Ý Kiến Đề Nghị Về Hướng Đổi Mới Phương Cách Sinh Hoạt Gia Đình Phật Tử

Cách đây hơn 60 năm, trước bối cảnh đất nước – Đạo Pháp thời Pháp thuộc xã hội Việt Nam suy thoái về tinh thần và đạo đức chạy theo vật chất; một tổ chức giáo dục tuổi trẻ ra đời trong phong trào chấn hưng Phật giáo nhằm mục đích giáo dục Thanh Thiếu Đồng niên theo tinh thần đạo đức Phật giáo để đào luyện những Phật tử chân chính góp phần xây dựng xã hội. Từ đoàn Đồng ấu, thanh niên Đức Dục rồi GĐPT. Để đạt mục đích, GĐPT xây dựng một nền tảng giáo dục đặc sắc và bền vững. Nền giáo dục GĐPT lấy Bi Trí Dũng làm mục tiêu, lấy Giới Định Huệ làm định hướng, dựa trên tinh thần Ngũ Minh Pháp mà minh định nội dung giáo dục, kết hợp các pháp môn tu học của Phật giáo với các phương pháp giáo dục tiên tiến thành phương pháp giáo dục đặc trưng của GĐPT. GĐPT qua các giai đoạn hoạt động đúc kết rút kinh nghiệm mà nhiều lần tu chỉnh nội dung tu học huấn luyện, khai quang đường lối, cải tiến phương pháp qua các kỳ Đại hội huynh trưởng toàn quốc. Dựa trên nền tảng đó GĐPT qua hơn sáu thập niên xây dựng sự nghiệp giáo dục với những thành tựu không nhỏ trong công cuộc phụng Đạo giúp đời và trải qua bao thăng trầm sóng gió vẫn giữ được sức sống mà tồn tại đến nay.

Như vậy GĐPT là một tổ chức có một nền giáo dục rất đặc trưng vững chải, vừa có tính năng chuyển hoá và hoà nhập vào thời đại để xây dựng con người ở mọi thời, mọi hoàn cảnh. Với tính chất đặc thù của tổ chức GĐPT, việc đổi mới chúng ta chỉ cần:

– Làm tốt hơn, tích cực hơn, hiệu quả hơn thứ ta đã có.

– Tiếp thu cái mới có lựa chọn để bổ sung vào các hoạt động GĐPT.

– Bỏ bớt những gì không còn phù hợp với việc giáo dục trẻ ngày nay.

Với nhận định trên, tôi nghĩ rằng việc đổi mới phương cách sinh hoạt GĐPT không ngoài các việc phải làm sau đây:

– Tu chỉnh chương trình tu học huấn luyện với nội dung phong phú hơn, thực tiễn hơn, phù hợp với sự phát triển của Phật giáo và sự phát triển của xã hội ngày nay. Việc này chúng ta đã làm và đang tiến hành bước tiếp theo là biên soạn san định tài liệu tu học huấn luyện theo hướng cải tiến.

– Cải tiến phương pháp, phương thức hướng dẫn tu học đào luyện để đạt hiệu quả cao hơn, chất lượng hơn.

– Tăng cường và làm mới các hình thức sinh hoạt tạo sức hấp dẫn thu hút tuổi trẻ đến với GĐPT.

     Để chuẩn bị và bắt tay sớm vào việc đổi mới, đề nghị trước nhất là Phân ban HDTW nên lập một ban (hoặc khối hay nhóm) do uỷ viên nghiên huấn và tu thư chủ trì, điều hành . Ban này gồm những huynh trưởng uyên bác am hiểu các vấn đề giáo dục (có thể mời quý vị Tăng Ni, cư sĩ trí thức Phật tử tham gia trợ giúp) để chủ đạo các việc:

– Nghiên cứu, thu thập và biên soạn tư liệu về việc đổi mới các mặt sinh hoạt trong GĐPT.

– Tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn đàm thoại, góp ý trên báo chí, trên mạng Internet (trang web GĐPT) làm thế nào để kết tinh trí tuệ của mọi giới từ Chư tôn đức, Giáo hội, đến Cư sĩ, huynh trưởng GĐPT, nhà giáo, sinh viên,… những người quan tâm đến GĐPT để xây dựng chuyên mục này.

– Phát thảo chương trình kế hoạch về tổ chức, tu học và sinh hoạt trong GĐPT theo hướng đổi mới (vẫn dựa trên nền tảng giáo dục GĐPT đã có).

– Tổ chức hội nghị huynh trưởng để phổ biến tài liệu kế hoạch thực hiện việc đổi mới sinh hoạt GĐPT, tổ chức các khoá bồi dưỡng huynh trưởng phụ trách việc hướng dẫn tu học sinh hoạt của GĐPT theo hướng cải tiến.

– Thực hiện các bước đổi mới: Bước đầu áp dụng phương cách đổi mới sinh hoạt cho một số đơn vị làm điểm để rút kinh nghiệm, dần dần nhân ra trên diện rộng rồi toàn thể GĐPT.

Trong khi chờ đợi kết quả khả thi cho một chương trình kế hoạch toàn diện và cụ thể việc đổi mới phương cách sinh hoạt GĐPT, tôi xin có vài ý kiến nhỏ sau đây:

I. TRIỂN KHAI ĐƯỜNG HƯỚNG GIỚI – ĐỊNH – TUỆ:

        Chúng ta đã sáng nhận ra tinh thần Giới Định Tuệ làm định hướng cho việc giáo dục trong GĐPT.

        Chúng ta cần nghiên cứu các phương cách thiết thực và sáng tạo trong mọi hoạt động giáo dục để dẫn dắt trẻ theo định hướng phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, với trình độ, tâm sinh lý độ tuổi của đoàn sinh.

       1. Với huynh trưởng và đoàn sinh Trung Chánh thiện, Ngành Thiếu, Thanh:

        Cần tạo điều kiện khung cảnh môi trường thuận lợi để tăng cường thực hành, điều luật (giới) hành trì các món định (Sổ tức, quán tưởng, thiền định, sống chánh niệm) để tăng trưởng định lực (định) mà tự động, tự chủ chuyên tâm tu học thâm nhập Phật Pháp, nâng cao trình độ hiểu biết, biết chủ động và trách nhiệm về việc làm cho mình và cho tha nhân (huệ)

        2. Với đoàn sinh tuổi nhỏ:

         Từ những bài học Phật Pháp, tinh thần, xã hội cần nghiên cứu những hình thức, phương thức, biện pháp hay nhất để áp dụng vào chương trình, kế hoạch sinh hoạt thế nào cho các em thấu triệt, thực hành và nuôi dưỡng tinh thần những điều đã học, tạo thành thói quen, tập quán tốt trong suy nghĩ và hành động (giới) đồng thời cũng tập cho các em sống tỉnh thức, tự giác, tự chủ, không loạn động mà tập trung vào việc tu tiến (định) để từ đó các em có ý chí chú tâm học tập, biết nhận định việc hay dỡ, sáng suốt hướng hành vi cuộc sống của mình theo những hạnh lành của người Phật tử (huệ) . Cần nghiên cứu các phương thức hướng dẫn các em còn nhỏ tuổi (đang thời kỳ phát triển các quan năng với tính hiếu động) thực hành sống tỉnh thức theo chánh niệm bằng phương pháp tuần tự tiệm tiến. Bước đầu chưa có thể bắt các em tỉnh lặng chú tâm vào một cảnh, một việc. Cần đơn giản hoá và khéo léo kết hợp với các hoạt động vui chơi nhằm giúp trẻ biết cách tập trung tâm ý (như những trò chơi có tính cách tập trẻ chú ý, quan sát, tập trung tâm trí vào cảnh vào việc; vượt trở ngại để đạt kết quả, thắng lợi mong muốn); tiếp đến tập trẻ thiền hành, rồi thực hành chánh niệm (theo phương pháp hướng dẫn trong sách “Tìm vào thực tại” của Hoà thượng Chơn Thiện) để dần dần trẻ có khả năng quản lý kiểm soát được cảm xúc, chế ngự vọng động ngoại cảnh.

III. CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁC:

          1. Tu tập định kỳ  

            Ngoài các buổi giảng dạy, hướng dẫn tu học các môn thường kỳ theo chương trình, nên tổ chức các buổi tập định kỳ một hoặc hai tháng một lần đẻ huynh trưởng, đoàn sinh ôn tập thực hành những gì đã học, thực tập Chánh niệm, Pháp thoại (nên mời Tăng Ni chủ trì hướng dẫn Chánh niệm, pháp thoại). Cũng qua tu tập định kỳ này, áp dụng các hình thức giáo dục “tình cảm” (cần nghiên cứu, có thể tham khảo ý kiến đề nghị của Thầy Nhất Hạnh) để thể hiện được GĐPT là một mái ấm gia đình. Nơi đây các em được thương yêu, chia sẻ, giải toả được tâm tư tình cảm, ước mong của tuổi trẻ. Đến với GĐPT các em cảm thấy an lạc và vui thích để tu tiến.

         2. Sinh hoạt theo chủ điểm:

           Hướng các hoạt động vào chủ điểm: Như dựa vào các dịp lễ quan trọng của Phật giáo và GĐPT mà sắp xếp Chương trình tu học sinh hoạt theo nội dung ý nghĩa của ngày lễ. Ví dụ dịp lễ mừng ngày Đản sinh Đức Phật Thích Ca, các bài học chủ yếu về lịch sử Đức Phật Thích Ca, các chuyện tiền thân Đức Phật Thích Ca,… thực hành các môn học về tinh thần, xã hội, HĐTN hướng đến phục vụ cho các sinh hoạt trong dịp lễ như thủ công làm biểu ngữ, lồng đèn, vẽ triễn lãm tranh, văn nghệ, ca kịch nhạc,… mừng Phật Đản, tham gia các Phật sự mừng Phật Đản, công tác từ thiện xã hội, trại hộ lễ.

          3. Hoạt động ngoại khoá:

          Tăng cường và làm mới các hoạt động ngoại khoá tạo không khí sinh động hấp dẫn tuổi trẻ vào các sinh hoạt vui tươi lành mạnh vừa mang tính giáo dục (theo tinh thần Giới Định Tuệ) để các em thực hành những gì đã học được qua các bộ môn, hướng tư duy hành động trong cuộc sống theo những gì có giá trị tích cực, không còn những vọng động dễ bị chi phối lôi cuốn sa ngã vào những ham thích thiếu lành mạnh. Các hoạt động gồm các sinh hoạt tập thể vừa vui chơi vừa giáo dục (có chương trình phân phối định kỳ) như du ngoạn tham quan, cắm trại, trò chơi, các hình thức sinh hoạt Văn thể mỹ, hội thi Văn thơ, thi vẽ, thi kể chuyện, đố vui để học, … Các hoạt động thể dục thể thao,… thi đấu giao hữu giữa các đơn vị Gia đình,…

Trong bối cảnh và xu hướng hiện tại muốn duy trì và phát triển bền vững
GĐPT chúng ta cần phải sớm cải tiến việc tu học và sinh hoạt trong
GĐPT. Đây là một vấn đề trọng đại không dễ. Với sự hiểu biết và suy
nghĩ hạn hẹp của chúng tôi, những ý kiến trên đây chưa là gì cả, còn
rất nhiều những điều mà chúng tôi chưa biết, chưa nghĩ ra. Chúng tôi
chỉ mong rằng những ý kiến được góp phần nhỏ vào kết quả của công cuộc
nghiên cứu cải tiến tu học sinh hoạt GĐPT mà chúng ta đang tiến hành.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.