TỔ CHỨC TRIỂN LÃM

TỔ CHỨC TRIỂN LÃM

Thông thường triển lãm là trưng bày cho công chúng xem các thứ có giá trị được sản xuất, chế tạo ra, hoặc các hiện vật, tài liệu … thể hiện sự thành tựu, thắng lợi, tiến bộ của một cá nhân, một cơ quan hay đoàn thể trong các lãnh vực hoạt động của đời sống. 
Đối với GĐPT là một tổ chức giáo dục thanh thiếu nhi về tất cả các mặt Đức Trí Thể Mỹ, áp dụng Ngũ minh pháp trong đời sống, có các hoạt động tu học sinh hoạt bao gồm các môn học Phật pháp, văn nghệ, hoạt động thanh niên, hoạt động xã hội trên cả hai phương diện lý thuyết và thực hành theo chương trình kế hoạch đã vạch sẵn. Như vậy GĐPT có một tinh thần và nội dung lẫn hình thức hoạt động đặc thù, một sức sống tiềm tàng, tất sẽ có những thành tựu nhất định trong quá trình hoạt động có ý nghĩa và ích lợi cho cuộc sống của một bộ phận quần chúng. 
Những thành tựu về các mặt hoạt động của GĐPT, nếu có điều kiện cũng rất nên trưng bày, để động viên tinh thần tinh tiến của Huynh trưởng đoàn sinh đồng thời phổ biến, giới thiệu sức sống, giá trị tinh thần của GĐPT với quần chúng. Đó là tổ chức triển lãm GĐPT. 
I. Ý NGHĨA MỤC ĐÍCH. 
Triển lãm GĐPT là một hình thức hoạt động trưng bày một cách khéo léo, mỹ thuật và khoa học các tác phẩm văn nghệ mỹ thuật, sản vật, hiện vật, tài liệu … do Huynh trưởng, đoàn sinh GĐPT sáng tạo, chế tác sản xuất, sưu tầm trong quá trình sinh hoạt tu học cho Huynh trưởng, đoàn sinh, đạo hữu, phụ huynh và cả quần chúng thưởng ngoạn. 
Triển lãm GĐPT nhằm mấy mục đích chính:
          – Giáo dục, xây dựng đức tin, khơi mở tinh thần đạo pháp, dân tộc quê hương, hun đúc lý tưởng GĐPT củng cố tình cảm gắn bó với tổ chức.
          – Phát huy trí sáng tạo, khiếu thẩm mỹ, yêu thích nghệ thuật, luyện tập sự khéo tay, tập tính cần cù siêng năng thích lao động, chịu khó, cẩn thận của đoàn sinh.
          – Phổ biến đạo pháp, giới thiệu tinh thần và sức sống GĐPT được rộng rãi. 
II. PHẠM VI, TRƯỜNG HỢP TỔ CHỨC: 
Từ đơn vị Đoàn, Gia đình cho đến Ban đại diện huyện, BHD tỉnh … đều có thể tổ chức triển lãm trong các trường hợp.
          – Các ngày lễ Phật giáo: Kỷ niệm Phật đản, Vu lan, Thành đạo
          – Lễ GĐPT: Chu niên, đại hội, Trại họp bạn … 
III. NỘI DUNG TRIỂN LÃM: 
Việc tổ chức triển lãm không phải chỉ đơn giản chuẩn bị trong một vài tuần lễ, một đôi tháng do sự ngẫu hứng mà phát động, rồi Huynh trưởng, đoàn sinh đêm ngày hì hục “sáng tác” vội vàng cho kịp trình bày, mà cần có sự tích luỹ các tác phẩm, chọn lựa chắt bòn, lưu giữ qua quá trình thực hành các bài học về đủ các bộ môn văn nghệ, hoạt động thanh niên, thủ công, nữ công gia chánh … trong chương trình tu học, là kết quả và thành tích hoạt động nhiều năm, thật dồi dào về số lượng, đa dạng về bộ môn, phong phú về nội dung và có giá trị nghệ thuật tương đối. 
 1. Tinh thần chung: 
a. Cuộc triển lãm phải nhằm mục đích giáo dục:
Điều quan trọng trước hết BHT phải biết rõ là các triển lãm phẩm phải do chính cá nhân Huynh trưởng, đoàn sinh hay tập thể Đoàn, Đội, Chúng … trong tinh thần mến đạo, yêu đời, đề cao lý tưởng đã làm ra bằng trí sáng tạo, sự khéo léo, đức tính cần cù, lòng ham thích lao động qua suốt quá trình sinh hoạt tu học nhiều năm mà anh chị em hằng yêu mến trân trọng và giữ gìn. 
b. Cuộc triển lãm phải thể hiện tính chất nghệ thuật thẩm mỹ:
Giá trị nghệ thuật thẩm mỹ không phải chỉ ở nơi các tác phẩm mà còn được thể hiện qua cách tổ chức, trưng bày, sắp xếp khoa học khéo léo và mỹ quan. 
2. Tác phẩm triển lãm: 
a. Nguồn và các loại tác phẩm:
Các tác phẩm triển lãm gồm sáng tác do Huynh trưởng, đoàn sinh trong đơn vị làm ra. Ngoài ra còn có các hiện vật, sản vật, tài liệu liên quan đến đạo pháp, việc tu học đã thành tựu hay được sưu tầm sau các thời gian sinh hoạt kể cả các sản vật thể hiện những nét đặc sắc trong đời sống vật chất, tinh thần của địa phương.
Các tác phẩm tuy nhiều, đa dạng, nhưng ta có thể xếp vào mấy loại chính:
– Văn chương: Gồm báo chí, sách vở, tài liệu
– Hội hoạ: Tranh vẽ các loại
– Điêu khắc: Khắc trên gỗ, phấn … nắn, đắp, chạm trổ, mô hình.
– Nhiếp ảnh: Ảnh nghệ thuật, ảnh tài liệu, tư liệu
– Thủ công mỹ nghệ: Sản phẩm các ngành nghề tiểu thủ công, mỹ nghệ, đan lát, mộc, nề, cơ khí…
– Nữ công gia chánh: May vá, đan thêu, mứt, bánh …
– Đặc sản địa phương 
b. Tiêu chuẩn và tinh thần tác phẩm:
 Từ nội dung yêu cầu của cuộc triển lãm, điều quan trọng thứ hai là các tác phẩm được lựa chọn cẩn thận đạt tiêu chuẩn và tinh thần nội dung cần thiết nhất định:
– Tác phẩm phải có tính đạo pháp và dân tộc
– Có giá trị nghệ thuật tương đối
– Thể hiện trí sáng tạo, sự khéo léo của tác giả
– Giới thiệu được sức sống và giá trị giáo dục của GĐPT 
III. THỰC HIỆN: 
Tất nhiên việc tổ chức phải qua các bước: Chuẩn bị, thực hiện và kết thúc 
* Bước chuẩn bị khi nào cũng phải kỹ lưỡng, tích luỹ tác phẩm qua nhiều năm tháng.
BHT họp bàn kế hoạch, rà xét lại khả năng về số lượng, chất lượng của “kho tàng” đơn vị đã có, khả năng sáng tạo mới trong thời gian tới để đưa vào dự án chương trình hàng năm vào một dịp lễ quan trọng và thuận lợi có ý nghĩa. Phát động trong đơn vị để tất cả Huynh trưởng, đoàn sinh phấn khởi chuẩn bị tinh thần tu bổ các tác phẩm có sẵn, sưu tầm thêm hiện vật tài liệu khác, sáng tác tiếp các tác phẩm mới. Động viên các em hăng hái đóng góp tác phẩm được dồi dào. 
* Tiến hành thủ tục xin phép BHD càng sớm càng tốt, phân công nhiệm vụ, dự trù kinh phí, khách mời, phác thảo chương trình khai mạc… 
* Khi thực hiện, cần nhớ: Phòng trưng bày phải đủ rộng đáp ứng đủ chổ cho số lượng tác phẩm, cao thoáng, không bị ảnh hưởng bởi mưa nắng, gió.
– Việc bố trí sắp xếp tác phẩm phải khoa học và mỹ quan: Hợp lý, đúng vị trí thích hợp, có thứ lớp, ngăn nắp, thoáng đảng, có lối đi rộng cho khách tham quan khỏi phải chen chúc.
Có thể phân chia từng gian cho mỗi loại tác phẩm.
– Có thể cử người hướng dẫn hay thuyết minh.
– Lập sổ lưu niệm để khách ghi ý kiến, cảm tưởng.
– Phụ bản ghi xuất xứ, tác giả hoặc giá phát hành (nếu có) của các tác phẩm.
– Phải phân công ban trực bảo quản phòng triển lãm suốt thời gian trưng bày
– Có thống kế số lượng lượt người tham quan và thăm dò dư luận của khách, có thể lập ban giám khảo tuyển chọn các tác phẩm xuất sắc để khen thưởng các tác giả tập thể được giải. 
* Sau khi cuộc triển lãm kết thúc, phải thu hồi kiểm kê tất cả vật dung, bảo quản các tác phẩm. 
Cuối cùng là họp BHT để nhận xét đánh giá kết quả cuộc triển lãm. 
KẾT LUẬN 
Một cuộc triển lãm thành công hẳn nhiên phải nhờ vào việc chuẩn bị kỹ lưỡng, do tích luỹ nhiều năm để có nhiều tác phẩm đặc sắc mang sắc thái dân tộc và đạo pháp, có tính chất sáng tạo nghệ thuật, thể hiện tinh thần và sức sống GĐPT được tổ chức khéo léo mỹ quan không những có tác dung giáo dục động viên tinh thần Huynh trưởng đoàn sinh mà còn giới thiệu được rõ nét và sâu sắc GĐPT với quần chúng. 
Vậy, một LĐT tài năng, nhiệt tình thường ưu tư về sự thăng tiến của đơn vị, thì ngoài việc tu học thường xuyên, thực hiện các hoạt động trong dự án sinh hoạt hằng năm, cần lưu ý cho đoàn sinh thực hành các bài học bằng cách sáng tác các tác phẩm rồi tích luỹ dần để khi có điều kiện thuận lợi thì tổ chức một cuộc triển lãm tạo nên sự phấn chấn cho đoàn sinh, lòng cảm mộ của quần chúng đối với GĐPT. Một LĐT há lại không bao giờ có niềm mơ ước ấy sao./.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.