Ý THỨC, THÁI ĐỘ KHI THAM GIA GIAO THÔNG (Bậc Trung Thiện)

Ý THỨC, THÁI ĐỘ KHI THAM GIA GIAO THÔNG

 
1. Người tham gia giao thông.
Người tham gia giao thông được hiểu là người di chuyển trên các đường giao thông công cộng, bao gồm người đi bộ, người di chuyển bằng các phương tiện giao thông cá nhân hoặc công cộng. Đặc biệt chú trọng đến người điều khiển các phương tiện giao thông.
2. Mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng khi tham gia giao thông an toàn.
– Mối quan hệ gắn bó, chặt chẽ giữa cá nhân với cộng đồng khi tham gia giao thông an toàn. An toàn cho bản thân chính là an toàn cho cộng đồng, tạo nên nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, tôn trọng sự tự do của mỗi người trong xã hội.
– Mỗi người đều chấp hành tốt luật giao thông sẽ hạn chế cảnh thương tâm vì tai nạn giao thông. Thực tế sau nhiều vụ tai nạn giao thông đã để lại nhiều cảnh đời bất hạnh, gánh nặng cho xã hội.
– An toàn giao thông là sự bình yên của mỗi người, mỗi nhà khi tham gia giao thông.
3. Ý thức và thái độ khi tham gia giao thông
Các tai nạn giao thông xảy ra, phần lớn không phải do các yếu tố khách quan như hệ thống giao thông chưa phù hợp hay lưu lượng phương tiện giao thông quá nhiều. Ý thức và thái độ của người tham gia giao thông thường là nguyên nhân chính xảy ra các tai nạn giao thông thường ngày.
Nhiều tai nạn xảy ra là do người tham gia giao thông không tuân thủ các qui định về giao thông như: uống rượu, bia, dùng chất kích thích… không đủ tỉnh táo để làm chủ mình khi tham gia giao thông; chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng, vội vã vượt ẩu tranh đường; không đội mũ bảo hiểm, đùa giỡn khi giao thông; không kiểm tra kỹ thuật phương tiện giao thông, không chú ý quan sát khi tham gia giao thông,…
Phương tiện giao thông ngày càng hiện đại, tốc độ cao nên khi có tai nạn xảy ra thì hậu quả thật nặng nề. Chính ý thức, thái độ của chủ thể tham gia giao thông vì một lý do nào đó đã coi thường tính mạng của mình và người khác. Đó là nguyên nhân chính gây ra nhiều cảnh thương tâm, làm xói mòn lương tâm và đạo đức xã hội.
Khi tham gia giao thông chúng ta cần phải có ý thức và thái độ ứng xử phù hợp với văn hóa giao thông. Đó là ý thức chấp hành luật khi tham gia giao thông của mỗi người dân. Nghĩa rộng hơn, đó là cách ứng xử có văn hóa của mỗi người trong mọi tình huống khi tham gia giao thông, được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, về cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông.
4. Thực hành
a. Thông hiểu đầy đủ, đúng các quy định của pháp luật, luật giao thông …
b. Tự giác chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, không vi phạm các quy định.
c. Có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác khi đi lại trên đường. Không sanh tâm giận giữ khi có ai đó thiếu tôn trọng khi tham gia giao thông.
d. Có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự, chấp hành mọi chỉ dẫn của người thi hành công vụ…
e. Khi tham gia giao thông, đi trong chánh niệm. Quan sát và bình tâm xử lý tốt các tình huống giao thông để đảm bảo sự an toàn cho mình và người khác. Đừng để sự cố xảy ra rồi nhờ đến pháp luật xử lý.
 
CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Người tham gia giao thông có phải chỉ là những người lái xe lưu thông trên đường không?
2. Mối quan hệ và tầm quan trọng khi tham gia giao thông của cá nhân đối với cộng đồng như thế nào?
3. Các tai nạn giao thông xảy ra là do các yếu tố khách quan như hệ thống giao thông chưa phù hợp hay lưu lượng phương tiện giao thông quá nhiều không?
4. Để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, thực hiện nếp sống văn hóa giao thông, chúng ta phải có ý thức và thái độ khi tham gia giao thông như thế nào?

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.