LỊCH SỰ NƠI CÔNG CỘNG (Bậc Trung Thiện)

LỊCH SỰ NƠI CÔNG CỘNG

1. Thế nào là nơi công cộng ?
Những nơi tập trung đông người để thực hiện một nhu cầu nào đó (ví dụ: Nhà văn hóa để thỏa mãn nhu cầu về nghệ thuật ca, múa, nhạc… Bến xe, nhà ga phục vụ nhu cầu đi lại, Bệnh viện, Trường học, Siêu thị, Công viên, …)
2. Vì sao phải thể hiện lịch sự nơi công cộng ?
Lịch sự nơi công cộng là thể hiện nếp sống văn minh, con người có văn hóa, biết tôn trọng đối với bản thân và cộng đồng.
Lịch sự nơi công cộng là phẩm chất tốt đẹp, chúng ta cần phải phát huy để xây dựng một đời sống tốt đẹp, văn minh của xã hội hiện đại.
3. Cách ứng xử lịch sự ở những nơi công cộng ấy như thế nào ?– Những nơi phục vụ đông người và theo thứ tự phải xếp hàng, không đùa giỡn, đừng vượt qua mặt những người đến trước mình. Khi đến lượt mình được tiếp, nên tranh thủ thời gian tối đa để tôn trọng thời gian của người khác, những người đang còn phải chờ đợi sau mình.

Nên nhường quyền ưu tiên cho những người đến sau mình khi đó là người già, trẻ em, người bệnh hoặc phụ nữ có thai, có con nhỏ… Nam giới khi có thể được cũng nên nhường cho nữ giới.

Nếu có ai cố tình qua mặt bạn, dù họ là người đến sau, cũng đừng nên có thái độ nóng giận thái quá. Có thể từ tốn giải thích cho người ấy biết sự sai trái đó.

– Khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, tàu lửa, tàu thủy… ) không hút thuốc, không xả rác,  không xô đẩy chen lấn, nhường chỗ ngồi tốt cho người già, trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ có con nhỏ,…
Nếu là đi xe gắn máy hoặc xe hơi trên đường, nên hạn chế việc bóp còi những lúc không cần thiết. Không nên khạc nhổ hoặc ném giấy gói thức ăn, bao ny-lon, tàn thuốc lá… xuống đường.

– Khi đi lại trên đường phố, cần lưu ý tránh gây khó chịu cho người khác: Không ăn mặc quá đơn sơ, không chạy nhảy tung tăng. Nếu là đường có vỉa hè dành cho người đi bộ, đừng bao giờ đi xuống lòng đường. Nếu có dắt theo trẻ con phải luôn luôn nắm tay trẻ. Lỡ có va chạm cùng người khác, nhất thiết phải nói lời xin lỗi. Nếu đi cả nhóm đông người, không đi thành hàng ngang gây cản trở giao thông cho người khác, không cười đùa lớn tiếng khi đi trên đường phố.

Không bày tỏ tình cảm riêng tư trên đường phố (phong tục Á Đông không chấp nhận điều đó).

Nếu có nhu cầu cần khạc nhổ phải tìm chỗ kín đáo, thích hợp, không được tuỳ tiện nhổ xuống lòng đường. Cũng không ném, xả rác trên đường phố.

Khi gặp một vấn đề nào đó khác thường xảy ra trên đường phố, chẳng hạn một đám đánh nhau, cãi nhau, hoặc tai nạn… cần tránh đến xem chỉ vì tò mò. Nên nhìn qua với ý tưởng là liệu mình có thực sự giúp đỡ được gì hay không. Nếu được, nên sẵn lòng, chẳng hạn như đưa người bị nạn đi cấp cứu… Nếu xác định là không, nên tránh đi ngay. Những người chỉ đứng xem thường gây thêm khó khăn cho người có trách nhiệm mà không có ích gì.

– Khi đến những nơi tôn nghiêm cần có thái độ ứng xử thích đáng: phải ăn mặc nghiêm túc, kín đáo;  thái độ nghiêm trang thích hợp, không mang giày dép vào, không gây tiếng động mạnh, không đội nón, mũ và không hút thuốc, không cười đùa lớn tiếng, không mang thức ăn đến đó để ăn uống.

– Khi dự tiệc, liên hoan: ngồi ở vị trí phù hợp, ăn uống từ tốn, lịch thiệp…
– Trong công viên, khu triển lãm, nhà bảo tàng,… không bứt hoa, bẻ cành, xả rác bừa bãi, không sờ tay vào hiện vật,…
 
CÂU HỎI ÔN TẬP
 1) Thế nào là nơi công cộng?
2) Hãy giới thiệu một số nơi công cộng (trong và ngoài nước).
3) Nêu cách ứng xử lịch sự ở những nơi công cộng (trong và ngoài nước).

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.