VĂN NGHỆ (Bậc Sơ Thiện) BIẾT THÊM MỘT VÀI NHẠC CỤ, VÀI LÀN ĐIỆU DÂN CA.

 BIẾT THÊM MỘT VÀI NHẠC CỤ, VÀI LÀN ĐIỆU DÂN CA.

 
I. BIẾT THÊM MỘT VÀI NHẠC CỤ DÂN TỘC
Cồng chiêng Tây Nguyên
Dân tộc Tây Nguyên có hai loại nhạc cụ chính là cồng và chiêng. Cồng làm bằng đồng có  cái núm ở giữa, còn nếu phẳng, không có núm thì gọi là chiêng.
 Cồng chiêng là nhạc cụ bởi nó đưa ra tiếng nhạc, nhưng không phải chỉ nhằm để giải trí, tiêu khiển mà còn gắn liền với một lễ hội hay một sự kiện quan trọng. Vì vậy cồng chiêng được xem như một vật thiêng, là phương tiện để con người giao lưu với những bậc vô hình, là sợi dây nối kết giữa người trần và các đấng linh thiêng. Do đó âm nhạc ở đây không đơn thuần là nghệ thuật mà có chức năng phục vụ một sự kiện đặc biệt trong xã hội hoặc trong đời sống hàng ngày của dân gian.
Dàn cồng chiêng có thể chỉ đơn giản gồm 2 chiếc cồng, cho đến dàn 9, 12, 15 chiếc cồng và chiêng. Mỗi nhạc công sử dụng một cồng. Trong những lễ hội quan trọng còn có thêm cả trống. 

II. BIẾT THÊM VÀI LÀN ĐIỆU DÂN CA
Lý Nam Bộ: Là một loại dân ca đặc sắc của Việt Nam. Lý có ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam nhưng có lẽ lý phát triển mạnh nhất ở Nam bộ. 
Lý Nam bộ không chỉ phong phú về số lượng mà cả về đề tài, nội dung cũng như đặc tính âm nhạc. Lý Nam bộ đề cập đến các sinh hoạt, các công việc và tâm trạng, tâm hồn của người dân. Lý còn đề cập đến các loài vật, các loại cây, các thứ hoa trái, nói về tình yêu nam nữ, tình nghĩa vợ chồng. Có những bài ca nói lên những ước mơ của người dân bình thường, hoặc phê phán châm biếm những cảnh chướng tai gai mắt. Lý Nam bộ thực sự là một thể loại phản ánh cuộc sống, cách suy nghĩ và tính cách của người Việt ở Nam bộ. 
Lý Chiều chiều – một bài Lý giao duyên tâm tình với tiết tấu nhẹ nhàng, với ca từ mộc mạc, với tình cảm nồng nàn, gợi cho người nghe cảm giác buồn man mác:
“Chiều chiều ra đứng tây lầu tây. Thấy cô tang tình gánh nước. Tưới cây tưới cây ngô đồng. Xui khiến xui trong lòng, trong lòng tôi thương. Thương cô tưới cây ngô đồng”.
Lý Quạ kêu
“Kêu cái mà quạ kêu, kêu cái mà quạ kêu. Quạ kêu nam đáo, lắc đáo nữ phòng, người dưng khác họ, chẳng nọ thời kia. Nay dìa (về) thời mai ở, ban ngày thời mắc cỡ, tối ở quên dìa. Rằng a í a ta dìa, lòng thương nhớ thương. Rằng a í a ta dìa lòng thương nhớ thương”
Lý Cây bông:
“Bông xanh bông trắng rồi lại vàng bông, ơi bạn ơi. Bông lê cho bằng bông lựu ơi bạn ơi. Là a í a đố nàng, bông rồi lại mấy bông là a í a đố nàng, bông rồi lại mấy bông…”.
Đoàn sinh tìm thêm các bài lý Nam bộ sau để làm giàu vốn dân ca.
1. Bắt kim thang – dân ca Nam Bộ
2. Hò đi thẻ mực – dân ca Kiên Giang
3. Hò lơ – dân ca Nam Bộ
4. Lý áo vá quàng – dân ca Kiên Giang
5. Lý bằng lưu thuỷ – dân ca Bến Tre
6. Lý bằng răng – dân ca Bến Tre
7. Lý bánh ít – dân ca Bến Tre
8. Lý cái mơn – dân ca Nam Bộ
9. Lý cây bông – dân ca Nam Bộ
10. Lý con sáo Gò Công – dân ca Nam Bộ
11. Lý con sáo – dân ca Nam Bộ
12. Lý chim quyên – dân ca Nam Bộ
13. Lý đất giồng – dân ca Nam Bộ
14. Lý dĩa bánh bò – dân ca Nam Bộ
15. Lý kéo chài – dân ca Nam Bộ
16. Lý kêu đò – dân ca Sông Bé
17. Lý ngựa ô – dân ca Nam Bộ
18. Lý quạ kêu – dân ca Nam Bộ
19. Ra ngõ mà trông – dân ca Nam Bộ
20. Ru con – dân ca Nam Bộ

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.