của một BHT có chất lượng, kỹ năng lãnh đạo đội ngũ Htr như: lãnh đạo nêu gương, lãnh đạo truyền cảm hứng, lãnh đạo không dài tay, lãnh đạo ủy quyền/trao quyền, lãnh đạo từ phía sau…
- Cải tổ triệt để thành phần giáo thọ sư và ban giảng huấn theo tinh thần tinh gọn, đổi mới, hiện đại và đội ngũ giảng viên phải nắm rõ các quy tắc sư phạm mới với phương pháp học của người lớn. Cần thống nhất phương pháp giảng dạy trong hàng ngũ giáo thọ sư và Ban giảng huấn và chấm dứt hoàn toàn việc đọc chép và trình bày lan man, dông dài…Nên mời các giảng viên/chuyên gia bên ngoài hướng dẫn các chủ đề mới.
- Hiện đại hóa toàn bộ quy trình đăng ký và theo dõi học viên:
- Nộp hồ sơ, ảnh, chứng chỉ và nhận tài liệu qua email, đăng ký học qua Google form…giúp tiết kiệm giấy, thời gian và xăng xe đi lại của học viên (sau này quy trình nộp báo cáo hàng năm của các đơn vị cho BHD Tỉnh và BĐH các huyện/TX cũng nên gửi qua email và cập nhật số liệu qua Google Sheet)
- Nộp lệ phí trại qua tài khoản ngân hàng – Internet banking …(các đơn vị GĐPT cũng có thể nộp các khoản phí cho BHD Tỉnh theo kênh này…)
- Tạo kho tư liệu huấn luyện trên Google Drive, tạo Fanpage, group Zalo cho từng lớp và khóa huấn luyện để các Htr thường xuyên tương tác, chia sẻ kinh nghiệm với nhau trong và sau khóa huấn luyện.
3.2.2 Đối với hệ thống đào tạo theo ngành và vị trí: cần bồi dưỡng thường xuyên để đào tạo lớp cán bộ nguồn cho các ngành, các đơn vị
- Xây dựng các “Khóa huấn luyện, bồi dưỡng” theo ngành với phương pháp “Đào tạo cán bộ nguồn” cho từng ngành (Oanh, Thiếu, Thanh…) – Bắt đầu từ tỉnh, sau đó xuống huyện/thị, và lan tỏa xuống từng đơn vị.
- Tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ để xây dựng đội ngũ kế cận (theo phương pháp 1 kèm 1) cho các vị trí như: Gia trưởng, Liên đoàn trưởng, Thư ký, Thủ quỹ…
- Bồi dưỡng nghiệp vụ tổ chức Trại với các chức danh chủ chốt như Trại trưởng, Trại phó, Thư ký, Đời sống trại….
- Định kỳ tổ chức các khóa tu tập cho Htr trẻ để trau dồi tuệ giác của đạo Phật, bồi dưỡng đạo tâm kiên cố và lòng trung kiên với Giáo hội và tổ chức, từ đó các em sẽ sẵn sàng phục vụ, dấn thân, hy sinh, gắn bó lâu dài vì tương lai của Giáo hội và Tổ chức GĐPT.
4. KẾT LUẬN
- Sự thay đổi của xã hội hướng đến thời đại công nghệ số 4.0 là không thể đảo ngược. Vì thế GĐPT phải thay đổi nếu muốn duy trì, tồn tại và phát triển.
- Rất mong chư tôn đức các cấp Giáo hội thấu cảm và ủng hộ cho quá trình đổi mới của GĐPT và kính mong BHD TƯ, BHD các Tỉnh/Thành và BĐH GĐPT các huyện/TX tiếp thu các ý kiến và mạnh dạn đưa vào chương trình hành động năm 2021 và những năm sắp đến những đề xuất/kiến nghị của đông đảo đoàn sinh và Htr nêu trên!