Ý kiến về biên soạn Tài Liệu Tu Học và Huấn Luyện Gia Đình Phật Tử

Trong “Lời nói đầu” giới thiệu chương trình tu học huấn luyện có nói: “Đó cũng chỉ là pháp nhân duyên, chắc chắn chúng ta cần phải tư duy sáng tạo thêm bớt nội dung sát dần theo định hướng bởi địa cầu cứ mãi quay vòng và thời gian thì mãi không ngừng trôi…”

Vì vậy, trước khi bàn về việc biên soạn tài liệu theo chương trình đã được tu chỉnh cũng cần điểm lại kết quả sau cùng của việc tu chỉnh vừa qua (đối với thời điểm hiện tại) để nắm bắt được những ưu điểm, những mới mẻ cũng như những gì chưa khai thông hoặc mới phát sinh. Từ đó chúng ta có hướng biên soạn tài liệu theo chương trình vừa mới tu chỉnh thế nào vừa đảm bảo nền tảng giáo dục của GĐPT mà chúng ta đã kế thừa, vừa đáp ứng những nhu cầu đổi mới trong việc đào luyện Đoàn viên phù hợp và kịp thời.

Từ khi chương trình tu chỉnh thông qua Hội nghị Huynh trưởng toàn quốc năm 2006 đến khi được duyệt y ban hành đã mất hơn hai năm. Hai năm không phải thời gian ngắn đối với một thời đại mà những thay đổi với tốc độ càng ngày càng nhanh trong hầu hết mọi lĩnh vực xã hội.

Về phía Phật giáo nhiều sự kiện chuyển biến trong những năm qua, nhất là sau khi Liên Hiệp Quốc chọn ngày Phật Đản làm ngày lễ hội Liên Hiệp Quốc và những thành tựu của lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Việt Nam đã mở ra một vận hội mới đem lại cho Phật Giáo Việt Nam nhiều nhân tố thuận lợi để xây dựng sự nghiệp hoằng hóa. Nên không những giới xuất gia cần phải nhập thế tích cực hơn, thể hiện vai trò thiện tri thức của mình trong công cuộc xiển dương Đạo pháp, mà Huynh trưởng chúng ta cũng là lúc chứng tỏ khả năng tri thức của mình trong lĩnh vực giáo dục thế hệ trẻ, tiền đồ của Giáo hội.

Hơn nữa qua bản tuyên bố 16 điểm của Hội nghị Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc tại Hà Nội đã phát sinh nhiều vấn đề mới đối với vai trò, nhiệm vụ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Gia đình Phật tử chúng ta không thể không lưu tâm tìm hiểu để góp phần tích cực với Giáo hội trong công cuộc xiển dương Đạo Pháp. Ngoài ra bên những thuận lợi, còn lắm khó khăn với nhiều thách thức.

Trước tình hình thực tế đòi hỏi Đoàn viên GĐPT chúng ta không những phải thâm sâu Phật Pháp mà còn phải thông hiểu nhiều lĩnh vực xã hội để có trình độ diễn bày, đối thoại … giúp chúng ta làm tốt, hiệu quả việc giáo dục trẻ thời đại mới và kiên định giữ vững niềm tin vượt qua mọi thử thách.

Chúng ta công nhận và tự hào đã xây dựng được một nội dung chương trình tu học huấn luyện khá hoàn chỉnh như đã nói trong “Phần mở đầu”. Tuy nhiên do những diễn biến mới có những vấn đề phát sinh ngoài dự liệu của chúng ta, nên cần phải “tư duy, sáng tạo thêm bớt nội dung…” cho thích hợp với thực tại, đồng thời đi sát hơn với định hướng giáo dục (Giới Định Tuệ) mà chúng ta đã sáng nhận ra. Có những thay đổi trước đây không còn thích ứng với thời điểm hiện nay. Như cần phải xem xét lại việc giảm nhẹ chương trình Phật Pháp và kiến thức tổng quát của Huynh trưởng và Đoàn sinh ngành Thanh.

Một điều cần xem xét nữa là chương trình tu học Đoàn sinh còn mang tính giáo khoa với những đề mục hạn định, chưa có lối khai mở để khi thực hiện có thể linh động thêm bớt cho thích hợp với hoàn cảnh thực tế và tiếp nhận những cái mới theo đà phát triển của xã hội (A). Điều quan trọng nhất là chúng ta đã sáng lên nhận thức về con đường giáo dục của GĐPT, con đường theo định hướng Giới Định Tuệ.

Giới Định Tuệ là con đường mà cũng là phương pháp giáo dục đặc sắc và thực tiễn với mọi nơi, mọi thời mà chúng ta nên vận dụng vào việc đổi mới phương cách sinh hoạt GĐPT. Tuy nhiên điều đó chỉ mới thể hiện phần nào trong chương trình tu học huấn luyện qua các đề tài xuyên suốt của Đoàn sinh, chương trình tu học và thực hành Phật Pháp với những đề mục khái quát. Chúng ta cần phải làm rõ nét lên, toàn diện, thường xuyên, tích cực hơn, sáng tạo vận dụng vào các bộ môn tu học, cũng như trong mọi sinh hoạt của GĐPT. Chúng ta cần phải nghiên cứu, sáng tạo thế nào để có những bài học, bài thực tập theo định hướng một cách cụ thể thiết thực phù hợp với từng đối tượng thanh niên, với tuổi tâm sinh lý của đoàn sinh nhỏ.

Từ những nhận định trên, để bắt tay vào việc biên soạn tài liệu, thực hiện chương trình tu học huấn luyện đã tu chỉnh, tôi xin có một số kiến nghị:

•    CÁCH TIẾN HÀNH

     1/ Trước hết nên lập một Ban (hoặc Khối) chuyên trách công việc này (việc biên soạn tài liệu tu học huấn luyện và đổi mới phương cách sinh hoạt chỉ cần lập một ban). Ban này có nhiệm vụ:

–    Nghiên cứu các vấn đề cần bổ sung: Thêm đề mục mới hoặc mở rông nội dung những đề bài đã có. Trong khi chờ duyệt y phần bổ sung có thể đưa những đề tài này vào phần đọc thêm hoặc khuyến khích việc tự nghiên cứu tìm học (B).

–    Nghiên cứu tập hợp các tư liệu, phác thảo tài liệu, đồng thời xem xét bài biên soạn của Huynh trưởng (đã phân công) để chọn lọc những ưu điểm bổ sung cho tài liệu hoàn chỉnh.

–    Biên soạn phần hướng dẫn phương pháp soạn bài( giáo án), hướng dẫn việc tu học cho Huynh trưởng và Đoàn sinh, dựa vào tài liệu đã biên soạn theo hướng cải tiến.

–    Ra một bản tin lưu hành nội bộ (hoặc đăng trên website GĐPT) hàng tháng để phổ biến tài liệu tu học huấn luyện mới soạn thảo cho các ngành để Huynh trưởng áp dụng rút kinh nghiệm có ý kiến đề nghị điều chỉnh bổ sung…

–    In ấn, phát hành tài liệu, tổ chức các khóa bồi dưỡng để hướng dẫn Huynh trưởng cách áp dụng tài liệu mới vào việc soạn giáo án, hướng dẫn tu học sinh hoạt Đoàn sinh dựa theo tài liệu.

     2/ Biên soạn tài liệu cho Huynh trưởng và đoàn sinh ngành Thanh:

      Tài liệu phải bảo đảm đúng và đủ nội dung kiến thức, theo một trình tự diễn giải hợp lý. Cách biên soạn tài liệu như Phân Ban hướng dẫn GĐPT Quảng Trị đã thực hiện trước đây là được, chỉ cần chú trọng soạn các đề tài mới, triển khai nhiều hơn phần thực hành, vận dụng vào việc tu tập tự thân, vào cuộc sống, vào nhiệm vụ của Huynh trưởng và Đoàn viên GĐPT. Cần nghiên cứu sáng tạo để vận dụng tinh thần định hướng Giới Định Tuệ xuyên suốt các bài học, bài thực hành của Huynh Trưởng và Đoàn viên. Trong khi chờ đợi giáo hội duyệt y phần bổ sung các vấn đề cần thiết cho Huynh trưởng và Đoàn viên hiểu biết thêm có thể đưa vào tài liệu phần đọc thêm hoặc khuyến khích việc tự nghiên cứu tìm học

 

  * Phần huấn luyện:

      Nên đưa bớt những bài học ít liên quan đến việc huấn luyện tay nghề Huynh trưởng vào phần tu học. Cần tăng thêm nội dung kiến thức, thời gian thực tập các bài học liên quan đến tổ chức điều hành, hướng dẫn việc tu học sinh hoạt trong GĐPT (C).

     3/ Biên soạn tài liệu cho ngành Đồng và ngành Thiếu:

      Cách soạn như tài liệu trước đây Phân Ban hướng dẫn Quảng Trị đã làm là được. Theo chương trình mới tu chỉnh, chỉ cần soạn lại cho hợp với đề mục mới, chú trọng việc soạn những đề tài xuyên suốt nhiều bậc. Cần vận dụng các phương thức, phương tiện giáo dục mới như các phương tiện thính thị, các hoạt động chơi mà học hiện đại, có chọn lựa để gây hứng thú trong việc học, vừa phát huy tình cảm trí tuệ lành mạnh, linh mẫn. Chú trọng hơn nữa phần thực hành, áp dụng các phương thức biện pháp phát huy và nuôi dưỡng tinh thần kiến thức, kỹ năng đã học tập không để quên lãng với thời gian. Và cũng như biên soạn tài liệu cho Huynh trưởng, cần nghiên cứu sáng tạo để triển khai tinh thần bài học đi sát với định hướng (Giới Định Tuệ) xuyên suốt các môn, các bài học, phù hợp với độ tuổi tâm sinh lý thiếu và đồng niên (D).

      

       Phần tài liệu đã biên soạn chỉ có mục đích cung cấp kiến thức cơ bản và hướng học tập, giảng dạy để Huynh trưởng tham khảo dựa vào đó mà tu học, soạn giáo án hướng dẫn tu học cho đoàn sinh. Cần phải có thêm phần hướng dẫn việc tự tu tập, hướng dẫn cách soạn bài giảng dạy cho Huynh trưởng đầy đủ, chu đáo hơn theo hướng đổi mới.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.