TỨ ÂN (Bậc Trung Thiện)

TỨ ÂN

 
I. Định nghĩa

  Tứ ân là 4 ân cò gọi là Tứ trọng ân: bốn ân nặng gồm có: ơn Cha mẹ, ơn Thầy bạn, ơn Quốc gia xã hội, ơn Tam Bảo.

II. Phân tích
1.ƠN CHA MẸ
+ Công ơn: Ông bà, cha mẹ đã sanh thành, dưỡng dục, cho ăn học bằng tất cả tấm lòng mong ước con cháu được nên người; lớn lên lại lo tìm việc làm, dựng vợ, gã chồng cho con… Kinh Thi dùng chín chữ cù lao để chỉ cho công sinh thành của cha mẹ: sanh, cúc, phủ, dục, súc, trưởng, cố, phục, chúc nghĩa là sanh nở, nâng đỡ, vỗ về, dạy dỗ, cho bú, nuôi lớn, trông nom, nuông chìu, che chở.
+ Báo đáp: Lúc còn nhỏ phải vâng lời, học hành chăm  ngoan; lớn lên phụng dưỡng ông bà cha mẹ bằng cả tấm lòng hiếu thuận của mình, thờ cúng tươm tất khi ông bà cha mẹ qua đời.
Ca dao có câu: 
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Kinh Nhẫn Nhục đã dạy: “cùng tột điều thiện không có gì bằng hiếu, cùng tột điều ác không có gì bằng bất hiếu”. Phật đã dạy: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”.
Ngoài ra chúng ta cần hướng dẫn tinh thần cho cha mẹ:

  • Tín tâm Tam Bảo.
  • Nếu cha mẹ xan tham thì khuyên cha mẹ bố thí.
  • Nếu cha mẹ làm điều ác thì khuyên cha mẹ hướng về điều thiện …

2. ƠN THẦY, BẠN
+ Công ơn: Thầy, bạn đã giúp gì cho chúng ta nên người? Thầy dạy chữ, rèn luyện nhân cách, bạn hiền giúp ta xa lánh thói hư tật xấu… Phải tâm niệm: “không thầy đố mầy làm nên”, “nhứt tự vi sư, bán tự vi sư”.
+ Báo đáp:                                                            
– Chăm chỉ siêng năng học tập.
– Trung thực trong thi cử.
– Lễ độ với thầy cô.
– Cung kinh khi gặp thầy giáo cũ.
– Sống chung thủy với bạn bè (đừng giàu đổi bạn, sang đổi vợ)        
3. ƠN QUỐC GIA, XÃ HỘI
+ Công ơn: Chúng ta tự hào có lịch sử 4000 năm văn hiến, là con LẠC, cháu HỒNG, ta càng biết ơn các bậc tiền bối hữu công với đất nước, nhờ người chiến sĩ trấn giữ biên cương, nhờ bộ máy lãnh đạo điều hành đất nước mà người dân mới an tâm làm ăn, kinh tế phát triển. chúng ta có cơm ăn, áo mặc là do người nông dân, người thợ dệt… như vậy cuộc sống ngày nay là mối quan hệ hổ tương, nương nhau mà tồn tại.
+ Báo đáp: (nhật thực tam xan mỗi niệm nông phu chi khổ, thân phi nhứt lũ thường tư chức nữ chi lao: ngày ăn 3 bữa nhớ đên người nông dân lao khổ, mặc chiếc áo trên thân nên suy nghĩ đến sự cực nhọc của người thợ dệt)

  • Tuân thủ luật pháp hiện hành.
  • Làm tròn nghĩa vụ người công dân.
  • Phát huy bản sắc văn hóa Dân tộc.
  • Thực hiện tốt câu ca dao “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
  • Giúp đỡ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

4. ƠN TAM BẢO
+ Công ơn: Ơn Tam Bảo là ơn chư Phật, giáo pháp và chư tăng
– Đức Phật là bậc y vương đem pháp dược chữa lành tâm bệnh cho chúng sanh. Ngài là ruộng phước tối thắng trong thế gian và xuất thế gian cho nên chúng sanh chịu trọng ân của Ngài.
– Pháp bảo là giáo pháp để cho chúng sanh làm phương pháp tu tập đoạn trừ vô minh phiền não. Nương theo kinh – luật – luận hành trì giới – định – tuệ sẽ viễn ly sanh tử.
– Tăng Bảo là đoàn thể của những vị xuất gia gồm có Bồ Tát tăng, Thanh văn tăng, phàm phu tăng. Nhờ có chư tăng mà chúng sanh biết được Phật pháp để tu hành.
+ Báo đáp: Để báo đáp ơn Tam Bảo ta phải học đúng, hiểu đúng và hành trì đúng những lời dạy của chư Phật, chư Tổ, truyền bá chánh Pháp hoặc ấn tống kinh sách, dìu dắt kẻ hậu học; cúng dường Tam Bảo để chư Tăng, Ni có điều kiện học tập và hành đạo.
Là Phật tử chúng ta phải biết ơn Phật PhápTăng và luôn luôn hộ trì Tam Bảo
 
CÂU HỎI ÔN TẬP 
1. Tứ trọng ân bao gồm những ân nào?
2. Một thí sinh vào phòng thi đại học anh ta mở tài liệu bị giám thị làm biên bản. anh ta đã vi phạm điều nào trong tứ ân (anh ta là Phật tử).
3. Em hãy giải thích câu “tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”
4. Hãy nêu một ví dụ em đã hộ trì Tam Bảo.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.