TỦ SÁCH ĐƠN VỊ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
TỦ SÁCH GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
Sách báo, tài liệu là phương tiện hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần tư tưởng, văn hoá của loài người nhất là về phương diện phổ biến truyền thừa phát triển các trào lưu tư tưởng, văn hoá, các phát minh, thành tựu, tiến bộ của các nền văn minh nhân loại về tất cả các lãnh vực đời sống.
Đặc biệt, trong lãnh vực giáo dục, sách báo lại càng có tầm thiết yếu hơn.
I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA SÁCH BÁO TÀI LIỆU TRONG GĐPT:
GĐPT là một tổ chức giáo dục, lẽ đương nhiên phải sử dụng nhiều kinh sách tài liệu từ kinh điển cho đến sách báo về giáo lý, sách báo về các ngành hoạt động của giáo hội và xã hội, nhất là các tài liệu chuyên biệt về GĐPT.
Không cần dài dòng nhưng ai cũng hiểu rằng kinh điển, sách báo, tài liệu là cơ sở căn bản vững chắc, là chổ dựa rất cần thiết, là khí cụ tối cần để Huynh trưởng, đoàn sinh căn cứ mà tu học, tìm tòi nghiên cứu học hỏi giáo lý, kiến thức phổ thông, kiến thức chuyên môn, hiểu biết về tổ chức điều khiển sinh hoạt GĐPT.
Một người muốn học tập nói chung, Huynh trưởng đoàn sinh muốn tổ chức điều khiển, tu học mà không có sách vở tài liệu nói riêng thì chẳng khác gì người đi trong đêm đen mà không đèn dẫn lối soi đường.
II. ĐẶT VẤN ĐỀ GĐPT VỚI VIỆC SƯU TẬP BẢO QUẢN KINH SÁCH TÀI LIỆU:
Từ khái niệm về tầm quan trọng của kinh sách tài liệu đối với GĐPT nói trên, chúng ta khẳng đinh: “GĐPT phải quý trọng kinh sách tài liệu tu học và tất nhiên phải sưu tầm, kết tập bảo quản cẩn thận càng nhiều càng tốt kinh điển, sách báo, tài liệu tu học bằng việc làm cụ thể, quan trọng là xây dựng TỦ SÁCH GIA ĐÌNH PHẬT TỬ”.
Ở đây, chưa cần thiết nêu lên các vấn đề có tính cách quy mô về tổ chức điều hành quản thủ “thư viện”, vì như vậy là thiếu thực tế bởi nhìn vào hiện trạng của hầu hết các đơn vị GĐPT, trước hết cần đặt lại với Huynh trưởng chúng ta vấn đề rất cần thiết ấy:
– Một là Huynh trưởng chúng ta phải có ý thức thật đúng mức và thật sâu sắc về thái độ quý trọng, sưu tầm giữ gìn kinh sách tài liệu.
– Hai là trên cơ sở nhận thức ấy, mỗi đơn vị GĐPT rất cần thiết phải từng bước xây dựng cho kỳ được một tủ sách của đơn vị.
Tất cả Huynh trưởng chúng ta đều phải nhớ rằng: Là Huynh trưởng thì luôn phải băn khoăn lo lắng làm sao để có vốn liếng căn bản về tài năng, đạo đức là hai yếu tố căn cốt cho nghề Huynh trưởng. Kiến thức giáo lý, kiến thức phổ thông, kiến thức chuyên môn về giáo dục, lãnh đạo tổ chức, điều khiển … bao nhiêu thứ cần thiết ấy không thể bổng nhiên có, không do ai ban tặng, không do mua mượn bằng tiền bạc, hay muốn là kiếm ra ngay như các vật dụng khác, mà chỉ có thể hình thành và phát triển bằng con đường học tập. Học tập trực tiếp ở các bậc thầy, các đàn anh, học ở nhà trường, ở xã hội, học ở các trại huấn luyện. Nhưng tất cả đó cũng chưa đủ. Chúng ta cần thiết phải học tập rất nhiều trong kinh điển, sách báo tài liệu.
Có thể nói không sai rằng kinh sách tài liệu là vị thầy khả kính thứ hai, bậc đàn anh thân thiết tài năng, mà chân tình. Người bạn không phải bằng xương thịt nhưng đáng tin cậy mà không ồn ào, người trợ thủ đắc lực mà âm thầm, là kho báu vô tận của người Huynh trưởng,
Không ái dám nói rằng mình có thể học tập, tự đào luyện năng lực ngày mỗi tiến bộ, đức hạnh ngày mỗi thanh cao, có thể hoàn thành nhiệm vụ giáo dục mà trong tay không cần có một quyển sách, một tập tài liệu.
Vả lại, kinh sách, tài liệu là kết tinh giáo lý, tinh thần tư tưởng, là sản phẩm của sự lao động miệt mài bằng tài năng trí tuệ, công sức mồ hôi có khi là cả mạng sống của tiền nhân trải qua bao thế hệ, của các bậc thầy tổ, các đàn anh qua nhiều thời kỳ đã dày công xây dựng, phát huy thăng tiến tổ chức cũng như phổ biến lưu truyền văn hoá, kinh nghiệm, học thuật tư tưởng của nhân loại. Cho nên người Huynh trưởng phải biết trân trọng, bảo tồn cái di sản vô giá được tàng trữ trong khó báu kỳ diệu là kinh sách tài liệu. Đó là biểu hiện của lòng biết ơn của chúng ta đối với biết bao bậc tiền bối đã hao tốn biết bao tâm sức cung cấp cho ta những chất liệu trân quý để phát huy trí tuệ, bồi dưỡng tinh thần, rèn luyện tài đức giữa cuộc đời muôn mặt, khai lối dẫn đường cho ta tiến bước hướng đến chân trời sáng láng của chân thiện mỹ.
Vì vậy, đã là Huynh trưởng GĐPT thì bằng mọi cách chúng ta phải sưu tầm kết tập cho được, trước tiên là cho bản thân mỗi người, không phải chỉ kinh sách về Phật pháp, về chuyên môn GĐPT mà cả sách báo xã hội giúp ta mở rộng kiến thức liên quan có ích cho chúng ta trong việc cầu học và làm nhiệm vụ giáo dục các em.
Anh chị em hãy nhịn bớt ăn tiêu, tiết kiệm mà khát khao tìm mua kinh sách tài liệu, Con kiến tha lâu cũng đầy tỏ. Lúc này ta mua một cuốn, khi khác một tập, kinh sách mới thì bao bọc giữ gìn, tài liệu cũ hư rách thì tu bổ sửa sang. Rồi có lúc chúng ta sẽ có được một kho báu mà bạc vàng không thể sánh. Rồi mỗi khi đứng trước GIÁ SÁCH”, tuy hình thức có đơn sơ không giàu sang chi cả, nhưng chứa đựng “biết bao tâm hồn và trí tuệ xán lán”. Chúng ta sẽ thấy dậy lên một niềm vui thích, niềm tự hào không tên gọi, xứng đáng của cuộc đời Huynh trưởng GĐPT.
Nếu có anh chị em nào chưa có được suy nghĩ ấy, chưa có được niềm ước mơ đơn giản đó, thậm chí trong tay không có lấy một quyển kinh, một cuốn sách báo một tập tài liệu tức không có biểu hiện lòng trân trọng, biết ơn và ý chí cầu học thì dù có biện minh bằng bất cứ lý do gì vẫn là điều đáng buồn và thật mỉa mai khi nói rằng nhiệm vụ của chúng ta là giáo dục các em. Ngược lại, khi mỗi Huynh trưởng đã ý thức và làm được điều mong muốn ấy cho bản thân rồi, thì đối với đơn vị, việc xây dựng một tủ sách GĐPT tuy có những khó khăn nhất định nhưng chắc chắn là điều có thể thực hiện.
III. ÍCH LỢI CỦA TỦ SÁCH GĐPT:
Tủ sách của đơn vị sẽ đem lại cho chúng ta rất nhiều điều lợi ích thiết thực.
– Là tài sản quý báu nhất trong các tài sản của GĐPT, càng lâu năm càng tăng giá trị
– Kết tập, lưu trữ được nhiều kinh sách tài liệu cho Huynh trưởng đoàn sinh có phương tiện tìm học, Huynh trưởng dễ dàng sưu tầm nghiên cứu trong việc soạn bài giảng dạy.
– Bảo quản được kinh sách tài liệu giảm bớt sự hư rách mất mát và càng ngày thêm dồi dào phong phú.
– Thể hiện tinh thần quý trọng Tam bảo, di sản tinh thần quý báu của tiền nhân.
– Kích thích tinh thần hiếu học của Huynh trưởng, đoàn sinh
– Là một trong những hình thức nêu cao giá trị GĐPT
– Một GĐPT có một tủ sách dồi dào là một niềm tự hào lớn đáng để cho các đơn vị bạn học tập.
IV. LẬP TỦ SÁCH:
1. Các loại sách cần sưu tập:
Tủ sách GĐPT không nhất thiết chỉ có kinh điển, tài liệu riêng của GĐPT mà còn có một số loại sách báo phổ thông về các ngành hoạt động của xã hội có liên quan đến GĐPT như văn hoá, giáo dục, y tế, kỹ thuật, mỹ thuật … mà nhờ đó, Huynh trưởng chúng ta học tập nâng cao kiến thức ứng dụng vào việc hướng dẫn các em tu học sinh hoạt và thực hành trong cuộc sống.
Đại thể tủ sách GĐPT bao gồm mấy loại chính:
– Kinh điển
– Sách báo Phật giáo
– Tài liệu chuyên biệt của GĐPT
– Sách báo tài liệu phổ thông xã hội
– Tranh ảnh, hiện vật
2. Nguồn cung cấp sách báo tài liệu:
Không thể một lúc xây dựng nên một tủ sách mà phải tích luỹ dần qua nhiều tháng năm, kiên trì chắt chiu từng cuốn, có lúc chỉ đôi ba trang giấy, một tấm ảnh nhờ ý thức trách nhiệm, óc sáng kiến và sự khéo léo của mọi người trong đơn vị
– Mua sắm bằng quỹ của Gia đình
– Quà tặng của cấp trên, các đơn vị bạn, các ân nhân
– Giúp đỡ của giáo hội, ban bảo trợ
– Cá nhân Huynh trưởng, đoàn sinh các Đoàn, Đội, Chúng đóng góp
– Báo chí, tài liệu của Gia đình, Đoàn … thực hiện
3. Cách thực hiện:
– Toàn BHT phải quán triệt tầm quan trọng thiết yếu, lợi ích của tủ sách và lập kế hoạch, quyết tâm kiên trì xây dựng tủ sách đơn vị.
– Thành lập “Tổ công tác tủ sách” chuyên trách xây dựng tủ sách.
– Thông báo cho tất cả Huynh trưởng đoàn sinh để tích cực đóng góp, kết tập.
– Vận động giáo hội, hội viên, các mạnh thường quân hỗ trợ giúp đỡ.
– Vật dụng cần thiết đầu tiên là một cái tủ, hình thức lớn nhỏ, vĩnh cửu hay tạm thời do điều kiện, khả năng ban đầu của đơn vị.
4. Quản thủ tủ sách:
– Tủ sách đặt tại Đoàn quán hay Niệm Phật đường.
– Điều quan trọng là phải thiết lập SỔ QUẢN THỦ TỦ SÁCH, ghi chép toàn bộ kinh sách tài liệu mà đơn vị đã có, ghi nhận kịp thời theo thứ tự thời gian. Sổ được ghi chép theo mấy cột mục chính yếu:
Số thứ tự-Tên sách-Tác giả-Nhà xuất bản-Năm xuất bản-Số lượng quyển-Số hiệu quyển-Thuộc loại-Giá tiền-Xuất xứ-Ngày nhận-Ghi chú.
Sách nào nhập trước thì ghi trước.
– Cần sắm một con dấu đề: Tủ sách GĐPT … Quyển số: …… ngày: …… Dấu này được đóng lên góc trái của bìa ngoài, góc trái trang đầu trong sách và trang 17. Qua sổ quản thủ, chúng ta có thể biết được tủ sách đến ngày … đã có bao nhiêu đầu sách với bao nhiêu quyển và tổng trị giá.
– Tất cả kinh sách tài liệu phải được bao bọc sửa sang tu bổ, xếp đặt ngăn nắp gọn gàng theo từng loại, danh mục.
– Phải có biện pháp phòng tránh hư hỏng như chuột, dán, mối, lũ lụt.
Quyển sổ quan trọng thứ hai cần sắm là “SỔ MƯỢN SÁCH”, ghi các điểm cần thiết.
Số thứ tự-Tên người mượn-Tên sách-Số hiệu quyển-Số lượng quyển-Ngày mượn-Ngày trả.
Kèm theo sổ mượn sách là tờ PHIẾU MƯỢN SÁCH phía trên ghi tên người mượn, phần nội dung chia ra mấy cột.
STT-Ngày mượn-Tên sách-Số hiệu-Chữ ký người mượn sách.
Khi cho mượn sách, người mượn ký vào phiếu, Huynh trưởng quản thủ giữ phiếu này lại và chỉ trả phiếu lại khi sách đã được thu hồi, gạch bỏ trên phiếu. Khi nhận lại sách, phải kiểm tra sách có bị hư rách gì không, bên trong có giấy tờ, vật dung gì khác lạ. Nếu quá hẹn mà sách chưa được trả thì phải liên hệ để thu lại.
KẾT LUẬN:
Mỗi GĐPT đều có nhiều thứ tài sản khí mãnh khác nhau, nhưng kinh sách tài liệu là thứ tài sản hết sức quan trọng và vô cùng quý giá đối với mỗi cá nhân cũng như toàn đơn vị. Vì vậy mỗi một Huynh trưởng, kể cả đoàn sinh, đều phải có ý thức và nhiệm vụ sưu tầm, kết tập đóng góp xây dựng tủ sách GĐPT.
Một tủ sách có nhiều kinh sách báo chí, tài liệu, hiện vật, được bảo quản cẩn thận không những đem lại lợi ích mà còn là niềm tự hào vinh dự chung cho toàn đơn vị. Người LĐT phải có trách nhiệm lớn, tổ chức, vận động đôn đốc kiểm tra việc thực hiện để TỦ SÁCH của đơn vị GIA ĐÌNH PHẬT TỬ được hình thành. Rõ rang một Gia đình kiểu mẫu không thể thiếu Đoàn quán.