GIÁO LÝ DUYÊN KHỞI (Bậc Chánh Thiện)

GIÁO LÝ DUYÊN KHỞI

 
Khi không hiểu được vũ trụ từ đâu mà có nên sanh ra nhiều quan niệm sai lầm. Có người cho rằng tự nhiên sanh hoặc một hay nhiều thần sanh… Đạo Phật cho rằng vũ trụ từ vô thỉ, mọi sự vật trong vũ trụ không thể đứng riêng một mình mà nó được, nó phải nương vào nhau mà thành. Mọi sự vật hiện tượng từ lớn đến nhỏ từ vô hình đến hữu hình đều không ngoài nhân duyên mà có, không ngoài duyên khởi mà thành.Trong kinh Phật dạy: “chư pháp trùng trùng duyên khởi” (duyên khởi là tên mới, tên cũ là 12 nhân duyên)

I. Định nghĩa duyên khởi
Do vô minh có hành sinh; do hành có thức sinh; do thức có danh sắc sinh; do danh sắc có lục nhập sinh; do lục nhập có xúc sinh; do xúc có thọ sinh; do thọ có ái sinh; do ái có thủ sinh; do thủ có hữu sinh; do hữu có sinh sinh; do sinh có lão tử sinh và sầu, bi, khổ, ưu não sinh hay toàn bộ khổ uẩn sinh (Tương ưng bộ kinh II).
Khi đoạn diệt vô minh thì hành diệt, do hành diệt nên thức diệt,… toàn bộ khổ uẩn diệt. Khi 12 nhân  duyên khởi thì đồng nghĩa với toàn bộ khổ uẩn khởi, khi 12 nhân duyên diệt thì đồng nghĩa với khổ uẩn diệt; tất cả đó gọi là duyên khởi.

II. Thành phần của duyên khởi:
Những nhân duyên gì sanh ra loài hữu tình. Đó là 12 chi phần duyên khởi. Mười hai chi phần duyên với nhau mà khởi lên.
1. Vô minh: Không tỏ ngộ chơn tâm là vô  minh; hiểu sai lầm các pháp (vô ngã mà chấp ngã, vô thường mà chấp thường,…); đây là phiền não của thời quá khứ, vô thỉ. Vô minh còn có khi chỉ cho tham, sân, si. Nghĩa thông thường vô minh là không sáng, tối tăm, mờ ám, si mê…
Nói tóm lại, tất cả phiền não hoặc thô hoặc tế của đại thừa hay tiểu thừa có tính cách làm cho chân tâm bị ẩn, gương trí huệ lu mờ thì gọi là vô minh.
2. Hành: Là hành động tạo tác từ thân khẩu ý dẫn đến nghiệp lành hay dữ.
3. Thức: Là thần thức chỉ cho phần tinh thần. Do thân, khẩu, ý tạo tác những nghiệp lành hay dữ nên khi chết rồi các nghiệp dẫn dắt thần thức đi lãnh thọ quả báo (thân) khổ hay vui ở đời sau.
4. Danh sắc:  Có 2 phần:
– Phần tinh thần (tâm) chỉ có tên gọi chứ không có hình sắc nên gọi là danh.
– Phần thể chất: có hình sắc nên gọi là sắc (cỏi vô sắc giới chỉ có danh không sắc, cỏi vô tưởng thiên có sắc mà không danh; dục giới và sắc giới có đủ danh và sắc)
5. Lục nhập: gọi nôm na là 6 chỗ vào; khi có thân phải có 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và 6 trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) phản ảnh vào nhau nên gọi là lục nhập.
6. c: là tiếp xúc, trong 6 căn, ngoài 6 trần, thường gặp gỡ tiếp xúc với nhau nên gọi là xúc.
 7. Thọ:  là lãnh thọ; khi 6 căn tiếp xúc với 6 trần rồi lãnh thọ những cảnh vui buồn, sướng khổ hoặc cảnh bình thường (thời kỳ 6-7 tuổi trở lên biết phân biệt).
8. Ái: là ưa muốn. Khi lãnh thọ cảnh vui thì sinh lòng tham, muốn làm sao cho được, gặp cảnh khổ thì sanh tâm sân hận, buồn rầu muốn xa lìa. Gặp cảnh bình thường thì si mê. Đây là động cơ thúc đẩy thân khẩu ý tạo tác các nghiệp (thường thời kỳ 14 tuổi trở lên).
9. Thủ: là giữ lấy, tìm cầu. Nói rộng ra là các hành động tạo tác. Gặp cảnh thuận thì tham cầu gặp cảnh nghịch lại sân si muốn xa lìa. Mục đích là tìm phương nầy kế nọ để bảo vệ cho được bản ngã của mình, do đó mà tạo ra các nghiệp sanh tử.
10. Hữu: là có. Vì đời nầy đã có nhân lành hay dữ do mình tạo ra, thì đời sau nhất định phải “có” quả khổ hay vui mà mình phải thọ nhận.
11. Sanh: là sanh ra. Do “ái, thủ, hữu” làm nhân hiện tượng tạo ra các nghiệp, cho nên qua đời sau, phải sanh ra đời để thọ quả báo.
12. Lão tử: là già, chết. Đã có sanh ra tất nhiên phải có khổ, già, chết.

III. Sự tương quan mật thiết của các chi phần duyên khởi:
Từ định nghĩa ta thấy rằng: phiền não, ai oán, đau khổ buồn rầu, thất vọng là những yếu tố cấu thành nỗi tuyệt vọng của kiếp người. Tận diệt vô minh dẫn đến tận diệt hành; tận diệt hành dẫn đến tận diệt thức;… tận diệt các mắt xích phiền não, tuyệt vọng.
Hai yếu tố đầu tiên (vô minh, hành) thuộc về quá khứ; tám chi giữa thuộc về hiện tại, hai yếu tố cuối cùng (sanh, lão tử) thuộc về vị lai.

IV. Kết luận
   Chính vô minh dẫn dắt ta đi vòng quanh ảm đạm, rày đây mai đó, chuỗi dài sanh tử, tử sanh vô cùng tận.Tuy nhiên khi nào mà tuệ trí thay thế vô minh, hành giả luôn an trú trong chánh pháp thì tiến trình sanh tử mới chấm dứt.
Tất cả các pháp hữu vi đều do duyên sinh. Duyên khởi nói lên sự thật vô ngã
Dù duyên khởi được hiểu theo quan điểm của bộ phái nào; niết bàn cũng đồng nghĩa với ái diệt, thức diệt hay vô minh diệt. Đây là quả vị giải thoat sau cùng gọi là A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Có lẽ đây là lý do mà Đức Thế Tôn trình bày Duyên khởi dưới dạng thức 12 chi phần của nhân duyên.
  Định thức tổng quát: do A hiện hữu nên B hiện hữu, do A sinh khởi nên B sinh khởi. Do A không hiện hữu nên B không hiện hữu, do A đoạn diệt nên B đoạn diệt (Kinh Phật tự thuyết tiểu bộ I trang 291)
                          
CÂU  HỎI ÔN TẬP
1. Nêu ví dụ trong vũ trụ mọi vật phải nương vào nhau mà thành ?
2. Liệt kê 12 chi phần của duyên khởi.
3. Vì sao gọi là trùng trùng duyên khởi ?
4. Lục nhập là gì ?

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.