Âm nhạc lý thuyết
Nhạc cụ các dân tộc Việt Nam có nhiều loại khác nhau, những nhạc cụ này dùng để đệm cho hát, múa, độc tấu, hòa tấu … các nhạc cụ này còn dùng trong Lễ hội, trong sinh hoạt Văn hóa của mỗi dân tộc.
Sau đây là một số nhạc cụ thông dụng:
1). SÁO:
Được làm bằng thân cây trúc, nứa .. dùng hơi để thổi. Có loại sáo dọc, có loại sáo ngang.
2). ĐÀN BẦU:
Chỉ có một dây, dùng que gảy, có âm sắc đặc biệt. Đây là một trong những nhạc cụ độc đáo của Việt Nam.
3). ĐÀN TRANH:
Đàn tranh còn gọi là đàn Thập lục (có 16 dây), dùng móng gảy. Ngoài độc tấu, hòa tấu, còn đệm cho ngâm thơ…
4). ĐÀN NHỊ:
Ở Miền Nam còn gọi là đàn cò, có 2 dây, dùng dây cung để kéo.
5). ĐÀN NGUYỆT (Nguyệt cầm)
Ở miền Nam gọi là đàn kìm, có 2 dây, dùng móng gảy.
Đàn Nguyệt thường hay dùng để đệm cho hát Chầu Văn – một thể loại dân ca đặc sắc của đồng bào Bắc Bộ.
6). ĐÀN ĐÁY:
Nhạc cụ điển hình của hát ca trù ở Bắc Bộ.
7). TRỐNG:
Có nhiều loại trống khác nhau như: Trống cái, trống cơm, trống đế ..vv. Trống Việt Nam đa dạng về loại hình và nghệ thuật diễn tấu phong phú, tinh tế.
CÂU HỎI ÔN TẬP
1/. Kể tên những nhạc cụ dân tộc VN mà em biết ?
2/. Sự giống nhau và khác nhau giữa đàn Nhị và đàn Nguyệt.
B. VÀI LÀN ĐIỆU DÂN CA CÁC MIỀN
Dân ca là những bài hát do dân gian sáng tác, không rõ tác giả. Đầu tiên bài hát có thể do một người nghĩ ra rồi truyền miệng qua nhiều người, từ đời này qua đời khác và được phổ biến ở từng vùng, từng dân tộc … Các bài dân ca được gọt giũa, sàn lọc qua nhiều năm tháng nên có sức sống bền vững cùng với thời gian.
Dân ca của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền đều có âm điệu, phong cách riêng biệt. Sự khác nhau này tùy thuộc vào môi trường sống, hoàn cảnh địa lý và đặc biệt là ngôn ngữ. Nhiều bài dân ca đã đạt tới trình độ nghệ thuật cao và có sức hấp dẫn, truyền cảm mạnh mẽ, được phổ biến sâu rộng.
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, với nền văn hóa lâu đời. Do đó dân ca Việt Nam thật phong phú, đa dạng. Kho tàng dân ca Việt Nam bao gồm nhiều vùng miền, nhiều thể loại: Dân ca Quan Họ ở Bắc Ninh, hát Xoan ở Phú Thọ, hát Ví, hát Trống Quân ở nhiều làng quê Bắc Bộ, hát Dô ở Hà Tây, hát Ví Dặm ở Nghệ An, Hà Tĩnh… Ở Trung Bộ có Hò Huế, Lí Huế, Ba lí, hát Sắc Bùa, … Ở Nam Bộ có các điệu Lí, điệu hò, nói thơ … Dân ca của các dân tộc miền núi phía Bắc (đồng bào Thái, H’Mông, Mường …) Dân ca của các dân tộc Tây Nguyên (Gia rai, Ê đê, Ba na, Xơ đăng ..) đều có bản sắc riêng.
Ngoài những làn điệu thuộc các loại dân ca khác nhau còn có những loại hát có nhạc đệm theo, như Chầu Văn, Ca Huế, Ca Quảng, Nhạc Tài Tử Miền Nam… và những hình thức ca kịch dân tộc độc đáo như Tuồng, Chèo, Cải Lương…
Học hát, nghe các làn điệu dân ca và tìm hiểu về dân ca Việt Nam, chúng ta càng thêm yêu mến và tự hào về nhân dân ta, đất nước ta. Dân ca là sản phẩm tinh thần quý giá của cha ông để lại, cần trân trọng, giử gìn, học tập và tiếp tục phát triển vốn quý ấy.
Vài làn điệu dân ca:
BÀ RÍ (Dân ca Phú Thọ)
(Nhanh vừa – Thôi thúc)
Bà rằng bà rí
Ơi rằng bà đi
Ơi đi là đâu, bà đi khắp chốn nối dây tơ hồng
Cái duyên ông chồng làm khổ cái đời tôi
Ơi bà rí ơi, bà rằng bà rí ơi
Chồng gì mà chồng bé
Bé teo tèo teo
Chân đi cà kheo lúc đi phải cõng lúc khóc phải bồng
Cái duyên ông chồng làm khổ cái đời tôi
Ơi bà rí ơi, bà rằng bà rí ơi
Chồng gì mà chồng ngáy
Ngáy o ò o
Đêm thì nằm co làm ăn lười biếng chẳng lo học hành
Cái duyên ông chồng làm khổ cái đời tôi
Ơi bà rí ơi, bà rằng bà rí ơi
CHÚC TẾT (Dân ca Mường)
(Vừa phải, hoạt bát)
Chúc Tết nhà ông từ phía ngoài đồng
Ngó vào ngõ trước ngõ sau nhà ông
Mặt trước có rặng cây cau tốt xanh
Phía sau nhà ông có rặng cây mít ông ơi
Kìa con chim chích bắt sâu
Kìa có con chào mào ăn mái
Hái một nhành nho nhỏ để ông đem bán
Được như trâu bán bằng giá trâu
Được như nghé bán bằng giá nghé
Dắt về rừng cắt cỏ lố lố
Dắt về nhà mà cho ăn lúa
Vựa lúa nếp trong nhà còn đến tháng năm
Gạo tẻ thấy còn đến tháng chín
Tháng mười vẫn chưa hết ăn
Tôi xin mừng ông.
LÝ CON SÁO (Dân ca Nam Bộ)
Ai đem con sáo (ký) qua sông (ký) qua sông.
Cho nên con sáo (ơ sáo) sổ lồng (à xa mà) bay xa. Cho nên con sáo (á sáo) sổ lồng (ờ xa mà) bay xa (Ai… xa).