TÔN TRỌNG,  LỄ ĐỘ VỚI NGƯỜI LỚN (Bậc Hướng Thiện)

TÔN TRỌNG,  LỄ ĐỘ VỚI NGƯỜI LỚN

 
1. Tại sao phải tôn trọng người khác?
Đối với mọi người, chúng ta phải có thái độ tôn trọng, đặc biệt là với người lớn tuổi hơn, chúng ta phải có thái độ tôn trọng  và hành vi ứng xử lễ độ.
Đức Phật đã từng dạy rằng:
– “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”
– “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”
– “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, dòng nước mắt cùng mặn”.
Điều đó nói lên rằng mọi chúng sanh đều có khả năng giác ngộ, và mọi chúng sanh đều được tôn trọng như nhau. Vì thế, đối với mọi người, chúng ta phải có thái độ tôn trọng, đặc biệt là đối với Chư tôn thiền đức và người lớn tuổi hơn mình, điều này càng phải được chú trọng.

2. Tôn trọng người khác như thế nào?
Tôn trọng người khác là thái độ trân trọng, kính nhường; không có lời nói, hành vi coi thường, khinh rẻ, miệt thị; cho đến không có suy nghĩ coi thường, khinh rẻ, miệt thị.
Tôn trọng một người là không bao giờ lớn tiếng phê phán, chỉ trích người ấy trước đám đông, đặc biệt là khi người ấy không có mặt ở đó.
Tôn trọng người khác là biết bảo vệ danh dự  cho người khác khi cần thiết, không hùa theo đám đông nói những điều không tốt đẹp về một người mà điều đó khi nói lên không mang lại lợi ích cho ai cả, thậm chí đôi khi còn có hại cho cá nhân hay tổ chức.

3. Hành vi thể hiện sự tôn trọng người khác:
Tôn trọng người khác là có hành vi ứng xử lễ độ:
-Về thái  độ cử chỉ: Đến một nơi nào, người nhỏ tuổi hơn phải cung kính chào người lớn tuổi trước, nhường người lớn tuổi đi trước, ngồi trước, lắng nghe và vâng lời người lớn, không nên bô bô cười nói lớn tiếng át cả tiếng người khác. Khi đi vào chỗ có người lớn đang làm việc, phải đi nhẹ nhàng, giữ sự yên tĩnh. Khi người lớn đang nói chuyện, nếu cần nói hoặc hỏi gì phải đợi người lớn nói dứt câu, nói lời “Xin lỗi” rồi mới được nói hoặc hỏi, tuyệt đối không được nói chen vào. Khi đưa vật gì cho người lớn phải đưa bằng hai tay mặc dù vật đó rất nhẹ. Khi vào bàn ăn, phải đợi người lớn bắt đầu trước, khi ăn phải từ tốn, không được khua chén đũa, không được vừa nhai vừa nói.
-Về ngôn ngữ: Lời nói phải rõ ràng, từ ngữ lịch sự, thanh nhã, trong sáng, dễ hiểu, ngữ điệu nhẹ nhàng, âm điệu vừa phải, không nói lí nhí, cũng không hét to; phải biết nói lời cảm ơn, xin lỗi đúng lúc. Khi nói phải thưa gởi đầu câu rồi mới nói, không được nói trống không.
Ví dụ: nên nói; “Thưa chị, em biết rồi ạ” thay vì nói: “Biết rồi chị’ hay “Biết rồi”.
Người xưa đã nói:
“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”

Ghi nhớ:
– Đối với mọi người, phải có thái độ tôn trọng, nhất là đối với Chư tôn thiền đức và người lớn, việc này cần được đặc biệt chú trọng.
– Phải có hành vi và lời nói lễ phép, lịch sự  mọi lúc mọi nơi

Thực hành:
– Khi nói chuyện với người khác, hãy cố gắng nói năng ôn hòa, từ tốn, dùng lời lẽ hay, đẹp.
– Khi lỡ lời, phải tự mình thấy cái xấu sinh khởi trong chính mình mà thành tâm xin lỗi và sửa lỗi.
– Khi đi đứng nên nhẹ nhàng, khi gặp người lớn, nên có thái độ cung kính.
Tôn trọng, lễ độ với người lớn là một tính cách đẹp.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.