CHUYỆN TIỀN THÂN VÀ CHUYỆN ĐẠO

CHUYỆN TIỀN THÂN VÀ CHUYỆN ĐẠO
(3 tiết)

A. CHIẾC CẦU MUÔN THUỞ (tiết 1)
 
I. MỤC ĐÍCH: Qua câu chuyện các em hiểu được Vượn Chúa là tiền thân của Đức Phật Thích Ca đã hy sinh thân mạng để cứu đồng loại.
II. NỘI DUNG BÀI GIẢNG
1. Nội dung câu chuyện:
Một khu rừng xanh tươi bên bờ thượng nguồn sông Hằng, xứ Ấn Độ, mọc một cây xoài khổng lồ. Đây là vương quốc của một bầy vượn số lượng cả ngàn con, do một con vượn chúa thân hình đẹp đẽ, sức mạnh phi thường lãnh đạo.
Đến mùa cây xoài trổ trái rất to và thơm phức, số lượng đủ dùng cho cả đàn vượn lớn này. Vượn chúa rất cẩn thận không để xoài lọt ra ngoài, bèn ra lệnh cho đàn vượn ăn hết trái khi còn xanh. Nhưng rủi thay, có một trái xoài to bị tổ kiến che lấp, dần dà chín mọng rụng xuống sông trôi theo dòng nước, lọt vào hồ bơi của vua xứ Ba La Nại trong lúc nhà vua đang tắm. Nhà vua thấy trái xoài to thơm lựng bèn cắt ăn thấy vô cùng thích thú.
Hôm sau vua ra lệnh đem một đoàn thuyền ngược dòng sông để tìm nơi cây xoài mọc, phải trải qua ba ngày mệt nhọc mới đến nơi. Nhà vua thấy đàn vượn đang nô đùa chuyền cành và ăn hết xoài, rất tức giận ra lệnh tàn sát đàn vượn. Nhưng trời đã tối nên quân lính chỉ bao vây chặt, đợi hôm sau sẽ ra tay.
Đêm đến cả đàn vượn vô cùng hoảng sợ, chỉ có con vượn chúa giữ bình tĩnh tìm cách cho cả đàn trốn thoát. Vượn chúa tìm đến một cành cây ngã ra dòng sông, dùng hết sức phóng qua bờ bên kia, tìm mấy đoạn dây song mây nối lại. Một đầu dây nối vào một gốc cây, một đầu buộc vào mình rồi vượn cố sức phóng về chỗ cũ để tạo thành một cây cầu dây. Nhưng rủi thay, sợi dây còn ngắn một đoạn, cho nên hai chân trước của vượn chúa chỉ bám vào được một cành cây, do vậy cả thân vượn chúa trở thành một đoạn dây nối.
Vượn chúa ra lệnh cho cả đàn bước qua thân mình và dây mây để lần lượt qua sông. Thấy bầy vượn e ngại chần chờ không nỡ dẫm lên thân vượn chúa, vượn chúa liền hết lời thúc dục. Trước tình thế nguy kịch, mặc dù quá thương vượn chúa, nhiều con phải rơi nước mắt nhưng cũng đành dẫm lên thân vượn chúa để qua sông. Cuối cùng đến phiên con vượn khá lớn tên Devadatta, vốn sẵn lòng ganh ghét vượn chúa cho nên nó cố dẫm thật mạnh lên mình vượn chúa làm vượn chúa đau đớn cực độ, nhưng vẫn cắn răng chịu đựng để cho con vượn gian ác được qua sông. Đến khi qua được rồi, vượn Devadatta thấy vượn chúa lông lá phờ phạt, thân cứng đờ như một khúc cây, nó động lòng ân hận và không cầm được hai hàng nước mắt.
Hôm sau, vua Ba La Nại ra lệnh tiến quân thì thấy không còn một con vượn nào nữa, mà chỉ thấy chiếc cầu dây bắt qua sông mà đầu dây này là thân một con vượn lớn. Các thợ rừng cho biết đây là con vượn chúa dám lấy thân mình để cứu đàn vượn của nó.
Chứng kiến tận mắt thấy cảnh dù là loài thú nhưng dám chấp nhận cái chết để cứu đồng loại, làm cho nhà vua tỉnh ngộ, thấy được mình là kẻ ích kỷ tàn ác sút gây nên cuộc thảm sát tàn khốc. Nhà vua bèn ra lệnh lui quân, và tự tay mình ân cần vuốt ve, vỗ về cho đến khi vượn chúa hồi tỉnh lại.
2. Nội dung câu chuyện:
Vượn chúa trong câu chuyện là tiền thân của Đức Phật Thích Ca. Câu chuyện toát lên tinh thần vượn chúa dám chấp nhận hy sinh thân mạng để cứu đồng loại thoát khỏi cảnh chết chóc. Gương hy sinh của con vượn chúa đã làm cho vua Ba La Nại thấy được lòng dạ hẹp hòi nhỏ nhen sút chút nữa bàn tay mình nhúng vào tội ác thảm sát.
Qua câu chuyện trên, các em càng mở rộng tình thương như điều luật thứ ba: “Em thương người và vật”.

B. CON VOI HIẾU NGHĨA (tiết 2)
 
I. MỤC ĐÍCH: Qua câu chuyện các em hiểu được con Voi trắng là tiền thân của Đức Phật Thích Ca có lòng chí hiếu phụng dưỡng cha mẹ.
II. NỘI DUNG BÀI GIẢNG
1. Nội dung câu chuyện
Ngày xưa ở xứ Ba La Nại có một vị vua thường hay dẫn lính vào rừng săn bắn. Một hôm, nhà vua bắt được một con voi trắng* tuyệt đẹp đem về, sai lính cho voi ăn uống thật đầy đủ và chăm sóc rất cẩn thận.
Mặc dù được cho thức ăn mà loài voi rất ưa thích, nhưng voi cứ khóc hoài, không chịu ăn uống gì cả. Tên lính được giao việc chăm sóc voi liền trình nhà vua biết. Nhà vua liền thân hành đến chuồng voi, hỏi voi nguyên cớ gì mà khướt từ ăn uống, lại cứ khóc mãi. Voi liền quỳ xuống thưa:
– Tâu bệ hạ, tôi còn cha mẹ ở rừng xanh, cả hai đã già yếu nên không thể đi kiếm ăn được, chỉ cậy nhờ một mình tôi. Nay tôi sa cơ, bị bệ hạ bắt về đây thì cha mẹ tôi không còn cậy nhờ ai nữa, chắc phải bị đói mà chết. Do vậy, ở đây, tôi thà chịu chết còn hơn là sống mà không làm tròn hiếu đạo đối với cha mẹ già.
Nghe voi nói vậy, nhà vua động lòng thương mới thả cho voi trở về rừng xanh. Để đáp lại lòng khoan dung của nhà vua, voi liền quỳ xuống nói lời cảm tạ và hứa sau khi cha mẹ voi qua đời, sẽ trở lại hầu hạ nhà vua.
Mười hai năm sau, một hôm trong khi nhà vua đang ngự tại triều bỗng con voi trắng năm xưa xuất hiện trong hình dáng gầy còm. Voi quỳ xuống thưa: “Nay cha mẹ tôi đã qua đời, nhớ lại lời hứa năm xưa, tôi trở về đây để hầu hạ vua”.
Nghe xong, nhà vua khen con voi thật là hiếu nghĩa và lại biết giữ lời hứa của mình. Từ đó vua sai người chăm sóc nuôi nấng con voi quý đó cho đến ngày nó già chết.
2. Ý nghĩa câu chuyện
Con voi trắng trong truyện là tiền thân của Đức Phật Thích Ca. Câu chuyện nói lên lòng chí hiếu của con voi, khiến vua xứ Ba La Nại cảm động phải thả nó về rừng tiếp tục phụng dưỡng cha mẹ già. Hơn nữa, voi vẫn nhớ và tôn trọng lời hứa của mình, khi cha mẹ đã qua đời, nó trở lại chốn triều đình để hầu nhà vua.
Qua câu chuyện, các em phải hết lòng hiếu thảo với cha mẹ. Ngoài ra, các em học tập đức tính giữ lời hứa. Mỗi khi hứa với ai một việc gì thì không được quên mà phải thực hiện lời hứa đó.
Ghi chú:
* Voi trắng rất quý hiếm, nước nào có được voi trắng là một điềm lành. Các anh chị trưởng cũng nên giải thích cho các em đôi nét về loài voi, để tạo không khí sinh động khi giảng bài đồng thời tăng thêm kiến thức cho các em. Trong lịch sử các nước Ấn, Lào, Thái Lan v.v… voi cũng xung trận rất anh dũng. Ở Việt Nam voi cũng đã lập nhiều công lao trong việc giữ nước và điển hình như thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu và vua Quang Trung v.v… Voi là con vật thông minh, có trí nhớ tốt và trung thành với người nuôi dưỡng nó. Voi có tinh thần đoàn kết trong đàn rất cao. Mỗi khi con nào chết, cả đàn tỏ ra thương tiếc, quyến luyến. Voi Châu phi có tập tính hung dữ nhưng gần đây người ta cũng thuần hoá được. Giữa hai loài voi Châu Á và Châu Phi giống nhau về tập tính nhưng có những điểm khác nhau về vóc dáng. Voi Châu Phi vóc dáng lớn hơn voi Châu Á, trán xuôi, không vồ như voi Châu Á. Hai tai voi Châu Á nhỏ, tai voi Châu phi lớn gấp ba. Một điểm khác biệt nữa là chỉ voi đực Châu Á mới có ngà, còn voi Châu Phi, tất cả voi cái và đực đều có ngà như nhau.
 

C. THẦY TỲ KHEO VÀ CON NGỖNG
 
I. MỤC ĐÍCH: Qua câu chuyện các em hiểu được Vị tỳ kheo đã tuân theo lời Phật dạy tôn trọng sự sống của muôn loài
II. NỘI DUNG BÀI GIẢNG
1. Nội dung câu chuyện
Có một vị Tỳ kheo đến khất thực một nhà nọ, người chủ mời vào nhà tiếp chuyện thì người chủ nhà vô tình làm tuột chiếc nhẫn mà không hay. Vừa lúc đó con ngỗng đi ngang qua thấy chiếc nhẫn, nó liền mổ và nuốt vào bụng. Lát sau, người chủ nhà mới biết mất chiếc nhẫn liền hỏi vị Tỳ kheo có trông thấy chiếc nhẫn không. Vị Tỳ kheo vẫn im lặng không trả lời, làm cho người chủ sinh nghi và vặn hỏi dồn dập, thế mà vị Tỳ kheo cũng giữ thái độ thản nhiên. Không kiềm chế được tức giận, người chủ nhà càng chưởi và xông vào đánh vị Tỳ kheo.
Một lát sau, người nhà vào báo cho người chủ hay con ngỗng tự nhiên lăn ra chết. Lúc này, vị Tỳ kheo mới chậm rãi nói: “Lúc nãy tôi trông thấy con ngỗng nuốt chiếc nhẫn, ông ạ!”. Chủ nhà liền sai mổ bụng con ngỗng, quả nhiên tìm thấy chiếc nhẫn.
Hối hận về sự hồ đồ nóng nảy của mình, người chủ sụp lạy và thưa: “Hồi nãy ngài thấy con ngỗng nuốt chiếc nhẫn sao thầy không nói làm cho con nỗi sân hận và xúc phạm danh thể của thầy!”.
Vị tỳ kheo từ tốn trả lời: “ông thắc mắc như vậy cũng phải, nhưng tôi chỉ sợ vì lời nói của tôi ông sẽ giết con ngỗng. Là người tu hành tôi tuyệt đối tôn trọng sự sống của muôn loài không chỉ bằng hành động mà cả lời nói”.
2. Ý nghĩa câu chuyện
Tuân theo lời Đức Phật dạy: Không được giết hại các loài vật bằng hành động hoặc bằng ý nghĩ hay lời nói. Do đó, dù biết con ngỗng đã nuốt chiếc nhẫn, vị Tỳ kheo giữ im lặng không nói ra mặc cho ông chủ nghi ngờ, xỉ vả và xúc phạm mình. Câu chuyện nêu bật hạnh nguyện tôn trọng sự sống bằng mọi cách trong mọi trường hợp. Vậy các em hãy tu học và nuôi dưỡng lòng yêu thương loài vật theo điều luật thứ ba: “Em thương người và vật”.

 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.