LIÊN ĐOÀN TRƯỞNG – LIÊN ĐOÀN PHÓ

LIÊN ĐOÀN TRƯỞNG – LIÊN ĐOÀN PHÓ
 

ội quy GĐPTVN đã quy định vị trí nhiệm vụ của Liên Đoàn trưởng, đồng thời minh định điều kiện tu học huấn luyện và trách nhiệm tương ứng, theo đó mục đích của Trại huấn luyện Huynh trưởng Cấp II danh hiệu Huyền Trang là đào tạo Liên Đoàn trưởng. Vì vậy trại sinh Huyền Trang cần hiểu rõ vị trí vai trò, nhiệm vụ trách nhiệm của người Liên Đoàn trưởng để có thể thi hành nhiệm vụ một cách chu toàn.
I. VỊ TRÍ, NHIỆM VỤ, TRÁCH NHIỆM CỦA LĐT:
Nội quy GĐPT/GHPGVN tu chỉnh năm 2013 và do Hội đồng Trị sự ban hành theo quyết định số 257/QĐ/HĐTS ở chương III điều 15 Mục C, điểm 2 đã xác định vị trí của Liên Đoàn trưởng nằm trong thành phần nhân sự Ban Huynh trưởng của một đơn vị GĐPT.
– 1 Gia Trưởng
– 1 Liên Đoàn trưởng (trường hợp gia đình có nhiều Huynh trưởng và đoàn sinh đông có thể thêm một hoặc hai Liên Đoàn phó phụ trách ngành Nam, Nữ)
Cũng ở chương này, điều 15 (Nhiệm vụ và liên lạc), mục C (Cấp gia đình), điểm 2 quy định rõ nhiệm vụ của Liên Đoàn trưởng là:
– Điều hành, hướng dẫn và hỗ trợ về chuyên môn cho các Huynh trưởng làm tốt nhiệm vụ sinh hoạt và tu học của Huynh trưởng và đoàn sinh.
– Lập kế hoạch sinh hoạt tu học hàng tháng, hàng quý, hàng năm của gia đình.
– Thi hành các phương án, chỉ thị của Phân Ban GĐPT và Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh hội, thành hội (quan hệ tốt với Ban Điều hành, Ủy viên đại diện huyện thị)
– Tổ chức các cuộc lễ, trại, văn nghệ, triển lãm, công tác từ thiện xã hội … trong phạm vi gia đình.
– Phối hợp với Thư ký gia đình báo cáo tình hình gia đình lên Phân BHD/GĐPT.
Ngoài ra ở chương V, điều 23 quy định Ban Huynh trưởng GĐPT có trách nhiệm tổ chức các trại huấn luyện Đoàn sinh. Nội dung huấn luyện phải trình BHD/GĐPT tỉnh, thành chấp thuận.
Như vậy, trong lúc Gia trưởng có nhiệm vụ lãnh đạo tổng quát về đường lối sinh hoạt GĐPT, tinh thần nội bộ của đơn vị, hành chánh và ngoại giao, thì LĐT có nhiệm vụ lãnh đạo về mặt tổ chức, điều hành hướng dẫn tất cả Huynh trưởng, đoàn sinh thực hiện các hoạt động về tu học, sinh hoạt và nhiệm vụ thi hành phương án chỉ thị, báo cáo với cấp trên (PBHD). 
II. YẾU TÍNH CỦA NGƯỜI LIÊN ĐOÀN TRƯỞNG:
Thực hiện vai trò, thi hành các nhiệm vụ của LĐT quả là công việc nặng nề, phức tạp. Phía trước luôn có nhiều khó khăn chướng ngại đang chờ đợi mình, đòi hỏi người LĐT phải thật sự tài năng, bản lĩnh, đức độ và nghị lực mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Cho nên, Nội quy GĐPT đã quy định về điều kiện của Huynh trưởng nói chung, LĐT nói riêng như sau:
Ban Huynh trưởng Gia đình Phật tử do tập thể Huynh trưởng cấp Tập trở lên bình chọn và được Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử tỉnh, thành công nhận bằng quyết định.”
– Nhiệm kỳ Ban Huynh trưởng Gia đình là 3 năm.
Như vậy, không phải là ngẫu nhiên hay dễ dàng đơn giản để được Ban Huynh trưởng tín nhiệm vào vai trò LĐT nếu người Huynh trưởng không thể hiện một nhân cách xứng đáng, có nhiều phẩm chất của người lãnh đạo.
1. Liên Đoàn trưởng một chân dung Huynh trưởng hoàn mỹ:
Lúc mới vào nghề ở trại Lộc Uyển, người trại sinh đã bước đầu xây dựng cho mình tư cách người Huynh trưởng về thể chất lẫn tinh thần. Dày dạn qua quá trình rèn luyện tu học, bước lên nấc thang mới, ở ADục, người Huynh trưởng chúng ta trình độ năng lực được nâng cao, tâm ý gạn đục khơi trong hơn nên chân dung người Huynh trưởng thêm lộ nét trong sáng đáng yêu đáng phục.
Vẫn người Huynh trưởng ấy, hôm nay, trong vai trò LĐT đối diện trước các Huynh trưởng Đoàn, với phong thái trầm tĩnh chững chạc trang nghiệm hơn nhiều. Từ thân thể trang phục đến cử chỉ dáng đi lời nói, đức tính và việc làm đều toát lên một sức cảm dụ mạnh mẽ, lại thêm cuộc sống nội tâm phong phú, nhiều suy tư cho lý tưởng Huynh trưởng và sự thăng trầm của tổ chức. Người LĐT hẳn phải vừa lo lắng vừa phấn khởi đến xao xuyến khi cảm nhận rằng:
– Tình thương và trí tuệ mà mình đã cho và phục vụ khá nhiều nhưng thực ra chưa đủ.
– Hy sinh đã to lớn nhưng không một sớm một chiều mà xong nhiệm vụ đòi hỏi phải còn nhiều cống hiến.
– Kiên trì có thừa nhưng bất trắc phía trước khó bề đoan quyết, ta còn phải kiên định lập trường.
– Cầu học đã tinh cần vẫn không cho phép ta tự mãn vì đường tu học như thuyền ngược nước không tiến ắt phải lùi.
Cho nên người LĐT vẫn thường tâm niệm không ngừng hoàn thiện nhân cách. Nhân cách một con người đã khó, nhân cách của người Huynh trưởng/LĐT lại khó hơn nhiều: Thân không tỳ vết, ý chẳng bợn nhơ, lòng canh cánh niềm tin lý tưởng nẩy hoa cho cuộc sống.
Đó là bức chân dung tuyệt đẹp của người Huynh trưởng Áo Lam mà hơn ai hết người LĐT phải thành tựu.
2. LĐT-vai trò lãnh đạo:
Người Đoàn trưởng đoàn phó chỉ giới hạn ở nhiệm vụ hướng dẫn điều khiển các em trong một đoàn. Người LĐT thì tổ chức điều hành mọi sinh hoạt của cả một đơn vị GĐPT, gồm nhiều Huynh trưởng và đoàn sinh có khi đến trăm người và còn liên quan ảnh hưởng đến xã hội làng xã. Vì thế cần sơ lược một vài điểm căn bản cần thiết cho việc tổ chức điều hành trong vai trò lãnh đạo của Liên Đoàn trưởng.
a. Thấu đáo tổ chức: Lãnh đạo đồng nghĩa với tổ chức điều hành. Muốn tổ chức điều hành mọi công việc được suôn sẻ hoàn thiện đúng kế hoạch kết quả tốt như ý muốn, trước hết người LĐT phải thông suốt về GĐPT. Đó là chủ trương mục đích, đường lối sự hình thành, phát triển, nội quy, phương pháp giáo dục, chương trình tu học, cách thức tổ chức quản trị, điều hành, hướng dẫn các mặt hoạt động về sinh hoạt tu học và cả hiểu biết về tổ chức GHPGVN.
Giống như người thợ điều khiển một bộ máy phải biết rõ cấu tạo, tác dụng, nguyên tắc vận hành của bộ máy, người LĐT phải qua học tập huấn luyện mới thấu đáo tổ chức. Nhưng bể học thì mênh mông, điều kiện học tập của chúng ta thì hạn chế, trong một sớm một chiều không thể đáp ứng một trong ba yếu tố cơ bản của người lãnh đạo là tài năng, đạo đức và ý chí.
Đừng tự an ủi mình bằng sự viện dẫn nhiều lý do như hoàn cảnh khó khăn, sinh kế ràng buộc, tài liệu thiếu thốn … của việc thiếu tu ít học bê trể lười nhác, giải đãi.
Để khỏi bị tụt hậu, bị đánh giá thấp trong vai trò lãnh đạo mà nhất là ảnh hưởng đến sự tiến triển của đơn vị, người LĐT phải biết đề cao tinh thần cầu tiến, luôn tìm tòi học hỏi để nâng cao trình độ văn hóa, mọi thứ kiến thức cần thiết liên quan đến năng lực lãnh đạo điều hành của LĐT.
b. Làm việc có kế hoạch: Lãnh đạo là tổ chức điều hành mà đã tổ chức thì phải có tính khoa học. Vì vậy làm việc có kế hoạch là một trong các yếu tố cần thiết để thành công trong lãnh đạo.
Biểu hiện của óc tổ chức, làm việc có kế hoạch là người LĐT biết suy nghĩ phân tích tổng hợp nhận định đánh giá các tình hình, sự kiện … để dự trù phương hướng tổ chức sinh hoạt bao gồm các việc:
– Người LĐT luôn đặt các câu hỏi; Thế nào? Tại sao? Làm gì? Ai? Mà vận dụng vào việc tổ chức điều hành hướng dẫn.
– Vạch chương trình, dự án kế hoạch, tiến hành các công tác mà mọi hoạt động đều nhằm đến mục tiêu nhất định, thời gian cụ thể, đúng đường lối, phù hợp tinh thần đạo pháp và GĐPT.
– Sắp xếp công việc chặt chẻ, việc gì cần làm trước việc gì nên làm sau.
– Phân công rõ ràng cụ thể, hợp lý hợp tình, luôn gắn bó hoà hợp, thống nhất ý kiến với Gia trưởng, các Liên Đoàn phó trong việc vạch chương trình kế hoạch, quá trình thực hiện. Hướng dẫn cụ thể cho các Đoàn trưởng, đoàn phó và kiểm tra đôn đốc khi họ thi hành nhiệm vụ.
– Dự trù các biện pháp thực hiện, tiên liệu các tình huống và cách đối phó kịp thời, theo dõi tình hình tiến trình thực hiện, nắm rõ tình hình sinh hoạt, mặt mạnh mặt yếu của các Đoàn, ưu điểm nhược điểm của một Huynh trưởng để đôn đốc, động viên, giúp đỡ uốn nắn các sai lệch rồi đúc kết rút kinh nghiệm, báo cáo.
Một LĐT không thể bạ đâu làm đó, chắp vá, luộm thuộm chẳng có việc gì tới nơi tới chốn. Đó chỉ là một LĐT vừa thể hiện sự kém cỏi về khả năng tổ chức lãnh đạo, vừa là người thiếu tinh thần trách nhiệm mà còn đưa đơn vị đến tình trạng suy yếu.
c. Tinh thần trách nhiệm: Ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm là yếu tố, đặc tính vô cùng quan trọng của người LĐT vì chính tinh thần trách nhiệm là động lực thúc đẩy người LĐT thi hành chu đáo các nhiệm vụ, biến kiến thức thành hành động cụ thể, không thể thờ ơ phó mặc sự thịnh suy sống còn của đơn vị. Tinh thần trách nhiệm buộc LĐT tự xác định mình:
– Chỉ có việc làm mới thể hiện tinh thần ý thức, thiện chí, tài năng của mình, nên LĐT phải làm việc thật sự, nói ít nhưng làm nhiều, không ba hoa mà rỗng tuếch “mười voi chẳng được đọi nước xáo” biểu hiện của “Thùng rỗng kêu to” đáng mỉa mai.
– Đơn vị mạnh hay yếu, gia đình tiến hay lùi là do một phần lớn LĐT quyết định chứ chẳng vì ai chẳng bởi nguyên nhân nào khác. Gia đình vững mạnh sánh bằng đơn vị bạn thì dù không cần khoe mẻ mọi người vẫn biết đó là nhờ công sức trí tuệ của LĐT cùng Ban Huynh trưởng, lòng người LĐT sẽ vui sướng an ổn, là phần thưởng xứng đáng nhất. Ngược lại nếu gia đình trì trệ suy yếu thì tinh thần trách nhiệm không cho phép người LĐT biện minh bằng các từ “bởi vì, nhưng …”. Một người LĐT biết nêu cao danh dự và trách nhiệm sẽ không bao giờ chấp nhận điều đó.
d. Vài biểu hiện dễ thấy về tinh thần tác phong của LĐT: Ngoài các yếu tính căn bản rất cần thiết đối với vai trò lãnh đạo, người LĐT còn phải thận trọng về các biểu hiện bên ngoài mà qua đó người ngoài rất dễ dàng đánh giá:
 – Phải thể hiện tinh thần hòa hợp, hòa giải, công tâm thẳng thắn chứ không nên thiên kiến, cục bộ.
– Tác phong trang nghiêm chững chạc chứ không liến thắng cười nói ồn ào …
– Điềm tĩnh, chính chắn sâu sắc chứ không vội vàng xuề xoà hời hợt.
– Tế nhị biết lắng nghe nhẹ nhàng rộng lượng chứ không hẹp hòi cố chấp và khắc nghiệt, bảo thủ.
– Nói ít làm nhiều, thực tâm khiêm tốn và có hiệu quả, chớ không nên ba hoa, khoa trương bên ngoài mà thiếu thực chất.
Những biểu hiện trên đây hoặc là khiến anh em Huynh trưởng có cớ để đàm tiếu, xem thường bởi “cái ta đáng ghét của anh ấy” mà không tích cực trong công tác, ngược lại sẽ kính phục mà phấn khởi sẵn sàng chấp hành, hợp tác với ta để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ.
LIÊN ĐOÀN PHÓ
I. VỊ TRÍ VAI TRÒ VÀ NHIỆM VỤ CỦA LĐP:
Theo Nội quy, một đơn vị GĐPT có nhiều đoàn, số lượng Huynh trưởng đoàn sinh đông, thì có thể thêm một hoặc hai Liên Đoàn phó.
Như vậy, sau Gia trưởng và LĐT, LĐP là người đứng bên cạnh LĐT cùng giữ vai trò lãnh đạo tổ chức điều hành sinh hoạt tu học của đơn vị GĐPT tương ứng với nhiệm vụ của LĐT, mặc nhiên người LĐP có những nhiệm vụ chính:
– Trợ tá cho LĐT trong nhiệm vụ lãnh đạo, tổ chức, điều hành hướng dẫn về chuyên môn các Đoàn sinh hoạt tu học thông suốt kết quả tốt, thi hành các phương án, chỉ thị của Phân BHD/GĐPT.
– Tổ chức, hướng dẫn các đoàn thuộc ngành mình (nếu có phân công) tu học sinh hoạt theo đúng chương trình và kế hoạch.
– Phối hợp với ngành bạn một cách hài hoà đồng bộ
– Thay thế LĐT để điều hành hướng dẫn đơn vị khi LĐT vắng mặt, trở ngại.
Với nhiệm vụ quan trọng ấy, người LĐP tất phải liên đới với LĐT chịu trách nhiệm về sự thịnh suy của GĐPT mà mình là một trong những người giữ vai trò lãnh đạo điều hành guồng máy hoạt động của đơn vị.
II. BỔN PHẬN VÀ THÁI ĐỘ CỦA NGƯỜI LĐP:
Để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ nặng nề quan trọng của mình, ngoài những yếu tố cơ bản và kiến thức, khả năng, đạo đức, ý chí nghị lực bằng sự học tập, rèn luyện tu dưỡng phẩm chất như LĐT, người LĐP còn cần phải luôn tâm niệm làm theo một số bổn phận và thể hiện thái độ đúng đắn về nhận thức và tinh thần người Huynh trưởng.
– Luôn tôn trọng LĐT và chấp hành cách hoan hỷ những đề xuất, phân công của LĐT.
– Luôn gần gủi, gắn bó với LĐT để hội ý trong công việc tổ chức, vạch kế hoạch chương trình, điều hành tu học sinh hoạt, thi hành chỉ thị của Phân BHD để phát huy đơn vị ngày mỗi tiến triển, vững mạnh.
– Phải hợp tác chia xẻ với LĐT trong công việc chứ không bàng quan, phó mặc tiêu cực, an phận. Đây chính là tinh thần và ý thức trách nhiệm, một yếu tính căn cốt của người Huynh trưởng.
– Luôn giữ tình đoàn kết, lục hoà giữa LĐT với LĐP, tạo sự gắn bó tương thân tương ái giữa các Huynh trưởng đoàn và đoàn sinh với nhau. Đây chính là sự sống còn và sức mạnh của đoàn, của GĐPT.
– Chân tình và khiêm tốn: Chân tình và khiêm tốn là động lực giúp người LĐP gạt bỏ mọi tự ty mặc cảm, bảo thủ, cố chấp, lòng đố kỵ, tỵ nạnh … để gần gũi, gắn bó đoàn kết, hợp tác và sẵn sàng tiếp thu mọi ý kiến xây dựng từ mọi phía, đặc biệt là ý kiến và sự phân công của LĐT.
Nhận thức đúng đắn vai trò và trách nhiệm, luôn làm tròn bổn phận, tự vượt lên chính mình, người LĐP chắc chắn sẽ hoàn thành nhiệm vụ góp phần cùng tập thể Ban Huynh trưởng xây dựng và phát triển GĐPT trong mục đích giáo dục các em của chúng ta thành Phật tử chân chính và người công dân tốt cho xã hội.
KẾT LUẬN:
Nhận lãnh vai trò lãnh đạo, người LĐT, LĐP có nhiệm vụ tổ chức điều hành quản lý tất cả mọi sinh hoạt tu học một đơn vị GĐPT đồng thời có các trách nhiệm quyền hạn và quyền lợi tinh thần tương xứng.
Chỉ một câu ngắn gọn nhưng chắc quyết “Người LĐT phải chịu trách nhiệm về sự thịnh suy của một đơn vị GĐPT” cũng đủ là mối ưu tư trăn trở thường xuyên, là một gánh nặng luôn đè lên vai người LĐT, LĐP có tinh thần trách nhiệm có danh dự và ý thức tổ chức đúng đắn.
Cầm giữ sức sống của đơn vị liên quan đến sinh mệnh tinh thần của cả một trăm con người, là các mầm non đạo pháp và đất nước quả không phải là một việc đơn giản để dễ xem thường. Lý tưởng Huynh trưởng không cho phép người LĐT, LĐP chểnh mãng lơ là nhiệm vụ và rèn luyện bản thân.
Hiểu rõ nhiệm vụ vai trò của mình, thấu đáo tổ chức, xây dựng được chân dung một Huynh trưởng, một LĐT, LĐP hoàn mỹ, toàn tâm toàn lực cho sự vững tiến của đơn vị để xứng đáng với trách nhiệm nặng nề vẻ vang … Bao nhiêu điều nhắc nhở ấy sẽ luôn vang dội trong khối óc sáng láng tinh anh và trái tim nhiệt tình lý tưởng của người LĐT, LĐP chúng ta vậy./.
 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.