CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA PHÁP SƯ HUYỀN TRANG (phần 2)

CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP
CỦA PHÁP SƯ HUYỀN TRANG

(TIẾP THEO)
 

4. Công trình thỉnh kinh và dịch kinh vĩ đại:
 Thấy việc nghiên cứu tu học đã thỏa mãn và sau cuộc chiến thắng vẻ vang trong đại hội tranh luận ở thành Khúc Nữ, Ngài Huyền Trang chuẩn bị về nước. Nhưng bởi lòng kính mộ, vua Giới Nhật thỉnh mời Ngài nán lại để tham dự đại thí trường “VÔ GIÀ”, là một đại hội bố thí rất lớn, vô cùng đặc biệt, chỉ riêng ở Ấn Độ và chỉ những Phật tử đại phát tâm như vua Giới Nhật mới làm được.
 Sau đó, mặc dù vua Giới Nhật tha thiết khẩn cầu Ngài tiếp tục ở lại, nhưng mục đích chính của cuộc tây du là “cầu thỉnh kinh điển đem về truyền bá trong nước” đang canh cánh bên lòng, đang từng ngày vang dội trong tâm trí, nên Ngài cần phải trở về tổ quốc, mặc dù nơi quê hương đức Phật, đằng đẵng hơn 15 năm đã qua đã ghi lại cho Ngài bao kỷ niệm đẹp đẽ khó quên, bao tình cảm chan chứa sâu sắc sẽ không bao giờ phai lạt trong đời ngài. Trước chí nguyện cao cả chính đáng ấy, vua Giới Nhật đành phải bùi ngùi cảm động và hết sức bịn rịn chia tay với người con anh kiệt của đất nước Trung Quốc xa xôi. Nhà vua bèn cung cấp cho Ngài rất nhiều phương tiện từ voi, ngựa, xe cộ, quân binh hộ tống đến lương thực, áo quần, thuốc men, thư tín giới thiệu … để Ngài đi đường được dễ dàng và an toàn. Lần trở về như thế là được nhiều thuận lợi, vã lại danh tiếng Ngài đã vang truyền khắp nơi, nên đến đâu Ngài đều được hoan nghênh, đón tiếp và giúp đỡ. Tuy vậy không có nghĩa là con đường vạn dặm giờ đây đã bằng phẳng, hết chông gai. Một lần nữa, Ngài lại phải trèo non lội suối, vượt sông to sóng dữ, qua rừng thiêng thú dữ, cả tháng trời đi bộ hết lên lại xuống trên núi tuyết hiểm trở đến phồng rộp cả chân, lắm lúc phải đối đầu với cướp núi cướp sông dữ dằn đòi tiền đổi mạng. Nhưng cũng như lần ra đi, tất cả mọi hiểm nguy gian truân đều đã rạp mình dưới gót chân thần kỳ và tinh thần kiên dũng vô song của Ngài.
 Ngày 24 tháng 1 năm 645 (Năm Trinh Quán thứ 19 đời đường Thái Tông), Ngài về tới kinh đô Tràng An trong sự nghinh đón cực kỳ nồng nhiệt và long trọng chưa từng thấy của triều đình, tăng chúng và nhân dân hơn cả vị tướng lãnh chiến thắng ca khúc khải hoàn.
 Ngài đã thỉnh về Trung Quốc một khối lượng kinh sách đồ sộ và nhiều tượng Phật, xá lợi Phật quý báu, đáng kể như sau:
 – 150 hột xá lợi Phật
– 1 tượng Phật bằng vàng cao 3 bộ 4 tấc Anh kể cả đế, theo mẫu bóng trong hang Long Khốt trên núi Chánh Giác ở nước Ma Kiệt Đà.
– 1 tượng Phật bằng gỗ trầm hương cao 3 tấc Anh kể cả đế, diễn tả đức Phật chuyển pháp luân lần đầu tiên ở Varanasi.
– 1 tượng Phật bằng gỗ trầm hương cao 2 tấc 9 Anh tạc hình đức Như Lai từ cung trời giáng xuống thành Ca Tỳ La Vệ.
– 1 tượng Phật bằng vàng cao 3 tấc 5 Anh tạc hình đức Phật đang thuyết kinh Pháp Hoa và các kinh khác trên núi Linh Thứu nước Ma Kiệt Đà.
– 1 tượng Phật gỗ trầm hương cao 1 tấc 3 Anh tạc hình đức Phật khắc phục mãng xà ở Nagaraha.
– 1 tượng Phật gỗ trầm tạc hình đức Phật đi khất thực quanh thành Vaisali, và một số tượng khác.
 Về kinh điển Ngài đã thỉnh về được 224 bộ kinh đại thừa, 192 bộ luận đại thừa, 15 bản của phái Thượng Toạ, 15 bản của phái Đại Chúng, 15 bản của phái Chánh Lượng, 22 bản của phái Di-Sa-Tắc, 17 bản của phái Ca-Diếp-Tỷ-La, 42 bản của phái Pháp Mật, 67 bản của phái Nhất-Thiết-Hữu, 36 bộ Nhơn Minh Luận, 13 bộ Thanh Minh Luận, tổng cộng 520 hòm có 675 cuốn. Ngài phải dùng tới 20 ngựa để mang tất cả.(7)
 Thế là kết thúc cuộc Tây du thần kỳ và hy hữu. Cuối cùng chí nguyện cao cả ”Về tận đất Phật thỉnh kinh” của Ngài đã thành tựu hoàn toàn viên mãn.
 Ngài ra đi Tây du vào năm 629 (niên hiệu Trinh Quán thứ 3 đời vua Đường Thái Tông) lúc 33 tuổi, từ Tràng An đến Vương Xá (Ấn Độ). Ngài đã vượt hành trình nghìn trùng gian khổ hơn 8333 dặm Anh (10000 ngàn cây số), đã đi qua 138 nước và mất 17 năm khi về tới Trung Quốc (năm 645-nhằm năm Trinh Quán thứ 19).
 Lúc còn ở Ấn Độ, Ngài Huyền Trang thành khẩn đi chiêm bái các Phật tích thánh địa, nổ lực học hỏi, nghiên cứu sưu tầm kinh điển, tích cực thuyết pháp, tranh luận để xiển dương đại thừa bao nhiêu, thì sau khi về nước, Ngài dành mọi thời gian quý báu, miệt mài bấy nhiêu cho việc thực hiện mục đích quan trọng cuối cùng của đời mình là:
 “Phiên dịch kinh điển từ chữ Phạn ra chữ Hán để phổ biến trong nước.” Vì vậy từ lúc về nước (năm 645) cho đến ngày viên tịch (năm 664), suốt 19 năm trời, làm việc không phút giây ngừng nghỉ, cặm cụi cả ngày thâu đêm suốt sáng không mệt mỏi, không tiếc thân mạng, Ngài đã phiên dịch được 75 bộ kinh gồm 1335 quyển. Thực là một công trình vô cùng lớn lao hy hữu. Ngoài ra Ngài còn tranh thủ thời gian để viết bộ Đại Đường Tây Vức Ký đồ sộ gồm 12 quyển thuật lại tỷ mỹ cuộc du hành vĩ đại, trở thành một tác phẩm văn học xuất sắc và tư liệu quý giá về mọi mặt.
 Sau khi được đón tiếp cực kỳ long trọng, Ngài được hội kiến với vua Đường Thái Tông. Xong rồi Ngài đến ở chùa Hoằng Phúc chuẩn bị bắt tay ngay vào công trình dịch kinh quy mô vĩ đại. Ngoài các dịch giả danh tiếng, các nhà văn phạm nổi tiếng, những người biên chép do triều đình cung cấp, Ngài còn mời thêm nhiều bậc cao tăng danh đức thạc học, các nhà ngôn ngữ học, các học giả về Phạn ngữ … hợp tác với Ngài lập nên HỘI ĐỒNG PHIÊN DỊCH gồm nhiều ban làm việc theo chức năng hợp sở trường của mỗi người.
 Hội đồng phiên dịch được tổ chức có hệ thống và hoàn bị gồm có:
 – Dịch chủ: Là người chỉ huy, tinh thông cả Hán văn lẫn Phạn văn, phán đoán nghĩa lý chính xác. Bản thân Ngài Huyền Trang đảm trách chức vụ này.
– Bút thọ: chuyên dịch nghĩa từ chữ Phạn sang chữ Hán.
– Độ ngữ: Là người thạo tiếng Phạn, chuyên phiên âm tiếng Phạn cho đúng.
Chứng Phạn: Phụ trách việc đem so bản dịch có đúng với bản chữ Phạn không.
– Nhuận văn: Gồm các vị khoa bảng, chuyên trách việc sửa lời văn của bản dịch cho hợp văn pháp Trung Hoa.
– Chứng nghĩa: Có nhiệm vụ đem so nghĩa lý trong bản dịch có hợp với nghĩa lý trong nguyên bản chữ Phạn không để sửa lại.
– Tổng khám: Xem xét chung lại lần cuối trước khi hoàn thành bản dịch.
 Trước Ngài Huyền Trang đã có nhiều vị làm công việc dịch kinh rồi. Vị nổi tiếng nhất là Ngài Cưu Ma La Thập, một danh tăng người nước Nhục Chi. Những bộ kinh Kim Cang, Pháp Hoa, Địa Tạng, Di Đà … hiện chúng ta đang trì tụng đều do Ngài Cưu Ma La Thập dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán.
 Nếu so sánh lối dịch của Ngài Cưu Ma La Thập, thì Ngài Huyền Trang có lối dịch riêng.
 – Ngài La Thập chú trọng nhiều ý chính của bài kinh và âm vận, không câu nệ vào lối kiến tạo câu văn, nên lời kinh dịch ra chữ Hán khi tụng lên ta thấy nhịp nhàng, thoát thai từ lối văn biền ngẫu cổ điển của Trung Quốc. Lối dịch này được gọi là Cựu dịch.
 – Trái lại Ngài Huyền Trang thì chú trọng đến tướng, nghĩa là theo sát câu văn cùng toàn bố cục bài nguyên bản, không bỏ qua một chi tiết nhỏ nhặt nào. Vì thế mà các kinh dịch này có hình thức những bài văn nghị luận, với lời văn khúc chiết, rõ ràng chính xác. Lối dịch này của Ngài Huyền Trang gọi là Tân dịch. Các bản dịch kinh nổi tiếng xuất sắc của Ngài là các bộ Thành Duy thức luận, Nhiếp đại thừa luận, Câu Xá luận. Vào thời đó, những bản kinh dịch này là rất mới mẽ, đầy tính cách cách mạng ảnh hưởng đến lối văn bạch thoại sau này. Ngài khởi sự dịch kinh vào ngày 01 tháng 7 với các kinh đầu tiên là kinh Bồ tát tạng, kinh Phật địa, kinh Lục môn Đà La Ni luận Hiển dương Thánh giáo. Trong ngày đầu tiên ấy Ngài đã dịch xong cuốn kinh Lục môn, đến cuối năm thì hoàn tất dịch mấy bộ kinh trên. Công trình phiên dịch của Ngài được triều đình bảo hộ và chính nhà vua cũng đặc biệt quan tâm. Trước công trình dịch thuật vĩ đại có một không hai ấy, vua Đường Thái Tông rất cảm kích nên đã đích thân ngự bút viết “Bài tựa Đại Đường Tam tạng thánh giáo” tóm tắt ghi nhận, tuyên dương đạo đức sáng ngời, chí nguyện cao cả, công nghiệp vĩ đại của Ngài, với lời lẽ tha thiết ngợi ca:
“… Nay Pháp sư Huyền Trang là bậc lãnh đạo chốn Thiền môn … lưu tâm nội cảnh, thương chánh pháp suy vi, chú ý huyền môn buồn thảm, văn soi suyển nghĩa, muốn chia điều chẻ lý, mở rộng chỗ học xưa, bỏ ngụy thêm chơn, khai thông kẻ hậu tiến. Vậy nên lòng trông đất tịnh, thân đến cõi tây, mạo hiểm nghìn trùng, xông pha chiếc bóng … nặng lòng thành coi nhẹ gian lao …chu du Tây vức mười lẻ bảy năm, trải khắp đạo tràng, tham cầu chánh giáo, lãnh chơn giáo với bậc thượng hiền, tìm thấu cửa mầu, tinh cùng nghĩa áo, đạo nhất thừa cùng năm luật bộ đầy tâm điền, văn bát tạng với ba hòm kinh dập dồn khẩu hải … những nước đi qua, tóm thâu được tam tạng kinh văn gồm có 657 bộ đem về dịch truyền bá khắp Trung Quốc để tuyên dương thắng nghĩa, dẫn mây lành ở nơi Tây vức, rưới mưa pháp vào chốn Đông thuỳ, thánh giáo khuyết mà lại toàn … Những mong kinh này lưu khắp, trải bao nhật nguyệt vô cùng, phúc ấy nhuần xa sánh với càn khôn vĩnh viễn.”(8)
 Nhà vua lại cho xây một cảnh chùa đồ sộ ở Tràng An lấy tên là chùa Từ Ân, có một nơi đặc biệt đủ tiện nghi dành cho việc phiên dịch gọi là Phiên dịch viện và thỉnh Ngài đến ở lo việc dịch kinh. Ngài hết sức chăm chuyên phiên dịch. Sợ thọ mệnh của mình có hạn, vô thường, nên Ngài đã làm việc suốt ngày đêm, không ngừng nghỉ, không biết mệt mỏi đến quên ăn bỏ ngủ. Đại đức Tuệ Lập, một đệ tử theo Ngài suốt 20 năm kể lại trong Đại Từ Ân Tam tạng Pháp sư truyện:
 “… Ngài ở Từ Ân chuyên lo việc phiên dịch. Ngày nào gặp việc chưa xong thì đến đêm dịch trở lại, dịch cho đến chổ làm dấu trước trong nguyên bản mới dừng bút. Ngài xếp kinh đi lễ Phật, kinh hành đến canh ba mới tạm nghỉ. Sang canh năm Ngài đã trở dậy, đọc tờ bản kinh chữ Phạn, lấy điểm son làm dấu thứ tự, dịch trước những đoạn sẽ dịch trong ngày …”
 Nhìn chung số lượng tam tạng Ngài thỉnh về và phiên dịch là rất đồ sộ, nhưng phần lớn và quan trọng là kinh luận thuộc đại thừa và luận thì thiên về Du Già:
 – Đại Bát Nhã Ba La Mật kinh (gồm 600 quyển)
– Năng đoạn Kinh Cang Bát Nhã Ba La Mật kinh
– Bát Nhã Ba la Mật Đa Tâm Kinh
– Đại Bồ tát tạng kinh
– Đại thừa đại tập Địa tạng thập luận kinh
– Phân biệt duyên khởi sơ thắng pháp môn kinh
– Thuyết Vô Cấu Xưng kinh
– Dược sư Lưu Ly Quang Như Lai bản nguyện công đức kinh.
– Giải thâm mật kinh
– Xưng tán đại thừa công đức kinh
– Duyên khởi thánh đạo kinh …
Về luận thì tiêu biểu là các bộ:
– Du Già sư địa luận (100 quyển)
– Nhiếp đại thừa luận thích
– Quán sở duyên duyên luận
– Đại thừa ngũ uẩn luận
– Hiển dương thánh giáo luận
– Đại thừa A tỳ đạt ma tạp tập luận
– Thành duy thức luận
– Du Già sư địa luận thích
– Hiển dương thánh giáo luận tụng
– Đại thừa bách pháp minh môn luận
– Duy thức thành nghiệp luận
– Duy thức tam thập luận
– Nhân minh nhập chánh lý luận
– Đại thừa chưởng trân luận
– Duy thức nhị thập luận
– Biện trung biên luận
– Biện trung biên luận tụng
– Nhiếp đại thừa luận bổn …
Về luật thì có:
– Bồ tát giới yết ma
– Bồ tát giới bổn
Ngoài ra còn có một số bộ kinh thuộc Tịnh độ, Mật tông
Công trình dịch thuật kinh điển của Ngài có ý nghĩa ảnh hưởng rất to lớn và thành quả hết sức rực rỡ đến nỗi sau khi dịch xong bộ luận Du Già sư địa (gồm 100 quyển, dịch trong 2 năm: 646-647), theo yêu cầu của nhà vua, Ngài giảng giải sơ lược những nét chính của bộ luận ấy và đưa cho vua xem. Sau khi đọc bộ luận trứ danh ấy nhà vua đã thốt lên lời cảm thán với đình thần rằng: “Trẫm đọc kinh Phật như ngắm trời dò bể không tài nào ước lượng bề sâu. Huyền Trang đã đem giáo pháp vi diệu này từ xa xôi về. Tiếc vì bận việc quân quốc rối ren, trẫm không tài nào đi tìm giáo lý Phật Đà. Nay trẫm đã xem nguồn gốc của giáo lý ấy. Trẫm nhận thấy rằng thật khó thể biết hết được bề rộng của vẻ đẹp và hương thơm của nó. Khổng giáo, Lão giáo và chín học thuyết so với Phật giáo chỉ là một dãi đất nhỏ trên đại dương mênh mông. Thật hoàn toàn sai lầm khi người ta nói tam giáo đều ngang nhau”.
 Sau đó nhà vua ra lệnh cho sao chép các kinh điển đã dịch xong thành nhiều bản phân phát cho các nơi để Phật pháp được phổ biến rộng khắp trong nước.
 Mùa xuân năm 660, 65 tuổi, Ngài khởi sự dịch bộ kinh đồ sộ và khó khăn là bộ “Đại Bát nhã ba la mật kinh”, gồm 20000 bài tụng bằng chữ Phạn. Mặc dù các đệ tử khuyên Ngài nên lược dịch ngắn lại, nhưng Ngài vẫn cứ dịch đúng theo nguyên bản không bỏ sót một chữ nào, lại còn cân nhắc, so sánh đối chiếu cẩn thận giữa nhiều bản khác nhau trước lúc hạ bút viết. Lo mình sẽ chết mà công việc chưa xong, Ngài khích lệ tăng chúng để chạy đua với thời gian rằng:
“Nay Huyền Trang này đã 65 tuổi và chắc rằng sẽ chết trong chùa này. Vì bộ kinh này rất vĩ đại, tôi chỉ sợ tôi không sống được để dịch cho xong, vậy chúng ta phải cố gắng làm việc và đừng để mất phút nào” (9)
 Thật vậy, Ngài và các đệ tử đã nổ lực làm việc miệt mài suốt ba năm ròng. Tháng 11 năm 663 Ngài đã hoàn thành bản dịch bộ kinh gồm 600 quyển, thì cũng là lúc những ngày cuối cùng của đời Ngài sắp đến gần.
5. Thành lập Pháp tướng tôn, Câu xá tôn, xiển dương đại thừa ở Trung Quốc:
 Ngoài sự nghiệp tây du thỉnh kinh và dịch kinh vĩ đại, Ngài Huyền Trang còn xướng lập Pháp tướng tôn Câu xá tôn rất thịnh hành ở Trung Quốc, góp phần xiển dương đại thừa Phật giáo thêm rực rỡ. Nguyên trước Ngài Huyền Trang thì ở Bắc Triều đã lưu hành Địa luận tôn (căn cứ vào Thập địa kinh luận) và ở Nam triều đã có Nhiếp luận tôn (căn cứ Nhiếp đại thừa luận), cả hai tôn này đều thuộc truyền thống Du Già, Duy Thức của đại thừa do hai anh em Bồ tát Vô Trước, Thế Thân khai sáng ở Ấn Độ (vào khoảng cuối thế kỷ IV). Khi Ngài Huyền Trang tây du về, dịch lại các bộ Nhiếp đại thừa luận, Nhiếp đại thừa luận thích, thành duy thức luận, Du già sư địa luận và kinh giải thâm mật đồng thời căn cứ vào giáo nghĩa các kinh luận này làm căn cứ bản (thuộc truyền thống Du Già) lập nên Pháp tướng tôn. Sở dĩ gọi là Pháp tướng tôn vì tôn này nhằm tôn chỉ giải thích về “tính”“tướng” của các pháp và chủ trương rằng “tất cả các pháp đều do thức mà phát sinh, ngoài thức ra không có gì cả”. Vì thế Pháp Tướng Tôn còn gọi là Duy thức tôn.
 Đạo tràng của Ngài có tới mấy ngàn người theo học. Các đệ tử danh tiếng của Ngài như các ngài Khuy Cơ, Viên Trắc, Phổ Quang, Pháp Bảo, Thần Thái, Tĩnh Mại, Tôn Triết, Đạo Chiêu, trong đó ngài Khuy Cơ là xuất sắc hơn cả đã góp sức cùng Ngài truyền bá tư tưởng Duy thức khiến pháp tướng tôn phát huy mạnh mẽ. Rất tiếc vào cuối đời Đường bởi nạn Võ Tôn phá Phật, xã hội loạn lạc nên bị suy yếu dần.
 Ngoài sự nghiệp dịch kinh và trước tác vĩ đại, Ngài còn thực hiện rất nhiều thiện sự, cúng dường lớn lao, mà bản liệt kê những việc thiện Ngài đã làm trong đời cho biết Ngài đã sơn phết tô vẽ 1000 bóng Phật. Ngài lại còn sao chép bộ Năng đoạn Kim Cang Bát Nhã,  bộ Dược sư, bộ Đà La Ni và vài bộ kinh khác, mỗi bộ chép thành 1000 quyển. Ngài đã cúng dường cho hơn mười ngàn vị tăng và sinh vật …
 III. NGÀY CUỐI CÙNG VÀ SỰ VIÊN TỊCH CỦA BẬC DANH TĂNG VĨ ĐẠI:
 Ngày 01 tháng 1 năm Lân Đức thứ nhất (vua Đường Cao Tông) Ngài dịch bộ kinh Đại Bảo Tích theo lời thỉnh cầu của các đệ tử, nhưng Ngài phải bỏ dở vì cảm thấy cái chết gần kề.
 Ngài chuẩn bị cho sự ra đi cuối cùng của cuộc đờivà dặn dò về việc cử hành đám tang. Ngài hoan hỷ kể cho các đệ tử nghe về giấc mộng Ngài vừa thấy mà Ngài biết đó làđiềm báo Ngài sắp ra đi vĩnh viễn. Ngài dặn các học trò: “Ta biết ngày lâm chung của ta sắp đến rồi. Sau khi ta mất, hãy tống táng ta một cách đơn sơ giản dị. Hãy bỏ di hài ta vào một manh chiếu và an táng ở một nơi nào âm u tịch mịch, chứ đừng bày vẽ nhiều điều vô ích.” Ngài nói thêm: “Các người hãy bình tĩnh và hoan hỷ từ giả cái thân giả tạm này sau khi nó đã làm xong nhiệm vụ. Ta nguyện đem công đức này hồi hướng khắp tất cả chúng sanh chứng nhập cung trời Đao Lỵ. Ta nguyện trong các kiếp sau trở về cõi Ta Bà này để hoá độ tất cả chúng sanh cho đến khi giác ngộ hoàn toàn.” (10) Ngài chắp tay nhìn chúng tăng lúc lâu, rồi Ngài đưa tay phải chống lên má, tay trái để trên vế trái, duỗi chân ra chồng lên nhau và nằm xuống bên mặt. Ngài nằm yên lặng và không ăn uống.
 Đến giữa đêm ngày thứ năm, ngày 5/2 năm 664, các đệ tử hỏi Ngài: “Thầy có chắc tái sinh lên cõi trời Đâu Suất không?” Ngài trả lời: “Chắc chắn như vậy”. Thế rồi hơi thở yếu dần và Ngài thị tịch một cách bình an, sắc mặt vẫn hồng hào, nét mặt Ngài phản chiếu một niềm hoan lạc vô biên diệu kỳ, Ngài hưởng thọ 69 năm.
 Sau khi Ngài mất đến 7 ngày mà nét mặt vẫn không đổi, nhục thân không hề thoát ra mùi khó chịu.
 Tin Ngài thị tịch chuyển đến triều đình, vua Cao Tông vô cùng bi ai thương tiếc đến nỗi phải ngưng buổi thiết triều và than: “Trẫm đã mất một quốc bảo”. Hôm sau nhà vua lại phán với đình thần: “Thật vô cùng đáng tiếc cho Trẫm và quốc dân đã mất đi pháp sư Huyền Trang. Chẳng khác nào như rường cột ngôi Tam bảo đã sụp đổ và nay chúng sanh đã mất đi người hướng dẫn, chẳng khác nào con thuyền đã chìm trên biển khổ mênh mông, một ngọn đèn đã tắt đi trong phòng đầy bóng tối … Rồi nhà vua hạ chiếu: “Tất cả phí tổn tống táng sẽ do triều đình đài thọ”. Lại có thêm chiếu rằng: “… Pháp sư Huyền Trang đã viên tịch, việc phiên dịch kinh sách phải đình chỉ. Những bản kinh đã dịch phải cử viên chức sao chép lại như đã làm trước kia. Những bản kinh chưa dịch phải lưu trữ tại chùa Từ Ân, không được làm hư hại hay mất mát. Những đồ đệ và người cộng sự với pháp sư trong việc phiên dịch, ai không thuộc vào tu viện thì được phép trở về chùa riêng”. (11)
Ngày 14 tháng 4, lễ tống táng được cử hành tại Bạch Lộc nguyên với hơn 1 triệu người tiễn đưa linh cửu. Mặc dù lễ an táng được chuẩn bị rất tráng lệ, những người ngưỡng mộ Ngài cúng dường một áo quan Niết bàn bằng 3000 cuộn lụa và kết hoa đẹp đẽ, triều đình cúng một bộ Tăng phục đáng giá 100 đồng tiền vàng, nhưng theo lời di huấn, quan tài của Ngài vẫn được mang đi trong một áo quan bằng tre bện. Mọi người đã không cầm được nước mắt bởi lòng vô cùng cảm phục và vô hạn tiếc thương một bậc danh tăng vĩ đại đã vĩnh biệt chúng sanh, từ nay một vì sao sáng đã vụt tắt giữa bầu trời Phật pháp. Trời và đất bỗng đổi sắc, chim muông kêu tiếng bi ai và đêm ấy có tới 3 vạn người dựng lều ở lại với Ngài bên cạnh mộ.
IV. VÀI ĐIỀU SUY NGHIỆM VỀ CUỘC ĐỜI NGÀI HUYỀN TRANG:
 Quả là khó nói đầy đủ trọn vẹn cuộc đời vẽ vang hùng tráng, sự nghiệp lớn lao của Ngài và thật cũng chỉ là ngôn từ tượng trưng khi người đời ca ngợi hạnh cao chí cả, đạo đức thanh khiết của Ngài.
 Nhưng, đã là Phật tử, không nhiều thì ích chúng ta cũng đều nghe danh tiếng pháp sư Huyền Trang vẫn còn vang dội từ hơn 1300 năm nay và còn tiếp mãi mai sau.
 Cho nên thật là ý nghĩa sâu sắc trong tinh thần trân trọng, ngưỡng mộ cuộc đời tuyệt vời của Ngài mà GĐPTVN đã cung thỉnh pháp hiệu bất tử HUYỀN TRANG làm danh xưng cho trại “Huấn luyện Huynh trưởng cấp 2”, đào tạo Liên Đoàn trưởng, lãnh đạo đơn vị GĐPT.
 Vậy, với tất cả tấm lòng chân thành khâm phục, cảm bội ân đức và nhất là học tập noi gương Ngài ít ra là mấy tiêu điểm sáng ngời nơi con người siêu việt Huyền Trang mà người Huynh trưởng GĐPT hẳn thường tâm niệm.
 * Một là hạnh cao chí cả và khát vọng chân lý không cùng:
Cuộc đời Ngài Huyền Trang là hiện thân của chí nguyện cao vời, của một tâm hồn quảng đại và lòng khát khao chân lý không chỉ sớm bộc lộ từ thuở thiếu niên mà còn luôn cháy bỏng thôi thúc Ngài suốt đời tiến tới. Bởi vậy Ngài thấy vinh hoa danh lợi như cỏ rác, coi nhẹ gian nguy, xem thân mạng là tơ tóc mà dấn thân vào cát bụi để thành tựu ước nguyện, cho thỏa chí bình sinh và cho đời người không phải “hư vinh vô bổ”
Học tập gương sáng Ngài Huyền Trang người LĐT/GĐPT không thể sống bo bo ích kỷ, êm ấm mà tẻ nhạt, đua đòi mà không biết đó chỉ là thấp hèn, tự mãn trong dốt nát, hoặc tự ty rằng mình kém cõi, hoặc biếng trể ươn hèn mà tự an ủi hay dối người bằng lý do hoàn cảnh. Trái lại, người Huynh trưởng luôn hướng đến chân trời lý tưởng GĐPT với sứ mệnh trồng người thì hình ảnh và tấm gương chân lý bất diệt của ngài Huyền Trang sẽ luôn gần gũi, khích lệ chúng ta trên con đường học tập, tu dưỡng rèn luyện và tiến tới hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang.
 * Hai là tinh thần bất thối chuyển vô song:
Sắt đá còn có thể cháy nát cùng cỏ cây, nhưng tinh thần kiên dũng bất khuất của Ngài Huyền Trang là sức mạnh vô song đã khiến Ngài vượt lên tất cả, từ đạp bằng núi cao sóng dữ đến khuất phục lòng người và ma chướng nội tâm đưa Ngài đến Tây Trúc hoàn thành chí nguyện.
Cuộc đời người LĐT cũng lắm chông gai chướng ngại khó khăn nhưng đó mới chỉ là những hạt cát trong sa mạc ngàn dặm Ngài đã đi qua, nên hình ảnh Ngài Huyền Trang lầm lũi trong biển cát nung người, đang một mình trèo non lội suối ròng rã 2 năm vì mục đích thỉnh cầu chánh pháp sẽ không cho phép ta nản lòng thối chí, nửa đường dừng bước quay lưng.
 * Ba là chí tiến thủ không ngừng và niềm say mê học tập vô tận:
 Ý chí cầu tiến và lòng ham mê học tập của Ngài thật là vô tận khiến mọi người phải kinh ngạc. Danh tiếng uyên bác của Ngài dù đã vang lừng khắp Trung Quốc và Ấn Độ thế mà Ngài vẫn chưa hài lòng không hề tự mãn lại còn lặn lội khắp nơi để học tận nguồn hiểu tới ngọn, nên Ngài đã trở thành một học giả khổng lồ bên cạnh tất cả những người trí thức uyên bác đồng thời. Vì vậy, người HT/GĐPT với tính chất đặc thù là “khả năng và đạo đức không thể tách rời, trí thức và kinh nghiệm phải được thực hiện nương nhau” và tâm niệm “thông suốt đường lối, trau dồi kiến thức” thì tấm gương tiến thủ và hăng say học hỏi vô tận của Ngài Huyền Trang là nguồn động viên hết sức quý giá, là lời nhắc nhở thường xuyên cho người LĐT không được cam tâm chịu dốt nát tự mãn tự ty mà phải có ý chí tiến thủ, không ngừng nổ lực tìm tòi học hỏi, trau dồi phẩm hạnh, nâng cao kiến thức mọi mặt để vừa thăng hoa mình vừa làm điều kiện cần thiết có thể hoàn thành nhiệm vụ giáo dục đoàn sinh.
 * Bốn là niềm tin Tam bảo hết sức kiên định nồng nhiệt và thành khẩn:
 Niềm tin nồng nhiệt vào Tam bảo nơi Ngài Huyền Trang thật hiếm có và diệu kỳ. Chính niềm tin kiên định và thành khẩn ấy đã tăng thêm nghị lực cho Ngài để thắng vượt những gian lao nguy khốn trên đường tây du. Ngài thường xuyên cầu nguyện đức Quán Thế Âm Bồ tát, đức Phật Di Lặc trong những lúc gặp gian nguy. Ngài thành khẩn đến độ những lời cầu xin đều linh nghiệm, Ngài đều được giải thoát trong gang tấc. Những lúc chiêm bái các Thánh địa, Phật tích, Ngài đãnh lễ và tán thán đức Phật một cách nồng nhiệt thành khẩn đến xúc động không cầm được nước mắt. Trong đời Ngài có những giấc mộng diệu kỳ, gặp những lời tiên tri rất ứng nghiệm là bởi niềm tin kiên cố của Ngài. Cũng chính niềm tin nồng nàn sâu đậm ấy Ngài luôn tinh nghiêm hành trì giới luật, giữ gìn oai nghi tế hạnh và suốt đời hiến mình phụng sự đạo pháp không phút giây mệt mỏi, giờ phút lâm chung tin chắc mình sẽ sanh lên cung trời Đao Lợi và còn nguyện sẽ tái sinh trở lại Ta bà để hoá độ chúng sanh.
Học tập gương Ngài, người LĐT/GĐPT sẽ không để cho tà thuyết huyền dụ mê hoặc, không sa ngã chìm đắm trong biển mê của tiền tài danh vọng. Người Huynh trưởng phải củng cố niềm tin chánh pháp, tin vào đường lối đúng đắn, lý tưởng tốt đẹp của GĐPT và tin vào sự sáng suốt, khả năng giác ngộ của chính mình mà thẳng bước đi tới trên con đường tu học rèn luyện và phụng sự để lợi đạo ích đời.
 * Năm là Ngài Huyền Trang đã trọn đời cống hiến cho đạo Pháp, đất nước và phụng sự chúng sanh:
Cuộc đời của Ngài Huyền Trang là hiện thân của tinh thần cống hiến không hề mệt mỏi, có chăng chỉ ngừng nghỉ ở hơi thở cuối cùng. Tất cả mọi hoạt động, mọi việc làm trong đời Ngài đều nhằm thực hiện chí nguyện và nhiệm vụ mà Ngài tự xác định cho mình là hiến mình để đạo pháp xương minh, chánh giáo được phổ biến rộng khắp, vẻ vang cho đất nước và hoá độ tất cả chúng sanh. Nhờ sự chăm chuyên cần mẫn tột độ, đức tính dõng mãnh hăng hái không ai bằng để theo đuổi mục đích tới cùng nên công việc gì, dự tính nào Ngài đều hoàn thành một cách trọn vẹn, kết quả rực rỡ khiến mọi người phải cúi đầu bái phục.
Ánh sáng phản chiếu từ tấm gương sáng ngời về tinh thần cống hiến vô hạn của Ngài sẽ đánh thức những ai trong chúng ta đang vật vờ trong cơn mê sảng của biếng trể, giải đãi mà bỏ bê nhiệm vụ, là tiếng gọi nhiệt tình hối thúc chúng ta đứng lên khỏi chăn ấm nệm êm, mau rời chốn trà dư tửu hậu, hãy dùng mồ hôi, nước mắt, trí tuệ mà đem ánh đuốc đạo pháp chiếu sáng cho đời, mang hương thơm hoa Sen GĐPT cho tuổi trẻ của đời được tươi vui, vì đạo pháp mà không ngừng phụng sự, vì lý tưởng Áo Lam mà hăng say cống hiến, vì quê hương mà ra sức phục vụ, có ích cho đời, thơm lây cho đạo, lấy xả lợi làm vinh hoa.
 * Sáu là Ngài nghiêm trì giới luật lại rất mực khiêm tốn ôn hoà:
Mặc dù phải bôn ba khắp nơi để cầu học, miệt mài làm việc để hoằng dương chánh pháp nhưng Ngài không hề xao lảng việc hành trì. Ngược lại Ngài giữ gìn giới luật rất mực tinh nghiêm. Ngài xem giới luật như chính mạng sống. Vua Cao Xương trọng vọng Ngài thiết đãi Ngài bằng tịnh nhục, Ngài giải thích chánh pháp để giữ đúng hạnh ăn chay. Vua Đường Thái Tông kính yêu Ngài mời Ngài dự khán chiến trận, Ngài theo đức hiếu sinh và lòng từ bi của Phật mà khéo léo nhẹ nhàng từ chối. Lại nữa dù danh tiếng Ngài vang rền người người bái phục đến cả Hoàng đế cũng phải kính nể trọng vọng, thế mà Ngài luôn tỏ ra ôn hòa mềm mỏng và hết sức khiêm tốn.
Suy nghiệm đức tính cao thượng của đời Ngài, người LĐT chúng ta sẽ tự phản tĩnh cuộc sống đời mình để luôn hành trì giới cấm, giữ gìn thân khẩu ý trong sạch, làm sáng đạo đức phẩm hạnh, không phá giới phạm trai, chẳng buông lung trác táng và cũng đừng kiêu căng ngạo mạn tự cao mà phải ôn hoà khiêm tốn để học hỏi, tạo sự thân ái đoàn kết trong cuộc sống đời thường cũng như trong GĐPT để được mọi người cảm mến, các em kính phục noi theo gương tốt của chúng ta.
KẾT LUẬN:
Dù thuộc bất cứ dòng họ, chủng tộc, đất nước nào, đã là Phật tử thì về mặt tinh thần chúng ta đều cùng chung vị thầy cao cả muôn thuở là đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cùng tắm gội hào quang từ bi trí giác của Thế tôn và bao thế hệ Thánh Tăng, tổ sư thạc đức đã tiếp nối lưu truyền tuyên dương chánh giáo đến tận ngày nay mà trong đó Ngài Huyền Trang là một hình ảnh đặc biệt sáng ngời kỳ vĩ.
Pháp sư Huyền Trang đã để lại cho đất nước Trung Quốc niềm tự hào dân tộc hiếm có, cho sự vinh quang của đạo pháp, cho Phật tử ở nhiều xứ sở, nhiều dân tộc trên thế giới, ngay cả tại quê hương đức Phật một gia tài văn hoá Phật giáo cực kỳ vĩ đại quý báu, những bài học tinh thần vô cùng cao thượng được kết tinh bằng trí tuệ siêu việt, bằng tài năng tuyệt vời, bằng ý chí kiên cường, dũng lực phi thường từ trái tim nồng nàn vì đạo pháp vì chúng sanh và sức cống hiến vô tận suốt đời người không hề nghĩ tiếc thân mạng.
Dù xác thân tứ đại của Ngài đã trở về với cát bụi trên 1300 năm rồi, nhưng hào quang đời Ngài vẫn là ngôi Bắc Đẩu rực sáng soi dẫn cho chúng ta, khích lệ và đưa đường cho bao chúng sanh đang trôi nổi trong bể khổ trầm luân tăm tối.
Dõi theo dấu chân vạn dặm diệu kỳ bi tráng ngày xưa của Ngài, tưởng nghe pháp âm hùng biện vô địch của Ngài xiển dương đại thừa như còn vang vọng đâu đây, thấp thoáng hình ảnh Ngài đang miệt mài cặm cụi trước trang kinh bên ánh đèn dầu thuở nọ, chắc chắn lòng ai không khỏi bồi hồi kính ngưỡng và cảm bội ân đức pháp sư Huyền Trang bất diệt./.
Tham khảo:
– Huyền Trang, nhà chiêm bái và học giả – HT Thích Minh Châu
– Đường Tam tạng thỉnh kinh-Võ Đình Cường
– Lịch sử Phật giáo Trung Quốc-HT Thích Thanh Kiểm
– Phật học cơ bản-BHP/TW GHPGVN
Ghi chú:
(1) Sách “Lịch sử Phật giáo Trung Quốc” của HT Thích Thanh Kiểm ghi Ngài Huyền Trang sinh năm 600. Ở đây viết theo sách Đường Tam Tạng thỉnh kinh của Võ Đình Cường.
Ngài tây du vào năm 629. Về nước năm 645. Viên tịch vào năm 664 thọ 69 tuổi.
(2) (3) Huyền Trang, nhà chiêm bái và học giả – HT Thích Minh Châu
(4) (5) (6) Đường Tam Tạng thỉnh kinh – Võ Đình Cường(7) Huyền Trang, nhà chiêm bái và học giả – HT Thích Minh Châu
(8) Đường Tam Tạng thỉnh kinh – Võ Đình Cường
(9) HT Thích Minh Châu
(10) Võ Đình Cường – Sđd
(11) HT Thích Minh Châu – Sđd
 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.