Nghĩ về “Những đề tài xuyên suốt” trong chương trình sinh hoạt tu học của GĐPT.

Trước hết chúng ta phải nhìn nhận rằng Hội nghị huynh trưởng toàn quốc năm 2006 tại thành phố Hồ Chí Minh để tu chỉnh chương trình tu học là một thành công lớn của GĐPT Việt Nam kể từ sau Đại hội năm 1973 tại Đà Nẵng. Anh Nguyên Trừng đã có bài phân tích về 6 điểm mới mà hội nghị đạt được khi xây dựng chương trình tu học cho huynh trưởng và đoàn sinh trong đó có nói đến chương trình xuyên suốt này, tuy nhiên trong bài viết anh chỉ lướt qua: “Chọn một số đề tài xuyên suốt cho các bậc học của Đoàn sinh là một sáng kiến đáng quan tâm, giúp cho người biên soạn chỉ cần biên tập một bài thật chính xác cho bậc học thấp nhất làm cơ sở rồi từ đó nâng cao dần nội dung cho các bậc học tiếp theo mang đầy đủ tính giáo khoa sư phạm“.

Theo thiển ý thì chương trình xuyên suốt không chỉ đơn giản như thế mà nó phải được nhìn nhận ở một góc độ khác, sâu hơn, mang tính chiến lược trong việc phát triển và ổn định tổ chức.

Như chúng ta biết, GĐPT là một tổ chức giáo dục có hình thức tổ chức tốt với các bậc học được phân chia phù hợp lứa tuổi; bên cạnh đó, sự tham dự của một cá nhân vào GĐPT là tự nguyện; việc tự nguyện này cũng có nghĩa là người ta có thể tham gia vào GĐPT ở bất cứ độ tuổi nào họ thích và cũng có quyền rời bỏ GĐPT bất cứ lúc nào họ cảm thấy không còn thích hợp. Đây là điều thật sự có ý nghĩa phải được lưu tâm trong việc xây dựng một chương trình giáo dục cũng như định hướng phát triển tổ chức.

Xem xét lại cơ cấu chương trình trước, chúng ta dễ dàng nhận thấy tính liên tục của từng ngành đi từ thấp đến cao và vì thế các đề tài ở mỗi bậc học thường chỉ là phần nhỏ của cái tổng quát, và không được nhắc lại ở bậc học kế tiếp. Điều này hoàn toàn đúng trong bối cảnh học đường cũng như với những tổ chức có cơ chế tuyển sinh để đào tạo và với những cá nhân tham gia một cách liên tục vào tổ chức GĐPT từ bậc học đầu tiên cho đến bậc học cuối cùng; nó thật sự không thích hợp với tổ chức có tính tự nguyện như GĐPT: một em 12 tuổi mới bắt đầu tham gia sinh hoạt GĐPT thì sẽ bắt đầu học từ đâu và năm sau do hoàn cảnh phải ngưng sinh hoạt thì em đó sẽ có khái niệm gì về tổ chức mà mình đã tham gia? Chắc chắn cái hiểu biết về GĐPT của em này thật sự hời hợt nếu không muốn nói là không có gì.

Một khảo sát nhỏ của Phân Ban Hướng dẫn GĐPT Đà Nẵng cho thấy số lượng đoàn sinh chỉ đông đảo vào dịp hè còn lại các mùa khác thì rời rạc và không đồng bộ; tình trạng này cũng chung cho nhiều đơn vị tỉnh thành khác. Điều này có nghĩa là việc một đoàn sinh thực sự hoàn tất bậc học một cách có hệ thống là điều vô cùng nan giải mặc dù chúng ta vẫn liên tục tổ chức các kỳ thi vượt bậc.

Đây chính là cốt lõi của sống còn và phát triển GĐPT trong bối cảnh hiện tại khi mà những điều kiện cho việc duy trì, phát triển đã hoàn toàn khác xa so với những giai đoạn trước. Điều kiện thay đổi, tâm lý con người thay đổi, do vậy cũng có sự khác nhau trong tâm trạng của đoàn sinh ở thời điểm này so với thời điểm cách đây hơn 30 năm; đó là điều hiển nhiên. Chính vì thế mà một chương trình với những đề tài được phân từng bậc hoặc một số đề tài chỉ học ở bậc này mà không được học ở bậc khác sẽ không còn thích hợp cho tình trạng hiện tại. Ta có thể đưa ra một trường hợp cụ thể như sau: đoàn sinh GĐPT cần phải hiểu biết về lịch sử đức Phật, thế nhưng trong chương trình trước đây thì đề tài này ở ngành Oanh chỉ học ở bậc Mở Mắt và học giai đoạn từ Sơ Sanh đến Xuất Gia mà thôi. Cũng như ở Ngành Thiếu thì chia làm 2 giai đoạn và học ở 2 bậc khác nhau: bậc Hướng Thiện học giai đoạn từ Sơ Sanh đến Xuất Gia, bậc Sơ Thiện học từ Xuất gia đến Nhập diệt.

Đó chính là nhu cầu phát sinh 9 đề tài xuyên suốt cho 4 bậc ngành Đồng (Oanh Vũ), 8 đề tài xuyên suốt cho 2 bậc Hướng Thiện, Sơ Thiện, 4 đề tài xuyên suốt cho bậc Trung Thiện, Chánh Thiện và 11 đề tài xuyên suốt cho 4 bậc Ngành Thanh (việc phân chia 4 bậc ngành Thanh cũng là một nét mới sẽ có bài viết riêng).

Với những đề tài xuyên suốt như thế, chương trình đã thể hiện mục đích cụ thể của mình đó là mọi đoàn sinh đều có cùng một kiến thức nền tảng về tôn giáo, phương pháp tu tập cũng như hiểu biết cơ bản về GĐPT… chỉ có điều là trình độ cao thấp khác nhau trước khi tiếp nhận những bài học sâu hơn phù hợp với tâm sinh lý của mình? Và điều này đáp ứng được nhu cầu của sự xây dựng, phát triển Gia đình Phật tử hiện đại.

Như thế ta có thể hiểu vì sao phải cần có những đề tài xuyên suốt. Vấn đề đặt ra nơi đây là sự triển khai như thế nào, và đến đây mới là vai trò của người biên soạn tài liệu chỉ cần biên tập một bài thật chính xác cho bậc học thấp nhất làm cơ sở rồi từ đó nâng cao dần nội dung cho các bậc học tiếp theo mang đầy đủ tính giáo khoa sư phạm. Nói thì có vẽ đơn giản nhưng chắc chắn nó đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, và chắc rồi cũng sẽ có một hội nghị thu nhỏ của các ủy viên Nghiên Huấn hay của bộ phận biên tập để san định cái gì cần thiết để có thể nâng cao dần nội dung cho các bậc học; Mặc dầu Phân Ban Hướng dẫn GĐPT Trung ương đã có văn bản yêu cầu các đơn vị tỉnh thành khẩn trương biên soạn tài liệu gởi TW tổng hợp nhưng có vẻ tiến trình này vẫn còn chậm.

Một vài ý kiến nhỏ hy vọng đóng góp trả lời cho thắc mắc của nhiều huynh trưởng không có điều kiện tham dự Hội nghị tu chỉnh chương trình tu học tổ chức vào tháng 8 năm 2006 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.