Giáo lý Phật giáo và các vấn đề xã hội

I.– MỞ ĐẦU
Đức Phật Thích Ca ra đời, như nhiều tài liệu Phật học thường trích dẫn, chỉ vì lòng thương tưởng đời, vì hạnh phúc, an lạc của số đông, vì an lạc cho Trời, Người. Một hôm trên dường đi đến Kutagara cùng đoàn Tỳ Kheo, Đức Phật dạy:
“Này các Tỳ Kheo, nay những pháp do ta chứng ngộ và giảng dạy cho các Ông, các Ông phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng để phạm hạnh được trường tồn, vì hạnh phúc, vì an lạc cho Trời, Người.” (1)
Sự quan tâm của Đức Thế Tôn đến nỗi khổ đau và hạnh phúc của con Người hẳn là có nhiều mối quan hệ đến đời sống cá nhân trong xã hội đến gia đình, xã hội môi sinh và những vấn đề mà bài viết này tìm hiểu.

II.-GIÁO LÝ VÀ CHỦ TRƯƠNG BÌNH ĐẲNG GIAI CẤP
      Dưới thời Đức Phật, xã hội Ấn Độ chủ trương phân biệt 4 giai cấp: Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, Phệ-xá,và Thủ-đà-la vẫn còn tồn tại ảnh hưởng giai cấp cho đến ngày nay. Đức Phật thì chủ trương bình đẳng 4 giai cấp ấy. Kinh tập (Suttaripata), kệ 136, P.T.S ghi:
“Không phải do sinh ra mà thành Bà-la-môn,
Không phải do sinh ra mà thành tiện nhân,
Trở thành một tiện nhân là do hành vi của mình,
Trở thành một Bà-la-môn là do hành vi của mình

Trong bộ kinh 2, kinh Assalàyana, ghi có một lần Giáo chủ Bà-la-môn đã cử thanh niên Bà-la-môn Assalayana thông tuệ đến tranh biện, vấn nạn Đức Phật về chủ trương bình đẳng giai cấp xã hội ở Ngài, Đức Thế Tôn hỏi Assalayana:

“…, nếu một người là kẻ sát nhân, trộm cướp, ngoại tình hoặc phạm các trọng tội khác, thì khi chết đi, người ấy sẽ đọa sinh nếu người ấy là Sát-đế-lợi, Phệ-xá, Thủ-đà-la, nhưng người ấy là Bà-la-môn thì không đọa sinh, phải thế không?”

Assalayana bạch:

“Bạch Đức Cồ-Đàm, không ạ! Trong những trường hợp như thế, dù người ta thuộc đẳng cấp gì đi nữa, số phận dành cho mỗi người đều như nhau”.
“Còn nếu người ấy tránh được các tội trọng thì người ấy sẽ thác sinh về cõi Trời nếu người ấy là Bà-la-môn, nếu người ấy thuộc đẳng cấp thấp hơn thì sẽ không được như thế?.”
“Bạch Đức Cồ-Đàm, không! Dù thuộc đẳng cấp gì đi nữa thì trong những trường hợp như thế, mọi người đều hưởng thiện quả”.
“Có phải một Bà-la-môn tuyên bố rằng họ có thể phát triển lòng từ ái, không sân, không hận, không ác độc, còn những người thuộc đẳng cấp khác thì không được như thế?”
“Bạch Đức Cồ-Đàm, không! Cả bốn đẳng cấp đều có thể được như thế”
“Có phải chỉ có Bà-la-môn mới có thể nhờ nước mà tẩy rửa được được những bụi bặm, dơ bẩn, còn những người thuộc đẳng cấp khác thì không được như thế?”
“Bạch Đức Cồ-Đàm, không! Cả bốn đẳng cấp đều làm được như thế”
“Lại nữa, ví dụ một ông vua tập hợp một số người thuộc bốn đẳng cấp trên và ra lệnh cho họ nhóm lửa cùng loại gỗ sài, gỗ thông, sen hay trầm, ông nghĩ rằng điều gì sẽ xảy ra? Lửa do người thuộc đẳng cấp cao nhúm sẽ cháy sáng, còn lửa do các người thuộc đẳng cấp thấp nhúm sẽ không cháy sáng?”
“Bạch Đức Cồ-Đàm, không! Dù người nhóm lửa thuộc giai cấp nào, lửa cũng cháy sáng như nhau”. v..v..
Cuộc đối thoại tiêu biểu vừa lược trích ở trên cho thấy chủ trương của giáo lý nhà Phật rất thực, rất thực tại, rất tự nhiên, rất nhân văn và rất công bằng: bình đẳng giữa các giai cấp xã hội Không có sự kỳ thị về giai cấp, phái tính, màu da, tuổi tác nào được giáo lý Phật giáo chấp nhận (có nhiều kinh ở Trường bộ và Trung bộ lập lại chủ trương này của Đức Phật).

III.- GIÁO LÝ PHẬT GIÁO VÀ CHỦ TRƯƠNG TỪ BI, BẤT BẠO ĐỘNG
Từ bi là một sắc thái rất phổ biến của giáo lý Phật giáo phổ biến đến độ quần chúng bình dân Việt Nam qua nhiều thế kỷ đã gọi cửa chùa là Cửa Từ.
Bản kinh nhỏ “Kinh Từ bi” thuộc kinh tập (Sutta-Nipata) Tiểu Bộ Kinh – ghi lời dạy của Đức Thế Tôn rằng”
“Mong rằng tất cả chúng sinh yếu hay mạnh, cao, vừa hay thấp, lớn hay bé, hữu hình hay vô hình, xa hay gần, đã sanh hay sẽ sanh được hạnh phúc!
Mong rằng sẽ không có ai lường gạt, lừa dối, nhục mạ bất cứ ai ở bất cứ nơi đâu!
Mong rằng sẽ không có ai vì ác ý, sân hận mà gây tổn hại đến người khác.
Hãy tu tập lòng từ vô hạn đối với tất cả chúng sanh như người mẹ bảo hộ người con độc nhất của mình khỏi các nguy hiểm của đời sống…”
Chi phần chánh tư duy trong “Bát Thánh đạo” đã được Đức Phật định nghĩa là “Vô dục tư duy, vô sân tư duy và vô hại tư duy” –Ahimsa-Chính nội dung của “Vô hại tư duy” hay Ahimsa, theo Pàlị, Sanskrit (Ấn ngữ), là nội dung của thuyết bất bạo động mà thánh Gandhi đã chủ trương trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho xứ Ấn từ tay bảo hộ Anh Quốc.
Pháp cú số 3,4 và 5 nhắc nhở người đời nuôi dưỡng tình thương và xóa bỏ hận thù:
“Kẻ ấy sỉ nhục ta, đánh đập ta, Kẻ ấy đánh bại ta, cướp bóc ta!
Kẻ nào nuôi dưỡng những ý nghĩ như thế
Không bao giờ được an tịnh trong thù hận…
Còn kẻ nào không nuôi dưỡng những ý nghĩ ấy,
Được nhanh chóng an tịnh.
Không bao giờ trong đời,
Hận thù lắng dịu bằng hận thù,
Chỉ có tình thương mới làm lắng dịu được hận thù,
Đấy là định luật muôn thuở”.
Vài trích dẫn tiêu biểu vừa nêu đã nói lên rõ ràng chủ trương từ bi, bất bạo động của giáo lý Phật giáo. Giáo lý ấy nếu được giới thiệu rộng rãi vào quần chúng sẽ có các đóng góp đáng kể trong việc làm lắng dịu các bạo động trong nhiều xã hội ngày nay.
Giáo lý từ bi, bất bạo động ấy cũng nhuốm đầy sắc thái hòa bình. Đương thời, một lần Đức Phật đã đứng ra dàn xếp để ngưng cuộc chiến tranh giữa những người Sakya với Koliya; chính Ngài đã gián tiếp can vua A-Xà-Thế (Ajatasattu) khi vua chuẩn bị chinh phạt xứ Vajji, chính Ngài đã đứng ra điều đình để vua A-Xà-Thế được phóng thích khi vua bị bắt trong trận chiến tranh giữa Magadha với Kosala…

IV.- GIÁO LÝ PHẬT GIÁO VÀ QUAN NIỆM VỀ MỘT NHÀ LÃNH ĐẠO TỐT CỦA ĐẤT NƯỚC:
Người lãnh đạo lý tưởng trong giáo lý Phật giáo là một Chuyển luân vương (Cakkavatti), đủ tài năng, đức độ trị nước đúng theo chánh pháp, đem lại hạnh phúc cho toàn dân. Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Tu Hành (Trường A-Hàm số 6) và kinh Luân Chuyển Luân Thánh Vương (Trường bộ kinh III, ĐTK Việt Nam) cho thấy rằng nhà vua dùng chánh pháp trị dân tạo nên hòa bình, thịnh trị, an lạc, hùng cường. Khi nhà vua qua đời thì liền có bảy thứ báu xuất hiện: Thiên luân báu, voi báu, ngựa báu, thần châu báu (tỏa sáng cả một vùng rộng lớn vào ban đêm), ngọc nữ báu, gia chủ báu, chủ binh báu – đây là điều kiện để phát triển mạnh về quốc phòng, an ninh, mạnh về tổ chức kinh tế, tài chính, phát triển mạnh về văn hóa, Xã hội, đạo đức…
Thế nào là trị dân theo pháp?
Đức Phật dạy:
“Nhà vua phải y theo chánh pháp, trọng pháp, kính pháp, suy nghĩ về pháp, tôn vinh pháp, ca tụng pháp, dựng phướn pháp, cờ pháp, y vào pháp mà bảo hộ các thể nữ, quần thần, quân nhân Sát-đế-lợi, cư sĩ, làng xóm, thành thị, sa môn, Bà-la-môn cho đến chim choc, thú vật, cây rừng.”
Trong Nikaya, jataka (bổn sanh) I, II, III và V, Đức Phật có nhắc đến 10 đức tính (tức 10 bổn phận) của một vị vua như sau:

  1. Quảng đại, từ ái;
  2. Giữ gìn giới đức: không giết hại, không bóc lột, không cướp của, không gian dâm, không dối trá, không rượu chè;
  3. Vì hạnh phúc của nhân dân, sẵn sàng hi sinh lợi lạc, danh vọng và cuộc đời mình vì nhân dân;
  4. Liêm chính, thành thực, thể hiện nghiêm túc nhiệm vụ của mình;
  5. Dịu dàng, hòa ái,
  6. Nghiêm chỉnh, đúng đắn, sống giản dị, không xa hoa, chế ngự mình;
  7. Không ganh ghét, thù hận;
  8. Không sử dụng bạo lực;
  9. Vị tha, kiên nhẫn, thông cảm với người;
  10. Không khắc nghiệt, hòa hợp với nhân dân.

      Tăng Nhất A Hàm, quyển 42, ghi 10 đức tính như sau:

  1. Thanh liêm, quảng đại;
  2. Nghe lời can gián;
  3. Thi ân cho nhân dân;
  4. Thu thuế đúng pháp định;
  5. Phòng the nghiêm túc;
  6. Không say sưa, rượu chè;
  7. Nghiêm chỉnh, cần mẫn;
  8. Xét xử công bằng, nghiêm túc;
  9. Hòa hợp với quần thần;
  10. Giữ gìn sức khỏe của bản thân

Phải là gương mẫu mà đòi hỏi nhứt là đức là cái gốc (kèm theo cái tài phụ cho cái đức)
Sinh thời, các vua như Tần-bà-sa-la (Bimbisara), A-Xà-Thế (Ajatasattu), Ba-tư-nặc (Pasenadi), Ma-dô-la (Madthura) và Tịnh Phạn (Suddhodana) thường đến yết kiến Thế Tôn và trao đổi xin lời cố vấn về phép trị nước, đạo đức, triết học …v.v…

V.– GIÁO LÝ PHẬT GIÁO VÀ 7 ĐIỀU KIỆN ĐỂ  MỘT QUỐC GIA HƯNG THỊNH:
Kinh Tăng Chi Bộ 3, ĐTK Việt Nam, 1996, tr300-301 ghi rằng: Khi vua A-Xà-Thế (Ajatasattu), xứ Ma-Kiệt-Đà (Magadha) muốn chinh phạt dân xứ Vajji, đã sai hạ thần Bà-la-môn Vassakara đến yết kiến Đức Thế Tôn và dạm hỏi xin lời chỉ dạy. Đức Thế Tôn đã gián tiếp gợi ý cho tôn giả Anan đà, thị giả, nói lên thực lực hùng mạnh của dân Vajji để giúp vua A-Xà-Thế dẹp bỏ ý định chinh phạt, làm cỏ dân Vajji. Thế Tôn đã nên lên 7 câu hỏi và tôn giả Ananđà đã bạch đáp:

  1. Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajji thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau
  2. Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajji thường hay tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc trong niệm đoàn kết.
  3. Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajji không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Vajji thuở xưa.
  4. Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajji tôn sung, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajji và nghe theo lời dạy của các vị này.
  5. Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajji không bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajji phải sống với mình.
  6. Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajji tôn sung, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu Vajji ở tỉnh thành và ngoại tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp.
  7. Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajji bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-La-Hán ở tại Vajji, khiến các vị A-La-Hán chưa đến sẽ đến trọng xứ, và các vị đã đến sẽ sống an lạc.

Rồi Đức Thế Tôn nói với đại thần Vassakara rằng:
“Này Bà-la-môn, một thời ta sống ở Vesali tại tự miếu Sarandada, ta dạy cho dân Vajji bảy pháp không bị suy giảm này. Này Bà-la-môn, khi nào bảy pháp không bị suy giảm được duy trì giữa dân Vajji, khi nào dân Vajji được giảng dạy bảy pháp không bị suy giảm này, thời này Bà-la-môn, dân Vajji sẽ được lớn mạnh, không suy giảm”
Đại thần Vassakara bạch Thế Tôn:
“Thưa tôn giả Gotama, nếu dân Vajji chỉ hội đủ một pháp không bị suy giảm này, thời dân Vajji nhất định lớn mạnh, không bị suy giảm, huống nữa là đủ cả bảy pháp…”
Sau đó vua A-Xã-Thế đã ngưng ngay cuộc dấy binh chinh phạt Vajji.
Qua giai đoạn kinh được kiết tập trên, Đức Phật sinh thời đã chứng tỏ sự quan tâm của Ngài đến các vấn đề xả hội. Ngài đã thân hành chỉ bày cho dân Vajji bảy pháp ấy như là một sách lược để phát triển và bảo vệ xứ sở, Ngài đã thân hành thuyết phục đại thần Vassakara của vua A-Xà-Thế thấy rõ rằng không nên gây chiến, và điều quan trọng là nên quay về tổ chức xứ Ma-Kiệt-Đà (Magadha) của nhà vua cho hưng thịnh theo bảy pháp không bị suy giảm ấy.

VI.- GIÁO LÝ PHẬT GIÁO VÀ CÁC VẤN ĐỀ TỘI ÁC TRONG XÃ HỘI, VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ:
Về mặt tâm lý tu tập, có “vô số” kinh đề cập “Ngũ triền cái” hay “Tham sân si” là gốc của mọi ác tâm, bất thiện tâm, là gốc của mọi tội ác trong xã hội. Trong phần giới thiệu này, người viết chỉ giới thiệu hai kinh tiêu biểu nói lên chiều phát triển xã hội và đạo đức và chiều suy thoái của xã hội và đạo đức, nói khác đi, đạo đức của con người sẽ khủng hoảng trong một xã hội nghèo đói, bất ổn định. Xã hội sẽ suy  thóai theo chiều suy thóai của kinh tế, đạo đức con người
Kinh “Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống”, trường 2, số 26 nói rõ các tội ác trong xã hội phát sinh do nghèo đói:
“Này các Tỳ Kheo, như vậy vì không cho những người nghèo tiên của nên nghèo đói tăng thịnh, vì nghèo đói tăng thịnh nên trộm cắp tăng thịnh, vì trộm cách tăng thịnh nên đạo kiếm tăng thịnh… sát sát tăng thịnh…nói dối tăng thịnh…nói xấu tăng thịnh… tà hạnh tăng thịnh…ác khẩu và lời nói phù phiếm tăng thịnh, tham sân tăng thịnh, phi pháp dục, phi lý tham và tà kiến tăng thịnh, vì ba pháp này tăng thịnh nên các pháp sau đây tăng thịnh, sự thiếu, sự hiếu kính đối với cha mẹ, thiếu sự kính trọng đối với vị cầm đầu trong gia đình… “trang 373 – 374”
Để cải thiện các hiện tượng gây tội ác trong xã hội, Kinh Kutadanta (Trường 3)xác nhận các hình phạt không hữu hiệu, không lợi ích và không thành công bằng sự cải thiện kinh tế. Để cải thiện kinh tế khi xã hội suy đồi. Đức Thế Tôn dạy các việc cần thực hiện cấp thời là:
”Cung cấp các thứ hạt giống và phương tiện canh tác cho các nhà nông.
”Cung cấp vốn cho những người kinh doanh đầu tư, trả lương thích đáng cho các   công nhân.
Đại bố thí cho nhân dân thay thế các lễ tế đàn.
Khi mà nhân dân thu hoạch đầy đủ lợi tức, sẽ vừa lòng, sẽ không lo sợ, không sợ hãi và kết quả sẽ là xứ sở được ổn định, thanh bình và đi ra khỏi tội ác.
 
VII.-GIÁO LÝ PHẬT GIÁO VÀ 6 MỐI TƯƠNG HỆ XÃ HỘI, HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH:
        Kinh Thiện Sanh (Singala) Trường 2, số 31, ghi lời dạy của Đức Phật dành cho chàng thanh niên Singala về sáu mối liên hệ xã hội được tôn kính, trân trọng, đó là:

  1. Cha mẹ – con cái:

   a).- Cha mẹ đối với con cái: Giáo dục tốt con cái, hướng dẫn con cái vào đường thiện, giúp con cái đi đến hôn nhân tốt.
     b).- Con cái đối với cha mẹ: Săn sóc cha mẹ lúc tuổi già, giữ gìn danh dự và truyền thống của gia đình, giúp đỡ cha mẹ về công việc khi cha mẹ cần, giữ gìn tài sản của cha mẹ.

  1. Thầy giáo – học trò:

          a).- Thầy giáo đối với học trò: Dạy giỏi, hướng dẫn tốt học trò chọn bạn tốt và chọn  nghề, dạy  nghề để học trò có việc làm khi học xong chương trình học.
          b).- Học trò đối với thầy giáo: Kính trọng, vâng lời thầy, học hỏi chăm chỉ, giúp đỡ thầy khi  thầy cần.

  1. Chồng – vợ:

          a).- Chồng đối với vợ: Thương yêu và kính trọng vợ, người chồng phải vừa là   
 người chồng, vừa là người bạn, vừa là người yêu, thường sắm quà cho vợ (các quà dành cho nữ giới)
        b).- Vợ đối với chồng: Thương yêu và kính trọng chồng, người vợ phải vừa là  người vợ, vừa là người bạn, vừa là người yêu, quán xuyến công việc, quản lý nhà cửa, tôn trọng bố mẹ chồng và bạn bè, thân thuộc của chồng.
     Cả hai vợ chồng phải trung thành, chung thủy với nhau.
  4.-Cá nhân với xóm làng, bạn bè:
           Thành thật và chung thủy với nhau, thường giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn, không bỏ nhau khi lâm vào cảnh khó khăn, giúp nhau gần bạn tốt có đủ
tín, trí, giới và tuệ.
       5.- Chủ, lãnh đạo và các người thuộc hạ, giúp việc:
         a).- Chủ đối với thợ: Trả lương tương xứng với khả năng lao động, thường có   
          khen thưởng, săn sóc thuốc men khi người giúp việc lâm bệnh.
          b).- Thợ đối với chủ: Trung thành, làm việc siêng năng, cần mẫn, làm tròn    trách nhiệm mà người chủ giao phó.
6.- Tu sĩ và cư sĩ:
         a).- Cư sĩ : Thường kính và hộ trì các nhu yếu vật chất mà các tu sĩ cần, học hỏi chánh pháp
b.- Tu sĩ : Thương mến các cư sĩ tại gia, thường dạy đạo (và nghề truyền thống
  nếu có thể), dẫn dắt các cư sĩ vào đường thiện, thường an ủi khích lệ.
     Về hạnh phúc của một cư sĩ tại gia sống hưởng thụ đời sống gia đình, kinh Tăng Chi IV, Tương Ưng I và Trường II ghi rằng : Thế Tôn dạy người cư sĩ cần lao động, tiền làm ra chỉ chi ¼ cho khoản thường chi, ¼ cho khoản bất thường chi, còn 2/4 lợi tức thì đưa vào vốn đầu tư, cần giữ gìn sức khỏe, sống quân bình giữa sức khỏe, tình cảm, tâm lý, sống đầy đủ tín, thí, giới và tuệ.

VIII. GIÁO LÝ PHẬT GIÁO VÀ CÁC VẦN ĐỀ MÔI SINH :

  1. Trong vài thập niên trở lại đây, vấn đề môi sinh và ô nhiễm môi sinh là đề tài   nóng bỏng. Nay thử xem giáo lý Phật giáo nhìn như thế nào về môi sinh và có giải đáp nào cho cuộc khủng hoảng môi sinh toàn cầu đang diễn tiến ?

    Về Ngũ Thủ Uẩn (Panca – Khanthan) Đức Phật dạy :
« Này các Tỳ Kheo : Như Lai sẽ dạy về 5 uẩn và 5 thủ uẩn. Hãy lắng nghe. Và này các Tỳ Kheo, thế nào là 5 uẩn ? Tất cả cái gì là sắc thuộc về quá khứ, tương lai và hiện tại ở trong hay ở ngoài, thô hay tế, nhỏ bé hay to lớn, xa hay gần, tất cả cái ấy thuộc về sắc uẩn. Tương tự đối với Thọ, Tưởng, Hành và Thức uẩn »
(Tương Ưng III, PTS, Oxgerd, London, 1992, trang 41-42)
Như thế từ định nghĩa trên, cái gọi là sắc uẩn của mỗi người sẽ bao gồm thân thể vật lý của cá nhân và thế giới vật lý ở bên ngoài. Điều này nói lên rằng sắc uẩn hay thân sắc của mỗi người bao gồm cả ngoại giới, môi trường sống. Nói cách khác, môi sinh là một phần của thần sắc, con người cần có ý thức bảo vệ môi sinh như bảo vệ thân sắc của mình.

  1. Về giáo lý nền tảng của Phật giáo: Duyên khởi (Patica sammuppla) là sự thật mà Đức Phật đã chứng ngộ dưới Cội Bồ Đề vào đêm cuối cùng thành đạo. Mười hai chi phần của duyên khởi có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, bất khả phân ly, sự thật này cũng nói lên rõ rang Sắc – Danh (con người) gắn chặt Tam Hữu với thế giới và thế giới gắn chặt với tâm lý con người. Ô nhiễm của môi sinh sẽ có tác động sâu sắc đến tấm thân Danh – Sắc của con người, ngược lại, tâm lý tham sân si của con người cũng có tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ đến môi sinh. Vậy nên, vấn đề bảo vệ môi sinh không chỉ giữ gìn trong sạch thế giới vật lý mà còn giữ gìn thế giới tâm lý của mọi người khỏi ô nhiễm của tham, sân, si, mạn, nghi, tà, kiến, đố kỵ, hận thù,…
    Từ đây, con người sống Giới, Định, Tuệ của Phật giáo thật sự hiện ra là con đường sống bảo vệ an toàn môi sinh. Giáo lý Ngũ Uẩn và Duyên Khởi trở nên là triết lý về môi sinh rất tuyệt vời, chủ trương ly dục, đoạn trừ tham, sân, si, sống vị tha vong ngã trở thành nội dung cho đạo đức môi sinh.

IX.- GIÁO LÝ PHẬT GIÁO VÀ VẤN ĐỀ “CHÂN LÝ”, “KHỔ ĐAU” VÀ “HẠNH PHÚC”
Theo giáo lý về Nghiệp (Kamma) của Phật giáo con người ngũ uẩn sau khi xuất hiện ở đời là kết quả của nghiệp củ, những gì con người làm (thân, miệng, ý) từ khi có ý thức về sau là nghiệp mới. Nghiệp củ đã mở sáu căn (tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, miệng, ý) và thế giới của màu sắc –  hình thể, âm thanh, hương, vị, xúc và pháp trần. Thực tại không phải chừng ấy giới hạn, vừa hạn hẹp vừa ảo hóa. Nó là thực tại của sự dập tắt Nghiệp, dập tắt các ngã tướng ngã tưởng. Dập tắt hết các ngã tướng là dập tắt hết tham tâm, tham tâm và si tâm dấy sinh từ các ngã tướng ấy. Đấy là sự dập tắt hoàn toàn đau khổ, hay sự xuất hiện của chân hạnh phúc. Tại đây, sự thật, khổ diệt, an lạc, giải thoát, khởi sinh một lượt là con đường sống mà giáo lý Phật giáo giới thiệu.
Nhân loại, từ nghìn xưa cũng chỉ tập trung nỗ lực liên tục tìm kiếm sự thật và hạnh phúc. Nỗ lực tìm kiếm liên tục ấy đã làm nên văn hóa, văn minh, nền văn hóa văn minh mà đang đưa con người vào các lo âu, căng thẳng, khủng hoảng của các ngã tưởng, ngã niệm. Đây là điểm nhìn sai khác với Phật giáo. Nếu chuyển đổi cách nhìn hữu ngã này sang cách nhìn Duyên sinh, vô ngã của Phật giáo thì nhân loại sẽ dần dần đi ra khỏi mọi cuộc xung đột, khủng hoảng. Điều này nói với chúng ta rằng, Phật giáo xuất hiện như là sự xuất hiện của một sự kiện văn hóa, Xã hội lớn lao vậy.

Trên đây chỉ là phác thảo một số nét tiêu biểu. Nếu bạn đi sâu vào kinh tạng Phật giáo, bạn sẽ tiếp tục khám phá ra nhiều mối liên hệ và đóng góp lý thú của Phật giáo  vào xã hội con người.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.