KỂ CHUYỆN CHO ĐỘI, CHÚNG; CHUYỆN CỔ DÂN TỘC,  SƯU TẦM CA DAO, TỤC NGỮ, TẬP DIỄN THUYẾT (Bậc Trung Thiện)

KỂ CHUYỆN CHO ĐỘI, CHÚNGCHUYỆN CỔ DÂN TỘC, 
SƯU TẦM CA DAO, TỤC NGỮ, TẬP DIỄN THUYẾT

 
I. SƯU TẦM CA DAO, TỤC NGỮ, CHUYỆN CỔ  DÂN  TỘC.
1. Hiểu và phân biệt được ca dao, tục ngữ:
Ở Bậc Hướng Thiện đã được hướng dẫn tìm hiểu về ca dao, tục ngữ, trong phần này nhắc lại phân biệt khái niệm về ca dao, tục ngữ như sau:
– Ca dao thuộc về loại văn chương truyền khẩu, có lời văn nhất định, thường là bài thơ ngắn và làm theo thể lục bát. Ca dao là những câu hát tiếng hò, có vần, có nhịp, có lẽ lúc đầu dùng để diễn xướng trong các buổi tế lễ thần linh, rồi dần dà dùng trong các việc lao tác, vừa hát hò vừa làm việc cho đỡ mệt nhọc, về sau để trai gái trao đổi tình tự với nhau, hay để khi một mình buồn chán thì hát nghêu ngao cho khuây khỏa, có khi lại còn dùng làm câu đố để thử thách, trêu ghẹo nhau… Ca dao là trái tim, là tâm hồn của dân tộc. 
Ngoài ra, có những câu “nói vè”, vốn là một “truyện kể dân gian”, nhưng lại có vần, có nhịp, có bản văn nhất định, nên cũng có thể xem như là một loại ca dao.
– Tục ngữ cũng thuộc loại văn chương truyền khẩu có lời văn nhất định, thường là câu nói hoàn chỉnh, ngắn gọn, truyền từ lâu đời. Tục ngữ là những lời ăn tiếng nói gọn ghẽ, dễ nhớ, ghi lại những nhận xét, kinh nghiệm hay triết lý hành động về cuộc sống hằng ngày, khả dĩ giúp cho người dân theo đó mà ăn ở, cư xử cho phải cách. Tục ngữ là đầu óc, là túi khôn của dân tộc.
2. Cách sưu tầm ca dao, tục ngữ, chuyện cổ dân tộc:
– Sau khi đã biết phân biệt ca dao, tục ngữ thì trong quá trình sưu tập, cần ghi chép riêng mỗi loại.
– Trong mỗi loại ca dao, tục ngữ, chuyện cổ còn phân ra các chủ đề:
+ Hiếu, nghĩa.
+ Tình yêu quê hương.
+ Cách đối nhân xử thế.
+ Sự tích, lịch sử.
+ Về Đạo pháp.
+ Hiện tượng tự nhiên, thời tiết,…
– Ghi lại ca dao, tục ngữ, chuyện cổ từ sách, từ nguồn thông tin nào đó đáng tin cậy trên mạng truyền thông điện tử.
– Quá trình sưu tập, có thể gặp nhiều dị bản của cùng một bài ca dao, câu tục ngữ (khác nhau ở một hay vài từ nào đó), gặp nhiều dị bản của cùng một chuyện cổ. Ghi chép các dị bản cùng một chổ và ghi nhận xét của mình về các dị bản.
– Trao đổi thông tin với các bạn đoàn, các Huynh trưởng thông qua mạng truyền thông hoặc các bài viết tay để cùng xác định tính hợp lý của các dị bản và làm phong phú phần sưu tập của mình. Qua sưu tập, càng thấy giá trị văn hóa trong kho tàng ca dao, tục ngữ, chuyện cổ của dân tộc.
II. KỂ CHUYỆN CHO ĐỘI, CHÚNG.
Ở Bậc Sơ Thiện đã được hướng dẫn kể chuyện diễn cảm cho Đội, Chúng. Ở đây nhắc lại các bước chuẩn bị và thực hành kể chuyện cho Đội, Chúng:
1. Chuẩn bị:
– Đoàn sinh đọc trước một mẩu chuyện, chẳng hạn một mẩu chuyện tiền thân, chuyện đạo, gương hiếu học, gương người tốt việc tốt, chuyện cổ dân tộc,…
– Tìm hiểu kỹ mẩu chuyện:
+ Đại ý của mẩu chuyện, bố cục của mẩu chuyện, ý chính của mỗi phần.
+ Mẩu chuyện có bao nhiêu nhân vật, độ tuổi, vai trò và cá tính của mỗi nhân vật. Suy đoán độ tuổi và dáng điệu của nhân vật.
– Tập trước kể lại mẩu chuyện, kể nhiều lần cho thuộc và nhập được vai của mỗi nhân vật.
– Cảm nhận được ý nghĩa của mẩu chuyện mà mình sẽ kể có tác động giáo dục gì đến bạn đoàn và với chính mình.
2. Tập kể chuyện:
– Đoàn sinh kể lại mẩu chuyện đã chuẩn bị trên.
Chú ý:
+ Giọng đọc rõ ràng, kết hợp với điệu bộ mà biểu cảm theo tính cách của nhân vật, đôi khi cần phải giả giọng của nhân vật, tiếng chim, tiếng cười hiền hòa, tiếng cười gian ác…
+ Giọng đọc biểu thị thái độ tình cảm của người kể đối với nhân vật chính diện, phản diện. Truyền cảm thụ giáo dục của câu chuyện đến với người nghe và với chính mình (tự giáo dục).
+ Tổ chức các nhóm Đoàn sinh làm “giám khảo” như một cuộc thi để thêm phần hào hứng.
III. TẬP DIỄN THUYẾT
Diễn thuyết là trình bày bằng lời nói một cách có mạch lạc về một vấn đề nào đó trước công chúng.
Tập diễn thuyết trong Đội, Chúng là những phương cách trao đổi ý tưởng và thông tin trong Đội, Chúng. Diễn thuyết chứa đựng trong đó cả cá tính của người nói và cho phép các thành viên trong Đội, Chúng có thể chất vấn trực tiếp với nhau về vấn đề đang trao đổi.
Trong tinh thần Lục Hòa, “kiến hòa đồng giải” và “ý hòa đồng duyệt”, tập diễn thuyết trong Đội, Chúng là phương cách giúp nhau gỡ những vướng mắc trong tu học. Người nêu đề tài và trình bày kiến giải của mình để thuyết phục người khác, người phản biện biết đặt lại vấn đề và đòi hỏi minh chứng để cùng nhau thấu triệt,…  cùng nhau làm cho sáng rõ nhận thức, khai mở trí tuệ để tuệ giác ngày càng tỏ ngộ.
1- Các bước cần thiết để chuẩn bị cho một bài thuyết trình trong Đoàn đạt hiệu quả.
a.  Xác định đối tượng: Ai và bao nhiêu người sẽ tham dự? (Đội, Chúng viên và Huynh trưởng với số lượng không nhiều hơn số lượng trong Đoàn).
b. Công chúng đã biết gì về chủ đề mà bạn chuẩn bị diễn thuyết? (công chúng biết cũng gần như bạn, riêng bạn có vấn đề gì mới, vấn đề cần chia xẻ).
c. Xác định rõ mục đích của buổi thuyết trình, chẳng hạn trình bày về hạnh bố thí trong ngày hiến máu nhân đạo, ngày làm sạch môi trường,…
d. Xác định những điểm chính mà bạn mong muốn người nghe sẽ nắm bắt được (có như vậy bạn mới tìm ra phương thức nhấn mạnh những nội dung quan trọng trong bài thuyết trình).
e. Xây dựng dàn ‎bài thuyết trình đầy đủ 3 phần : giới thiệu, nội dung và kết luận:
1/ Lời mở đầu giới thiệu thu hút chú ý: Dùng một câu hỏi, câu nói gây ngạc nhiên, hoặc đề cập vấn đề liên quan để gợi lên mối quan tâm của khán giả (ví dụ: “người ta hay nói “trong hoa có rác, trong rác có hoa” – hoa rồi sẽ trở thành rác và từ rác ấy nếu biết chuyển hóa ta sẽ làm cho nó trở thành hữu ích giúp cho cây trổ hoa”,…).
Phần này chiếm khoảng 5-10% của bài nói.
2/ Nội dung:  Các ý then chốt, bài diễn thuyết chỉ cần từ 4- 6 ý và có minh chứng, ví dụ như những số liệu thống kê, giấy chứng nhận, minh chứng hay phép so sánh. Đảm bảo rằng những ý mấu chốt đều phục vụ cho một thông điệp duy nhất của thuyết trình.
Phần này chiếm khoảng 80% – 85% của bài nói.
3/ Lời kết ấn tượng, có thể kết bài bằng cách tóm tắt hay nhắc lại thông điệp hoặc để lại một kết mở cho khán giả. Phần kết mà có thể liên hệ lại phần mở đầu cũng rất hiệu quả. Dù chọn kiểu nào thì hãy chắc rằng bạn đang nói cho khán giả biết điều bạn muốn họ làm.
Phần này chỉ chiếm 5% – 10% của bài nói.
g. Thực hành – Xem lại nội dung, diễn thử và lắng nghe phản hồi cho bài diễn thuyết, xây dựng lòng nhiệt tình và sự tự tin để diễn thuyết. Tập dượt để đảm bảo rằng không vượt quá thời gian cho phép; nếu cần thì hãy dành thêm thời gian cho việc đặt câu hỏi.
h. Xác định thời lượng cho từng phần của bài thuyết trình. Điều này khá quan trọng, bởi tâm lí người nghe là không muốn nghe bài nói chuyện quá dài dù nó có hấp dẫn đến đâu. Đặc biệt nếu hạn hẹp về thời gian thì bạn phải phân bổ thời lượng hợp lí để có thời gian đi sâu vào phần quan trọng nhất.
2. Tập kỹ năng diễn thuyết
a. Giọng nói:
Sử dụng lời nói để trình bày vấn đề trước Đội, Chúng (hay rộng ra trước công chúng), do vậy giọng nói được coi là công cụ giá trị nhất của người diễn thuyết. Nó chứa đựng hầu hết nội dung mà người nghe thu nhận. Những điểm cần để ý của một giọng nói:
Âm lượng: Khi trình bày, âm lượng phát ra có lúc to lúc nhỏ, hạ giọng khi muốn lôi kéo người nghe và lên giọng khi muốn nhấn mạnh một điểm nào đó. Dù là nói to hay nói nhỏ thì vẫn phải đủ để người nghe có thể nghe được mà người nói không phải hét lên.
Sắc thái: Đó là cá tính của mỗi âm thanh. Một giọng nói có sắc thái lo sợ cũng sẽ khiến người nghe lo sợ theo, trong khi một giọng nói vui tươi sẽ khiến người nghe mỉm cười. Tùy ở nội dung trình bày mà sử dụng sắc thái âm thanh phù hợp nhưng không thể thiếu được đó là sự thành thật.
Cao độ: Đó là độ cao thấp của giọng nói, không ai giống ai. Không nên cố đổi theo một giọng nào đó.
Nhịp điệu: Đó là trường độ của âm thanh phát ra. Nói nhanh sẽ khiến từ và âm tiết được phát âm ngắn, trong khi nói chậm sẽ khiến chúng bị kéo dài. Không nên giữ một nhịp điệu đều đều đơn điệu, biết điều chỉnh nhịp điệu nói sẽ duy trì được sự chú ý của người nghe.
Màu sắc: Hãy kiểm chứng và cảm nhận yếu tố này bằng cách nói câu “Điều này sẽ thú vị lắm đây” với nhiều cảm xúc khác nhau: đầu tiên là ngạc nhiên, sau đó là mỉa mai, rồi buồn bã và cuối cùng là giận dữ. Cùng một câu nói nhưng cảm xúc bạn lồng vào đó sẽ khiến câu nói tạo ra những hiệu quả khác nhau.
b. Ngôn ngữ tác phong, cơ thể:
Khi diễn thuyết, công chúng không chỉ muốn nghe mà còn muốn nhìn người trình bày. Tác phong, cơ thể người diễn thuyết có thể tạo ra những ấn tượng giao tiếp rất khác nhau đối với công chúng. Sau đây là những điều cần chú ý khi bạn diễn thuyết:
Dáng điệu tốt – ngôn ngữ đầu tiên truyền thông điệp đến công chúng rằng bạn biết mình đang làm gì và thật sự quan tâm sâu sắc đến điều đó. Ngược lại, sự luộm thuộm sẽ khiến khán giả nghĩ bạn quá bàng quan hoặc không quan tâm… cho dù thực tế bạn cũng quan tâm rất nhiều.
Sự giao tiếp bằng mắt: Điều này giúp bạn điều chỉnh dòng chảy giao tiếp, truyền đi cả mối quan tâm, sự ấm áp và sự tin cậy một cách thành thật. Đó là dấu hiệu cho thấy bạn quan tâm đến công chúng và khiến bạn trở nên đáng tin cậy hơn.
Biểu hiện trên khuôn mặt: Nụ cười có sức mạnh lan truyền niềm hạnh phúc, sự thân thiện, hơi ấm và sự thích thú. Vì thế, nếu khuôn mặt rạng rỡ, tươi tắn và nụ cười mở ra đúng lúc tùy theo nội dung chính đã được minh chứng, bạn sẽ trở nên đáng yêu, thân thiện, ấm áp và dễ gần hơn trong mắt công chúng. Nụ cười có tính lây lan và vì thế, người khác sẽ mỉm cười đáp lại bạn. Họ sẽ cảm thấy thoải mái và muốn nghe bạn nói thêm nữa.
Điệu bộ, cử chỉ: Nếu bạn không có một điệu bộ cử chỉ nào trong khi nói, công chúng sẽ cảm thấy bạn là người tẻ nhạt và cứng nhắc. Một phong cách nói sống động sẽ khiến công chúng chú ý, giúp cho những số liệu khô khan trở nên thú vị, và công chúng cũng dễ dàng hiểu những gì bạn nói hơn.
Sự gần gũi: Trong một không gian hẹp, nên chú ý những dấu hiệu khó chịu khi người nói xâm phạm không gian của người khác, như đung đưa, nhún nhảy, vỗ vai hay nhìn chằm chằm. Còn trong một không gian rộng sẽ tạo ra khoảng cách giữa người diễn thuyết với công chúng. Để khắc phục, hãy đi lại để tăng sự tương tác. Sự gần gũi cũng cho phép bạn giao tiếp bằng mắt tốt hơn và tạo thêm cơ hội cho những người khác được phát biểu ý kiến.
CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Diễn thuyết và báo cáo cũng đều trao đổi thông tin đến người nghe. Diễn thuyết và báo cáo khác nhau ở những điểm nào?

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.