CỨU THƯƠNG (Bậc Trung Thiện) CẤP CỨU CẦM MÁU

CẤP CỨU CẦM MÁU

I. Phân loại chảy máu:

Chảy máu trong và chảy máu ngoài
1. Chảy máu ngoài là máu chảy máu từ vết thương ra ngoài da, dễ dàng để nhận biết.
Tuỳ theo vị trí mạch máu bị đứt, rách mà mức độ chảy máu khác nhau: Nếu bị đứt mạch máu lớn (động mạch, tĩnh mạch) thường chảy máu nhiều, mất máu nhanh, diễn biến phức tạp. Nguy hiểm đến tính mạng nếu không cầm máu kịp thời.
2. Chảy máu trong là máu chảy ra khỏi mạch máu từ chỗ mạch máu bị rách, đứt nhưng không thoát ra ngoài da mà khu trú hoặc tích đọng tại những khoang rỗng trong cơ thể như trong ổ bụng, khoang nền sọ bên trong cơ thể, không nhìn thấy được.
Chảy máu trong thường xảy ra do bị va đập mạnh vào cơ thể. Đôi khi xương bị gãy có thể đâm vào các cơ quan bên trong hoặc các chấn thương khác gây chảy máu trong.
Chảy máu trong rất khó để xác định và đánh giá. Chảy máu trong có thể đe doạ đến tính mạng và cần được hỗ trợ y tế kịp thời.

II. Các dấu hiệu nhận biết:

  1. Dấu hiệu chảy máu ngoài:
    – Rách da, chảy máu
    – Đau, sưng nề, bầm tím tại vùng bị tổn thương.
    – Có thể có dị vật tại vết thương.
  2. Dấu hiệu của chảy máu trong:
    – Thể trạng mệt mỏi, xanh xao và các dấu hiệu của sốc.
    – Bụng cứng và sưng hoặc phồng lên (Có phản ứng thành bụng và/hoặc bụng cứng, chướng, căng).
    – Có thể đau bụng dữ dội hoặc đau vùng tương ứng.
    – Có thể có nôn ra máu.
    – Da tái, lạnh, mạch yếu, nhanh.
    – Có thể có các vùng thâm tím, tụ máu.
    – Khát nước, môi khô.
    – Tinh thần có thể hoảng loạn, bồn chồn, có thể lú lẫn hoặc hôn mê.
    – Có thể có máu rỉ ra từ các hốc tự nhiên của cơ thể: qua miệng, mũi hoặc tai.
  3. Sơ cứu chảy máu:

1. Đối với chảy máu ngoài:

         – Nếu có thể, người sơ cứu rửa tay trước và sau khi sơ cứu nạn nhân.

       – Đi găng tay, tránh tiếp xúc trực tiếp với máu. Nếu không có găng tay, cần dùng vải, gạc, quần áo sạch hoặc túi ni lông để cách ly, tránh tiếp xúc trực tiếp khi sơ cứu.

a. Trường hợp có ít máu chảy ra từ vết thương:
+ Rửa vết thương, nhẹ nhàng làm sạch vết thương  bằng nước sạch và xà phòng.
+ Nếu là vết thương nông (cạn) như xước da thì để hở cho khô. Cần thiết thì phủ ra ngoài một miếng gạc nhỏ.
+ Kiểm tra xem máu còn chảy nữa không.
+ Tìm những tổn thương khác.
b.Trường hợp có nhiều máu chảy ra từ vết thương:
+ Làm sạch vết thương (nếu quá bẩn).
Cầm máu tại chỗ càng nhanh càng tốt để hạn chế lượng máu bị mất.
+ Dùng các ngón tay của bạn (đã được bảo vệ bằng găng tay hay túi nilon) ép chặt lên vết thương ít nhất 10 phút để cầm máu.
+ Để nạn nhân nằm xuống. Nếu vết thương ở tay hoặc chân, gác các tay hoặc chân lên cao hơn so với tim, đồng thời tay của người sơ cứu vẫn ép chặt vết thương của nạn nhân để cầm máu.
+ Phủ lên vết thương bằng một miếng gạc sạch rồi băng lại. Nếu cần, có thể xé vải hoặc áo để làm băng băng vết thương.
+ Tiếp tục kiểm tra xem máu còn chảy qua lớp vải băng không. Nếu máu còn chảy, đặt thêm một miếng gạc nữa rồi băng lại. Không được tháo lớp băng lần đầu ra.
+ Nếu băng ở các chi, phải thường xuyên kiểm tra các ngón tay, ngón chân xem còn ấm không và nạn nhân cảm thấy bình thường không, nếu thấy các ngón tay hay chân bị lạnh, phải nới lỏng băng để máu được lưu thông.
+ Theo dõi nạn nhân và chuyển đến cơ sở y tế sau khi cầm máu, cố gắng nâng cao các chi trong lúc vận chuyển.
b. Đối với chảy máu trong:

– Xác định nguyên nhân, hoàn cảnh bị thương nghi ngờ bị chảy máu trong.

– Phát hiện các dấu hiệu bất thường toàn thân.

– Chống sốc cho nạn nhân và chuyển nạn nhân đến cơ sở Y tế càng nhanh càng tốt.

III. Băng bó vết thương phần mềm:

1. Mục đích:

– Bảo vệ và giữ sạch vết thương, tránh ô nhiễm từ bên ngoài, tránh cọ xát, va chạm, hạn chế đau đớn cho nạn nhân.

– Cầm máu vết thương.

2. Nguyên tắc:

– Băng kín và không bỏ sót vết thương.

– Băng đủ chặt.

– Không làm ô nhiễm vết thương do những sai sót kỹ thuật

– Băng sớm.

3. Những điểm cần lưu ý:

– Đặt nạn nhân ở tư thế thoải mái và thuận tiện cho việc băng bó vết thương

– Nên thao tác ở phía trước hoặc bên cạnh nạn nhân

– Không bôi thuốc, cồn trực tiếp vào vết thương hở, chảy máu

– Trước khi băng nên phủ gạc vô trùng hoặc gạc sạch.

– Các nút buộc cố định không đè lên vết thương.

– Sau khi băng phải kiểm tra lưu thông máu 10 phút/lần.

 Vết thương phần mềm chảy máu: Do vết đứt, cắt gây thủng, rách da, cơ làm tổn thương đến mạch máu gây chảy máu. Khi mất máu quá nhiều, khoảng 1/3 thể tích máu, sẽ dẫn đến tình trạng sốc, nếu không can thiệp kịp thời sẽ tử vong.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.