NGHI THỨC TỤNG NIỆM (Bậc Trung Thiện)

NGHI THỨC TỤNG NIỆM

 
I. Ý nghĩa tụng niệm:
1. Tụng là đọc tụng; niệm là suy nghĩ nhớ tưởng. Tụng niệm là miệng đọc tụng, tâm nhớ nghĩ, tâm và miệng hợp nhất chủ định vào lời kinh tiếng kệ.
2. Ý  nghĩa: Tụng niệm để giữ tâm hồn trong sạch, giao cảm với các tâm niệm tối cao, huân tập tâm thức tốt, ôn lại lời Phật dạy làm phương châm cho đời sống hàng ngày; gieo giống bồ đề vào tâm thức; kiềm chế thân, khẩu, ý tránh khỏi tai họa do nghiệp chướng, tội lỗi gây nên.
II. Nghi thức tụng niệm, lễ Phật của GĐPT

  1. Niệm hương, lễ Phật

(Thắp đèn, đốt hương xong, toàn thể đứng ngay ngắn, chấp tay để ngang ngực, mật niệm)
* Tịnh pháp giới chơn ngôn
    ÁN LAM TÓA HA                                    (3lần)
(trì chú nầy thì thân tâm, cảnh vật đều thanh tịnh)
* Tịnh tam nghiệp chơn ngôn
ÁN TA PHẠ BÀ PHẠ, TRUẬT ĐÀ TA PHẠ, ĐẠT MẠ TA PHẠ, BÀ PHẠ TRUẬT ĐỘ HÁM      
(3lần)
(trì chú nầy thì thân, miệng, ý đều trong sạch)
(Vị chủ lễ quỳ cẩm 3 cây hương ngang trán, niệm lớn bài cúng hương)
 
CÚNG  HƯƠNG  TÁN  PHẬT
Nguyện đem lòng thành kính
Gởi theo đám mây hương
Phưởng phất khắp mười phương
Cúng dường ngôi Tam Bảo
Thề trọn đời giữ đạo
Theo tự tánh làm lành
Cùng pháp giới chúng sanh
Cầu Phật từ gia hộ
Tâm bồ đề kiên cố
Chí tu học vững bền
Xa bể khổ nguồn mê
Chóng quay về bờ giác                    o (1 xá)
 
(Đọc nhỏ tiếp bài Kỳ nguyện) 
KỲ NGUYỆN
Hôm nay là ngày…tháng…năm…Huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT… Chúng con vân tập tại chánh điện chùa ….
Nguyện ngôi Tam Bảo thường trú trong mười phương, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, cùng hết thảy chư thánh hiền, từ bi gia hộ cho đệ tử chúng con, cùng chúng sanh trong pháp giới tâm bồ đề bền chắc, phiền não đoạn diệt, nghiệp chướng tiêu trừ, phước huệ trang nghiêm, thân tâm an lạc, tinh tấn tu hành, sớm thành Phật quả.                                              o (1 xá)
 
(đứng dậy cắm hương, chủ lễ xướng tiếp bài kệ tán Phật và quán tuởng)
KỆ  TÁN  PHẬT
Đấng Pháp Vương vô thượng
Ba cõi chẳng ai bằng
Thầy dạy khắp trời người
Cha lành chung bốn loại.
Quy y tròn một niệm
Dứt sạch nghiệp ba kỳ
Xưng dương cùng tán thán
Ức kiếp không cùng tận                    o (1xá)
 
QUÁN  TƯỞNG
Phật chúng sanh tánh thường rỗng lặng
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn
Lưới đế châu ví đạo tràng
Mười phương Phật bảo hào quang sáng ngời
Trước bảo tọa thân chúng con ảnh hiện
Cúi đầu xin thệ nguyện quy y              o (1 xá)
 
ĐẢNH  LỄ
(vị chủ lễ niệm lớn)
Chí tâm đảnh lễ: Nam mô tận hư không biến pháp giới quá, hiện, vị lai thập phương chư Phật, tôn Pháp, Hiền Thánh, Tăng thường trú Tam Bảo.                     o (1 lạy)
Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Ta bà Giáo Chủ Đại Từ Đại Bi Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật, Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát                                                                                                           o (1lạy)
Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Tây Phương cực lạc thế giới đại từ đại bi A Di Đà Phật, Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát.                                                                                                            o (1 lạy)
 
(Tất cả đồng quỳ – khai chuông mõ -Tụng Bài SÁM HỐI)
SÁM  HỐI
Đệ tử kính lạy
Đức Phật Thích Ca
Phật A Di Đà
Thập phương chư Phật
Vô lượng Phật pháp
Cùng Thánh Hiền Tăng
Đệ tử lâu đời lâu kiếp
Nghiệp chướng nặng nề
Tham giận kiêu căng
Si mê lầm lạc
Ngày nay nhờ Phật
Biết sự lỗi lầm
Thành tâm sám hối                                 o
Thề tránh điều dữ
Nguyện làm việc lành
Ngửa trông ơn Phật
Từ bi gia hộ
Thân không tật bệnh
Tâm không phiền não
Hàng ngày an vui tu tập
Pháp Phật nhiệm mầu
Để mau ra khỏi luân hồi
Minh tâm kiến tánh
Trí tuệ sáng suốt
Thần thông tự tại                                    
Đặng cứu độ các bậc tôn trưởng
Cha mẹ anh em
Thân bằng quyến thuộc
Cùng tất cả chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo                                 o
(Niệm danh hiệu Phật – Bồ tát,  mỗi danh hiệu 3 lần)
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật                  o
Nam Mô A Di Đà Phật                                             o
Nam mô đương lai hạ sanh Di Lặc Tôn Phật           o
Nam mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát                 o
Nam mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát                        o
Nammô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát                      o
Nam mô Linh Sơn Hội Thượng Phật –Bồ Tát          o
BỐN  LỜI  NGUYỆN
Chúng sanh không số lượng
Thề nguyện đều độ khắp
Phiền não không cùng tận
Thề nguyện đều dứt sạch
Pháp môn không kể xiết
Thề nguyện đều tu học
Phật đạo không gì hơn
Thề nguyện được viên thành.                       o
 
 
QUY  Y  ĐẢNH  LỄ
(Đồng đứng dậy chấp tay niệm lớn)
– Tự quy y Phật, xin nguyện chúng sanh, thể theo đạo cả, phát lòng vô thượng.
– Tự quy y Pháp, xin nguyện chúng sanh, thấu rõ kinh tạng, trí huệ như biển.
– Tự quy y Tăng, xin nguyện chúng sanh, thống lý đại chúng, hết thảy không ngại.                              o
HỒI  HƯỚNG
Nguyện đem công đức nầy hướng về khắp tất cả, đệ tử và chúng sanh đều trọn thành Phật đạo
  o o o (3 xá)
 
(Đứng trang nghiêm cử bài TRẦM HƯƠNG ĐỐT)
TRẦM HƯƠNG ĐỐT
Trầm hương đốt, thơm ngát mười phương
Nguyện nguyện kính đức Nghiêm Từ vô lượng 
Cầu cầu xin chứng tâm thành chúng con 
Vần vần khói kết mây lành cúng dường 
Đạo nhiệm mầu đã lan truyền nơi cùng nơi 
Nhờ chân lý chúng sanh đều thoát luân hồi 
Đồng quy kính quỳ dưới đài sen 
Dâng hoa thơm tinh khiết mầu thắm tươi cành 
Đài quang minh sáng huy hoàng trang nghiêm 
Ơn mười phương Điều Ngự hào quang an lành 
Nghìn đạo uyển chuyển soi khắp cùng quần sanh 
Phật đạo đồng cùng nhau tu tinh tấn mau viên thành.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật       
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật                  o
(Tất cả đồng quỳ đọc 5 Điều luật của Ngành Thiếu, Thanh, Huynh Trưởng và 3 Điều luật của Ngành Oanh)
 
(Đánh 3 tiếng chuông đứng dậy xá 3 xá)
 
2. THỰC TẬP CHÁNH NIỆM 
– Ngay sau kết thúc khóa lễ, tại chánh điện, thực tập chánh niệm từ 10 đến 15 phút, thật nghiêm túc.
– Thực tập chánh niệm, có thể thực hành thiền hành hoặc thiền tọa. Nên thay đổi mỗi tuần thiền hành hoặc thiền tọa.
 
Ý NGHĨA BÀI SÁM HỐI
I. Ýchính:
– Xin thú nhận những lỗi của mình đã làm.
– Xin làm các việc lành theo lời Phật dạy.
– Xin nguyện hồi hướng công đức cho ông bà, cha mẹ, anh chị em cùng tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo.
Toàn bài chia thành ba ý:
+ Đoạn “đệ tử … cùng Thánh Hiền Tăng”: Đệ tử xin kính lạy Phật, Pháp, Tăng
+ Đoạn “đệ tử lâu đời … thần thông tự tại”: Đệ tử xin sám hối những lỗi lầm, xin nguyện làm lành, tránh dữ , xin nhờ ơn chư Phật gia hộ để thân tâm an lạc giữ vững niềm tin nơi chánh pháp thoát khỏi mê lầm.
+ Đoạn “đặng cứu độ … Phật đạo”:  Đệ tử xin hồi hướng công đức cho ông bà, cha mẹ anh em cùng tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo.
II. Nghĩa từ, cụm từ
Sám hối: sám là xin thú nhận những lỗi đã làm,hối là xin nguyện từ nay về sau không phạm những lỗi ấy nữa.
Đệ tử: đệ là em, là trò, tử là con là tiếng các Phật tử xưng với Đức Phật.
Kính lạy: Kính là tôn kính, lạy là 5 vóc gieo xuống đất. Kính lạy là cử chỉ tỏ lòng tôn kính, tôn trọng đối với Phật, Pháp, Tăng.
Đức Phật Thích Ca: Là vị Phật đã giác ngộ cho mình và mọi loài, hai giác hạnh đều hoàn toàn viên mãn. Đức Phật Thích Ca là giáo chủ ở cõi Ta bà.
Thích Ca có nghĩa là năng nhơn tịch mặc, năng nhơn là người có lòng nhơn từ, tịch là trong sạch, mặc là an tịnh không có các phiền não nhiễu loạn.
Phật A Di Đà là Đức Phật làm giáo chủ ở cõi Tịnh độ. A Di Đà có nghĩa là vô lương thọ – nghĩa là sống lâu không lường và vô lượng quang – nghĩa là sáng suốt không lường.
Thập phương chư Phật: các Đức Phật trong 10 phương: đông, tây, nam, bắc, đông nam, đông bắc, tây nam, tây bắc, trên, dưới.
Thánh-Hiền-Tăng: Tăng chỉ các vị tăng già đức độ theo đạo Phật, Thánh-Hiền-Tăng chỉ cho các vị Bồ tát, các vị A La Hán đã tu hành chứng quả.
Lâu đời lâu kiếp: đời là khoảng thời gian từ khi sanh đến khi chết, kiếp gồm có nhiều đời. Ý nói đệ tử trải qua rất nhiều kiếp về trước.
Nghiệp chướng nặng nề: nghiệp là sự hành động, có 3 nghiệp về thân, khẩu, ý. Chướng là chướng ngại trên đường chánh đạo, giải thoát.
Tham, giận kiêu căng: ba tính xấu thường có của con người tham lam, giận hờn, khoe khoang coi khinh người khác.
Si mê lầm lạc: u mê ngu dốt nên làm việc sai lạc.
Ngày nay nhờ Phật biết sự lỗi lầm: bản thân biết sự lỗi lầm là nhờ sự chỉ dạy của Phật
Thành tâm sám hối: xin thành tâm sám hối tất cả tội lỗi.
Thề tránh điều dữ, nguyện làm việc lành: nguyện bỏ ác, làm lành.
Ngửa trông ơn Phật từ bi gia hộ: chí thành cầu mong Phật Tổ thương tưởng.
Thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui tu tập: xin Phật gia hộ thân, tâm an lạc để lo tu tập, sửa bỏ tính xấu, tập làm hạnh lành.
Pháp Phật nhiệm mầu: Những phương pháp Phật dạy, áp dụng theo sẽ có nhiều kết quả rất nhiệm mầu, khó lường hiểu được.
Để mau ra khỏi luân hồi: luân là bánh xe xoay tròn, hồi là lần về, chúng sanh từ vô thỉ tới nay luân chuyển mãi hết sanh rồi tử trong 6 đường: trời, người, atula, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh… Sanh đi sanh lại trong 4 loại: thai, noãn, thấp, hóa. Ra khỏi luân hồi là thoát khỏi vòng sinh tử.
Minh tâm kiến tánh: Là sáng rõ chân tâm, thấy rõ thể tánh, tức là được giải thoát giác ngộ như Đức Phật, thấy rõ tâm tánh chơn thật của minh và người.
Trí huệ sáng suốt, thần thông tự tại: Là vị Phật tại thế, biết những phép bí mật huyền diệu, người thường không làm nổi, không bị ngoại cảnh chi phối.
Đặng cứu độ các bậc tôn trưởng, cha mẹ anh em, thân bằng quyến thuộc cùng tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo: Đây là lời nguyền của một Phật tử tu hành với mong muốn rộng lớn: độ cho mình, cho người và chúng sanh chứng được quả vô thượng, chánh đẳng chánh giác.
III. Kết luận:
Bài sám hối hay phát nguyện và quy y là bài kinh mà chúng ta đọc tụng với lòng thành kính, nguyện cầu chư Phật gia hộ cho chúng ta có đủ dũng lực, loại trừ việc ác làm các việc lành, tinh tấn tu học để độ cho mình và cho người thoát vòng sinh tử  chứng được quả vị Phật.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.