HIẾU HẠNH LÀ MỆNH LỆNH CHO MỌI NGƯỜI CON PHẬT Ở BẤT CỨ ĐÂU VÀ THỜI ĐIỂM NÀO Tâm giới PHAN NGỌC THẢO


Chữ HIẾU được hàng vạn quyển sách Đông Tây đề cập đến.
Vị thầy kiệt xuất của Nho giáo là đức Khổng Tử luôn coi trọng đạo hiếu Kinh Thi trong Ngũ Kinh có câu:
“Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, phủ ngã, súc ngã, trưởng ngã, dục ngã, cố ngã, phục ngã, xuất nhập phúc ngã; Dục báo chi đức, hạo thiên võng cực”. Nghĩa là cha sinh ta, mẹ nâng đỡ ta, vuốt ve ta, nuôi ta khôn lớn, dạy ta nên người, chăm nom ta, ôm ấp ta, ra vào bảo vệ cho ta, muốn đáp đền ơn huệ ấy chỉ biết như bầu trời lồng lộng đến vô cùng.
Hoặc một câu ngắn hơn nhưng hàm chứa ơn đức bao la của cha, mẹ:
“Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã
Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao;
Dục báo thâm ân, hiệu thiên võng cực”.
Nghĩa là cha sinh ra ta, mẹ nâng đỡ ta, thương thay cha mẹ, sinh ra ta bao khó nhọc, muốn đáp trả ơn sâu ấy chỉ biết như trời bao la. Chín chữ cù lao thể hiện 9 ơn lớn(1) mà muôn kiếp người con không thể nào trả hết.
Đức Phật Thích Ca bằng lời nói và việc làm đã dạy cho hàng Phật tử chữ hiếu đứng hàng đầu. Kinh điển Phật giáo như: Kinh Báo Ân, Kinh Hạnh Phúc, Kinh Tương Ưng, Kinh Tăng Chi Bộ I, Kinh Nhẫn Nhục, Kinh Địa Tâm Quán, Kinh Trung Bộ, Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Kinh Bại Vong… xem hiếu hạnh là điều lành tối thượng.
Đông Tây kim cổ đều có gương hiếu hạnh khiến chúng ta kính phục. Dân tộc ta được tắm gội trong nếp sống đạo đức, xây dựng trên nền “tam giáo đồng nguyên”(2) nên việc hiếu kính với ông bà cha mẹ hiện tiền và tứ thân phụ mẫu nhiều đời được đa số quần chúng đồng thuận.
Vấn đề được đặt ra với chúng ta hôm nay là bên cạnh hàng triệu tấm gương hiếu hạnh, còn nhiều kẻ bất hiếu tồn tại khắp nơi, thuộc mọi giai tầng xã hội, khiến những con người có lương tri phải bàng hoàng, đau đớn…
Bất bình với cái ác, phù hợp với tính thiện của con người. Chúng ta biết bất hiếu là điều ác hàng đầu trong các việc ác ! Vậy phải giải quyết vấn nạn nầy như thế nào để mỗi ngày nỗi buồn vơi đi, niềm vui tăng tiến…
Thưa quý anh chị Nhà Lam,
 Cứ đến ngày Lễ Vu Lan thì chúng ta lại viết, lại nói, lại dạy về chủ đề ‘HIẾU KÍNH”:
Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật;
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ,
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.
….
Và các bài hát bất hủ như: Bông hồng cài áo, Lòng mẹ… không thể nào thiếu trong các đêm Văn nghệ mừng Vu Lan hay Đêm Suy tưởng về đấng sinh thành và việc cài hoa hồng của tổ chức Gia đình Phật tử trong thời gian gần đây  trở thành nét đẹp truyền thống đã được phổ biến trong dân gian. Sau ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch cuộc sống trở lại bình thường và nhiều chuyện bất thường trong quan hệ ông bà, cha mẹ, chồng vợ lại xảy ra… hậu quả khó lường. Người viết bài này suy tư mãi và cứ đặt câu hỏi tại sao ? !!!
ĐỀ XUẤT HƯỚNG GIẢI QUYẾT
Xin đề xuất một số ý kiến, trước mắt vận dụng vào GĐPT và các đạo tràng tu học:
1. Việc hiếu kính được đề cập:
– Hàng ngày cho mỗi hành giả tại gia.
– Hàng tuần qua việc thực tập chánh niệm sau khóa lễ sám hối của GĐPT.
– Hàng tháng qua việc thiền quán trong ngày tu BQT của đạo tràng tu học.
Trong ngày qua, tuần qua, tháng qua hành giả quán xét về hành vi của mình đối với người thân như thế nào ? Bản thân có hướng khắc phục. Xong phần hiếu kính quán đến việc khác.
2. Cái thiện phải được HUÂN TẬP (Ẩn tàng nơi a –lại-da thức, thức thứ 8 của Bát thức) thì mới đẩy lùi cái xấu, cái ác đến với ta từ mọi hướng. Con người hành trì giới luật bằng thiền định của chúng ta hiện nay có nhiều sách thiền đề cập đến nhưng việc Hành Thiền đúng pháp như quyển “TÌM VÀO THỰC TẠI” của Hòa thượng Thích Chơn Thiện có lẽ phù hợp với hàng cư sĩ hiện nay.
Cụ thể ở đây là Thiền TỨ NIỆM XỨ. Bằng ngôn ngữ bình dị, tác giả dẫn dắt người tu từ thô đến tế và tùy theo căn cơ ai cũng tu được. Từ trẻ em 6 tuổi đến cụ già 90 tuổi, ở bất cứ nơi đâu, bất luận thời điểm nào và việc “tẩu hỏa nhập ma” là điều khó xảy ra.
Thiền định là con đường tu tập chính thống, độc nhất đi đến giải thoát của Phật giáo. Thiền định là pháp môn tu phù hợp với mọi căn cơ. Thiền định – hình thức giáo lý được trình bày một cách giản dị nhưng chứa đựng các công phu đặc thù. Thiền định – con đường giáo dục tâm lý, loại bỏ tức thời các phiền não.
(Hiện nay, trong các đạo tràng tu học của Phật giáo đều vận dụng THIỀN – TỊNH song tu, nếu niệm lục tự NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT đến nhất tâm bất loạn thì hành giả đã đạt đến đỉnh cao của Thiền; nếu niệm Phật mà tâm không định (tâm viên, ý mã) thì hành giả mãi đứng ngoài tòa nhà Như Lai).
Thiền định Phật Giáo bao gồm Thiền chỉ và Thiền quán. Trong Thiền “Tứ niệm xứ”, mỗi đối tượng Thân, Thọ, Tâm và Pháp đều có 2 phần thực hiện chỉ và quán.
– Phần quan sát theo dõi các đối tượng gọi là Thiền chỉ.
– Phần quán tánh sinh diệt trên mỗi đối tượng gọi là Thiền quán.
Nếu chỉ đơn thuần suy nghĩ về một vấn đề gì đó của thế gian gọi là Tư duy. Trong quá trình tham thiền thì chỉ, quán đan xen nhau ta bảo đó là CHỈ, QUÁN song tu.
3. Thực hành “Thiền – Tịnh song tu” trong mỗi ngày
Mỗi buổi sáng hoặc tối, hành giả có một thời kinh (Tịnh Độ), nhớ đọc danh hiệu “Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát” (3 lần), tâm quán niệm về công hạnh của Mục Kiền Liên và nguyện làm điều hiếu thuận.
– Trong ngày, hành giả sắp xếp thời gian ( 10 phút, 20 phút) sau khi thức dậy hoặc trước khi đi ngủ, thực hiện THIỀN TỌA từ đơn giản (quán sổ tức: hít vào thở ra đếm từ 1 đến 10 hoặc niệm thầm: thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười, an trú trong hiện tại, giây phút đẹp tuyệt vời) đến khó (quán xét về thân, tâm, cảm thọ, các pháp trong ngày vừa qua…)
Khi đã nhuần nhuyễn, hành giả có thể quán các vấn đề cấp bách, thiết thực mà nhiều người quan tâm: hiếu thảo – bất hiếu; trung thực – gian dối; siêng năng – lười biếng; từ bi – hỷ xả,…
* Đối với Đoàn sinh: Trong những tháng đầu chỉ cần thực tập từ bài 1 đến bài 6 (nếu là Thiền tọa, tập cho các em ngồi nghiêm túc từ ban đầu. Nếu là thiền hành cần niệm rõ danh hiệu Phật với sự cung kính, tránh qua loa; thời gian không quá 15 phút).
Huynh trưởng hướng dẫn các em: sau khi Quán sổ tức, dành 3 phút quán xét về lời nói, việc làm của hành giả đối với người thân trong tuần qua và hướng khắc phục, các phút còn lại quán xét “vấn đề” mà Ban Huynh trưởng đã chọn, ví dụ quán “vị tha” (Tuần qua hành giả thực hiện hạnh nầy như thế nào ?)
* Đối với huynh trưởng: có thể lần lượt thực tập bài 1 đến 16 (xin đừng vội vàng) ngoài việc quán các vấn đề của đoàn sinh, hành giả cần quán các vấn đề sau: phát triển lòng vị tha, phá bỏ tính cố chấp, đố kỵ, tự cao, tự đại; làm việc phục vụ số đông, không “làm nổi”; đổi mới sinh hoạt như thế nào phù hợp với đơn vị, với địa phương; bản thân phải tự nghiên cứu vấn đề gì để góp phần xây dựng GĐPT trong lòng GHPGVN.
KẾT LUẬN
Nếu một người bất hiếu với ông bà, cha mẹ thì đó không thể nào là bạn tốt, một người Phật tử không hành trì đạo hiếu thì không thể là người có nếp sống hiền thiện. Cách tốt nhất để mỗi chúng ta thấy được bản lai diện mục của chính mình là mỗi ngày dành ra 5 phút, 10 phút để làm lễ Phật (Tịnh Độ) và 10 phút, 15 phút để hành thiền (Thiền định), kết hợp với công việc tốt đời, đẹp đạo hằng ngày thì nhất định chúng ta cảm nhận được hạnh phúc và cuộc đời đáng sống biết bao !
                            Huynh trưởng cấp Dũng Tâm Giới Phan Ngọc Thảo
GHI CHÚ:
 (1): Chín chữ cù lao: sinh, cúc (nâng đỡ), phủ (ôm ấp), súc (bú mớm), trưởng (nuôi lớn), dục (dạy dỗ), cố (trông nom), phục (nâng niu), phúc (bao bọc, che chở).
(2): Tam giáo: Phật, Lão, Khổng.

 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.