BÁC SĨ TÂM MINH – LÊ ĐÌNH THÁM NGƯỜI THẦY LỚN CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM

Đạo nghiệp của Bác đã góp phần rất lớn cho công cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà trong những thập niên đầu của thế kỷ XX, riêng đối với hàng phật tử trẻ tuổi thì công hạnh của Bác lại càng lớn lao hơn. Là một trí thức Tây học, tinh thông hán học và uyên thâm Phật học, lại là một công dân yêu nước đang sống dưới ách đô hộ của thực dân Pháp nên Bác luôn canh cánh trong lòng nỗi nhục của người bị nô lệ, cùng với một nền văn hóa nô dịch mà chính quyền thực dân đang ra sức áp đặt lên đời sống người dân, hầu thực hiện mưu đồ đưa dân tộc đến chỗ vong bản, quên nỗi buồn mất nước.
Thế cho nên khi nghĩ đến việc cứu nguy dân tộc, phục hồi những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, cũng như khi nghĩ đến công cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà, Bác nghĩ ngay đến thế hệ trẻ, ngày 14 tháng 8 năm 1938, trong kỳ Đại hội của Tổng hội An Nam Phật Học tại Huế, Bác đã phát biểu: “Không có thành tựu bền vững nào lại không nhắm tới hàng ngũ Thanh Thiếu niên. Họ là những người tiếp nối chúng ta trong ngày mai…”.
Đó là một câu nói bất hủ được xuất phát từ một vị Phật tử có tư duy sâu sắc và luôn ưu tư trăn trở cho tiền đồ của Phật giáo nước nhà, một câu nói của một người vừa có TÂM vừa có TẦM nhìn xa, rộng đối với tiền đồ của Phật giáo nước nhà. Chúng ta có thể xem câu nói trên của Bác là một tuyên ngôn khởi đầu cho một chiến lược hình thành và phát triển một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên Phật tử là Đoàn Phật học Đức dục, Gia đình Phật hóa phổ. Đó là tiền thân của Gia đình Phật tử Việt Nam ngày nay.

Từ những ý tưởng sâu sắc ban đầu của Bác nay đã biến thành hiện thực, Gia đình Phật tử Việt Nam đã được hình thành và không ngừng phát triển cho đến hôm nay đã trên 70 năm, là một tổ chức giáo dục thanh thiếu đồng niên có bề dày lịch sử truyền thống, có uy tín lớn đối với cộng đồng xã hội. Trước năm 1975 tại miền Nam VN tổ chức Gia đình Phật tử phát triển rất mạnh trên khắp các tỉnh thành với một hệ thống tổ chức hoàn chỉnh và một số lượng đoàn viên đông hơn bất kỳ một tổ chức thanh thiếu niên nào đang hoạt động hồi đó. Sau năm 1975, Gia đình Phật tử tạm thời chìm lắng một thời gian, nhưng sau đó lại tiếp tục phát triển và giờ đây đã truyền bá khắp thế giới. Có thể nói, nơi nào có người Việt sinh sống là nơi đó có Gia đình Phật tử và chắc chắn Gia đình Phật tử sẽ trường tồn cùng đạo pháp, bất diệt với thời gian.
Hiện nay Gia đình Phật tử Việt Nam có mặt trên 35 tỉnh, thành với 1.052 đơn vị Gia đình Phật tử, gần 10.000 Huynh trưởng, 62.000 Đoàn sinh ngành Thanh, Thiếu, Đồng niên. Anh cao tuổi nhất là Huynh trưởng cấp Dũng Tâm Bửu –  Tống Hồ Cầm 102 tuổi, các em thấp tuổi nhất là 6 tuổi.

Gần một thế kỷ hiện diện trên quê hương, noi gương Bác, người Thầy lớn của Tổ chức từ cung cách cho đến suy nghĩ và hành động, Gia đình Phật tử Việt Nam đã thực hiện một cách tích cực mục đích đã đề ra: “Đào luyện thanh, thiếu, đồng niên tin Phật thành Phật tử chân chính, góp phần phụng sự Đạo Pháp và xây dựng xã hội”.
Đối với Đạo pháp, Gia đình Phật tử Việt Nam đã góp phần phụng sự, hộ trì và xiển dương chánh pháp, có rất nhiều những vị tăng tài Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư xuất thân từ tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam.
Đối với dân tộc, xã hội, Gia đình Phật tử đã đào tạo hàng trăm nghìn công dân tốt, đã và đang góp phần xây dựng xã hội trên tinh thần từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha. Có thể khẳng định một điều chắc chắn rằng: đã là đoàn viên Gia đình Phật tử thì không vướng vào tệ nạn xã hội.
Bác, Người Thầy lớn, tấm gương để Đoàn viên Gia đình Phật tử Việt Nam chúng con học tập suốt đời.
Bác đến với Phật giáo không phải là để tìm sự thảnh thơi mà chính là để thực hiện tấm lòng yêu nước tha thiết của mình; Bằng cách trở về nguồn, tìm lại những tinh hoa của nền văn hóa truyền thống dân tộc, một nền văn hóa chịu ảnh hưởng sâu đậm của đạo Phật, đạo Từ bi, Trí huệ, Bình đẳng và Vị tha… Qua cái nhìn chính xác và sâu sắc của Bác, đạo Phật có một giá trị nhân bản và một tiềm năng lớn; Nếu biết khai thác và vận dụng cho thích hợp, thì sẽ cống hiến cho đời nhiều chất liệu quý báu để xây dựng con người và xã hội tốt đẹp. Nắm vững chủ trương đúng đắn ấy, Bác đã tập hợp và huy động được những người đồng tâm, đồng lòng trong giới Tăng Ni và Cư sĩ có tâm huyết, bắt tay vào phong trào chấn hưng Phật giáo. Từ đó, đạo Phật Việt Nam đã có một sắc thái mới mẻ, trong sáng hơn và khoa học hơn.           
Thật vô cùng thán phục, khi thấy Bác hòa mình vào các đối tượng, không những đã động viên được giới đồng liêu tân học mà cả giới cựu học thâm Nho; Không những giới Cư sĩ mà cả giới Tăng già, từ các bậc Đại lão Hòa thượng đến các cháu thanh, thiếu, đồng niên, mọi người hăng hái tham gia vào phong trào chấn hưng Phật giáo. Bác đã có một sức thu hút rất lớn, đã tập hợp được các giới đồng bào đến với Phật giáo.
Bác theo Tây học mà vẫn tha thiết với cái học truyền thống của dân tộc, hăng hái năng nỗ mà vẫn trầm tĩnh, sâu lắng, uyên bác, trí tuệ mà vẫn khiêm tốn, dung dị, hòa đồng.
Có một lý tưởng cao đẹp đã là khó, thực hiện thành công lý tưởng cao đẹp ấy lại càng khó hơn. Hai cái khó ấy Bác đã vượt qua nhẹ nhàng. Thứ nhất, là nhờ trí tuệ thông minh, vô cùng nhạy bén của Bác. Thứ hai, là nhờ có một nền học vấn sâu rộng, vững chắc. Bác uyên thâm cả nền văn học Đông Tây. Với đức tính đam mê, tìm tòi, học hỏi, Bác hiểu biết về mọi lĩnh vực: khoa học, triết học, văn chương, nghệ thuật… Một sự trùng hợp không mà như có chuẩn bị trước: Đức Phật thường dạy Đệ tử cần có sự trau dồi Ngũ minh để giúp đời: Nội minh, Nhân minh, Thanh minh, Y phương minh, Công xảo minh. Trong năm cái “Minh” này, Bác có đủ cả năm và đã sử dụng một cách thành thạo, xuất sắc, đạt hiệu quả cao, không ai sánh kịp.
Thâm nhập giáo lý của Như Lai, Bác đã có một đức tính quý báu, đã đưa Bác đến thành công đó là sự quên mình vì công việc chung. Khi bắt tay vào một công việc gì, Bác tận tụy hết mình, không quản khó khăn, mệt nhọc, không tiếc sức khỏe, thời gian, tiền bạc, chỉ mong sao cho công việc được viên thành. Vì không thấy có mình nên Bác dễ dàng hòa mình với mọi người, mọi giới, mọi đoàn thể, mọi tổ chức; Vì không thấy có mình nên Bác dễ dàng thông cảm, hiểu thấu tâm tư, nguyện vọng, sở trường, sở đoản của người khác và từ sự hiểu biết đó, dành cho họ một chỗ đứng thích nghi, một công tác thích hợp với khả năng của mọi người, mọi giới trong cái công trường rộng lớn của xã hội, Bác luôn thể hiện đức tính vô ngã, vị tha, vừa có đạo đức, đạo tâm và đạo hạnh.
Các bài học của Bác Tâm Minh – Lê Đình Thám, người Thầy vô cùng kính trọng, Huynh trưởng của Gia đình Phật tử Việt Nam đã làm việc không vụ lợi, không tiền bạc, không có ngày về hưu, hy sinh thời gian, công sức và đôi khi cả thân mạng.
 “Ngọn đèn tâm” của Bác cùng với những lời phát nguyện vẫn mãi mãi thắp sáng được ngọn đèn tâm của các thế hệ mai sau… nhắc nhủ Đoàn viên Gia đình Phật tử Việt Nam phải luôn luôn cố gắng để hoàn thành sứ mệnh của mình với tổ chức mà Bác đã có công sáng lập.
Bác Tâm Minh – Lê Đình Thám là người Thầy lớn, là tấm gương rực rỡ, trường tồn mãi với Phật giáo nước nhà, với Gia đình Phật tử Việt Nam.
 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.