LỜI DẠY CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN DUYÊN

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
1. Sự tu tập pháp Phật:
            Chúng ta đến với đạo không cầu xin điều gì khác là Pháp Phật để thực tập trong  đời sống hầu giải quyết khổ đau trong đời này và làm nền móng cho sự thành Phật ở tương lai. Do vậy nếu không  thực sự tu tập Giới Định Tuệ trong đời này thì không khác gì đến bên giòng sông mà vẫn chết khát, hay chỉ là người đếm châu báu giùm kẻ khác, phần mình chẳng ích lợi gì cả. Giới Định Tuệ được trình bày theo nhiều hướng, nhiều  cách, tùy mỗi độ tuổi, hoàn cảnh  riêng tư mà thực tập, có thực  tập sẽ có kết quả, vô minh có chấm dứt, tuệ nhãn có phát sinh, tất cả đều bắt nguồn thực tập Giới Định Tuệ.
2. Tôn trọng Tam Bảo
            Thể hiện tinh thần một đệ tử tại gia của Phật, chúng ta phải cần chí thành chí kính tôn trọng Tam bảo. Có một vài anh, chị thiếu tôn kính Tam bảo. Giáo lý Phật giáo không tách biệt ba ngôi báu ra để quy y. Ngày xưa, một người mới đến với đạo, đối  diện với đức Phật vẫn phải nói xin quy y Phật, Pháp, Tăng. Như thế Tăng bảo là nền tảng để đạo pháp tồn tại; Tăng bảo là người hoằng đạo, là người trực tiếp truyền tam quy, truyền giới. Nơi nào không có Tăng, nơi ấy đạo pháp khó phát triển; do vậy các viị là người hướng dẫn đàn  em phải chí thành chí kính Tăng bảo. Tăng bảo được tỏa sáng thì Tam bảo mới xương minh.
3. Đổi mới tư duy, đổi mới sinh hoạt
            Xã hội không dừng lại một chỗ, nếu chúng ta không thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho hợp thời đại, chúng ta sẽ không bắt kịp dòng chảy của cuộc sống. Do vậy đòi hỏi chúng ta  phải biểt thay đổi  và thay đổi theo tinh thần “Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên”
4. Việc xét xếp cấp
            Chúng ta đã biết, xét xếp cấp là để chứng nhận quá trình tu học của anh chị Huynh  trưởng sinh hoạt trong Gia đình Phật tử. Do vậy việc sinh hoạt, tu, học, thực tập Giới Định Tuệ là nền tảng của việc xếp cấp. Nếu chúng ta chỉ sinh hoạt đơn thuần mà không có bề dày tu, học, thực tập Giới Định Tuệ thì việc thọ cấp của chúng ta mất khá nhiều ý nghĩa cao cả của nó.
            Thời gian qua, một số địa phương ít chú trọng về điểm này, nên đã xếpcấp cho một số huynh trưởng trước thời gian quy định, việc tu học còn ít, tư cách huynh trưởng chưa chuẩn. Đối với cấp Tấn là huynh trưởng chịu trách nhiệm sự thịnh suy của Gia đình Phật tử một tỉnh thành, cần phải có thời gian thọ trì giới Bồ tát tại gia hay tối thiểu là thọ giới Thập thiện. Vì đây là giới có liên quan đến tu tập, lãnh đạo, phụng hành Phật sự. Giới này quan hệ đậm đến đạo đức của người đệ tử tại gia, như các vị.
            Cũng có anh, chị xem  cấp bậc huynh trưởng tương đương với cấp thọ giới, hoặc giáo phẩm của Tăng, Ni. Đây quả là nhần lẫn, tuy không nhiều nhưng không phải không ảnh  hưởng đến quan điểm và đường hướng chung.
5. Phát huy hơn nữa “tính đồng hành cùng dân tộc”
            Phật giáo Việt Nam không có gươm đao súng đạn, không có cơm áo gạo tiền mà vẫn tồn tại đến ngày nay, dù gặp không ít trở lực, đó là nhờ tinh thần gắn bó và phục vụ dân tộc, phục vụ chúng sanh. Từ bao đời, người Việt đã không tách biệt đâu là văn hóa dân tộc, đâu là văn hóa đạo Phật. Đạo Phật với dân tộc Việt Nam nhập thành một, cùng vui cùng khổ. Do vậy, chúng ta càng phải phát huy hơn nữa tính gắn bó ấy. Hãy dạy dỗ cho đàn em chúng ta hiểu sâu sắc điều này, nếu tách rời đạo Phật ra khỏi  dân tộc thì đạo Phật sẽ khong có đất đứng. Phải biết rằng đất nước hưng thì đạo  Phật mới thịnh, và ngược lại.
            Trên đây là các ý kiến đóng góp cho ngành Gia đình Phật tử, mong các anh,, chị nghiên cứu, ứng dụng cho bản thân và đưa vào chương trình  sinh hoạt, tu học của ngành Gia đình Phật tử, nhằm làm cho Gia đình Phật tử tỏa sáng hơn, phát triển hơn.
            Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.