TẬP DIỄN KỊCH, MÚA, KỂ CHUYỆN

TẬP DIỄN KỊCH, MÚA, KỂ CHUYỆN

 
 A.  TẬP DIỄN KỊCH
Khi kịch bản đã phân chia cảnh diễn hợp lý (bao nhiêu lớp, màn bao nhiêu cảnh) và đạo diễn đã quy định những hành động cơ bản cho nhân vật, việc tập kịch phải theo từng bước sau:
 1.  Chọn diễn viên, phân vai diễn.
 2.  Phát kịch bản hoặc trình bày nội dung kịch bản cho tất cả diễn viên. Nghiên cứu nội dung vở diễn, tính cách của nhân vật tìm hiểu môi trường sống, nghề nghiệp …
 3.  Với sân khấu (kịch nói, hát…) diễn viên phải thuộc lời thoại, lời hát… cảm nhận lời thoại như của chính mình, giọng khi cao, khi thấp hòa hợp với nội dung tình cảm nhân vật.
 4.  Tập thứ tự từng cảnh một (từ đầu tới cuối).
 5. Tập theo từng nhóm: có thể có nhiều nhóm tham gia như trong hoạt cảnh truyền thống, lễ hội (hát, múa, diễn kịch, âm thanh, ánh sáng…). Phối hợp âm thanh – ánh sáng – hóa trang đạo cụ.
 –  Luôn có sự kết hợp âm thanh ánh sáng trong khi tập để tạo ra sự sáng tạo hợp lý, tăng thêm hấp dẫn, đồng thời dễ nhớ cảnh diễn của người diễn viên.
 6.  Tổng dợt chương trình: kết hợp từng cảnh, từng nhóm thành một tác phẩm hoàn chỉnh.
 –  Có thể thêm, bớt một vài chi tiết không phù hợp trong khi chạy chương trình hoàn chỉnh.
  Chú ý: 
+ Đầu tư về thời gian cho công việc tập luyện, cố gắng không thay đổi nhiều về nội dung đã tập. Người đạo diễn phải tham gia toàn bộ khâu hóa trang, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng… Tác phẩm nhuần nhuyễn, hoàn chỉnh mới đưa ra sân khấu.
+ Bình tĩnh xử lý kịp thời các tình huống sơ suất khách quan, để vở diễn không bị thất bại.
+ Diễn xuất càng gần gủi với nhân vật và sự kiện là càng gần đến sự thành công, phải biết tôn trọng khán giả, cố gắng vượt qua các trở ngại, nhất là tự ái cá nhân.
(Chỉ dẫn cho đoàn sinh một vở kịch ngắn, đơn giản, có thể cho các em sáng kiến một vở kịch).

B. TẬP MÚA
“Múa là ngôn ngữ của thể hình” – một điệu múa thể hiện ý nghĩa nhất định của người biên đạo về một chủ đề.
Không phải chỉ cần uyển chuyển, dẽo dai hay mạnh mẽ dứt khoát … mà cần đồng đều theo nhóm, đây là môn mang tính tập thể rất cao.
Múa luôn đi đôi với sự cảm thụ âm nhạc, phân biệt được nhịp mạnh, nhịp nhẹ .. nhanh hay chậm, lúc nào trầm buồn, lúc nào tươi vui rộn rả..
Chú ý: Những tiết mục Múa mang tính “chào mừng”, tất cả diễn viên phải có khuôn mặt tươi vui, luôn có nụ cười ! Thiếu nữ cần có  những động tác nhẹ nhàng, Thiếu Nam thì động tác vui tươi, linh hoạt.
(Chỉ dẫn cho đoàn sinh một điệu múa đơn giản, có thể cho các em sáng kiến một điệu múa).

C. TẬP KỂ CHUYỆN
1. Thi văn:
– Đoàn sinh nghe một mẩu chuyện, chẳng hạn một mẩu chuyện tiền thân, chuyện đạo, gương hiếu học, gương người tốt việc tốt,… và các em viết lại trên giấy.
– Đoàn sinh có thể tự chọn một mẩu chuyện đã nghe hoặc đã đọc và viết lại trên giấy.
Bài viết được chọn và đăng vào Báo của Đoàn, Đội, Chúng.
2. Tập kể chuyện:
– Đoàn sinh kể lại mẩu chuyện đã chuẩn bị trên.
Chú ý:
+ Giọng đọc rõ ràng, kết hợp với điệu bộ mà biểu cảm theo tính cách của nhân vật và nhanh chậm, trầm bổng theo tình tiết của câu chuyện (lúc nào cần cười, khuôn mặt tươi vui, lúc nào cần buồn thì diễn tả như muốn khóc, chú ý từng động tác tay, chân, quay vòng, bước đi nhẹ nhàng, thái độ giận dữ, lúc nói thầm thì, lúc vung tay nói lớn…). Lối kể chuyện bình bình sẽ gây sự nhàm chán, đôi khi cần phải giả giọng của nhân vật, tiếng chim, tiếng cười hiền hòa, tiếng cười gian ác …
+ Giọng đọc biểu thị thái độ tình cảm của người kể đối với nhân vật chính diện, phản diện. Truyền cảm thụ giáo dục của câu chuyện đến với người nghe và với chính mình (tự giáo dục).

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.