GÓC VƯỜN LAM HAI VỊ TỔ KHAI SƠN TỔ ĐÌNH CHÚC THÁNH (HỘI AN-QUẢNG NAM) VÀ TỔ ĐÌNH SĂC TỨ THIÊN ẤN (QUẢNG NGÃI) LÀ MỘT HAY HAI NGÀI KHÁC NHAU??? Huynh trưởng cấp Dũng Tâm Giới PHAN NGỌC THẢO


+Sự thât là điều đúng với chân lý, mà đạo Phật là đạo của sự thật.
Nếu nói sai sự thật, bằng chứng không xác thực chúng ta sẽ mang tội với chư Tổ và Phật giáo đồ trong và ngoài nước
+ Thực tế trong văn bia tưởng niệm về Tổ Pháp Hóa (*)  viết rằng Tổ Pháp Hóa khai sơn chùa Chúc Thánh (Hội An, Quảng Nam) xong mới vào Quảng Ngãi khai sơn chùa Thiên Ấn  không phù hợp với sử liệu mà các vị có trách nhiệm tại Quảng Nam , Quảng Ngãi và  các nơi cung cấp . (*) văn bia do cư sĩ Ngọc Điền thuộc môn Phong Tổ Đình Thiên Ấn cẩn bút.
+ Trong sách “Lịch sử Phật giáo và các ngôi chùa Quảng Ngãi”  quyển tái bản có bổ sung:  không ghi nguyên văn  văn bia tưởng niệm, bỏ phần khai sơn Tổ đình Chúc Thánh của Tổ Pháp Hóa , người cẩn bút vẫn là Cư sĩ Ngọc Điền.
+ Lược sử Tổ Pháp Hóa được tuyên đọc từ 1975 trong các dịp húy nhật của Ngài đến nay có nội dung như văn bia tại tổ đình Thiên Ấn hiện nay.
+ Trong quyển “Lược sử Phật giáo và những ngôi chùa Quảng Ngãi (ấn bản năm 2011) và quyển “Lịch sử Phật giáo và các ngôi chùa Quảng Ngãi (ấn bản năm 2018) viết rằng ngài Pháp Hóa không liên quan đến Tổ đình Chúc Thánh (Hội An, Quảng Nam)
+ Sách viết về Tổ Đình Chúc Thánh của Tỳ kheo Thích Như Tịnh (ấn bản năm 2007) và kỷ yếu Lễ khánh thành Tổ đình Chúc Thánh (ấn bản năm 2009)  không có dòng nào nói Tổ Minh Hải  liên quan đến Tổ đình Thiên Ấn
B.VÌ SAO CÓ SỰ SAI KHÁC NHƯ  THẾ ?
 Lý do thứ nhất:  Ngài Minh Hải Pháp Bảo  khai sơn Tổ đình Chúc Thánh (Hội An, Quảng Nam) có 2 vị đệ tử kiệt xuất là Ngài Thiệt Úy Khánh Vân  (Đệ Nhị tổ Thiên Ấn) và Ngài Thiệt Uyên Chí Bảo hay còn gọi là Bảo Ấn (Đệ Tam tổ Thiên Ấn)
Bài kệ truyền pháp của ngài Minh Hải Pháp Bảo ghi rằng :
“ Minh Thiệt Pháp Toàn Chương
Ấn  Chơn Như Thi Đồng
Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu
Kỳ Quốc Tộ Địa Trường”
Và bài kệ truyền Pháp tự ghi rằng:
“Đắc Chánh Luật Vi Tôn
Tổ Đạo  Giải   Hành Thông
Giac Hoa Bồ Đề Thọ
Sung Mãn Thiên Nhân Trung”
Bài kệ nầy Phật sử gọi là dòng Lâm Tế Chúc Thánh đã được hoằng truyền  khắp nơi trên thế giới.Vì hầu hết các vị danh tăng tại Quảng Ngãi là đệ của 2 Ngài Bảo Ấn và Khánh Vân  nên nghĩ rằng Tổ Pháp Hóa và Tổ Minh Hải là một, Xin dẫn chứng “quyển Tổ đình Thiên Ấn lược sử  của Ban tổ chức khánh thành đại trùng tu Tổ đình Thiên Ấn do nhà in Thanh Bình ấn hành ngày 10 tháng 2 năm 1961 ghi  rằng Tổ Minh Hải và Tổ Pháp Hóa là một.
Lý do thứ hai: Trong sách lịch sử Phật giáo Đàng Trong tác giả Nguyễn Hiền Đức viết rằng: vào những năm 1694-1695  Tổ Nguyên Thiều và Tổ Minh Hải có liên quan đến vụ nổi loạn của Linh Vương Quảng Phú tại Nam, Ngãi, Bình, Phú cho nên Tổ Minh Hải vào khai sơn Tổ đình Thiên Ấn đổi Pháp danh là Pháp Hóa còn Ngài Nguyên Thiều vào Đồng Nai khai sơn chùa Kim Cang đổi pháp danh là Siêu Bạch. Quan điểm nầy sai lệch với sự kiện lịch sử thực tế thời đó vì luật tru di tam tộc vẫn tồn tại.nghiêm ngặt.
C.THỰC TẾ PHẬT SỬ:
Trong quyển “Phá hệ truyền thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh” tại Quảng Nam –Đà Nẵng, Tỳ kheo Thích Như Tịnh  không hề đề cập đến việc Ngài Minh Hải Pháp Bảo có liên quan đến Tổ đình Thiên Ấn, ở dòng thứ 3 trang 23 có viết về Ngài Khánh Vân như sau “ khi Tổ Pháp Hóa Phật Bảo khai sơn chùa Thiên Ấn viên tịch, Ngài được Sơn môn tỉnh Quảng Ngãi cung thỉnh làm trụ trì đời thứ hai Tổ đình Thiên Ấn”, rõ ràng không còn nghi ngờ gì nữa: hai Ngài Minh Hải và Pháp Hóa  là hai thực thể riêng biệt,
Xin nêu tóm lược hành trạng của hai Ngài
Tổ Pháp Hóa: ( 1670-1754)
Ngài có tục danh là Lê Diệt (Duyệt)  quê quán tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa, sinh năm 1670 , Tổ có pháp danh là Phật Bảo, Pháp hiệu là Pháp Hóa. Ngài sang Đại Việt cùng với Thiền sư Nguyên Thiều thời Chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691). Ngài là Tổ khai sơn chùa Thiên Ấn  năm 1694, Ngài trụ trì Tổ đình Thiên Ấn  60 năm, an nhiên thị tịch  vào ngày 17 tháng giêng năm giáp Tuất- 1754 trụ thê 85 năm. Tháp Tổ được tôn trí phía đông khuôn viên Tổ đình.
Ngài thuộc đời Lâm Tế thứ 35, dòng Lâm Tế Gia Phổ của Tổ Đạo Mân –Mộc Trần, (Theo Nguyễn Lang, NXB Lá Bối tái bản lần thứ 3 tại San Jose, California, USA  năm 1993)
Tổ Minh Hải (16701746)
Ngài có tục danh  Lương Thế Ân, sinh năm Canh Tuất (1670), quê quán tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa. Tổ có Pháp danh Minh Hải. Pháp hiệu Pháp Bảo. Ngài là vị Tổ thứ 34 Thiền phái Lâm Tế, Tổ thứ nhất của dong kệ Minh Hải, Quảng Nam.
Ngài cùng phái đoàn Thiền sư Thạch Liêm (phái Tào Động) qua Đại Việt 1695 do Chúa Nguyễn Phúc Chu thỉnh sang. Ngài là Tổ khai sơn của Tổ đình Chúc Thánh (Hội An, Quảng Nam).
Bài kệ truyền pháp  của Tổ Minh Hải Pháp Bảo (nêu ở phần trên) đã lan tỏa các nơi trong và ngoài nước.
Ngài viên tịch vào ngày 7 tháng 11 năm Bính Dần (1746)  trụ thế 77 năm..Tháp tổ được tôn trí phía tây nam khuôn viên Tổ đình Chúc Thánh. (Theo Thích Như Tịnh  – Phổ hệ truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh 2007)
Bài kệ phú chúc của Ngài:
“Nguyên phù pháp giới không
Chơn như vô tánh tướng
Nhược liễu ngộ như thử
Chúng sanh dữ Phật đồng”
Việt dịch
“Pháp giới như mây  nổi
Chân như không tánh tướng
Nếu hiểu dược như vậy
Chúng sanh với Phật đồng”

  1. NGHI VẤN CẦN HÓA GIẢI

Vì sao trước khi viên tịch Tổ Pháp Hóa không chọn đệ tử để thay thế ngài?!!!
Nghiên cứu về hành trạng của Ngài  chúng ta nhận biết Ngài là vị bạch nghiệp chân tu, lấy giới luật làm thầy với quan niệm “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”nên từ núi Hó (tên gọi trước đây của Tổ đình Thiên Ấn) hoang sơ, Ngài tạo dựng cơ ngơi thờ tự và đào giếng với độ sâu 30m mà quần chúng gọi là giếng thần cùng với 2 câu ca dao đi cùng năm tháng
“ Ông Thầy đào giếng trên non ,
Đến khi có nước không còn tăm hơi”
Ngài chưa nghĩ đến người kế tục thì luật vô thường đến. Khi Tổ Pháp Hóa viên tich năm Giáp Tuât (1754) thì Thiền sư Thiệt Uý Khánh Vân kế thế Trụ trì chùa Thiên Ấn cũng là điều tự nhiên của Phật giáo nói chung và Quảng Ngãi nói riêng, đó là tính dung hợp của đạo Phật. Hơn nữa dù được truyền thừa theo Pháp phái Tổ Minh Hải Chúc Thánh, Tổ Đạo Mân Mộc Trần hay Tổ Thiệt Diệu Liễu Quán thì cũng cùng một Tổ đình Báo Tư  Trung Hoa mà ra, và cũng từ bài kệ Tổ Vạn Phong – Thời Ủy ở chùa Thiên Đồng Trung Hoa. Thế nên chư Thiền Tổ đều xem như huynh đệ một nhà. Điều này được minh chứng cụ thể nơi chư Thiền tổ Trú trì Tổ đình Sắc Tứ Diệu Giác (huyện Bình Sơn),  là nơi cổ tự của Phật giáo Quảng Ngãi như Tổ:
+Tê Hiệp-Hải Điện(Thiên Đồng) +Phật Thuyết Tường Quang (Mộc Trần-Đạo Mân) +Tế Chơn-Liễu Ngộ (Liễu Quán) +Tánh Đức-Đại Nghĩa (Trí Huệ) +Chương Nhẫn,Từ Nhơn (Chúc Thánh)
Kể từ Thiền Sư Khánh Vân (Đệ Nhị Tổ) thì từ đây Tổ đình Sắc Tứ Thiên Ấn truyên thừa theo dòng kệ: “ MINH  THIỆT PHÁP TOÀN CHƯƠNG  ……..”
Từ năm 1975 đến nay, số lượng tín đồ hành hương về dự lễ giỗ tổ Pháp Hóa  (ngày 17 tháng giêng Âm lịch) hàng năm không ngừng gia tăng số lượng từ 10 ngàn đến 30 ngàn người , thật sự  là ngày lễ hội lớn nhất tại Quảng Ngãi.
Xin giới thiệu về Pháp hiệu Lục Tổ Thiên Ấn
1. Tổ khai sơn (1670 – 1754) :          Ngài Phật Bảo – Pháp Hóa.
2. Đệ Nhị Tổ (……? – 1770)            Ngài Thiệt Úy – Khánh Vân.
3. Đệ Tam Tổ (1798 – 1866)           Ngài Toàn Chiếu – Bảo Ấn.
4. Đệ Tứ Tổ (1830 – 1908)               Ngài Chương Khước – Giác Tánh.
5. Đệ Ngũ Tổ (1865 – 1916)             Ngài Ấn Tham – Hoằng Phúc.
6. Đệ Lục Tổ (1891 – 1952)              Ngài Chơn Trung – Diệu Quang
    E.  LỜI THỈNH CẦU:
Qua các số liệu và dữ kiện lịch sử có cơ sở chúng ta có thể khẳng định” Thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo (1670-1746) là  Tổ khai sơn của Tổ đình Chúc Thánh (Hội An, Quảng Nam). Thiền sư Pháp Hóa – Phật Bảo (1670-1754) là Tổ khai sơn của Săc tứ Tổ đình Thiên Ấn (Quảng Ngãi) do chúa Nguyễn Phúc Chu  đời vua Lê Hy Tông sắc phong năm 1716.
* Kính đề nghị  các vị có trách nhiệm điều chỉnh lại văn bia tai Tháp Tổ PHÁP HÓA (xóa đi dòng chữ Tổ Minh Hãi –Pháp Bảo vào khai sơn Tổ Đình Thiên Ấn.)
* Kính đề nghị tôn trí di ảnh của Tổ Minh Hải tại nhà Tổ chùa Pháp Hóa ( 334 Trần Hưng Đạo TP Quảng Ngãi) về nơi phù hợp..
* Kính đề nghị Ban Trị sự GHPG VN tỉnh Quảng Ngãi va Môn phong Tổ đình Thiên Ấn  tóm tắt chính xác tiểu sử Tổ Pháp Hóa để tuyên đọc vào  ngày lễ giỗ Tổ Khai Sơn 17 tháng giêng Âm lịch hằng năm
* Kính đề nghị Nhà nước đia phương, Ban Trị sự GHPG VN tỉnh Quảng Ngãi và Ban chức sự Tổ đình phối hợp thực hiện  ngày lễ giỗ Tổ thành ngày Lễ hội Pháp Hóa hàng năm  như Lễ hội Quán Thế Âm tại TP Đà Nẵng để  khách thập phương hòa niềm hỷ lạc vào ngày lễ giỗ Tổ.đón mùa xuân  của đất trời..
     F. LỜI KẾT
Phật giáo đồ hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi vô cùng tự hào và tôn kính hại vị Tổ khai sơn của mình.
-Tổ Minh Hải – Pháp Bảo để lại dòng kệ bất hủ truyền kháp nơi, đặc biệt là các tỉnh thành Đàng Trong.
-Tổ Pháp Hóa – Phật Bảo cho thấy nghị lực phi thường của bậc “ Chung thân dĩ Pháp vi gia” (suốt đời lấy pháp Phật làm nhà) Một thân nơi chốn thâm sơn, Ngài lao động không ngừng nghỉ xây dựng ngôi chùa Thiên Ấn, đào giếng với độ sâu 30m, được xem như giếng trời đi vào huyền thoại, người viếng chùa  khi uống nước  nơi đây cảm nhận tâm hồn thanh thản, quên đi nỗi nhọc nhằn của kiêp nhân sinh
Phật giáo đồ quê hương Quảng Nam, Quảng Ngãi muôn đời mang ơn Hai vị Tổ. Mặc dù quý Ngài xem công hạnh của mình như “ Nhạn Quá Trường Không
Nhưng Người xưa có dạy “Thi ân mặc niệm, Thọ ân mặc vong” (người làm ơn không cần nhớ, người mang ơn không được quên)
Chúng con, đàn hậu lai xin đời đời nhớ ơn hai Ngài!                  
Nam mô Công đức lâm Bồ Tát Ma Ha Tát, tác đại chứng minh!
 
Tháng giêng năm Canh Tý – 18/02/2020
Tâm Giới  cẩn bút
Emai; thao.phanngoc@gmail.com  ĐT: 0919462898
Xin nguyện hồi hướng công đức của Tổ biên tập: Phổ hệ truyền thừa Tổ Đình Chúc Thánh  , Lược sử, Lịch sử các ngôi chùa Quảng Ngãi và  Cư sĩ Ngọc Điền.
    
Ghi chú:
Tài liệu tham khảo: (Sách đã dẫn ở trên)
    .
 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.