TỔ CHỨC THI VƯỢT BẬC CHO ĐOÀN SINH

TỔ CHỨC THI VƯỢT BẬC CHO ĐOÀN SINH

Thông thường, bất cứ các đoàn thể, tổ chức nào có chương trình học tập, các khoá học, các lớp huấn luyện thì sau khi hoàn tất chương trình thường tổ chức các kỳ thi, khảo hạch nhằm kiểm tra, đánh giá trình độ tiếp thu của người học và kết quả của việc giảng dạy, huấn luyện đào tạo.
Gia Đình Phật Tử cũng vậy, là một tổ chức giáo dục có phân chia nhiều ngành, mỗi ngành có nhiều bậc học tức nhiều trình độ khác nhau, mỗi bậc có chương trình tu học theo thời gian nhất định mà với ngành Thiếu, ngành Oanh thời gian mỗi bậc học thường là 1 năm. Cho nên sau 1 năm tu học chúng ta thường tổ chức các kỳ thi kiểm tra chất lượng tu học gọi là Thi Vượt Bậc 

I. Ý NGHĨA MỤC ĐÍCH THI VƯỢT BẬC:
Thi vượt bậc nghĩa là chúng ta đã hoàn tất chương trình tu học của một bậc và làm một cầu nối cho các em tiến lên tu học ở bậc trên bằng một cuộc kiểm tra sát hạch cuối năm. Vậy thi vượt bậc nhằm các mục đích sau:
– Hoàn tất chương trình bậc học
– Kiểm tra chất lượng, đánh giá mức độ tiếp thu nội dung chương trình tu học của Huynh trưởng, đoàn sinh (ở đây nói về các đoàn sinh).
– Động viên tinh thần, tạo niềm phấn khởi cho các đoàn sinh hăng hái tích cực học tiếp lên bậc trên.
– Đồng thời đánh giá kết quả sinh hoạt của các đơn vị GĐPT, hiệu quả điều khiển dạy dỗ, năng lực và tinh thần trách nhiệm của Ban Huynh trưởng nói chung, Huynh trưởng các đoàn nói riêng, đặc biệt là LĐT.

II. QUYỀN HẠN VÀ PHẠM VI TỔ CHỨC:
– Để có sự thống nhất và nề nếp, thì kỳ thi vượt bậc (TVB) hàng năm do BHD tỉnh tổ chức đồng loạt theo kế hoạch nhất định.
– Đơn vị GĐPT hoặc liên gia đình có thể tổ chức Thi vượt bậc với điều kiện có ít nhất 2 Huynh trưởng cấp Tập (hoặc A Dục) được BHD chấp thuận và chỉ cho các bậc Mở Mắt, Cánh Mềm, Hướng Thiện.
– Ngoài ra ở cấp Gia đình, LĐT và đoàn trưởng có thể tổ chức ôn tập thi thử trước khi BHD mở kỳ thi chung cho toàn tỉnh.

III. LIÊN ĐOÀN TRƯỞNG VỚI VIỆC THI VƯỢT BẬC:
Để việc tổ chức, hoặc cho các em dự TVB chung có ý nghĩa và kết quả tốt, LĐT cần am hiểu mấy điểm cơ bản sau:
1. Tinh thần chung về TVB:
Như mục đích của việc thi vượt bậc, LĐT phải có trách nhiệm chính:
– Kiểm tra, đôn đốc Huynh trưởng các đoàn thực hiện đúng, rốt ráo chương trình tu học hàng tuần hàng tháng và hoàn tất theo kế hoạch, chứ không để đợi đến gần kề ngày thi theo kế hoạch của BHD rồi bắt các em học tập vội vàng, nhồi nhét trong hai ba tuần thậm chí có khi trong vài ngày để cho các em đi thi, thật là tai hại.
– Dù là đơn vị tổ chức hoặc gửi các em đi TVB cũng phải giải thích ý nghĩa mục đích, động viên các em vui vẻ hăng hái tham gia chứ đừng nên “làm ra vẻ quá quan trọng và nghiêm khắc” khiến các em e sợ, thiếu tự tin tìm cách lẩn tránh.
– Hoặc có kế hoạch tổ chức TVB tại đơn vị, hoặc đôn đốc Huynh trưởng các đoàn thực hiện chỉ thị của BHD về TVB nghiêm túc và rố ráo, làm thế nào để có số lượng đoàn sinh dự thi cao nhất.
2. Những việc nên làm và nên tránh lúc các em TVB:
– LĐT phải bố trí phân công, đôn đốc dặn dò Huynh trưởng các đoàn động viên hướng dẫn các em đến địa điểm thi được đông đủ an toàn, nhất là đối với Oanh vũ, không bỏ mặc các em tự liệu.
– Chỉ cho các em TVB theo thứ tự từng bậc, “tuyệt đối không để các em bỏ qua bậc dưới mà thi bậc trên”.
– LĐT sẵn sàng tham gia vào hội đồng giám khảo, giám thị, và thi hành nhiệm vụ trong tinh thần trách nhiệm nghiêm túc, công bằng vô tư. Tuyệt đối không nhắc bài cho bất cứ đoàn sinh nào, nhất là thuộc đơn vị mình vì nếu làm như vậy sẽ gây ấn tượng không tốt, suy nghĩ không lành mạnh của các em đối với Huynh trưởng. Không nên tỏ ra ghen tị, khích bác khi đoàn sinh đơn vị bạn đạt kết quả cao hơn đơn vị mình, gấy bất hoà mất đoàn kết.
– Không nên bàn tán bình phẩm về đề thi, phê phán hội đồng thi nhất là trước mặt đoàn sinh. Không có bất cứ hành động thái độ gì làm mất trật tự “phòng thi”, làm ảnh hưởng xấu đến tinh thần các em và kết quả cuộc thi.
– Sau khi thi xong, phải khéo léo động viên khen ngợi các em, không chỉ trích la mắng các em, không chê bai hội đồng thi hay đơn vị bạn.
– Phải giải thích cho Huynh trưởng các đoàn quán triệt và thực hiện nghiêm những điều trên.
– Nếu có em nào phàn nàn điều gì thì nên giải thích khéo léo nhẹ nhàng động viên trong tinh thần tôn trọng kỷ luật, đề cao danh dự tổ chức.

IV. TỔ CHỨC THI VƯỢT BẬC:
Đây đề cập đến các điều LĐT cần nắm rõ khi muốn tổ chức TVB riêng tại đơn vị hay liên gia đình.
1. Chuẩn bị:
LĐT, LĐP thống nhất trước với Gia trưởng các công việc sau:
* Họp BHT bàn kế hoạch, dự liệu các bậc thi, số lượng đoàn sinh thi, định ngày giờ, địa điểm, cử Hội đồng thi gồm có:
– Chủ tịch hội đồng (thường là Gia trưởng hoặc LĐT)
– Phó chủ tịch, Thư ký, một số giám khảo (chấm thi), một số giám thị (coi thi)
– Thông báo cho đoàn sinh sẵn sàng tinh thần tham dự.
* Xin phép BHD (nếu ở gần phải trước 10 ngày. Nếu ở xa có thể trực tiếp xin ý kiến chỉ đạo, nhận đề thi, chứng chỉ cùng một lúc tuỳ theo điều kiện).
* Chuẩn bị giấy thi, bảng đen, phấn, danh sách đoàn sinh các bậc.
* Đề thi: Tuỳ theo chỉ đạo của BHD, đề thi hoặc do BHD cung cấp hoặc uỷ nhiệm đơn vị tự soạn.
Nếu tự soạn thì có mấy điểm cần nhớ về đề thi: Chỉ có 2 môn:
– Phật pháp: Thời gian 90 phút với ngành Thiếu, 60 phút với ngành Oanh. Gồm 5 câu hỏi: Mỗi câu 4 điểm. Cộng 20 điểm
– Hoạt động thanh niên: Thời gian 60 phút (kể cả văn nghệ, xã hội). Gồm 5 câu, mỗi câu 2 điểm. Cộng 10 điểm.
Tổng cộng 30 điểm
Đề thi do Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng phối hợp ra câu, và cho vào phong bì từng bậc, từng môn, niêm kín, chỉ được đem ra vào giờ thi.
* Biểu mẫu danh sách đoàn sinh TVB như sau:
Mẫu 1:

 Mẫu 2:
 

Mẫu 3:
 

2. Thực hiện cuộc thi:
– Trước khi thi phải tập trung các em. Sau phần nghi lễ (Lễ Phật-Lễ Đoàn), giới thiệu Ban giám khảo, giải thích qua ý nghĩa mục đích tinh thần cuộc TVB và động viên khích lệ các em.
– Bố trí địa điểm, lớp thi cho phù hợp.
– Giữ trang nghiêm, trật tự, kỷ luật, các quy định khác như giờ thi, hiệu lệnh bắt đầu thi, chấm dứt cuộc thi …
– Giám thị giải thích cho các em rõ cách ghi phần đầu bài thi (Họ tên …)
– Tuân thủ các nguyên tắc tinh thần cuộc thi như đã nói trên.
– Khi thu bài, giám thị phải kiểm tra phần ghi họ tên các em có đầy đủ không. Đếm số lượng bài thi có đủ không. Chú ý các em làm 2 tờ giấy chớ nên để thất lạc, lẫn lộn.
– Bài thi phải nạp ngay cho Chủ tịch HĐGK.
– Kết thúc cuộc thi: Tập trung các em, Chủ tịch HĐGK tỏ lời khen ngợi các em, khuyên các em cố gắng tinh tấn trước khi hồi hướng dây thân ái.
– Sau khi các em ra về, Chủ tịch HĐGK triệu tập ngay các Giám khảo để chấm bài, sau khi đã giải thích cách chấm theo bản đáp án. Cần phải hoàn tất việc chấm và tổng kết trong ngày.
3. Ban hành quyết định và cấp chứng chỉ:
Sau khi thi, Hội đồng thi lập danh sách, kết quả thông qua toàn BHT. Sau đó đơn vị đệ trình BHD xin ban hành quyết định và cấp chứng chỉ trúng cách.
4. Công bố kết quả, khen thưởng:
Sau khi nhận quyết định, chứng chỉ, đơn vị họp bàn để tổ chức công bố kết quả khen thưởng động viên các em hoặc lễ thọ cấp bậc, chuẩn bị cho các em tiếp tục tu học bậc trên.
– Thời gian, địa điểm
– Phân công nhiệm vụ
– Chương trình buổi lễ (như đã nói ở đề tài tổ chức lễ lược
– Mua sắm phần thưởng (nếu có điều kiện)
– Phù hiệu bậc học (em nào trúng cách bậc dưới, khi nhận chứng chỉ sẽ được mang cấp hiệu bậc trên liền kề)

KẾT LUẬN:
Thi vượt bậc là một phương tiện, một hình thức nhằm đánh giá kết quả tu học của đoàn sinh, giáo dục các đức tính tốt (siêng năng, thật thà, ngay thẳng, tự lập …) động viên các em thêm tinh tấn, đồng thời thể hiện khả năng ý thức trách nhiệm, tinh thần kỷ luật của Huynh trưởng đoàn nói riêng của toàn đơn vị nói chung, trong đó có cả trách nhiệm và tài năng, tâm huyết của người LĐT, LĐP vậy.
 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.