LƯỢC SỬ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM đến năm 2011 (Bậc Hướng Thiện)
LƯỢC SỬ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM
(TỪ THÀNH LẬP ĐẾN NĂM 2011)
Từ năm 1940 đến năm 1950 được xem như giai đoạn hình thành của tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam với các tên gọi:
– Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục
– Đoàn Đồng Ấu
– Gia Đình Phật Hóa Phổ.
Khoảng năm 1940, đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục được thành lập tại Huế dưới sự hướng dẫn của Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám. Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục tổ chức Phật Học Tùng Thư, xuất bản sách cho tuổi trẻ đọc. Đồng thời, những lớp thiếu niên thiếu nữ Phật tử (gọi là Đồng Ấu) được thành lập dưới sự hướng dẫn của đoàn.
Vào năm 1942, đã có 12 đoàn Đồng Ấu được thành lập, mỗi đoàn vào khoảng 40 em.
Ngày Phật Đản năm 1943, Đại hội Thanh Thiếu niên Phật tử diễn ra tại đồi Quảng Tế (Huế). Tại Đại hội này đã khai sinh tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ (GĐPHP), tiền thân của Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Những đơn vị GĐPHP đầu tiên ra đời trền nền tảng các đoàn Đồng Ấu có sẵn.
* Mục đích của Gia Đình Phật Hóa Phổ:
1) Dạy cho các em biết sơ qua giáo lý của Đức Phật.
2) Tập cho các em sống theo đạo đức của Phật Giáo.
3) Chuẩn bị cho các em trở thành những Phật tử chân chánh để phục vụ Chánh pháp.
Ngày 8 tháng Chạp năm 1947, Gia Đình Phật Hóa Phổ tổ chức lễ thành lập chính thức tại chùa Từ Đàm, nhiều GĐPHP khác được thành lập. Tổ chức GĐPHP phát triển rất mau chóng và lan rộng tới Miền Nam và Miền Bắc.
II – TỔ CHỨC GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM RA ĐỜI
Đại hội thành lập GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM:
Vào các ngày 24, 25 và 26 tháng 4 năm 1951, tại chùa Từ Đàm (Huế) diễn ra Đại hội Gia Đình Phật Hóa Phổ với sự tham gia của 9 Tỉnh hội, Chi hội Việt Nam Phật học Miền Trung và hai đại biểu Miền Bắc là Hà Nội và Hải Phòng. Đại hội đã chính thức lấy danh hiệu Gia Đình Phật Tử (GĐPT) để thay thế cho tên gọi Gia Đình Phật Hóa Phổ. Ngoài ra, Đại hội còn biểu quyết cho ra đời bản Nội Quy của GĐPT.
Đến thời điểm này, tổ chức GĐPT vẫn còn là một ngành của Hội Việt Nam Phật học (Miền Trung) và trên thực tế, các đơn vị GĐPT cũng chỉ xuất hiện ở các tỉnh Miền Trung. Tại Miền Nam, đến năm 1952 mới bắt đầu thành lập các đơn vị GĐPT trực thuộc Hội Phật Học Nam Việt do cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền làm Hội trưởng. Anh Tống Hồ Cầm là một trong những sáng lập viên chủ yếu của GĐPT Miền Nam.
III – GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN
– Năm 1953, Đại hội Đại biểu Huynh Trưởng toàn quốc lần thứ hai gồm đủ đại biểu đại diện ba miền Trung – Nam – Bắc họp tại Huế. Chương trình tu học được vạch định.
– Đại hội GĐPT lần ba được tổ chức tại Đà Lạt từ ngày 31/7/1955 đến 03/8/1955. Sau đại hội lần này, một Quyết định xếp cấp Huynh trưởng đầu tiên được Ban Hướng Dẫn Tổng Hội ký ngày 10/3/1956. Các anh, chị được xếp cấp lần đầu gồm có:
– Cấp Dũng:
Anh Võ Đình Cường, pháp danh Nguyên Hùng
– Cấp Tấn có 7 anh, chị:
1) Chị Hòang Thị Kim Cúc, pháp danh Tâm Chánh.
2) Anh Nguyễn Châu, pháp danh Nguyên Tín.
3) Anh Lương Hòang Chuẩn, pháp danh Nguyên Y.
4) Anh Lê Văn Dũng, pháp danh Tâm Đại.
5) Anh Nguyễn Xuân Quyền, pháp danh Tâm Thiệt.
6) Chị Nguyễn Thị Út, pháp danh Nguyên An.
7) Anh Lê Văn Vinh, pháp danh Nguyên Minh.
– Cấp Tín: có 34 anh, chị.
– Cấp Dự Tập: có 46 anh, chị.
– Đại hội lần thứ IV Gia Đình Phật Tử diễn ra tại chùa Xá Lợi – Sài Gòn năm 1961. Vấn đề lớn trong Đại hội lần này là tinh thần thống nhất của GĐPT.
– Đại hội lần thứ V Huynh trưởng GĐPT Việt Nam được tổ chức tại Trường Trung học Gia Long – Sài Gòn vào ngày 28/6/1964. Đại hội V đã phản ảnh sự phát triển, sự lớn mạnh của Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Trong đại hội lần này, ý tưởng tách rời hai ngành Nam – Nữ sinh họat riêng cũng được thông qua. Về tổ chức, cả nước (từ vĩ tuyến 17 trở vào) được chia thành 8 Miền.
– Đại hội lần thứ VI Huynh trưởng GĐPT toàn quốc được tổ chức tại Thiền viện Quảng Đức – Sài Gòn vào ngày 01/8/1967. Đại hội đã tu chỉnh Nội Quy, Quy chế Huynh trưởng và đã gây ý thức gắn liền Đạo Pháp và Dân tộc đối với Huynh trưởng và Đoàn sinh. Đây là một đại hội phản ảnh sự trưởng thành của tổ chức GĐPT sau 3 năm thống nhất về tổ chức và ý chí của những người Áo Lam trên toàn quốc. Đại hội đã tu chỉnh Nội Quy và Quy chế Huynh trưởng; đề ra chương trình học tập và huấn luyện … làm nền tảng cho họat động GĐPT về sau.
– Đại hội lần thứ VII Huynh trưởng GĐPT toàn quốc được tổ chức tại Tổ đình Long Khánh – Quy Nhơn từ ngày 25 đến 28/7/1970. Đại hội chú trọng việc thảo luận để san định lại chương trình và biên soạn, ấn hành tài liệu tu học.
– Đại hội lần thứ VIII Huynh trưởng GĐPT toàn quốc (cũng là đại hội cuối cùng trước khi lịch sử nước Việt Nam lật qua trang mới) được tổ chức tại Đà Nẵng vào các ngày 29, 30, 31/7/1973. Tại Đại hội lần này, vấn đề tương trợ Huynh trưởng được chính thức đưa vào chương trình nghị sự.
Tại thời điểm này, tổ chức GĐPT VN đã thực sự lớn mạnh với hơn 200.000 đoàn viên từ Quảng Trị đến Cà Mau. Đòan thể Áo Lam này đã đóng góp sức lực, mồ hôi và cả xương máu để bảo vệ Đạo Pháp. Họ xứng đáng là đứa con hiếu hạnh của Phật Giáo Việt Nam trong suốt chặng đường hơn 30 năm đồng hành cùng Giáo hội và Dân tộc.
IV – GIAI ĐỌAN SAU NĂM 1975 – 2011
Những năm sau giải phóng, không ít đoàn sinh GĐPT tham gia vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên, đại đa số đoàn viên GĐPT đều vẫn gắn bó với Chùa, với Thầy. Cuối năm 1981, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ra đời. Tuy nhiên, vai trò của GHPGVN cũng chưa thực sự nổi bật. Bóng dáng anh chị em Áo Lam vẫn hiện diện đều đặn bên Giáo hội, tuỳ duyên bất biến và tiềm ẩn tinh thần Bi-Trí-Dũng của những con người Phật Giáo.
– Vào năm 1986, các địa phương có phong trào GĐPT mạnh như các tỉnh Miền Trung và một vài tỉnh Miền Nam đã đoàn ngũ hóa lại các anh chị em Áo Lam, thu nhận thêm đoàn sinh mới sinh hoạt như một đơn vị GĐPT trước đây. Thời kỳ phục sinh này là thời kỳ mang nhiều tính sử thi, lãng mạn, hào hùng nhất mà bất cứ một đoàn viên GĐPT nào có mặt lúc ấy cũng không thể quên.
– Tại Đại hội đại biểu Phật Giáo Việt Nam lần thứ III (Hà Nội-1992), lần đầu tiên, sinh hoạt GĐPT được chính thức đưa vào chương trình nghị sự.
Sau Đại hội III, tình hình sinh hoạt GĐPT tại các địa phương được cải thiện lên một bước, Giáo hội đã mặc nhiên công nhận sinh hoạt GĐPT và ra Thông bạch hướng dẫn các BTS Tỉnh, Thành hội quản lý sinh hoạt GĐPT tại địa phương mình. Đây là bước đầu thể nghiệm để tiến đến chính thức công nhận và đưa sinh hoạt GĐPT vào Hiến chương GHPGVN. Tất cả anh chị em Áo Lam đều phấn khởi vui mừng trước kết quả này.
– Tháng 12/1995, Ban Tôn Giáo Chính Phủ ban hành Thông tư số 01 chính thức cho phép GĐPT sinh hoạt trong lòng GHPGVN.
– Sang đến Đại Hội GHPGVN lần thứ IV (Hà Nội – 1997), sinh hoạt GĐPT được chính thức đưa vào Hiến chương GHPGVN: Cải tên Ban Hướng Dẫn Cư Sĩ Phật Tử thành Ban Hướng Dẫn Phật Tử, Ban HDPT có 2 Phân ban trực thuộc:
1) Phân ban Hướng dẫn Cư sĩ Phật tử.
2) Phân ban Hướng dẫn Gia Đình Phât Tử.
Qua cơ chế này, các đơn vị GĐPT trực thuộc Phân ban Hướng dẫn GĐPT tỉnh, thành. Phân ban này lại trực thuộc Ban Hướng Dẫn Phật Tử Tỉnh, Thành hội. Mỗi đơn vị GĐPT sinh hoạt nơi tự viện nào phải có sự bảo lãnh và chịu trách nhiệm của vị trụ trì nơi ấy.
– Tháng 7 năm 2001, tại tổ đình Từ Đàm – Huế, diễn ra Đại hội Huynh trưởng GĐPT toàn quốc lần thứ IX. Đại hội gồm các Huynh trưởng cấp Dũng và cấp Tấn toàn quốc được triệu tập lần thứ nhất nhằm hai mục đích:
1/ Tu chính Nội quy GĐPT VN.
2/ Kỷ niệm 50 năm ngày khai sinh danh hiệu Gia Đình Phật Tử (1951-2001), đồng thời khai khóa trại huấn luyện Vạn Hạnh II.
Về dự Đại Hội có 70 Huynh trưởng cấp Dũng, cấp Tấn và trên 200 huynh trưởng cấp Tín là trại sinh trại Vạn Hạnh II.
Vào đầu năm 2002, Nội quy GĐPT (tu chính) được Trung ương GHPGVN phê chuẩn và ban hành áp dụng trên toàn quốc. Nội quy được tu chính lần này vẫn giữ nguyên những nét căn bản của Nội quy cũ, chỉ sửa đổi một số điều về hình thức tổ chức và thủ tục xét, xếp cấp huynh trưởng…cho phù hợp với Hiến chương GHPGVN và pháp luật hiện hành.
– 5 năm sau, tức tháng 8-2006, Đại Hội Huynh trưởng GĐPT toàn quốc lần thứ X được tổ chức tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm – TP.Hồ Chí Minh. Đại hội gồm các Huynh trưởng cấp Dũng và cấp Tấn toàn quốc được triệu tập lần thứ hai nhằm hai mục đích:
1/ San định lại toàn bộ chương trình tu học của Đoàn sinh, Huynh trưởng và chương trình huấn luyện Huynh trưởng GĐPT.
2/ Khai khóa trại huấn luyện Vạn Hạnh III.
Tham dự Đại hội lần này có 170 huynh trưởng cấp Dũng, cấp Tấn và 300 huynh trưởng cấp Tín là trại sinh trại Vạn Hạnh III.
Tại Đại hội GĐPT toàn quốc lần X, Anh Thiện Điều Nguyễn Thắng Nhu – Trưởng Phân ban Hướng Dẫn GĐPT Trung ương đọc báo cáo nêu rõ:
Trong cả nước (từ Quảng Trị trở vào) có 16 tỉnh, thành có GĐPT sinh hoạt trong lòng Giáo hội với tổng số 787 đơn vị và 57.797 đoàn viên. Ngoài ra, còn một số tỉnh, thành có GĐPT sinh hoạt nhưng chưa đăng ký với Ban Hướng Dẫn Phật Tử Trung ương xin gởi huynh trưởng đại diện đến dự thính tại Hội nghị.
– Từ ngày 09 đến 12 tháng 8 năm 2007, lần đầu tiên sau 60 năm hình thành và phát triển, Trại họp bạn Ngành thiếu toàn quốc được tổ chức tại Chùa Linh Ứng – Bãi Bụt, Sơn Trà, TP Đà Nẵng với 3431 Huynh trưởng và trại sinh đến từ 17 tỉnh thành, đánh dấu một bước tiến vững chắc của GĐPT Việt Nam trong thời kì mới, thời kì đất nước hội nhập và phát triển. Trại đã được hơn 20 ngàn lượt người đến tham quan và đã được Trung Tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận và cấp bằng Xác lập kỷ lục là trại quy mô nhất trong lịch sử GĐPT.
– Từ ngày 01 đến 04 tháng 8 năm 2008, Trại Hội thảo Ngành Nữ toàn quốc kết hợp với trại Hội thảo sau Vạn Hạnh II và lớp học Bậc Lực III tổ chức tại chùa Đại Tòng Lâm Vạn Phật Quang, Bà Rịa – Vũng Tàu với số lượng 2550 trại sinh.
– Từ ngày 31/7 đến 03/8/2009, tại Tổ đình Sắc Tứ Khải Đoan, thành phố Buôn Ma Thuột, ĐăkLăk Hội trại GĐPT các tỉnh Tây Nguyên nhân dịp Hội thảo Hướng dẫn Phật tử các tỉnh thành Tây Nguyên và Miền Trung, quy tụ 2000 trại sinh.
– Vào các ngày 29, 30 tháng 6 và 01 tháng 7 năm 2010, Trại Họp bạn Khuông Việt lần thứ I tổ chức tại chùa Nga Hoàng, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc cho các GĐPT phía Bắc, quy tụ 600 Huynh trưởng và Đoàn sinh.
– Từ ngày 14 đến 17/7/2010 tại Tổ đình Long Quang Cổ Tự, thành phố Cần Thơ, Hội trại Chánh Trí gồm 14 tỉnh, thành Nam Bộ nhân Hội thảo Ban Hướng Dẫn Phật tử từ các tỉnh, thành Nam Bộ. Do địa điểm hạn chế nên chỉ tập trung lưu trú 700 trại sinh đại diện, các thành phần khác chỉ đến dự khai mạc, tham quan các hoạt động trại gần 4000 lượt người.
– Từ ngày 25 đến 29/8/2010 Trại Vạn Hạnh III được tổ chức tại Khu Du lịch sinh thái Suối Hoa thuộc thành phố Đà Nẵng, có 274 Huynh trưởng trại sinh tham dự huấn luyện Huynh trưởng cấp III. Trại được tổ chức qui củ và hoành tráng.
– Từ ngày 09 đến 12/3/2011, Hội trại Nguyên Hùng tại Chùa Hội Khánh (Bình Dương). Hội trại quy tụ 1000 trại sinh thuộc các tỉnh, thành lân cận tỉnh Bình Dương.
– Từ ngày 28/7 đến 4/8/2011 Phân Ban GĐPT Trung ương tổ chức Đại lễ Cầu siêu, lễ chính thức Kỷ niệm 60 năm GĐPT VN và Hội nghị Đại biểu Huynh trưởng GĐPT lần thứ XI tại Thừa Thiên Huế nơi cội nguồn của GĐPT Việt Nam.
– Ngày 30/7/2011 tại trại trường GĐPT (chùa Trúc Lâm – TP. Huế) khai mạc hội trại “Trại Lục Hòa IV” với số lượng hơn 6300 Huynh trưởng và Đoàn sinh được lựa chọn tham dự để đón chào lễ chính thức Kỷ niệm 60 năm GĐPT diễn ra tại đây.
– Ngày 01/8/2011 lễ khai mạc Hội nghị Đại biểu Huynh trưởng GĐPT VN lần thứ XI được long trọng diễn ra tại Tổ đình Từ Đàm, nơi đây xưng danh Gia đình Phật tử Việt Nam đã đi vào lịch sử cách đây 60 năm, có 416 Huynh trưởng thuộc 26 tỉnh thành trên cả nước về tham dự. Hội nghị làm việc trong 3 ngày và kết thúc ngày 04/8/2011. Hội nghị đã tập trung trí tuệ nghiên cứu, cải tiến, đổi mới phương thức sinh hoạt học tập của GĐPT, tu chỉnh và bổ sung Nội quy, Quy chế Huynh trưởng GĐPT.
CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Theo thứ tự thời gian, em hãy nêu các tổ chức tiền thân của GĐPT?
2. Nêu thời gian, địa điểm diễn ra Đại hội thành lập GĐPT VN và kể tên các tỉnh thành tham dự?
3. Giai đoạn sau 1975, lần đầu tiên, sinh hoạt GĐPT được chính thức đưa vào chương trình nghị sự tại Đại hội nào của GHPGVN?
4. Nêu tóm tắt nội dung, thời gian, địa điểm diễn ra của lần lượt 11 kỳ Đại hội Huynh trưởng GĐPT toàn quốc? Mỗi kỳ Đại hội có ý nghĩa gì?