TỔ CHỨC TRÌNH DIỄN VĂN NGHỆ SÂN KHẤU

TỔ CHỨC TRÌNH DIỄN VĂN NGHỆ SÂN KHẤU

 

Văn nghệ bao gồm văn chương và nghệ thuật là các ngành hoạt động dùng ngôn ngữ văn tự, âm thanh, hình ảnh, màu sắc, ánh sáng đường nét, động tác … xây dựng thành hình tượng có tính gợi cảm để phản ánh đời sống, phô diễn tình cảm, ý nghĩ, trình bày tư tưởng, thái độ, lý tưởng của con người đồng thời gây niềm thông cảm, tác động đến nhận thức tình cảm ý chí của người khác và xã hội.

 Do đó văn nghệ có nội dung rất phong phú và các hình thức rất đa dạng. Mỗi dân tộc, quốc gia, xã hội tuỳ từng thời đại mà có một nền văn nghệ nhất định.
 Văn nghệ GĐPT dựa trên tinh thần văn nghệ Phật giáo có mục đích giáo dục chuyển hoá rõ rệt, là một hình thức sinh hoạt rất quan trọng, cần thiết và phổ biến, đầy sinh động, có sức thu hút và tác dụng hổ trợ mạnh mẽ nên được thiết lập thành một trong bốn bộ môn tu học, bên cạnh các môn Phật pháp, hoạt động thanh niên, hoạt động xã hội.
 Ở trại A Dục, Huynh trưởng trại sinh đã được tìm hiểu ý nghĩa, mục đích, chức năng tính chất văn nghệ nói chung, văn nghệ GĐPT nói riêng. Ở đây chỉ nhắc lại sơ lược các điểm căn bản ấy trước khi đi vào trọng tâm đề tài là cách thức tổ chức trình diễn văn nghệ sân khấu, là một hình thức hoạt động văn nghệ phức tạp, đa dạng, rất khó khăn vì đòi hỏi nhiều điều kiện về trình độ diễn xuất của diễn viên, về chất lượng nội dung, năng lực tổ chức điều hành và cả phương tiện, tài chính dồi dào. Các BHT chúng ta thường rất ước mơ tổ chức văn nghệ sân khấu, nhưng lại không đủ khẳ năng điều kiện, hoặc có đơn vị cố gắng để thực hiện thì lại thường vấp nhiều khuyết điểm.
 I. VỊ TRÍ VĂN NGHỆ GĐPT:
 Là một tổ chức giáo dục thanh thiếu nhi trên nền tảng giáo lý đạo Phật, nên GĐPT đã vận dụng bộ môn văn nghệ làm lợi khí giáo dục, phương tiện chuyển hoá nhân cách. Vì vậy, văn nghệ GĐPT có vị trí quan trọng và mục đích nhất định:
– Văn nghệ là một bộ môn tu học đứng sau bộ môn Phật pháp và song song hổ tương với các bộ môn tu học khác như hoạt động thanh niên, hoạt động xã hội.
– Về hình thức, văn nghệ GĐPT là một phương tiện giải trí thanh nhã, vui chơi lành mạnh, tạo nguồn vui, điểm thêm nét tươi trẻ cho đoàn viên trong tu học sinh hoạt GĐPT cũng như đời sống thường ngày.
– Về tinh thần, là lợi khí giáo dục dẫn dắt thanh thiếu nhi đến với đạo pháp, thâm nhập giáo lý, là nguồn cảm thông để phát triển đức tin, đề cao và gắn bó lý tưởng tổ chức, hình thành nhân cách, xây dựng những đức tính yếu tố cần thiết của người Phật tử chân chánh.
II. ĐẶC TÍNH VĂN NGHỆ GĐPT:
 Để thực hiện chức năng giáo dục, văn nghệ GĐPT phải đảm bảo các đặc tính cốt yếu:
– Dựa trên nguyên tắc căn bản cố hữu của GĐPT là: Mục đích GĐPT-Châm ngôn Bi Trí Dũng.
– Tôn trọng và thể hiện chân thiện mỹ nên văn nghệ GĐPT loại trừ thứ văn nghệ diễm tình, ly khai thứ văn nghệ uỷ mị dâm uế khơi gợi dục vọng, kích động căm thù bạo lực.
– Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc
– Nghiêng về hiện thực xã hội
– Nhắm tới cứu cánh giải thoát
Nếu không nắm rõ mục đích và hiểu rõ các đặc tính văn nghệ GĐPT, người Huynh trưởng sẽ dễ sai lầm khi sử dụng văn nghệ không những không có tác dụng giáo dục mà còn ảnh hưởng tai hại đặc biệt là trong trường hợp trình diễn văn nghệ sân khấu trong số người thưởng ngoạn sẽ có số đông quần chúng.
 Ở trại A Dục Huynh trưởng đã học tập về cách tổ chức văn nghệ lửa trại. Ở đây đề cập việc tổ chức văn nghệ sân khấu một hoạt động văn nghệ diễn ra ở cấp liên đoàn thuộc nhiệm vụ của LĐT.
 III. CÁCH TỔ CHỨC TRÌNH DIỄN VĂN NGHỆ SÂN KHẤU:
 Tiến hành tổ chức trình diễn văn nghệ sân khấu là một quá trình hoạt động phức tạp, khó khăn, mệt nhọc, sẽ phát sinh nhiều vấn đề, hao tốn nhiều công sức tiền của so với các hoạt đọng khác, mà kết quả thì khó đoán chắc.
Tuy vậy, ở đây cần nêu lên một số điểm cần thiết cho Huynh trưởng, nhất là LĐT phải nắm vững để khi tổ chức thực hiện trong đơn vị được thành công.
 1. Trường hợp tổ chức:
 Một đơn vị GĐPT có thể tổ chức trình diễn văn nghệ sân khấu vào các dịp lễ lớn như kỷ niệm Phật đản, Vu lan, Thành đạo hoặc lễ GĐPT như Chu niên, chính thức.
 2. Phạm vi tổ chức:
 Tổ chức riêng đơn vị, hoặc liên gia đình phối hợp, hay đơn vị huyện, thị xã hoặc BHD tuyển chọn các tiết mục khá nhất của các đơn vị. Ở đây chủ yếu hướng dẫn cho các đơn vị tổ chức.
 3. Điều kiện tổ chức:
 Đơn vị GĐPT chỉ nên tổ chức văn nghệ sân khấu khi việc tu học định kỳ, sinh hoạt thường được đều đặn kết quả tốt, thực hiện nghiêm túc mọi chủ trương chỉ thị về hoạt động Phật sự BHD đã đề ra.
– Khi xét Huynh trưởng và đoàn sinh đủ tiềm năng văn nghệ, có trình độ để diễn xuất vững vàng, đạt yêu cầu.
– BHT đủ năng lực để tổ chức tập luyện và điều hành mọi việc liên quan, đơn vị có đủ khả năng tài chánh.
– Phải có sẵn đầy đủ nội dung các tiết mục hợp chủ đề như kịch bản, nhạc bản … Nếu là các “tác phẩm” tự sáng tác, biên tập, cải biên thì phải trình BHD duyệt bản, không được tự ý trình diễn các tiết mục nội dung nghèo nàn, vay mượn vụng về, xa rời hay mâu thuẩn với tinh thần văn nghệ GĐPT.
– Phải trình xin phép BHD trước ít nhất 1 tháng và phải được chấp thuận mới được khởi công tập dượt.
 4. Nội dung chương trình, số lượng tiết mục thời gian:
 Điều quan trọng nhất là nội dung chương trình phải đúng tính chất văn nghệ đạo pháp, GĐPT có tính giáo dục cao, phản ánh sinh hoạt tổ chức, hợp chủ đề và trường hợp tổ chức (Phật đản, Vu lan…)
– Phải đủ các thể loại chính: Kịch ca nhạc, vũ, hoạt cảnh, nhạc cảnh.
– Số lượng tiết mục vừa phải, tương ứng với thời gian từ trên dưới 2giờ30’, khoảng 15-20 tiết mục (kể cả các màn của vỡ kịch chính). Không nên có quá nhiều tiết mục và thời gian quá dài.
– Thường là diễn vào ban đêm, nên phải chuẩn bị kỷ, nhanh gọn, sẵn sàng để khai diễn sớm, không nên rề rà, chậm chạp, thiếu cái này hỏng vật kia khiến khán giả phải chờ đợi quá lâu sinh chán, không còn hứng thú thưởng thức.
5. Các bước tổ chức:
a. Chuẩn bị:Phải có thời gian chuẩn bị lâu ngày, chu đáo.
Kết tập nội dung đề tài các tiết diễn (kịch bản, nhạc bản …). Các bản văn đề tài phải có xuất xứ rõ ràng, nhạc phải đúng lời có phần ký âm. Kịch bản phải sao thành nhiều bản (mỗi diễn viên một bản để học thuộc trước khi tập).
 b. Xin phép:  Gửi đơn xin phép BHD, qua ý kiến của BĐD huyện, thị xã ít nhất trước 1 tháng kèm theo chương trình các tiết mục và các bản văn nội dung, đặc biệt là kịch bản.
– Liên hệ BĐD Niệm Phật đường để xin phép chính quyền địa phương.
– Sau khi gửi đơn phải liên hệ để biết kết quả và tiếp thu các chỉ thị chỉ đạo của BHD mới tiến hành tập dượt.
 c. Phân công: Phân công đúng khả năng của từng Huynh trưởng phụ trách các nhiệm vụ.
– Các đạo diễn các bộ môn: Kịch, nhạc, vũ …
– Huynh trưởng phụ trách đạo cụ, âm thanh, ánh sáng, y trang, hoá trang, sân khấu, trật tự, giao dịch, tiếp tân, hành chánh … Lưu ý là đạo cụ, y trang, hoá trang … phải phù hợp không gian, thời gian, hợp nội dung, nhân vật. Không nên làm qua loa, sơ sài và sai lệch với nội dung.
– Tuyển chọn diễn viên phải phù hợp năng khiếu, tâm lý, ngoại hình (đặc biệt là kịch)
– Chọn nhạc công, sắm nhạc cụ các loại
– Xướng ngôn viên (dẫn chương trình) phải có sẵn bản chương trình thứ tự các tiết mục, chuẩn bị sẵn các lời giới thiệu, dắt dẫn nội dung chương trình ngắn gọn, nhưng súc tích ý nghĩa gợi cảm. Phải viết sẵn ra giấy và tập dượt cho thành thạo.
– Chọn người kéo màn (nếu cần), người phụ sắp xếp sân khấu, bố trí đạo cụ cho các cảnh diễn.
d. Tập dượt: Khi nhận được phúc thư cho phép của BHD thì bắt đầu tập dượt. Phải dự trù thời gian đủ để tập dượt thành thạo, diễn xuất tốt. Cần động viên, khích lệ các em hăng hái vui vẻ và cố gắng tập luyện.
 đ. Tổng duyệt: (Chạy chương trình ) Sau khi các em đã được thành thạo, đã chuẩn bị đầy đủ y trang, đạo cụ, nhạc cụ … sẵn sàng trình diễn, thì trình BHD xin tổ chức tổng duyệt xem xét chất lượng. Tổng duyệt chậm lắm là 10 ngày trước ngày trình diễn để có đủ thời gian bổ sung, sửa chữa.
 Sau khi tổng duyệt phải tiếp thu và chấp hành đúng theo các ý kiến chỉ đạo bổ khuyết, điều chỉnh của BHD.
 e. Trình diễn:
– Đạt thư mời quan khách (gồm BHD và BĐD huyện chủ toạ, NPĐ địa phương, Ban bảo trợ, ân nhân, phụ huynh BHT đơn vị bạn)
– Kiểm tra lại lần chót tất cả các mặt, sửa chữa lại các chi tiết về diễn xuất, nội dung theo chỉ thị của BHD.
– Căn cứ các tiết mục được duyệt chọn mà sắp xếp thứ tự cho hợp lý để việc trình diễn được dễ dàng liên tục, sân khấu không có thời gian chết.
– Kiểm tra sức khoẻ của các em diễn viên, cho các em ăn uống nghỉ ngơi đầy đủ, động viên tinh thần để các em vui vẻ cố gắng và vững tin khi diễn xuất.
– Sân khấu phải được hoàn tất trước 5 giờ chiều để tiến hành các phần trang bị phông màn, âm thanh, ánh sáng. Sân khấu phải chắc chắn, đủ rộng, thoáng đảng mặt hướng về phía thuận lợi cho khán giả, có tam cấp cho diễn viên lên xuống dễ dàng an toàn, đặt đạo cụ, dung cụ âm thanh, ánh sáng … cho phù hợp, đừng để che tầm nhìn của khán giả.
– Sắp xếp chổ ngồi của quan khách được đầy đủ.
– Bộ phận trật tự phải có kế hoạch chu đáo cụ thể. Lập hàng rào bảo vệ quan khách, sân khấu, tiên liệu các biện pháp đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra. Anh em làm nhiệm vụ trật tự tuyệt đối không được lỗ mãng, gây va chạm, khi có sự cố phải kiên quyết nhưng ôn hoà lịch sự để thuyết phục đối với những người (thường là thiếu niên) “gây khó dễ” cho đêm văn nghệ 
g. Sau khi trình diễn:
– Buổi trình diễn phải được tiến hành đúng giờ quy định (khai diễn cũng như kết thúc) để có đủ thời gian gấp rút thu dọn sân khấu, thu hồi và bảo quản dung cụ, vật tư … và cho các em nghỉ ngơi dưỡng sức.
– Các phần hành (nhất là thu chi tài chánh) phải tập hợp chuẩn bị số liệu để báo cáo trong phiên họp toàn BHT tổng kết, chậm lắm là sau 3-5 ngày. 
KẾT LUẬN: 
Văn nghệ nói chung, trình diễn văn nghệ sân khấu nói riêng là một hình thức tu học, sinh hoạt của GĐPT có mục đích tuyên dương đạo pháp ca ngợi tình yêu dân tộc quê hương đất nước, lý tưởng GĐPT, nhưng cũng là một công việc khó nhọc, phức tạp, hao tốn thời gian sức khoẻ của các em, đòi hỏi BHT phải am hiểu nghệ thuật tổ chức để buổi văn nghệ được thành công. 
Ngược lại chỉ vì một chương trình nghèo nàn, diễn xuất vụng về, tổ chức luộm thuộm thì kết quả sẽ rất tai hại. Sau một đêm văn nghệ, đơn vị sẽ rã rời mệt mỏi đã hao tiền tốn của công sức, nội bộ lại sinh lục đục đổ trách nhiệm cho nhau … mà lơ là việc tu học. 
Vì vậy, BHT nhất là người LĐT cần phải cân nhắc xem tình hình sinh hoạt thường lệ của đơn vị có đều đặn ổn định hay không, chương trình tu học có thực hiện đầy đủ hay chưa, và phải lượng sức mình khi dự định tổ chức trình diễn văn nghệ sân khấu.
Phải tôn trọng nguyên tắc: Văn nghệ GĐPT có mục đích đem Đạo vào Đời chứ không phải đem Đời vào Đạo.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.