CÁC NGÔI CHÙA LỊCH SỬ (Bậc Chánh Thiện)

CÁC NGÔI CHÙA LỊCH SỬ

    

I. CHÙA QUÁN SỨ

1. Địa điểm, ý nghĩa, tên chùa và lịch sử:
Chùa Quán Sứ tọa lạc ở thôn Yên Tập, phường Cổ Vũ, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên thuộc kinh thành Thăng Long xưa, nay ở số 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, hiện là trụ sở của Trung ương GHPGVN và Phân viện Nghiên cứu Phật học thuộc Giáo hội và Văn phòng tổ chức Phật giáo Châu Á vì hòa bình (ở Việt Nam) cũng đặt ở đây.
Vào khoảng đời vua Trần Dụ Tông (1341-1369), ở khu vực chùa hiện nay, triều đình có lập một khu nhà gọi là Quán Sứ để đón sứ thần nước ngoài.
Đến đời nhà Hậu Lê triều đình dựng thêm một ngôi chùa cho các sứ giả lễ Phật. Do đó chùa có tên là Quán Sứ.
Trong thời gian Pháp đô hộ nước ta, không được bảo quản nên chùa bị hư hại.

Trong phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ 20, Hội Phật giáo Bắc kỳ thành lập 1930 tại Chùa Quán Sứ. Chùa lại được xây dựng lại 1936-1937, hoàn thành 1942. Chùa đã được dùng đào tạo Tăng tài và đặt Văn phòng báo Đuốc Tuệ cuối năm 1935.
Ngày 13/5/1951: Thượng tọa Tố Liên, Trưởng đoàn Phật giáo Việt Nam mang lá cờ Phật giáo thế giới (Đạo kỳ hiện nay) từ Colombo về treo tại Chùa Quán Sứ.
  Năm 1981, Đại hội thành lập GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM  tại chùa Quán Sứ trụ sở của Trung ương Giáo hội hiện nay.
2. Kiến trúc chùa:
Kiến trúc chùa Quán Sứ theo kiểu chùa xưa ở Miền Bắc bao gồm: Tam quan của chùa có ba tầng mái, nằm giữa là lầu chuông. Qua tam quan là một sân rộng lát gạch, bước lên 11 bậc thềm là tới chánh điện cao, hình vuông, xung quanh có hành lang. Điện Phật được bài trí trang nghiêm, các pho tượng đều khá lớn và thếp vàng lộng lẫy. Chánh điện thờ Phật, gian bên phải chánh điện thờ Lý Quốc Sư (tức Thiền sư Minh Không).
Hai bên và đằng sau sân là các dãy nhà dùng làm thư viện, giảng đường, nhà khách và tăng phòng.
Chùa Quán Sứ có lẽ là một trong rất ít ngôi chùa ở Việt Nam mà tên chùa cũng như nhiều câu đối được viết bằng chữ Quốc ngữ.
3. Kết Luận: Chùa Quán Sứ là một di tích lịch sử văn hóa lâu đời của Phật giáo cả nước, nơi đặt Văn phòng lãnh đạo cao nhất của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam từ 1981đến nay.

II. CHÙA LINH MỤ

1.Vị trí:

Chùa Linh Mụ được dựng trên  một khoảnh đất bằng phẳng, diện tích chừng 6 mẫu, nằm trên đồi Hà Khê, sát bờ tả ngạn Sông Hương, thuộc xã Hưng Long cách trung tâm thành phố Huế chừng 5km về phía tây.

2. Lịch sử:

Theo tương truyền, sau thời gian vào trấn thủ đất Thuận Hóa, năm 1601, chúa Nguyễn Hoàng đến đây nghe dân truyền rằng có một bà tiên báo cho dân chúng biết có một vị chân chúa đến đây lập chùa thờ Phật để cầu phúc cho dân nên dân chúng gọi núi nầy là Thiên Mụ Sơn (núi Bà Trời), Nguyễn Hoàng vui mừng cho dựng chùa đặt tên là Thiên Mụ Tự. Còn chùa Linh Mụ là tên đổi lại vào thời vua Tự Đức do sự kiêng kỵ. Chùa được trùng tu nhiều lần bởi các chúa Nguyễn Phúc Tần, chúa Nguyễn Phúc Chu, vua Gia Long, vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị,… Năm 1904, chùa bị xuống cấp trầm trọng, năm 1907 vua Thành Thái đã cho trùng tu lại có phần trang nghiêm cổ kính nhưng không còn to lớn như trước.

3. Kiến trúc:

Khuôn viên chùa được bao quanh bằng tường xây đá 2 vòng trong và ngoài, chia làm 2 khu:
– Khu trước nghi môn: bến thuyền đúc bê tông có 24 bậc tam cấp lên xuống bờ sông.
– Sát đường cái là cổng tam quan gồm 4 trụ biểu và 14 bậc tam cấp lên đến sân ngoài của chùa.
– Kiến trúc chùa theo hình chữ nhất, “một trục kéo thẳng từ trước ra sau theo thứ tự: Hương nguyện đình, Phước Duyên bảo tháp, cửa chính Tam quan, sân chùa rất rộng, Tiền đường với Đại Hùng Bảo Điện, điện Di Lặc, điện Quan Âm và sau cùng là vườn Tỳ Gia”. “Sân ngoài, sân trong của chùa đều được phân bố vị trí kiến trúc hai bên rất đăng đối: Bi đình, chung lâu; hai nhà Lôi gia; hai dãy nhà Thập điện Minh vương”.(Theo Lịch sử Phật giáo xứ Huế)
Phía sau chùa là Tháp của Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, nguyên Phó Pháp Chủ kiêm Giám Luật Hội Đồng Chứng Minh GHPGVN, Ngài viên tịch ngày 23/4/1992.
Chùa Linh Mụ là ngôi chùa cổ nhất, đẹp nhất và kiến trúc đồ sộ nhất xứ Huế, là công trình xây dựng văn hóa đầu tiên của các chúa Nguyễn trong quá trình khai phá dựng nghiệp ở Đàng Trong.
Tiếng chuông Linh Mụ đã đi vào thơ văn và tiềm thức của người dân đất Thần Kinh:
 “Gió đưa cành trúc la dà,
Tiếng chuông Thiên Mụ,
Canh gà Thọ Xương”
4. Kết luận: Ngày nay, chùa Thiên Mụ là thắng cảnh nổi tiếng được Nhà nước xếp hạng là di tích Lịch sử và Văn hóa.

III. CHÙA ẤN QUANG

1. Địa điểm, thời gian và người sáng lập chùa.

 Chùa Ấn Quang tọa lạc tại số 243, đường Sư Vạn Hạnh, Phường 9, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. Đầu tiên chùa có tên là Ứng Quang, do Hòa thượng Thích Trí Hữu quê ở Điện Bàn, Quảng Nam sáng lập.

2. Lịch sử tiến triển của chùa.
Chùa Ứng Quang là nơi giảng kinh cho các Tăng sinh trẻ, sau đó 3 Phật học đường Ứng Quang, Liên Hải, Sùng Đức hợp nhất thành Phật Học Đường Nam Việt đặt tại chùa Ứng Quang và đổi tên chùa là ẤN QUANG vào năm 1950.
Giáo Hội Tăng già Nam Việt thành lập năm 1951 đặt tại chùa Ấn Quang.
Năm 1952, Phật Học Đường Nam Việt đã trở thành một trung tâm Phật giáo lớn có uy tín nhất Miền Nam. Đường Lorgeril được đổi tên là đường Sư Vạn Hạnh. Chùa Ấn Quang bắt đầu đi vào lịch sử.
Sau khi Hòa thượng Thích Trí  Hữu trở về Quảng Nam trụ trì chùa Linh Ứng (non nước). Hòa thượng Thích Thiện Hòa đảm nhiệm Trụ trì và Giám đốc Phật Học Đường Nam Việt từ 1951 đến 1974, chùa Ấn Quang dần dần trở thành một ngôi phạm vũ trang nghiêm.
Đằng sau chùa là nhà in Ấn Quán Sen Vàng và Phật Học Tùng Thư sau đổi lại là nhà xuất bản Hương Đạo do Hòa thượng Thích Thiện Hoa (nhà Phật học lỗi lạc) làm Quản đốc, đã xuất bản nhiều kinh sách phổ biến rộng rãi (bộ sách Phật Học Phổ Thông là bộ sách quý của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam).
Năm 1964, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập, chùa Ấn Quang được chọn làm trụ sở.
3. Kết luận:
Tuy là một ngôi chùa còn trẻ tuổi nhưng chùa Ấn Quang  đã  sớm trở thành Tổ đình danh tiếng: vận động cho tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo, tranh thủ chủ quyền Dân tộc từ 1963 đến 1975.

GHI CHÚ
Trên đây là 3 ngôi chùa tiêu biểu của ba miền: Bắc, Trung, Nam. Tùy thời gian và điều kiện thích hợp Huynh trưởng cùng các em Đoàn sinh tự tìm hiểu thêm các chùa:
– Ở Miền Bắc: chùa Một Cột (Diên Hựu), chùa Trấn Quốc, chùa Bút Tháp,…
– Ở Miền Trung: chùa Thuyền Tôn, chùa Quốc Ân, chùa Từ Đàm, chùa Báo Quốc,…
– Ở Nam: chùa Xá Lợi, chùa Giác Lâm,…

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.