THỰC TẬP CHÁNH NIỆM (Bậc Hướng Thiện)

THỰC TẬP CHÁNH NIỆM

I. Chánh niệm là gì ? 
Niệm là nhớ; chánh là thẳng, tốt, ngay.
 – Chánh niệm tức là đặt những điều ngay, thẳng và điều tốt đẹp vào trong tâm nhớ nghĩ của mình (trái với tà niệm).
– Chánh niệm đem chúng ta về với sự sống an lạc, tự tại.
– Đối với người Phật tử, chánh niệm là nhớ nghĩ về tướng tốt, lời dạy của chư Phật, Bồ tát, Thánh tăng và nguyện noi theo.

II. Lợi ích của chánh niệm:
– Làm cho ta có mặt trong sự sống hiện tại.
– Xác nhận sự có mặt của đối tượng, của người, vật ở ngoài ta.
– Nuôi dưỡng chính những đối tượng của chánh niêm.
– Có năng lượng làm vơi nỗi khổ của người.
– Công năng thứ năm của chánh niệm là nhìn sâu (quán) (Phần nầy sẽ học kỹ ở các bậc trên).
– Người phật tử thực tập chánh niệm sẽ huân tập tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả và luôn tinh tấn trong việc tu tập tự độ và độ tha.

III. Thực tập chánh niệm:
Có thể nói chánh niệm là trái tim của sự thực tập. Có nhiều cách thực tập chánh niệm, trong phạm vi bài này chúng ta thực tập: thiền hành và thiền tọa.
1. Thiền hành:  Bước đi khoan thai, thanh thản trong chánh niệm (tâm ung dung tự tại, nhớ nghĩ các hạnh tốt,…của Phật; chấp tay trước ngực, im lặng hoàn toàn).
2. Thiền tọa: Thiền tọa gồm 3 giai đoạn: nhập, trụ, xuất (tổng cộng từ 10 phút đến 15 phút).
(Có thể tiếp nối thiền hành hoặc thực hiện riêng).
a). Nhập:
– Ngồi tư thế bán già hoặc kiết già.
– Hai bàn tay chồng lên nhau, các đầu ngón tay vừa chạm nhau.
– Lưng thẳng vừa phải, đầu hơi cúi.
– Mắt mở 1/3, gương mặt bình thản, ngồi yên.
– Dùng mũi hít vào đều, đều nhè nhẹ, hành giả nghĩ rằng không khí trong sạch lan tỏa khắp châu thân, rồi há miệng thở ra hết, cho rằng phiền não, bệnh hoạn, cấu uế đều theo hơi thở ra ngoài.
– Thở như thế 3 lần, từ thô đến tế, từ mạnh rồi nhẹ dần.
– Ngậm miệng môi và răng khít nhau, lưỡi để lên trên.
– Từ đây về sau chỉ hít thở bằng mũi đều đều nhè nhẹ.
b). Sổ tức quán: Sổ là đếm, tức là hơi thở. Sổ tức quán là quán sát hơi thở ra vô, đếm từ 1đến 10.
– Hít vào đếm 1, thở ra đếm 2…lần lượt đến 10, rồi trở lại bắt đầu từ 1.
– Cứ đếm suốt thời gian tọa thiền. Khi đã thuần thục, ta sẽ qua giai đoạn tùy tức (theo dõi hơi thở).
c). Xả thiền: Trước khi xả, đọc bài nguyện: “hồi hướng”.
– Dùng mũi hít vào, miệng thở ra 3 hơi.
– Động 2 bả vai, lên xuống mỗi bên 5 lần.
– Động cái đầu cúi xuống, ngước lên 5 lần.
– Xoay đầu sang phải, trái, mỗi bên 5 lần.
– Xoa mặt, 2 lỗ tai, đầu, gáy, cổ 20 lần.
– Xoa bàn tay nóng áp lên mắt 5 lần.
– Duỗi 2 chân, các ngón tay vừa chạm các ngón chân 5 lần
– Ngồi yên vài phút rồi đứng dậy lạy Phật (nếu ngồi trước chánh điện).
Chú ý: Trong đời sống hàng ngày chúng ta nên thực hành đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc … trong chánh niệm.
 
 CÂU HỎI ÔN TẬP:
1. Chánh niệm là gì?
2. Thế nào là thiền hành? Kinh hành khác với thiền hành như thế nào?
3. Nêu tóm tắt các bước của thiền tọa.
4. Quán sổ tức là gì?

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.