ĐỜI NGÀI VÀ ĐÀN CON ÁO LAM

          Đặc san Sen Trắng số 02, ngày 01 tháng 5 năm 1973, số đặc biệt Phật đản 2517 có bài viết của Anh Nguyên Hùng Võ Đình Cường với tiêu đề Đời Ngài và Đàn Con Áo Lam. Đã gần nữa thế kỷ trôi qua, người anh cả cũng đã trở thành một đóa sen trên ao Thất bảo nhưng những gì anh dặn dò trong bài viết vẫn luôn là hành trang cho mỗi chúng ta trên con đường phụng sự lý tưởng.
          Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết này:

          “Hôm nay, ngày đản sanh của đức Từ phụ Thích Ca, ngày vui lớn của toàn thể Phật tử trên thế giới.
          Vui lớn, vì với sự xuất hiện của Ngài trên trần thế, nhân loại có thêm được Tình Thương, Trí sáng và Nghị lực phi thường.
          Vui lớn, vì với sự xuất hiện của Ngài trên trần thế, con người tự cảm thấy được cái tiềm lực vô biên, cái khả năng vô tận, cái giá trị siêu việt của mình, và từ đó, càng thêm tin tưởng ở cuộc đời, ở sự sống và Ngày Mai.
          Vui lớn, vì cuộc đời của Ngài là một nguồn thơ bất tận đối với người thi sĩ, một bản hòa tấu vĩ đại đối với người nhạc sĩ, một bức tranh tuyệt tác đối với người họa sĩ, một người mẫu lý tưởng với đầy đủ 32 tướng tốt đối với nhà điêu khắc.
          Vui lớn, vì cuộc đời của Ngài đối với người khổ đau là một nguồn an ủi lớn lao, đối với người bệnh tật là một liều thuốc thần tiên, đối với lủ nghèo hèn là một sự nâng đỡ chân thành, đối với kẻ cuồng si là một nguồn ánh sáng, đối với lủ sân hận là một giòng nước mát. Nhưng làm sao kể hết được những ảnh hưởng tốt lành mà cuộc đời Ngài đã ban phát cho mọi người trong mọi hoàn cảnh? Chỉ nói chung một lời là: đời Ngài là một kho báu vô tận mà mỗi người, mỗi giới, mỗi đoàn thể, nếu biết tìm tòi, sẽ bắt gặp được viên ngọc như ý!
          Riêng đối với Đàn con áo Lam chúng ta, chúng ta đã bắt gặp được những gì quý giá trong kho báu đời Ngài?
          Trước tiên, châm ngôn “Bi-Trí-Dũng” và năm điều luật của tổ chức chúng ta đều rút ra từ những đức tánh quý báu của Ngài. Và Huy hiêu “Hoa Sen Trắng” chính là một biểu tượng của đời Ngài, mà chúng ta sẽ rút ra một vài khía cạnh có ý nghieax sau đây.
          Nhìn vào huy hiệu Hoa Sen Trăng, chúng ta như nhìn thấy cuộc đời cô đọng của Ngài qua bao màu sắc và đường nét.
          Ngài ra đời dưới cây Vô Ưu, thành đạo dưới cây Bồ Đề và nhập diệt dưới cây Song Thọ. Ba giai đoạn quan trọng nhất của đời Ngài đều ở giữa thanh thiên bạch nhật, chớ không phải trong cung điện nguy nga, thành cao cổng kín. Đức chùa Jesus sanh trong máng cỏ, vì song thân của Ngài nghèo quá, không thuê nỗi một phòng trọ. Nhưng đức Thích Ca, là con cháu của mấy mươi đời vua chúa cả họ nội lẫn họ ngoại, sao Ngài cũng chỉ muốn chào đời dưới một gốc cây? Và cái giai đoạn quan trọng nhất, giai đoạn chuyển hóa Người thành Phật sao Ngài cũng chỉ âm thầm ngồi một mình dưới một gốc cây? Và cái giờ phút từ giả cõi đời, sau khi đã tạo dựng một sự nghiệp vĩ đại chưa từng có, sao Ngài cũng chỉ giản dị nằm trên chiếc võng treo trên hai cành cây? “Sự bất quá tam” một hành động đã được lập đi lập lại ba lần để nói lên cái ý nghĩa: càng tự bao vây mình trong giường cao nệm ấm, trong cung điện nguy nga, trong thành cao cổng kín, thì lại càng làm tắt nghẽn sự cảm thông giữa người với người, giữa người với trời đất. Càng giản dị lại càng dễ trong sạch; càng trong sạch càng dễ tu hành và mau chứng quả. Sự thanh khiết của đời Ngài đã ứng hiện trong màu trắng của Hoa Sen. Chúng ta lựa màu Trắng cho Hoa Sen chính là mmuốn được thanh khiết như đời Ngài vậy. Và với một quá khứ trên 30 năm đời sống của tổ chức, chúng ta đã không thẹn với màu trắng thanh bạch ấy.
          Thời gian mà đức Bổn sư chọn để ra chào đời, để thành đạo và để nhập niết bàn, đều là vào lúc bình minh, khi sao mai vừa mọc, khi mặt trời sắp lên, khi bóng đêm đã tan biến hết. Đó là giai đoạn đẹp nhất, thanh khiết nhất của một ngày. Đó là giai đoạn mà nhựa sống trào lên trong thân cây, sinh lực rạt rào trong huyết quản mọi sinh vật, sự phấn khởi và hy vọng vươn lên trong con người. Đức Phật đã lựa cái thời gian đó để dạy bảo chúng ta rằng: “các con có muốn làm được gì thì hãy làm cho sớm sủa, sớm sủa trong một ngày và sớm sủa trong một đời. Đừng đượi mặt trời đã đứng bóng, hay chiều tà bóng xế, -chiều tà bóng xế trong một ngày hay trong một đời- rồi mới ra đi, bởi vì như vậy, các con sẽ không đi đến đâu cả. Tuổi thanh niên đầy nhựa sống, đầy nghị lực, đầy niềm tin của các con, chính là giai đoạn bình minh của một ngày mà ta đã lựa để ra đời, để thành Phật, để ra đi. Các con hãy ghi nhớ điều đó”
          Và chúng ta đã ghi nhớ điều đó trong màu xanh làm nền cho Hoa Sen Trắng trên huy hiệu. Chúng ta đã thực hiện được lời dạy bảo đó bằng cách kết nạp đông đảo nhất cái lớp tuổi đồng niên, cái lứa tuổi đầy nhựa sống, đầy tin tưởng và trong sáng nhất của một đời.

*

          Hoàn cảnh mà đức Bổn sư Thích Ca sanh sống trong giai đoạn niên thiếu là một hoàn cảnh đen tối xấu xa nhất: đó là hoàn cảnh xa hoa, dâm dật, hủ họa trong cung điện của một triều đại đế vương qua bao nhiêu đời cha truyền con nối. Người ta muốn hủ hóa Ngài, trói buộc Ngài với vòng vàng chuổi ngọc và “những sợi tóc đàn bà”, muốn Ngài say sưa với rượu ngọt men nồng, mê ly trong điệu đàn tiếng hát. Nhưng Ngài vẫn không bị nhiễm ô, vẫn trồi lên khỏi lớp bùn xa hoa ấy, thoát ra khỏi hoàn cảnh hiểm độc muốn biến con người thành súc vật ấy. Đời Ngài là một cuộc bơi ngược dòng để trở về nguồn, chứ không phải một sự buông thả theo dòng để bị đẩy ra biển cả và mai một với rác bẩn rong rêu. Đời Ngài là một cuộc biến chuyển không ngừng từ xấu đến tốt, từ một kẻ vương giả đến một vị tu hành (chứ không phải một vị tu hành biến thành vương giả); từ một kẻ giàu sang nhất đến một kẻ-không-có-gì-cả, (ngoài Trí Tuệ, Tình thương, Nghị lực); từ một kẻ tu hành không-có-gì-cả đến một vị Phật-là-tất-cả.
          Đấy là một sư thăng hoa: một Hoa Sen Trắng từ trong bùn trồi lên mà không nhiễm bùn, không hôi tanh mùi bùn, biến thối thành thơm, làm đẹp cho hồ với “lá xanh, bông trắng, nhụy vàng”.
          Đó là Hoa Sen Trắng mà chúng ta đang mang trước ngực. Chúng ta đang mang trước ngực một đời Ngài để cố gắng tập sống đời Ngài. Chúng ta đã cố gắng như thế trên 30 năm nay, và còn tiếp tục mãi để xứng đáng là những người con Phật, những người con áo Lam của Phật.

                                                                                   VÕ ĐÌNH CƯỜNG

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.