Văn Hóa Lễ Hội & Lễ Hội Phi Văn Hóa

 

 

Từ rác…

 

          Ở chùa Thầy (thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội ) thì “… rác lên đến tận các vách núi chợ Trời, rồi gió thổi thốc vào mặt du khách, rác trôi theo vách núi xuống các khu dân cư. Rác đọng thành kho trong các hẻm núi đá Đỉnh Trời, mỗi lúc gió lùa mủn vụn rác tống vào mặt du khách. Đường leo núi đá tai mèo trơn truội và êm ru… toàn rác” trong khi tại chùa Tây Phương (thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội) tình trạng cũng thật bi đát “… hàng quán bán tràn ngập các lối đi cả trăm bậc lên chùa… Rác xả ra nồng nặc. Chiều về chùa khét lẹt, khói mù mịt bởi người ta đổ dầu vào đốt rác (báo Tuổi Trẻ số ra ngày 28-02-2010).

 

          Cũng báo Tuổi Trẻ ghi nhận về tình trạng lễ hội ở chùa Hương (thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) rằng: “… năm nay đông chưa từng thấy nên rác cũng nhiều hơn, vun thành đống giữa nơi khách nghỉ ngơi, ăn uống…”. Còn nhiều và nhiều nữa, nào là chùa Đậu thuộc thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín hay đền Và thuộc thôn Vân Gia, xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây…, ở đâu cũng… rác!!

 

… đến mặc cả với quyền linh

 

          Điều đáng nói là không chỉ xả rác, người ta còn đi lễ để tiến hành mặc cả với thánh thần, Trời Phật. Ở đền Đá Đen, nơi thờ thân mẫu của Đức Thánh Tản Viên dưới chân núi Ba Vì thuộc xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội, người ta thấy… “họ ném tiền vung vãi, đội mâm lễ nặng trịch trên đầu… rồi khấn Thánh vuốt ve che chở, nắng thì Thánh che, mưa thì Thánh đậy, xin xỏ tiền vào như nước        sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin”. Người thì tế lễ, kẻ thì đếm tiền từ những cái mâm dĩa… Tại đền bà Chúa Kho thuộc thôn Cổ Mễ, xã Vũ Ninh, tỉnh Bắc Ninh, người ta đua nhau đi vay tiền, vay lộc hay đổ xô chen nhau đi xin “lương” ở đền Trần Thương thuộc xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đến nỗi có người lăn ra ngất xỉu.

 

          Còn phải kể đến tình trạng bói toán đoán số mệnh tràn lan từ chùa đến đền… Người ta mặc cả công đức với Trời Phật, thánh thần bằng cách nhét tiền vào tượng, mua bán lễ vật, khấn vái lung tung nhưng tựu trung cũng chỉ mong được ‘giàu hơn năm cũ càng nhiều càng tốt, chấp thủ đoạn’.

 

Lễ hay Hội?

 

          Xen giữa những trò mê tín là một sân khấu ngoài trời của cờ bạc đỏ đen, xóc đĩa… Một nơi làm ăn cho những quan chức địa phương giữ xe với giá… cắt cổ, phó mặc bọn con buôn tha hồ tung hoành, bọn lưu manh chen chúc móc túi, lừa đảo…

 

          Phóng viên báo Tuổi Trẻ Lãng Quân phải kết luận “Nhiều sự mê lú, tham lam, thiếu văn hóa và cả sự quản lý chưa thấu đáo đã đánh bật cả thánh thần trong di tích, đã cướp mất của chúng ta những cõi thanh tịnh”.

 

          Tóm lại, không là Lễ mà cũng chẳng phải Hội!

 

Đâu rồi phong tục ngày xưa?

 

          Nếu nói lịch sử đi lên theo hình xoáy trôn ốc đơn hay kép đi nữa thì văn hóa của chúng ta hình như đang đi xuống theo đường thẳng đứng vì thiếu hẳn sự ngăn chặn của những cấp có thẩm quyền hay ngành chức năng trong việc tổ chức gìn giữ những nét đẹp ngày xưa.

 

          Chúng ta đã có một thời say mê bài thơ Đi lễ chùa Hương hay bài hát với những ca từ nhẹ nhàng “Trên đường đi lễ xuân đầu năm… mong một năm hạnh phúc an lành…”. Người ta đi chùa với tín tâm, khấn thầm gia trạch bình yên, thân tâm an lạc, đất nước thái hòa… Thế thôi, chứ không cụ thể đến… chan chát như vay bà Chúa Kho ngàn lượng vàng, hứa sang năm trả gấp đôi (?).

 

          Theo TS. Nguyễn Xuân Diện, Phó Giám đốc Thư viện Hán Nôm thì “…trước tiên ngành văn hóa phải có trách nhiệm… thể hiện bằng việc ban hành những quy chế cụ thể về lễ hội… các lễ vật được phép và không được phép mang đến…, và phải tuyệt đối cấm các trò cờ bạc”.  Người viết đã nghe một Sư cô tâm sự đầu năm: “Họ mang cả gà quay và chó thui vào cúng, mình không cho thì họ phá nát một góc chùa (Chùa Vĩnh Phúc, thôn Sen Hồ, Bắc Giang).

 

          Chúng ta đi từ cực tả (chống tất cả hình thức nghi lễ) sang cực hữu (mê tín trầm trọng), mà vẫn chưa hay không xây dựng được “một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc” như thường được đề ra trong các nghị quyết hay được đọc lên trong nhiều bài diễn văn. Có thể khẳng định, nền văn hóa như thế chỉ có thể có nếu xã hội được dẫn đạo bởi những nguyên lý đạo đức, mà trong lịch sử chúng ta thì đó là nguyên lý Phật giáo.

 

          Thật vậy, khả năng dung hóa rộng rãi và mạnh mẽ của đạo Phật là điều đã được lịch sử chứng minh. Nhờ vào sự dẫn đạo sáng suốt của thực chứng, của những nguyên lý Phật học, ngay từ thời Asoka, các nhà truyền bá Phật pháp đã biết thích nghi với xã hội, phong tục tập quán, chính trị, kinh tế và nhân tâm nơi các vị đó đến để Phật pháp có thể thâm nhập một cách ôn hòa vào lòng người. Ở Trung Hoa chẳng hạn, người ta có thể thấy ngoài việc thờ Phật trong các chùa vẫn duy trì những hình thức thờ cúng tổ tiên, thờ Ngọc hoàng Thượng đế, thờ Quan Vân Trường được tôn xưng là Quan Thánh đế quân, thờ bà Thiên Hậu… Tại Việt Nam cũng vậy, nhà chùa cũng còn là nơi thờ cúng các vị anh hùng dân tộc như Đức Trần Hưng Đạo, Đức Thánh Tản Viên… Không những thế, một số hoạt động như đoán xăm, giải mộng, cúng sao giải hạn, làm thuốc… vốn đã tồn tại trong dân gian cũng được đạo Phật chấp nhận. Việc thờ cúng tổ tiên hay thờ cúng các bậc tiên hiền, các anh hùng dân tộc ngoài ý nghĩa tỏ lòng tri ân tiền nhân còn giúp con người nâng cao tinh thần yêu quê hương xứ sở, yêu cộng đồng và xa hơn là yêu nước. Các hoạt động đoán xăm, giải mộng… là dựa vào lòng tin của con người mà khuyên người bỏ ác làm lành. Trong quá trình đến với đạo Phật qua các hình thức tín ngưỡng dân gian đó, lần lần người tin Phật được các nhà hoằng pháp khuyên nhủ bỏ lần các yếu tố mê tín, tăng cường chánh tín, hướng đến trí tuệ.

 

          Vì thế mà những người quản lý hoạt động tự viện, chùa chiền cần phải nhớ hành trì trong tinh thần tu, không chấp vào hình thức sự tướng vốn là nguyên nhân của suy đồi, sa đọa tinh thần. Đó là lý do người ta không thể nhân danh cúng dường Phật hay thờ Tổ mà sát sinh bừa bãi, ăn uống no say, cầu đảo mê tín, mua thần bán thánh, những biến tướng vốn bắt nguồn từ việc thiếu tinh thần dẫn đạo của tu chứng. Trong trường hợp đó, đạo Phật đã không dung hóa được thế gian pháp mà trái lại, còn bị thế gian pháp đồng hóa.

 

          Người viết có đọc một bài viết của HT.Thích Trí Quang viết cách đây 59 năm khi đề cập đến vai trò của Hội Phật học (thành lập 1932): “Ai ra Hà Tĩnh cứ đến ngày chợ phiên tỉnh sẽ thấy và nghe các hàng bán vàng mã, gà vịt ế ẩm đi và phiền trách Hội Phật học. Vì từ ngày Hội Phật học được lập ở tỉnh ấy, dân chúng không còn mua gà vịt, vàng mã để Tết giỗ, cúng kính ngày mồng năm nữa… Cho dẫu ngày nay còn một số người bám víu mê tín dị đoan nhưng thâm tâm họ cũng hiểu là sai lầm, điên đảo. Đó cũng là kết quả do Hội Phật học đem Chánh pháp truyền bá ra vậy”.

 

          Người xưa đã làm được như thế. Còn chúng ta hôm nay nghĩ gì khi đọc những dòng trên? Chúng ta tự hỏi vai trò của các cơ quan văn hóa và Giáo hội hiện nay đang ở đâu trong 8.000 lễ hội khi mà ý nghĩa văn hóa của lễ hội trở nên nhạt nhòa và chỉ còn là hoài niệm?

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.