CHÁNH TÍN – CHÁNH KIẾN TRONG ĐẠO PHẬT (Bậc Chánh Thiện)

CHÁNH TÍN – CHÁNH KIẾN TRONG ĐẠO PHẬT

 
I. Mở đề:  
Trong kinh A Hàm Đức Phật dạy:
“Không nên tin ngay, tất cả những gì, người xưa đã nói, tất cả những gì, người có thế lực đạo cũng như đời, tất cả những gì, người bề trên nói, tất cả những gì nhiều người tin theo, có ghi trong sách.
Chỉ nên tin theo. những gì có thể, kiểm nghiệm lại được,, đúng với chân lý, đúng với lẽ thực, thông qua trí tuệ, sáng suốt thông minh, thấy có ích lợi, cho bản thân mình, và cho mọi người”.
Qua đó Đức Phật muốn gởi một thông điệp về chân lý của giáo pháp nhà Phật là phải được kiểm nghiệm thực tế thông qua trí tuệ bằng sự thấy biết hợp lý, tự lợi lợi tha rồi mới tin theo. Hay nói rõ hơn người Phật tử cần phải có chánh tín, chánh kiến.

II. Thế nào là chánh tín, chánh kiến ?
 1. CHÁNH TÍN:
1.1 Định nghĩa: Mọi lẽ thật đều hiện bày dưới ánh sáng giác ngộ. Nhận thấy lẽ thật rồi mới khởi lòng tin đó là “chánh tín”. Ngược lại, bày những điều mê hoặc làm mù quáng người đời, lừa bịp thế gian, ấy là mê tín. Thấy rõ biết đúng mới tin là sức mạnh vô biên khiến người ta thành công trên mọi lãnh vực. Ví dụ đến chùa lạy Phật, cúng dường chư Tăng, Ni,  nguyện cầu chư Phật gia hộ cho ta luôn được an trú trong chánh pháp làm lợi mình, lợi người là “chánh tín”. Đưa nhiều tiền cho thầy cúng cầu mua may, bán đắt với tâm địa hại người là “mê tín”.
Trong kinh Hoa Nghiêm có câu: “Tin là nguồn của đạo, là mẹ của mọi công đức. Tin hay nuôi lớn cả gốc lành”.
1.2  Mê tín: là lối tin mù quáng khiến con người mất hết phương hướng. Những kẻ chủ trương mê tín làm điên đảo thế gian. Trong đạo Phật nước ta, thời kỳ Phật giáo quyền năng (trước thế kỷ VI) còn ảnh hưởng đến ngày nay, tệ nạn mê tín vẫn còn nhiều như xăm, bói, đốt vàng mã xe cộ tốn kém…
1.3 Tai hại của mê tín: Trong các lễ hội, ta thấy việc mê tín xảy ra nhan nhãn trở thành tệ nạn xã hội làm thiệt hại cả vật chất lẫn tinh thần cho cá nhân và tâp thể, làm xấu hình ảnh đất nước có 4000 năm văn hiến. Cụ thể mê tín dẫn đến:
– Con người trở nên khờ khạo mất hết lý trí.
– Luôn lo sợ, không dám quyết đoán một việc gì.
– Khiếp nhược mất tự tin, bị kẻ xấu lợi dụng, lừa phỉnh.
– Bạn hiền xa lánh.
* Cầu nguyện là chánh tín hay mê tín?
– Là mê tín khi khẳng định cầu nguyện là được toại nguyện.
– Là chánh tín khi xem việc cầu nguyện như là lời chúc lành.
* Tin nhân quả
– Nghiệm xét thấu đáo về vạn vật trong vũ trụ từ nhân tiến đến quả, từ quả trở lại nhân, nhân quả – quả nhân xoay vần không dứt.
– Thấy rõ lý nhân quả vừa là khoa học vừa sức mạnh chuyển tiến của con người, chúng ta tin tưởng đó là chánh tín.
* Tin nhân duyên:
– Vạn vật trong vũ trụ đều do nhân duyên hợp thành. Nhỏ nhất như một nguyên tử cấu tạo bởi các âm điện tử và nhân, huống là những vật thể to tát.
– Thấy rõ lý nhân duyên của nhà Phật là một lẽ thật đúng với tinh thần khoa học, hiểu được muôn vật trên thế gian có quan hệ chằng chịt với nhau.
– Dẹp được quan niệm ích kỷ cá nhân, tích cực xây dựng nền hạnh phúc chung cho nhân loại.
– Tin lý nhân duyên bằng trí tuệ, bằng khoa học là chánh tín.
1.4  Lợi ích của chánh tín:
– Nhận rõ lý nhân quả, lý nhân duyên là tác dụng của trí tuệ.
– Người Phật tử nương vào Phật trí nên thấy rõ vạn vật “thành, trụ, hoại, không” đều nằm trong phạm trù nhân quả nhân duyên.
– Xét một sự kiện xảy ra tốt xấu, phát xuất từ nhân nào, hội đủ nhân duyên gì mới xảy ra, cố gắng chuyển đổi, đó là tinh thần của người chánh tín.
– Có sức tự tín mãnh liệt để chuyển đổi, vươn lên trong mọi lãnh vực.
1.5 Kết luận: Mê tín và chánh tín là hai đường tối sáng khác nhau. Đạo Phật chủ trương chánh tín. Tất cả kinh Phật không có nói những việc mê tín. Người học Phật chân chính phải quyết tâm loại bỏ mọi tệ đoan, tập tục sai lầm làm suy giảm giá trị Phật Pháp.
2. CHÁNH KIẾN
2.1 Định nghĩa: Chánh là đúng sự thật, kiến là thấy xem xét. Chánh kiến là xem xét, nhận thấy đúng sự thật bằng cả mắt lẫn tâm. Trái với chánh kiến là tà kiến, là thấy biết nhận xét lầm lạc, tà vạy.
2.2 Nguyên nhân sanh tà kiến: Mỗi chúng sanh vì bị bản ngã lôi cuốn làm mờ ám tâm trí, nên sự thấy biết, nhận xét lầm lạc ngược lại với chánh kiến.
2.3 Hành trạng tà kiến:
– Thấy biết và xét đoán mọi việc theo tư thù hay ích kỷ.
– Phân định mọi vấn đề không đúng chân lý (như 5 người mù sờ voi, mỗi người chỉ tả được một bộ phận của con voi theo nhận xét của mình (biên kiến) chứ không tả được toàn diện con voi. Chỉ người sáng mắt (có chánh trí và chánh kiến) mới thấy toàn diện con voi).
2.4 Tai hại của tà kiến:
– Phán xét mọi việc đều sai chân lý, nhận thấy một bên hoặc nhận thấy ngược lại (biên kiến và tà kiến)
– Phán xét không công bình, làm bao nhiêu kẻ khác phải chịu oan tình (xưa: chuyện Trí Huyền, Ngộ Đạt, tiền kiếp của ông là viên án xử oan Triệu Thố… Nghiệp oan đó trải 10 kiếp sau vẫn còn bị trả) (*).
2.5 Hành trạng chánh kiến:
– Dẹp tan bản ngã bằng cách quán lý vô thường vô ngã.
– Cẩn thận quán xét tường tận từ ý nghĩ, lời nói, việc làm đến chỗ rốt ráo, đúng với chân lý.
2.6 Lợi ích của chánh kiến:
– Tránh được tà kiến và diệt trừ được ngã chấp.
– Hiểu rõ ràng các việc chân giả, không hê lầm lạc và phán đoán mọi việc được chí công, bình đẳng.
– Không còn say mê tục lụy, thấu đạt lý nhiệm mầu của đạo pháp.
– Đoạn trừ được “kiến hoặc” (thấy hiểu sai lầm) tức là ngũ lợi sử (xem bài Tứ Diệu Đế ở Bậc Trung Thiện).
(*) Xem phần duyên khởi trong kinh Từ Bi Thủy Sám Pháp – Thích Huyền Dung. 
               
CÂU  HỎI ÔN TẬP
a. Thế nào là chánh tín? Trái lại là gì? Kể những hình thức mê tín.
b. Mê tín có hại thế nào?
c. Chánh tín có lợi ích gì?
d. Nguyên nhân sinh ra tà kiến là gì?
e. Kiến hoặc là gì? Ngũ lợi sử gồm những gì ?

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.