BẢN ĐỒ (Bậc Trung Thiện)

BẢN ĐỒ

 Bản đồ là bản vẽ đơn giản miêu tả một không gian, địa điểm và hiển thị những thông số liên quan trực tiếp đến vị trí ấy có liên quan đến khu vực xung quanh.
Có nhiều loại bản đồ, theo lãnh thổ biểu hiện có bản đồ thế giới, bản đồ bán cầu, bản đồ châu lục, bản đồ quốc gia, bản đồ tỉnh, huyện; theo nội dung biểu hiện có bản đồ địa lý đại cương và bản đồ địa lý chuyên đề.
– Bản đồ địa lý đại cương gồm bản đồ địa hình, bản đồ địa hình khái quát, bản đồ khái quát.
– Bản đồ địa lý chuyên đề gồm các nhóm bản đồ về dân cư, về tự nhiên, về kinh tế, về văn hóa, về hành chính – chính trị, về lịch sử.
I. GIỚI THIỆU BẢN ĐỒ ĐỊA HÌNH:
Một số đặc điểm riêng của bản đồ địa hình liên quan đến việc sử dụng nó trong thực tế.
1. Khung bản đồ và lưới tọa độ:
Khung bản đồ là một hệ thống gồm có:
– Khung ngoài: là đường kẻ một nét đậm, phân cách nội dung bản đồ và phần ghi chú ngoài khung.
– Trong cùng của khung là khung một nét mảnh thể hiện kinh tuyến và vĩ tuyến biên của tờ bản đồ.
– Ở giữa 2 khung kể trên là khung hai nét mảnh. Căn cứ vào hiệu số độ kinh và hiệu số độ vĩ giới hạn bởi khung trong, trên khung giữa chia ra từng độ kinh và từng phút độ vĩ.
 

Lưới tọa độ (lưới ô vuông): Bản đồ quân sự thường được chia thành những ô vuông bằng những đường thẳng ngang song song với nhau và những đường thẳng dọc song song với nhau. Những đường này được đánh số thứ tự từ trái sang phải (từ Tây sang Đông) và từ dưới lên trên (từ Nam lên Bắc). Số trên đường ngang gọi là hoành độ, số trên đường dọc gọi là tung độ. Hai đường ngang và hai đường dọc liền kề tạo ra một ô vuông có diện tích 1km2 ngoài thực địa.
Ví dụ ở hình 1: điểm A 696.142 (điểm A có hoành độ 696 và tung độ 142, cách nhau dấu chấm. Chia mỗi cạnh ô vuông 69–70, 14–15 thành 10 phần bằng nhau, điểm A chiếm 6 phần hoành độ kể từ hoành độ 69 và chiếm 2 phần tung độ kể từ tung độ 14).
2. Ghi chú ngoài khung:
Phía bắc tờ bản đồ, chính giữa ghi tên một địa danh quan trọng nhất trong vùng ví dụ: tên tỉnh, thành, phố, huyện… ngay dưới địa danh là số hiệu tờ bản đồ.
Ngoài khung phía nam tờ bản đồ, chính giữa ghi tỷ lệ bản đồ và vẽ một thước tỷ lệ thẳng, bên phải là một thước đo độ dốc, bên trái là δ độ lệch kinh tuyến từ và góc lệch giữa kinh tuyến thực và trục x trong hệ tọa độ vuông góc.
 

 
3. Tỉ lệ bản đồ:
Tỉ lệ của một bản đồ địa lí là tỉ số giữa một khoảng cách đo trên bản đồ và khoảng cách ngoài thực địa. Chẳng hạn, nếu 1cm trên bản đồ ứng với 1km ngoài thực địa thì bản đồ đó có tỉ lệ 1:100000, vì 1km = 100000 cm.
Kí hiệu của tỉ lệ có dạng 1:M, trong đó số M chỉ khoảng cách thực tế lớn gấp bao nhiêu lần khoảng cách tương ứng đo trên bản đồ.
Bản đồ có tỉ lệ lớn thì càng chi tiết và tương ứng với số M nhỏ. Bản đồ tỉ lệ nhỏ kém chi tiết hơn và có số M lớn. Tỉ lệ bản đề theo kiểu chia thành 5 loại như sau:
– Bản đồ có tỉ lệ rất lớn:     > 1:25.000
– Bản đồ có tỉ lệ lớn (bình đồ): 1:25.000   – 1:200.000
– Bản đồ có tỉ lệ trung bình:1:200.000 – 1:1.000.000
– Bản đồ có tỉ lệ nhỏ:             1:1.000.000 – 1:2.000.000
– Bản đồ có tỉ lệ rất nhỏ:   <1:2.000.000
III. TÌM HIỂU CÁCH BIỂU DIỄN ĐỊA HÌNH, ĐỊA VẬT TRÊN BẢN ĐỒ:
Địa hình và địa vật là hai yếu tố cơ bản của mặt đất cần được biểu diển trên bản đồ. Để biểu diễn dùng phương pháp sau:

1. Phương pháp kẻ vân:
Theo phương pháp này thì nơi nào mặt đất bằng phẳng sẽ được biểu thị bằng các vân mảnh, dài và thưa; nơi nào mặt đất dốc sẽ được biểu thị bằng các vân đậm, sít nhau các vân nằm theo hướng dốc mặt đất.

2. Phương pháp tô màu:
Theo phương pháp này thì nơi nào cao sẽ được biểu thị bằng màu vàng sẫm, càng xuống thấp màu vàng càng nhạt dần; vùng bằng phẳng có màu trắng, các thủy hệ (sông, hồ…) có màu xanh lơ, càng sâu màu xanh càng sẫm.
Hai cách biểu thị trên có ưu điểm là người đọc bản đồ có khái niệm trực quan về hình dạng gồ ghề lồi lõm của mặt đất nhưng hoàn toàn có tính chất định tính, nghĩa là muốn biết độ cao của quả núi là bao nhiêu mét, độ dốc mặt đất là bao nhiêu độ thì bản đồ không cho kết quả bằng con số (trừ loại bản đồ chuyên dụng).

3. Phương pháp đường đồng mức:
Đường đồng mức hay còn gọi là đường bình độ của mặt đất là đường nối liền các điểm có cùng độ cao trên mặt đất; hay nói một cách khác đi “đường đồng mức của địa hình là giao tuyến giữa mặt đất tự nhiên với các mặt phẳng song song với mặt nước gốc ở những độ cao khác nhau”.
Đường đồng mức có một số đặc tính:
– Những điểm nằm trên cùng đường đồng mức thì có cùng độ cao.
– Đường đồng mức phải liên tục, khép kín; nếu vì kích thước tờ giấy vẽ bị hạn chế mà đường đồng mức không khép kín được, thì phải kéo dài tới tận biên tờ giấy vẽ.
– Chỗ nào đường đồng mức xa nhau (thưa) thì nơi đó mặt đất thoai thoải; nơi nào đường đồng mức gần nhau thì nơi đó mặt đất dốc. Nơi nào đường đồng mức trùng nhau thì nơi đó là vách núi thẳng đứng hay bờ vực.
– Các đường đồng mức không được cắt nhau, trừ trường hợp núi đá có dạng hàm ếch.
Các địa vật được biểu diễn lên bản đồ theo nhiều dạng khác nhau: đối với các địa vật lớn như sông, cầu lớn, khu dân cư lớn …phải biểu diễn chúng theo đúng hình dạng ngoài thực tế và được thu nhỏ lại theo tỉ lệ; còn có địa vật nhỏ như giếng nước, hố khoan, cống nhỏ … thì biểu diễn chúng theo các kí hiệu qui ước.
 

 
IV. BIỂU DIỄN ĐỊA VẬT TRÊN BẢN ĐỒ:
Địa vật là một vật tồn tại trên Trái đất, hoặc do thiên nhiên tạo ra, hoặc do con người xây dựng nên như: sông, rừng, làng xóm, thành phố, nhà cửa, đê, đường, v.v… Việc biểu diễn địa vật trên bản đồ đều tuân theo những ký hiệu quy ước bản đồ do Cục đo đạc và Bản đồ Nhà nước quy định. Các ký hiệu địa vật trên các bản đồ tỷ lệ khác nhau có thể có kích thước khác nhau, nhưng phải cùng một hình dáng.
1. Ký hiệu theo tỷ lệ (ký hiệu diện) thường để biểu diễn những địa vật có diện tích lớn như rừng cây, ruộng lúa, hồ, … những địa vật có diện tích rộng này khi biểu diễn trên bản đồ đã được thu nhỏ lại đồng dạng theo tỷ lệ của bản đồ. Nếu địa vật có ranh giới rõ ràng như khu dân cư, khu công nghiệp,.v.v… thì đường biên bao quanh được vẽ bằng nét liền. Nếu địa vật có ranh giới không rõ ràng như đường biên giữa đồng cỏ và đầm lầy vẽ bằng nét đứt đoạn. Bên trong các đường biên vẽ các ký hiệu nhất định.
 

 
2. Ký hiệu không theo tỷ lệ (ký hiệu điểm) đ biểu diễn những địa vật nhỏ, đó là những địa vật mà nếu thu nhỏ lại theo tỷ lệ bản đồ thì chúng sẽ chập lại thành một chấm điểm hay một đường nét như cây cổ thụ, giếng, cột km, nhà thờ, … kí hiệu không theo tỷ lệ là các kí hiệu không đảm bảo tính đồng dạng của địa vật mà chỉ cho biết vị trí của địa vật theo chấm điểm của kí hiệu này. Chẳng hạn vị trí của các giếng nước được xác định bởi tâm vòng tròn.
 Những địa vật như sông, đường ô tô, đường sắt, đường biên giới, … sẽ được biểu diễn bằng kí hiệu kết hợp vừa theo tỷ lệ vừa không theo tỷ lệ (kí hiệu tuyến). Khi đó chiều dài của chúng được thể hiện theo tỷ lệ bản đồ, còn chiều rộng được tăng lên so với thực.
3. Ký hiệu chú giải
Để biểu diễn địa vật được đầy đủ, người ta còn dùng kí hiệu chú giải, đó là những số và chữ được ghi kèm theo kí hiệu. Các con số, các dòng chữ được viết theo tiêu chuẩn để căn cứ vào chính kiểu chữ mà biết được nội dung chú giải. Chẳng hạn con số ghi ở chỗ cách quãng của kí hiệu con đường chỉ chiều rộng của con đường. Phân số ghi ở cạnh kí hiệu cầu có tử số chỉ chiều dài và chiều rộng của cầu tính bằng mét, mẫu số chỉ trọng tải của cầu chịu được tính bằng tấn. Bên cạnh địa danh mới ghi cả địa danh cũ ở trong ngoặc đơn.

Ký hiệu chú giải dùng để bổ sung đặc điểm vật biểu thị trên bản đồ. Ví dụ, bên cạnh ký hiệu cầu có ghi   thì có nghĩa là cầu được xây dựng bằng sắt, có chiều rộng 6m, chiều dài 17m và tải trọng 25 tấn. Hay bên cạnh cây thông có ghi  có nghĩa là cây có chiều cao 24m, đường kính 0,3m và khoảng cách giữa hai cây kề nhau là 8m…
Rất nhiều trường hợp cùng một địa vật, trên bản đồ tỉ lệ lớn biểu diễn bằng ký hiệu theo tỉ lệ, nhưng trên bản đồ nhỏ lại biểu diễn bằng ký hiệu không theo tỉ lệ như chùa, nhà ở, nhà thờ…, bằng ký hiệu nửa tỉ lệ như đường ô tô, đường sắt…
Để bản đồ rõ ràng, dễ đọc, có sức diễn đạt cao, người ta dùng màu sắc khác nhau để biểu diễn địa vật. Chẳng hạn đường ô tô vẽ bằng màu đỏ nâu, đường sắt vẽ bằng màu đen, sông vẽ bằng màu xanh.
Tuỳ thuộc vào tỷ lệ bản đồ mà địa vật được biểu diễn với mức độ chi tiết khác nhau. Chẳng hạn trên bản đồ tỷ lệ 1:2.000 điểm dân cư được biểu diễn hình dạng của cả khu dân cư thôi. Bản đồ tỷ lệ càng lớn thì càng biểu diễn địa vật được đầy đủ, chi tiết và chính xác hơn.

II. SỬ DỤNG BẢN ĐỒ ĐỊA HÌNH NGOÀI TRỜI:
Bản đồ địa hình được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Khi đem bản đồ ra thực địa để nghiên cứu, cần phải định hướng tờ bản đồ ở thực địa và xác định vị trí đang đứng là vị trí nào trên bản đồ.
1. Đặt bản đồ đúng hướng:
Định hướng bản đồ ở thực địa là đặt tờ bản đồ sao cho hướng Bắc – Nam của kinh tuyến vẽ trên bản đồ trùng với hướng Bắc – Nam của đường kinh tuyến ngoài thực địa. Có thể dùng 2 cách định hướng:
a) Định hướng bản đồ bằng địa bàn:
Trải phẳng bản đồ; đặt địa bàn lên tờ bản đồ sao cho đường chuẩn Bắc – Nam hoặc đường kính 00–1800 của địa bàn trùng với đường kinh tuyến vẽ trên bản đồ. Giữ bản đồ và địa bàn nằm ngang, xoay tờ bản đồ cho đầu Bắc kim nam châm chỉ đúng vạch 00 trên địa bàn, lúc đó tờ bản đồ được định hướng theo kinh tuyến từ. Ở  những nơi có độ từ thiên δ lớn (đã được ghi chú ở cuối tấm bản đồ) thì cần hiệu chỉnh cả δ khi định hướng.
b) Định hướng bản đồ theo địa vật:
Chọn địa vật kéo dài như con đường, dòng kênh,.. , hoặc 2 vật chuẩn định hướng thấy rõ nét ngoài thực địa và có vẽ trên bản đồ như chùa, nhà thờ, đỉnh núi, cây độc lập… trải phẳng và xoay tờ bản đồ sao cho hướng của vật chuẩn trên bản đồ trùng với hướng của vật đó ngoài mặt đất. Khi định hướng xong, nên chọn một vật chuẩn khác để kiểm tra.
 

 2. Xác định vị trí một điểm trên mặt đất lên bản đồ:
Muốn nghiên cứu sự thay đổi của địa hình, sự thay đổi về số lượng và vị trí của các địa vật trên thực địa so với bản đồ, hoặc nghiên cứu các vấn đề chuyên môn khác, cần xác định chính xác vị trí đang đứng trên mặt đất ứng với điểm nào trên bản đồ.
 

Sau khi định hướng tờ bản đồ, cần nhận dạng các địa vật đặc trưng xung quanh để đối chiếu với bản đồ: trước hết dựa vào tên làng, xóm thị trấn, tên sông núi… để xác định sơ bộ vị trí khu vực; sau đó dựa vào các địa vật đặc trưng như con đường, ngã ba, ngã tư, cầu, cống … để định vị chính xác hơn. Trong trường hợp cần đánh dấu điểm một cách chính xác lên bản đồ, dùng phương pháp đo góc và khoảng cách từ điểm cần tìm đến địa vật đặc trưng đã có ở xung quanh rồi vẽ chuyển lên bản đồ.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.