LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIÊT NAM (Bậc Hướng Thiện)

LỊCH SỬ  PHẬT GIÁO VIÊT NAM

(Thời kỳ du nhập đến thời Lý Nam Đế – Nhà nước Vạn Xuân)

I. Con đuờng và niên đại du nhập.
1. Con đường du nhập
Nước ta ở bán đảo Đông Dương: phía bắc giáp Trung Quốc; phía tây giáp Lào, Cam-pu-chia; phía đông, nam giáp Biển Đông (Thái Bình Dương).
Trung Quốc và Ấn Độ là nơi sản sinh nền văn minh lớn của loài người.
Đạo Phật được truyền bá vào nước ta bằng 2 ngã:
– Đường biển: Ấn Độ – phía nam Việt Nam.
– Đường bộ   : Ấn Độ – phía bắc Việt Nam.
2. Niên đại du nhập:
+ Theo Thiền Uyển Tập Anh – một bộ sách quan trọng về các vấn đề lịch sử, tư tưởng thì Phật giáo được truyền vào nước ta trực tiếp từ Ấn Độ, sau đó truyền bá từ Trung Quốc. Quốc sư đời Lý là Thông Biện có chép mẫu đối thoại giữa pháp sư Đàm Thiên (542-607 sau TL) trình vua Trung Quốc Tùy Cao Tổ có chi tiết: “một phương Giao Châu đường thông Thiên Trúc, Phật pháp lúc mới tới thì Giang Đông chưa có mà Luy Lâu chùa hơn 20 ngôi, tăng trên 500 người, kinh dịch 15 quyển”.
+ Nhà Phật học Giáo sư  Lê Mạnh Thát cho rằng Chữ Đồng Tử và Tiên Dung là 2 Phật tử Việt Nam đầu tiên liên hệ và học Phật pháp trực tiếp nhà sư Phật Quang (người Ấn) tại núi Quỳnh Viên (cửa Sót ở Hà Tĩnh ngày nay) vào khoảng thế kỷ II, III trước tây lịch (tương ứng với thời đại vua A Dục trị vì tại Ân Độ).
3.Trung tâm Phật Giáo Luy Lâu.
Về sự hiện diện của trung tâm Luy Lâu trên đất nươc Giao Châu (Việt Nam ngày nay) đã được giới sử học ngày nay khẳng định đây là trung tâm Phật Giáo hình thành sớm nhất khu vực, trước cả các trung tâm của Trung Quốc như Bành Thành, Lạc Dương. Tuy nhiên nó hình thành từ lúc nào thì vẫn chưa thể xác định. Những sử liệu còn lại cho ta biết chính xác ở cuối thế kỷ II  sau TL Luy Lâu là trung tâm Phật Giáo hoàn chỉnh đúng như Ngài Đàm Thiên đã nói.
Như vậy Phật Giáo du nhập nước ta vào khoảng thế kỷ II, III trước TL và phát triển vào thế kỷ thứ II sau TL (Thời đại Hùng Vương).

II. Những gương mặt Tăng sĩ, Phật tử  tiêu biểu.
Tình hình Phật giáo từ thế kỷ II đến thế kỷ thứ VI:
– Phật tử Việt Nam đầu tiên: Chữ Đồng Tử và Tiên Dung.
– Tăng Sĩ: Khâu Đà La, Ma Ha Kỳ Vực, Tu Định, Man Nương.
Các vị cao tăng nổi tiếng: Mâu Tử, Khương Tăng Hội.
1. Mâu Tử (198-230 stl):
a. Thân thế: Mâu Tử còn có tên là Mâu Bác, người dân tộc Việt (Trung hoa); học rộng biết nhiều, sống ở Thương Ngô gặp lúc loạn lạc thời Tam Quốc (Bắc Ngụy, Đông Ngô, Tây Thục) ông cùng mẹ đến Giao Chỉ cư trú, tu học.
b. Tác phẩm nổi tiếng: “Lý Hoặc Luận” dưới dạng hỏi, đáp tất cả 37 điều. Giáo Sư Lê Mạnh Thát chia thành 3 nhóm chính:
– Nhóm 1 (điều 1 đến 3): tổng quát về Phật giáo
– Nhóm 2 (điều 4 đến 28): Mối quan hệ giữa Nho giáo và Phật giáo.
– Nhóm 3 (điều 29 đến 37): tập trung phê phán đạo giáo.
Mâu Tử là người đầu tiên dùng giáo lý nhà Phật làm cơ sở đánh tan luận điệu tự tôn của dân tộc Hán (Thái Thú giao Châu thời đó là Chu Phù, Sĩ Nhiếp được lòng dân bản địa)
2. Khương Tăng Hội (?-280 stl)
a. Thân thế: Cha Ngài người Ấn Độ, mẹ người Giao Chỉ. Sau khi học đạo tại nước ta, Ngài mang những sở học, sở tu sang truyền bá ở nước Ngô, gây dựng phong trào học Phật tại đó.
b. Tác phẩm nổi tiếng: 14 bộ hợp thành 29 quyển gồm có Lục Độ Tập Kinh, Đạo Phẩm Thí Dụ Kinh, An Ban Thủ ý kinh chú…
Ta có thể kết luận rằng Khương Tăng Hội là vị tăng VN đầu tiên thành công rực rỡ trong công việc khai hóa, truyền bá Phật giáo ở nước ngoài. Ngài là một tăng sĩ có biệt tài nhiều mặt, công hạnh siêu tuyệt, tư tưởng khoáng đạt và là một nhà thiền học uyên bác.
  3. Tư tưởng Phật giáo nước ta trong thời kỳ này
Theo giáo sư Lê Mạnh Thát, đó là tư tưởng Phật giáo có tính cách quyền năng.
– Phật là con người siêu nhiên, có khả năng làm tất cả những điều ngoài óc tưởng tượng bình thường của con người như có thề biến hóa khôn cùng, có thể làm mọi điều theo ý muốn.
– Sự ra đời của tín ngưỡng Tứ Pháp cho thấy sự hòa hợp nhanh chóng của giáo lý Phật đà với tín ngưỡng dân gian bản địa:
Thần mây    ≡  Phật Pháp Vân
Thần mưa    ≡  Phật Pháp Vũ
Thần Sấm    ≡  Phật Pháp Lôi
Thần Sét      ≡  Phật Pháp Điện
4. Thời kỳ khủng hoảng tư tưởng Phật giáo vào thế kỷ thứ V
Sự ra đời 6 lá thư  trao đổi giữa Phật tử Lý Miễu với 2 vị thầy là Đạo Cao, Pháp Minh với vấn nạn: tại sao nói Phật linh nghiệm, quyền năng biến hóa tùy ý nhưng không thể thấy đuợc Phật? Đức Phật không thị hiện giữa đời cho Phật tử chiêm ngưỡng. Trọng tâm 6 lá thư là bàn luận về Đức Phật, thuyết Cảm Ứng không thuyết phục được mọi người. Đến thời điểm này, nền giáo lý Phật giáo do Mâu Tử và Khương Tăng Hội thiết lập không còn là niềm tin tuỵêt đối của người đương thời nữa.
Nhà nước độc lập Vạn Xuân ra đời với sự kiện xưng đế của Lý Bôn năm 544 là một sự kiện trọng đại đánh dấu bước ngoặc mới của lịch sử dân tộc và đây là thời kỳ chuẩn bị cho Phật giáo giải quyết thành công những bế tắc về tư tưởng nói trên.
Thật vậy dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi ra đời với quan điểm giác ngộ là tâm chuyển hóa, là nhận được “TÂM ẤN” của Phật. Thuyết TÂM TỨC PHẬT của Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã đem đến cho Phật giáo nước ta lời giải đáp về vấn nạn “Phật bất kiến hình”.
 
CÂU HỎI ÔN TẬP:
1. Căn cứ vào đâu, ta nói vào thời du nhập Phật giáo Việt Nam phát triển trước Phật giáo Trung Quốc ?
2. Nêu lộ trình du nhập của Phật giáo vào nước ta.
3. Ai được xem là người Phật tử Việt Nam đầu tiên? Hãy nêu đôi nét về họ.
4.Trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta ở đâu và phát triển như thế nào ?
5. Hãy tóm lược sự nghiệp trước tác của thiền sư Khương Tăng Hội và Ngài Mâu Tử
6. Sự kiện “6 lá thư”mang ý nghĩa như thế nào trong lịch sử Phật giáo Việt Nam ?
 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.