Lâu này chúng ta học nhiều điều về Phật pháp nhưng nếu có ai hỏi những điều tin tưởng căn bản của Phật giáo là gì thì có khi chúng ta lúng túng hay chỉ đưa ra một vài điểm nhiều lúc …. mơ hồ; lộn xộn và có khi mâu thuẩn. Do vậy xin gởi lên đây bài này: 14 điều tin tưởng căn bản do ông Henry Steel Olcott (1832 – 1907; người đã đề nghị và được Tích Lan chấp thuận là cờ Phật giáo Tích Lan (1885) và được công nhận là cờ Phật giáo thế giới vào năm 1950) soạn và đem trình ở Hội nghị Phật giáo thế giới nhóm ở Adyar Madras, Ấn Độ ngày 08, 09, 10, 11, 12 tháng 1 năm 1891; đã được các tăng già đại đức đại biểu các nước Nhật Bản, Miến Điện, Thái Lan, Tích Lan công nhận là đúng với chánh pháp của Phật để anh chị em tham khảo; Bản dự thảo được xem như nền tảng chung mà tất cả mọi Tông Phái Phật Giáo đều có thể đồng ý.
Điều thứ nhất: Đối với nhân loại, Đạo Phật dạy tín đồ phải khoan dung nhẫn nại, yêu mọi người, không phân biệt thân sơ, sang hèn. Đối với động vật phải hiền lành, rộng lượng. Điều thứ hai: Vũ trụ từ một bản tánh thuần túy mà phát triển và biến hóa theo luật Nhân Quả chớ không phải do ý chướng (caprice) của một thiên thần nào tạo ra. Điều thứ ba: Đạo Phật xây dựng trên những lẽ thật rất giản dị, dễ hiểu. Trải qua các đại kiếp, các lẽ thật ấy đã được bậc giác ngộ là Phật đem ra truyền dạy. Điều thứ tư: Bậc giác ngộ của đại kiếp này là đức Thích Ca Mâu Ni hay đức Phật Cù Đàm, ứng sanh vào một hoàng tộc xứ Ấn Độ cách đây 2500 năm. Đấy là một nhân vật thật thuộc lịch sử tên là Tất Đạt Đa Cù Đàm. Điều thứ năm: Đức Thích Ca Mâu Ni dạy rằng mê lầm sinh ra ham muốn; ham muốn không được thỏa là nguyên do của luân hồi; luân hồi là nguyên do của đau khổ. Muốn thoát khổ cần phải thoát khỏi luân hồi; muốn thoát khỏi luân hồi cần phải dập tắt ham muốn; muốn dập tắt ham muốn cần phải trừ mê lầm. Điều thứ sáu: Mê lầm nuôi nơi ta cái thành kiến cho rằng luân hồi là một điều cần thiết và cho rằng luân hồi có một giá trị tuyệt đối. Khi giác ngộ ta thấy cái kiếp ấy không có giá trị và nhận rằng cần phải theo một lối sống giúp ta giúp ta từ bỏ các thành kiến cột ta vào vòng luân hồi sinh tử. Mê lầm còn sinh ra cái vọng tưởng vô lý cho rằng con người chỉ có một đời sống và sau đời ấy là một trạng thái vĩnh viễn hoặc vui sướng hoặc đau khổ. Điều thứ bảy: Ta có thể phá trừ mê lầm ấy bằng cách kiên tâm thực hành một đức vị tha rộng rãi, phát triển trí huệ và tư tưởng thanh cao, dứt sạch lòng ham muốn và các dục thú ích kỷ thấp hèn. Điều thứ tám: Lòng ham sống là một nguyên do của luân hồi sinh tử, dập tắt lòng ham sống ấy tất không còn có luân hồi. Nhờ thiền định, quán tưởng, người tu hành tinh tấn bỏ lòng ham sống để đến một trạng thái tự tại, yên ổn cao quý gọi là Niết bàn. Điều thứ chín: Đức Thích Ca Mâu Ni dạy rằng người ta có thể phá mê lầm, dứt đau khổ khi biết rõ 4 lẽ thật cao quý; 4 lẽ thật ấy là tứ diệu đế:
1. Khổ: Những nỗi thống khổ của chúng sanh
2. Tập: Nguyên nhân của sự khổ, lòng ham muốn huân tập từ vô thỉ mà không bao giờ được thỏa mãn
3. Diệt: Kết quả an lành khi diệt trừ được nhân khổ và quả khổ
4. Đạo: Những phương pháp để dứt trừ ham muốn mà đức Phật đã dạy như Bát chánh đạo; 8 con đường ấy là Chánh Tri Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Điều thứ mười: Nhờ Chánh Định ta đi đến ánh sáng của trí tuệ và phát sinh Phật tánh tiềm tàng trong mọi người. Điều thứ mười một: Đức Như Lai đã tóm tắt tinh hoa của Phật giáo trong bài kệ này:
Tránh các điều dữ,
Làm các điều lành,
Rửa sạch tâm hồn, không còn vọng tưởng. Điều thứ mười hai: Vũ trụ bị một nguyên do hiển nhiên chi phối gọi là Nghiệp; những điều lành dữ tạo ra trong kiếp trước sẽ ảnh hưởng tới cảnh ngộ ta trong kiếp này và chính ta đã gây ra các nguyên nhân của những họa phúc trong đời ta. Điều thứ mười ba: Muốn tránh những trở lực không cho ta tạo một nghiệp báo tốt đẹp về sau, ta phải giữ ngũ giới là những luật luân lý tối thiểu của Phật giáo:
1. Không sát sanh
2. Không trộm cắp
3. Không tà dâm
4. Không nói dối
5. Không uống rượu và các chất làm mê muội
Nếu muốn thoát khỏi luân hồi thì còn phải theo 5 giới khác nữa không kể ra đây. Điều thứ mười bốn: Phật giáo phản đối lối tin càn mê muội. Đức Phật dạy rằng bổn phận cha mẹ là phải dạy cho con biết khoa học văn chương; Ngài lại dạy ta phải đem lý trí mà suy xét kỹ lưỡng trước khi tin một điều gì dù đấy là lời của một bậc hiền triết ghi chép trong sử sách hay lưu truyền từ xưa và được dư luận công nhận.