BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SINH THÁI (Bậc Trung Thiện)

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SINH THÁI

Môi trường sinh thái là một hệ chỉnh thể có mối liên quan chặt chẽ với nhau giữa đất, nước, không khí và các cơ thể sống trong phạm vi toàn cầu. Sự rối loạn bất ổn định ở một khâu nào đó trong hệ thống sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Con người và xã hội đều là một bộ phận của thiên nhiên. Thông qua quá trình lao động, con người khai thác bảo vệ bồi đắp cho thiên nhiên. Cũng qua quá trình đó con người xã hội dần dần có sự đối lập với thiên nhiên.
1. Sự suy thoái môi trường sinh thái:
a. Trước hết là sự suy thoái tầng Ozon.
Tầng ozon là lớp khí (O3) rất dày bao bọc lấy trái đất và có tác dụng như là một cái đệm bảo vệ trái đất khỏi những tia cực tím của mặt trời chiếu xuống trái đất.
Cuối năm 1985 các nhà khoa học Anh đã phát hiện lổ thủng tầng Ozon ở Nam Cực, đến năm 1988 người ta lại phát hiện ra lổ thủng Ozon ở Bắc Cực,…
Nguyên nhân gây ra sự suy thoái tầng Ozon là do các hợp chất cacbon có chứa flo hoặc brôm. Ước tính hàng năm có khoảng 788.000 tấn CFC (clo-flo cacbon) thải vào môi trường, chất này được sử dụng rộng rãi trong công nghệ đông lạnh và chất dung môi.
Vấn đề suy giảm tầng Ozon đã và đang đụng chạm đến một trong những vấn đề nhức nhối và bức xúc nhất của nhân loại – vấn đề bệnh tật trong điều kiện xã hội phát triển. Tầng Ozon bị suy thoái sẽ tác động mạnh đến mọi sinh vật trên trái đất, làm tăng thêm các bệnh tật, làm giảm khả năng miễn dịch của con người.
b. Thứ hai là hiện tượng “hiệu ứng nhà kính”.
Trái đất và khí quyển được xem như là một nhà kính khổng lồ, trong đó trái đất có nguy cơ bị đốt nóng lên. Nhiệt độ của trái đất tăng lên được gọi là hiện tượng “hiệu ứng nhà kính”. Nguyên nhân của hiện tượng này là do sử dụng nhiều các nguyên liệu hoá thạch, do sự giảm sút diện tích rừng xanh …, lượng khí thải độc CO2, CH4 , CFC … vào thiên nhiên ngày càng nhiều.
Nhiệt độ của trái đất tăng lên sẽ làm tan khối lượng băng khổng lồ ở hai cực và làm cho mực nước biển dâng lên, là nguy cơ đe doạ rất nhiều quốc gia và đời sống của hàng triệu dân trên thế giới, trong đó đồng bằng Sông Cửu Long bị tác động nặng nề.
Hiện tượng “hiệu ứng nhà kính” gắn liền với một hiện tượng ô nhiễm môi trường khác không kém phần nguy hiểm đó là mưa axít. Mưa axít có tác hại rất lớn đến các thế hệ sinh thái nông nghiệp, làm giảm năng suất mùa màng, có nơi còn bị mất trắng, làm giảm chất lượng cây trồng và vật nuôi, phá hoại nặng nề các cánh rừng ôn đới phía Bắc bán cầu. Mưa axít còn làm ô nhiễm các đường ống nước uống và nước sinh hoạt của con người và sinh vật, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và tính mạng của con người.
2. Một số nguyên nhân gây suy thoái môi trường sinh thái.
Nguyên nhân chính dẫn đến một loạt sự suy thoái môi trường sinh thái trên, trước hết phải kể đến sự phát triển của công nghiệp ồ ạt, đặc biệt là các ngành công nghiệp gây ô nhiễm.
Nguyên nhân thứ hai là tệ nạn phá rừng ngày càng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu.
Một nguyên nhân nữa là do sự mất cân bằng tài nguyên và dân số. Dân số tăng nhanh đòi hỏi phải khai thác các tài nguyên tự do nhiều hơn nhịp điệu cao hơn, chất thải các loại tăng nhanh hơn dẫn tới phá vỡ cân bằng, vắt kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường.
Tình trạng chạy đua vũ trang, sản xuất các loại vũ khí hạt nhân, vũ khí hoá học cũng là nguyên nhân vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa tạo khả năng huỷ diệt thiên nhiên thông qua chiến tranh xung đột.
3. Chúng ta phải làm thế nào để tích cực bảo vệ môi trường sinh thái ?
Bảo vệ môi trường sinh thái là trách nhiệm của mọi người, của toàn xã hội vì sự an toàn đời sống của chính chúng ta và tương lai con cháu mai sau.
Đối với người Phật tử cần thể hiện giáo lý “Thiểu dục tri túc”, xây dựng nếp sống giản dị hài hòa giữa nhu cầu vật chất và tinh thần với thiên nhiên, không vì tư lợi mà làm tổn hại đến muôn loài, ảnh hưởng đến hệ sinh thái…
4. Thực hành bảo vệ môi trường ở mỗi gia đình, khu dân cư và nơi công cộng.
– Giữ sạch môi trường:Không khạc nhổ, vứt rác bừa bãi. Phải thu gom, đổ rác đúng nơi quy định.

  • Không đổ nước thải ra đường, phố, các nơi công cộng. Mỗi gia đình phải thu gom nước thải vào hệ thống bể tự hoại, hầm chứa hoặc cho nước thải vào hệ thống thoát nước công cộng.
  • Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không phóng uế bừa bãi.
  • Không hút thuốc là nơi công cộng.
  • Hạn chế việc dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ.

– Tạo cho môi trường ngày càng sạch:

  • Trồng cây xanh góm phần giảm ô nhiễm môi trường và tạo cảnh quan, tham gia trồng rừng phòng hộ.
  • Tích cực bảo vệ rừng, ngăn chặn nạn phá rừng.
  • Tự giác chấp hành các quy định của chính quyền về giữ gìn vệ sinh và cảnh quan môi trường.
  • Ðóng góp đầy đủ lệ phí thu dọn vệ sinh.
  • Vận động mọi người cùng tham gia các công việc trên.

 CÂU HỎI ÔN TẬP:
 1) Môi trường, hệ sinh thái có tầm quan trọng như thế nào?
2) Những hiện tượng thể hiện mối nguy cơ  đe dọa hệ sinh thái và môi trường hiện nay?
3) Chúng ta phải làm thế nào để tích cực bảo vệ môi trường sinh thái?
4) Vì sao khí hậu Đà Lạt từng được du khách xem là Châu Âu thứ hai nhưng hiện nay đã bị biến đổi theo chiều hướng  suy thoái?

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.