Về đâu GĐPT của tôi ?

1. Các tác nhân ảnh hưởng đến hoạt động một GĐPT:

a. Tác nhân bên ngoài:
– Quí Tăng ni (đặc biệt là quí tăng ni trụ trì): đây là tác nhân có nhiều quyền lực nhất ở một ngôi chùa. Nhiều GĐPT gặp nhiều khó khăn trong hoạt động vì thiếu sự hợp tác từ các tăng ni.
– Ban hộ tự & ban bảo trợ: đây là lực lượng hỗ trợ đắc lực cho GĐPT, nếu GĐPT không tranh thủ được sự giúp đỡ của lực lượng này sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tài chính, địa điểm sinh hoạt…
– Xã hội: ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động GĐPT.
– Gia đình, thân nhân của đoàn sinh: ảnh hưởng trực tiếp đến đoàn sinh.
b.Tác nhân bên trong:
– Ban hướng dẫn: đóng vai trò định hướng, đào tạo Huynh trưởng và tổ chức các hoạt động có qui mô lớn.
– Ban huynh trưởng (đặc biệt là Gia trưởng và Liên đoàn trưởng): đóng vai trò đầu tàu, quyết định tính sống còn của một đơn vị GĐPT (xin nhấn mạnh đây là tác nhân quan trọng nhất ảnh hưởng đến tính sống còn của một đơn vị gia đình, tác nhân đoàn sinh không đóng vai trò quyết định nhất – ý kiến cá nhân).
– Đoàn sinh: đây là tác nhân cộng hưởng vào sự thành bại của gia đình. Thường chúng ta thường sai lầm khi cho rằng đoàn sinh là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị gia đình. Theo ý kiến cá nhân của tôi, việc có nhiều hay ít đoàn sinh tham gia sinh hoạt là hệ quả (không phải là nguyên nhân!) của các quyết định, sự hoạt động của ban huynh trưởng.

2. Giá trị mà GĐPT đem lại là gì?
Thường người ta mua một sản phẩm, tham gia một hoạt động, đến một ngôi chùa… đều có mục đích nào đó. Hay nói cách khác đi, việc mua một sản phẩm, tham gia một hoạt động ấy… phải đem đến cho người ta những giá trị nào đó. Vd: mua bột giặt vì bột giặt giúp giặt quần áo sạch hơn, đi xem ca nhạc vì âm nhạc giúp mình giải trí…Việc xác định đúng giá trị là việc cực kỳ quan trọng của một tổ chức. Một khi chúng ta xác định đúng giá trị chúng ta mang lại chúng ta sẽ đi đúng đường. GĐPT của mình cũng đem lại nhiều giá trị cho xã hội nên mới tồn tại cho đến hôm nay. Vậy giá trị của GĐPT là gì?
a. Giá trị cốt lõi: giá trị cốt lõi của một tổ chức hay một sản phẩm là giá trị quan trọng nhất, thường là không đổi theo thời gian (cái này hình như là hơi khác với lý thuyết quản trị học), là lý do quan trọng nhất để một tổ chức hay một sản phẩm được tồn tại và đón nhận. Vd: giá trị cốt lõi của bột giặt là để giặt đồ (mặc dù bột giặt có thể được dùng vào việc khác nhưng lý do chính để mua bột giặt là để… giặt đồ). Giá trị cốt lõi của GĐPT được thể hiện qua mục đích của tổ chức chúng ta:
– Giáo dục con người thành phật tử chân chính
– Góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội
b. Giá trị thúc đẩy: là giá trị góp phần vào sự phát triển của một sản phẩm hay một tổ chức. Ví dụ: cũng là bột giặt nhưng tôi không mua bột giặt A mà tôi mua bột giặt B vì bột giặt B đang có khuyến mãi, dùng để giặt đồ là giá trị cốt lõi, khuyến mãi là giá trị thúc đẩy. Giá trị thúc đẩy của GĐPT thì có rất nhiều, tôi chỉ xin đưa ra vài giá trị:

+ Có thêm nhiều bạn bè, anh chị
+ Có nhiều hoạt động vui chơi bổ ích
+ Học được nhiều kiến thức bổ ích: dấu đi đường, cứu thương…

 

3. Tôi phải bắt đầu từ đâu?
a. Đặt câu hỏi: tôi rất tâm đắc với phát biểu của sếp của tôi: muốn giải quyết tốt vấn đề trước tiên phải biết vấn đề ở đây là gì. Hay nói cách khác, muốn giải được một bài toán, trước tiên phải hiểu rõ đề bài. Để giải bài toán hoạt động của một tổ chức như GĐPT là một điều cực kỳ khó khăn và phức tạp. Ở đây tôi lại tán thành một phát biểu khác: với những vấn đề phức tạp phải biết đặt ra những câu hỏi đơn giản (câu hỏi đơn giản thì thường câu trả lời cũng đơn giản). Một khi một GĐPT rơi vào tình trạng trì trệ, hoặc thậm chí đứng bên bờ vực… giải tán, thì người đứng đầu thường rất lo lắng và bối rối. Theo ý kiến cá nhân của tôi, đây là lúc chúng ta cần ngồi lại để đặt ra những câu hỏi dựa trên các tác nhân và giá trị (phải bắt đầu từ các tác nhân) mà tôi đã đề cập ở trên:
– GĐPT của tôi có được sự ủng hộ của quí tăng ni hay không?
– Ban hộ tự và ban bảo trợ có giúp tổ chức của tôi hay không?
– Việc liên hệ với Ban hướng dẫn như thế nào? Chúng ta có gửi đoàn sinh đi dự các lớp tu học, huấn luyện không?
– Ban huynh trưởng còn ai, mất ai? Có hoạt động tích cực không?
– Các bạn đoàn sinh có hài lòng hay bất mãn điều gì?

Trong các câu hỏi ở trên, cần đặc biệt chú ý đến các câu hỏi về ban huynh trưởng (như đã phân tích ở trên, ban huynh trưởng đóng vai trò cực kỳ quan trọng!). Nếu các vấn đề về tác nhân (Huynh trưởng, đoàn sinh, tăng ni…) đều có vẻ ổn thì vấn đề chắc chắn nằm ở phần giá trị (lại hỏi tiếp):
– Trong năm vừa qua, mình tổ chức tu học như thế nào? (giá trị cốt lõi)
– Tổ chức mình gần đây có hoạt động gì hấp dẫn không? (giá trị thúc đẩy)
b. Giải quyết vấn đề: thực ra thì làm tốt việc đặt ra câu hỏi ở trên có nghĩa là chúng ta đã giải quyết được 50% vấn đề rồi. Vấn đề còn lại là chúng ta có một chương trình hành động để giải quyết từng vấn đề nhỏ. Vd: chúng ta chưa được sự ủng hộ của quí tăng ni, chúng ta phải từng bước giải thích mục đích của GĐPT, tổ chức các hoạt động “lấy lòng” như tặng quà, dâng hoa, đảm nhận một công việc trong các hoạt động ở chùa…Đây cũng là lúc ban huynh trưởng thể hiện được vai trò của mình.
c. Vài điều quan trọng (theo ý kiến cá nhân):
– Ban huynh trưởng luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng (ông Gia trưởng có tài năng đến đâu nhưng thiếu cộng sự đắc lực thì cũng… thất bại). Nếu là một đoàn trưởng/ đoàn phó thì nên xem xét các thành viên quan trọng trong đoàn (key members).
– Cần linh hoạt bài toán giá trị: đôi lúc cần đẩy mạnh giá trị cốt lõi (tu học) nhưng đôi lúc phải đẩy mạnh giá trị thúc đẩy. Tất nhiên, giá trị cốt lõi là quan trọng nhất.
– Đặt câu hỏi nhưng đừng đặt quá nhiều câu hỏi. Chỉ cần xác định vấn đề chính đang gặp.
– Không làm gì cả cũng là một quyết định quan trọng.

 

 

Thưa quí ACE, trở lại câu chuyện của người chú họ của tôi, ông đã không giải quyết được vấn đề và phải giao lại chức vụ Gia trưởng cho người khác. GĐPT ở chỗ tôi hiện nay vẫn hoạt động đều đặn từ khi có vị Gia trưởng mới. Tôi chưa được làm Gia trưởng hay Liên đoàn trưởng nên những điều tôi viết ở trên chỉ mang tính lý thuyết và tham khảo. Chỉ có thực tiễn mới kiểm nghiệm được chân lý. Hy vọng mọi người sẽ đóng góp thêm ý kiến.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.