LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỜI ĐINH, TIỀN LÊ (Bậc Sơ Thiện)

LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỜI ĐINH, TIỀN LÊ

 
I. Phật giáo đời hậu Lý Nam Đế (571- 602) và thời Bắc Thuộc lần thứ 3 (603-939).
* Từ khi Phật giáo truyền vào Việt Nam cho đến đời tiền Lý Nam Đế trên 300 năm (189 đến 544-548), đạo Phật được quần chúng tiếp nhận và xem  là thời kỳ Phật giáo quyền năng.
* Đến đời hậu Lý Nam Đế (571 – 602) và Bắc Thuộc lần thứ 3 (603-939), Phật giáo mới băt đầu phát triển tạo niềm tin vững chắc nơi quần chúng Phật tử nhờ xuất hiện dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) còn gọi là dòng thiền Pháp Vân  năm 580 và dòng thiền Vô Ngôn Thông còn gọi là dòng thiền Kiến Sơ  năm 820 từ Trung Hoa truyền sang.
– Nếu Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi đưa ra giải pháp cấp thời cho vấn nạn “Tại sao không thấy Phật?” của Phật tử ở thế kỷ thứ V rằng “Phật không ở bên ngoài mà hiện hữu ngay trong lòng mỗi người” thì đến Ngài Vô Ngôn Thông, câu trả lời đó được bổ sung hoàn chỉnh về mặt lý luận: Khi con người giác ngộ thì không những tâm là Phật, mà hoàn cảnh bên ngoài cũng là Phật, chứ không riêng gì Tây Thiên mới là đất Phật.
Đây là tư tưởng hết sức quan trọng, chứng tỏ một bước phát triển mới của Phật giáo và Dân tộc, khẳng định sự bình đẳng giữa các quốc gia trên thế giới.
Trong mấy trăm năm xâm lược nước ta, các triều đại Phương Bắc không thể thực thi chính sách đô hộ và đồng hóa, bởi đã gặp sức kháng cự mạnh mẽ của quần chúng. Năm 722, Mai thúc Loan khởi nghĩa xưng là Mai Hắc Đế, kế đến là Phùng Hưng vương hiệu là Bố Cái Đại Vương khởi nghĩa thành công và sau đó các triều đại độc lập của họ Khúc (906-923), Dương Diên Nghệ (931-938); Ngô Quyền(939-967).

II. Phật giáo đời Đinh (968-980) và tiền Lê (980-1009)
Đến đời nhà Đinh (Đinh Tiên Hoàng), Phật giáo có thế độc tôn, đạo Phật được truyền bá dễ dàng trong quần chúng mặc dù Nho giáo và Lão giáo đã truyền vào nước ta từ trước. Về triều chính, có Thiền Sư Ngô Chân Lưu được triều đình phong tặng danh hiệu Khuông Việt Thái Sư (giúp nước Việt). Còn Pháp sư Trương Ma Ni làm Tăng lục đạo sĩ và Pháp sư Đặng Huyền Quang làm Sùng chân uy nghi.
Khi nhà Đinh mất, nhà tiền Lê (Lê Đại Hành) lên thay, chống lại quân Tống. Trong giai đoạn nầy, Tăng sĩ được biệt đãi hơn vì chính nhà Vua thường triệu thỉnh các tăng thống vào triều để đàm đạo việc nước, việc đạo.
Câu chuyện về tài ứng khẩu thơ văn của Pháp sư Đỗ Thuận với Sứ thần Lý Giác của nhà Tống nói lên sự uyên bác của các thiền sư Việt Nam lúc bấy giờ (*). Khi nước ta đã hòa với nước Tống, vua liền sai sứ thần qua Trung Hoa thỉnh “Đại Tạng Kinh” và “Cửu Kinh”.
Như vậy sự ra đời của 2 dòng thiền Pháp Vân và Kiến Sơ đã tạo điều kiện thuận lợi cho Phật Giáo đời Đinh, Tiền Lê tiếp tục phát triển đúng chánh pháp, không những giải quyết được cuộc khủng hoảng tư tưởng tự thân (Phật bất kiến hình) mà đã trở thành dòng tư tưởng chủ lưu trong đời sống văn hóa, chính trị của đất nước. Phật giáo bổ sung, làm giàu và làm mạnh mẽ thêm cho bản lĩnh quật cường của Dân tộc. Tinh thần nầy được kế thừa và phát triển trong những gia đoạn sau.

CÂU HỎI ÔN TẬP
a. Ở nước ta, từ thế kỷ thứ VI trở về trước là thời kỳ Phật Giáo quyền năng, vì sao?
b. Dòng thiền Kiến Sơ bổ sung cho dòng thiền Pháp Vân vấn đề gì?
 c. Tại sao gọi là dòng thiền Pháp Vân, dòng thiền Kiến Sơ?

 Gợi ý:
a. Trước thế kỷ thứ VI, đa số quần chúng quan niệm rằng Phật là một đấng toàn năng có mọi quyền biến hóa thỏa mãn mọi lời khẩn cầu, khác với thần thánh là Phật không hại người, thời kỳ nầy có Phật Pháp Vân, pháp vũ, pháp điện, pháp lôi (thần mây, mưa, sấm, sét): thời kỳ Phật giáo quyền năng.
(*) Lý Giác nhân thấy đôi ngỗng trắng bơi trên sông liền ứng khẩu:
Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên nha
Pháp sư Đỗ Thuận (người lái đò) đọc tiếp:
Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba
Dịch nghĩa (của Hòa Thượng Thích Mật Thể)
Song song ngỗng một đôi
Ngữa mặt ngó ven trời
Lông trắng phơi dòng biếc
Sóng xanh chân hồng bơi
(bài thơ tứ tuyệt hoàn chỉnh) 
 
 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.