HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI (Bậc Sơ Thiện) TRÁNH MÊ TÍN DỊ ĐOAN

TRÁNH MÊ TÍN DỊ ĐOAN

 
Mê tín dị đoan là tin tưởng một cách mù quáng, thiếu sự suy xét của lý trí, không có cơ sở khoa học vào một chuyện nào đó mà không hiểu thấu đáo vấn đề, không kiểm chứng được hệ quả và cũng không chứng minh được sự thực.  
Mê tín dị đoan sinh ra và tích lũy lại từ sự thiếu hiểu biết của con người trong những niên đại mà khoa học chưa được xác lập hay phát triển. Bản năng tự nhiên và nhu cầu sinh tồn của con người thúc đẩy họ phải tìm ra những giải thích thỏa đáng cho chính họ về những hiện tượng xảy ra chung quanh. (Ví dụ người xưa thờ thần sấm, thần sét, thần lửa,… kèm với các hiện tượng thường gặp có ảnh hưởng trong đời sống).
Một số tập tục được cho là mê tín có thể từ những luật lệ trong xã hội ngày xưa hay từ những đúc kết thông qua thực nghiệm thống kê của người xưa và truyền khẩu bằng những câu tục ngữ cho con cháu dễ nhớ để làm và tránh những tai vạ. Nhưng lâu ngày rồi ý nghĩa của những điều nầy bị quên lãng đi và người ta chỉ còn biết rằng phải làm như thế này thế nọ, nếu không làm sẽ gặp chuyện không may. (Ví dụ “Mùng 5, 14, 23 đi chơi cũng lỗ nói chi là đi buôn”).
1. Những hình thức mê tín dị đoan thường thấy ngày nay: là các hủ tục đốt giấy vàng mã, cúng tế đồng bóng khi bị bệnh, chữa bệnh bằng tàn hương, nước lã, bùa phép, bói toán, lên đồng…
Những hủ tục mê tín dị đoan không dễ dàng xóa bỏ bởi tự trong tâm ta còn nhiều tham đắm, vô minh ngăn che, còn sợ hãi về một điều gì đó mơ hồ. Chính vì thế mà có chỗ cho mê tín trở thành những thói quen phiền toái, tốn kém.
2. Phương pháp phòng tránh mê tín dị đoan:
Tìm hiểu để biết cho rõ một số tập tục, cái nào là hủ tục mê tín dị đoan – cần bỏ, cái nào là mỹ tục có tính giáo dục hành vi đạo đức lối sống con người – cần phát huy.
Chúng ta phải có lòng tin chân thật gọi là Chánh Tín, tin lẽ phải, tin luật nhân quả, tin lý vô thường, vô ngã, tin theo gương sáng của Phật, tin theo lời Phật, kinh Phật tức là Pháp, tin theo đời sống thanh tịnh hòa hợp của chư Tăng.
Trong Kinh Tăng Chi Bộ I, Đức Phật dạy: “…chớ vội tin vì nghe truyền thuyết, chớ vội tin vì theo truyền thống, chớ vội tin vì được kinh điển truyền tụng, chớ vội tin vì lý luận siêu hình, chớ vội tin vì đúng theo một lập trường, chớ vội tin vì phù hợp với định kiến, chớ vội tin vì xuất phát từ nơi có uy quyền và chớ vội tin vì vị Sa môn nói ra những lời ấy là bậc đạo sư của mình.”
Đức Phật còn dạy khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này là bất thiện, là tội lỗi; các pháp này bị những người có trí chỉ trích; các pháp này nếu chấp nhận và thực hiện đưa đến bất hạnh và khổ đau, thì hãy từ bỏ chúng”. Và khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này là thiện, là không có tội lỗi; các pháp này được những người có trí tán thán; các pháp này nếu chấp nhận và thực hiện đưa đến hạnh phúc và an lạc, thì hãy chứng đạt và an trú”
Là người Phật tử, chúng ta phải tinh tấn tu học để thấm nhuần giáo lý của Đức Phật, đi trong Chánh pháp và hướng dẫn người khác cùng đi trong Chánh pháp, mong mình cùng mọi người thoát khỏi những mê mờ trần thế, đi vào con đường an lạc, giải thoát.
Trong kinh Nguyên Thuỷ, Đức Phật đã dạy rằng:
“Ai hành trì chánh Pháp
Là cúng dường Đức Phật
Bằng cách cao quí nhất
Trong các sự cúng dường…”

Pháp mà Ngài dạy có thể tóm lược trong ba điều, đã trở thành quen thuộc với mọi người Phật tử:
“Không làm các việc ác
Siêng làm các việc lành
Giữ tâm ý thanh tịnh…”
Như vậy, nếu mỗi Phật tử đều hành trì ba điều Đức Phật dạy kể trên thì giờ nào, ngày nào, tháng nào hay năm nào mà chúng ta làm điều thiện cũng đều là giờ tốt, ngày tốt, tháng tốt, năm tốt cả, còn nếu chúng ta làm điều xấu ác như trộm cắp, phạm tội thì chắc chắn sẽ gặp tai họa.
Và hành trì như thế mới là cách cúng dường cao quý nhất trong các cách cúng dường Đức Phật.

Ghi nhớ:
Chúng ta không thực hiện các hình thức mê tín dị đoan như cầu cúng đốt giấy vàng mã, tin vào những lời bói toán nhảm nhí…
Thực hành:
Hãy sống phù hợp với xã hội khoa học hiện đại,  thường  xuyên tìm hiểu và hành trì giáo lý của Đức Phật để đi đúng Chánh pháp.
 
CÂU HỎI ÔN TẬP 

  1. Phân biệt mê tín và chánh tín ?
  2. Mê tín dị đoan có tác hại gì ?
  3. Tránh mê tín dị đoan bằng cách nào ?
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.