An TOÀN VỀ ĐIỆN (Bậc Trung Thiện)
AN TOÀN VỀ ĐIỆN
1. Tại sao phải an toàn về điện?
Hiện nay nhu cầu sử dụng điện là rất phổ biến và rất cần thiết cho mọi sinh hoạt, học tập, sản xuất, thông tin liên lạc, giải trí,… đặc biệt trong thời đại công nghệ phát triển.
Do đó, sự không an toàn về điện có thể sẽ dẫn đến chết người, một trong những nguyên nhân gây ra cháy nổ chết rất nhiều người, thiệt hại nhiều tài sản, ảnh hưởng lớn trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và ảnh hưởng đến môi trường trên diện rộng.
Sự cố rủi ro, nguy hiểm có thể xảy ra trong nháy mắt nếu chúng ta không hết sức thận trọng.
2. Yêu cầu chung về an toàn sử dụng thiết bị điện.
– Ngắt điện mọi thiết bị sau khi ngừng sử dụng, không sử dụng quá tải.
– Không để dây điện (lồi ra) trên lối đi.
– Các thiết bị được tiếp đất đúng quy cách.
– Các tủ điện phải được đóng kín, tuyệt đối không để bất cứ vật lạ nào bên trong và sau tủ.
3. Các yêu cầu phải tuân thủ khi thao tác sử dụng thiết bị điện:
– Khi khởi động động cơ hoặc làm việc với các thiết bị điện cầm tay phải đứng nơi khô ráo.
– Không được dùng vòi nước xịt rửa các vật mang điện như động cơ, nút bấm, tủ điện, hộp điện nút bấm, hệ thống tự động.
– Chỉ được thao tác cắt CB tổng, CB nhánh của tủ điện hoặc nhấn nút dừng khẩn cấp trên tủ (nếu có) khi xảy ra các tai nạn về điện hoặc cháy nổ.
– Không được tự ý đóng điện các khí cụ điện có treo biển báo như: “Đang bảo tri”, “đang sửa chữa”, “Cấm đóng điện” v.v…
– Sử dụng các thiết bị điện khi xác định được đảm bảo an toàn điện:
+ Các mạch điện phải được kết nối an toàn,
+ Dùng bút thử điện để kiểm tra độ an toàn của mạch điện khi có nghi vấn, sự cố…
+ Thiết bị điện phải đảm bảo quy cách, không bị hở mạch, sự cố kỹ thuật.
+ Người sử dụng tay phải khô ráo, đứng cách mặt đất ở những nơi ẩm ướt, sàn, nền …
– Phải báo đơn vị sửa chữa điện các hiện tượng rò rỉ điện, dây tiếp đất bị hỏng.
– Khi phát hiện những hiện tượng như mùi khét, cháy v.v.. phải cắt nguồn thiết bị đó và báo ngay cho đơn vị sửa chữa điện để xử lý.
– Mọi thiết bị, dây dẫn, phích cắm hoặc dây nối thêm nếu có phát hiện hư hỏng phải lập tức được thay thế, bảo trì.
Ghi nhớ:
An toàn là yếu tố đầu tiên khi sử dụng nguồn điện. Sự sơ ý trong khâu đảm bảo an toàn về sử dụng điện của mình có thể dẫn đến nguy hại cho nhiều người.
4. Một số biện pháp cần thiết cho an toàn điện và tổ chức vận hành an toàn:
– Để tránh tiếp xúc với những vật dẫn điện hay phần mạng điện để trần, phần cách điện dễ tiếp xúc, cần phải được rào kỹ, che chắn cẩn thận tránh tiếp xúc.
– Chọn điện áp cho phép và trang bị của các thiết bị điện và chiếu sáng phải được tùy chọn theo loại nhà và tính chất nguy hiểm của điều kiện làm việc.
– Trang bị các phương tiện, dụng cụ bảo vệ cần thiết như: găng tay cao su, giầy, ủng cách điện, kính mắt, mặt nạ, sào cách điện, kìm cách điện, thiết bị thử điện, biển báo hiệu….
– Để tổ chức vận hành an toàn cần thường xuyên kiểm tra, sửa chữa thiết bị, tìm hiểu về chuyên môn.
Thực hành:
– Biết sơ đồ về mạch điện, hệ thống điện đơn giản.
– Biết các nguyên tắc và cách nối mạch đơn giản các nguồn điện sinh hoạt:
+ Xác định đường dây nóng (cực dương “+” )
+ Cực dương phải đi qua cầu dao, công tắc …
+ Kiểm tra hệ thống an toàn bằng bút thử điện …
+ Việc kiểm tra an toàn về các thiết bị điện phải được thực hiện thường xuyên.
+ Khi cần sửa chữa tạm thời thì phải ngắt hệ thống cầu dao, công tắc … (cắt hoạt động đường dây nóng). Xác lập điều kiện an toàn tốt nhất khi thực hiện cách ly hệ thống. Ví dụ thiết bị kiểm soát cách ly được khoá cơ học ở vị trí “OFF”. Nơi nào sự cách ly không thực hiện được thì phải bảo đảm cầu chì được tháo bỏ ra và kiểm soát bởi người thực hiện công việc.
+ Không gian làm việc phù hợp là lối đi và ánh sáng phải thông thoáng thích hợp ở các nơi có thiết bị điện gần bên mà quá trình thực hiện công việc có thể gặp nguy hiểm.
+ Các thiết bị điện phải được đặt ở vị trí thích hợp (thoáng mát, cao ráo, an toàn, tránh xa tầm tay trẻ em,…) phải phù hợp với ý nghĩa chúng có thể được cách ly khỏi nguồn điện khi cần thiết.
Câu hỏi củng cố:
1) Cần thiết của điện trong việc sản xuất, sinh hoạt,…?
2) Nêu những tác hại khi không an toàn về điện?
3) Một số biện pháp thông thường để thực hiện an toàn về điện?
ĐỌC THÊM
CẤP CỨU NGƯỜI BỊ ĐIỆN GIẬT
Sơ cứu tai nạn điện giật gồm 2 động tác chính tùy theo hai tình huống sau:
1/ Nếu người bị nạn còn tiếp xúc với dòng điện, người cứu phải nhanh chóng cách ly người bị nạn ra khỏi dòng điện bằng cách ngắt dòng điện hoặc gạt dây điện ra khỏi người bị nạn.
Chú ý: Không để nạn nhân bị điện giật thêm vì động tác cứu chữa không khéo léo và không để bản thân mình cũng bị điện giật theo. Không được dùng hai tay để trần sờ trực tiếp vào người bị nạn. Khi dùng vật để gạt dây dẫn điện phải dùng các chất không dẫn điện như sào nứa, gậy tre, gỗ khô…
2/ Khi chắc nạn nhân không còn tiếp xúc với dòng điện nữa thì khẩn trương hồi sinh cho người bị nạn bằng xoa bóp tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt. Trước khi làm hô hấp phải chuẩn bị các việc sau:
– Mở cửa sổ hay chuyển nạn nhân đến chỗ thông thoáng, nới lỏng áo quần để khỏi cản trở hô hấp.
– Nạy miệng nạn nhân lấy các vật trong miệng ra, kéo lưỡi vì lưỡi thường bị tụt sâu bên trong sau khi bị điện giật.
– Đặt nạn nhân nằm ngửa trên giường hay trên mặt đất bằng phẳng, người cấp cứu quỳ gần đầu nạn nhân về phía bên trái hoặc bên phải.
– Dùng ngón tay cái cho vào mồm nạn nhân kéo mạnh hàm dưới ra phía trước và lên trên để tránh không cho lưỡi bịt vào khí quản, dùng ngón cái và ngón trỏ khác bịt mũi nạn nhân để khỏi mất hơi trong khi thổi.