TÁC DỤNG CỦA LỜI KHEN, TIẾNG CHÊ

Kính thưa quý độc giả cùng quý AC Lam viên. Ban biên tập Góc Vườn Lam vừa nhận được bài viết: “TÁC DỤNG CỦA LỜI  KHEN, TIẾNG CHÊ” của Huynh trưởng  cấp Dũng Tâm Giới Phan Ngọc Thảo, xin đăng tải để quý độc giả và Lam viên gần xa cùng tham khảo.

Tâm Thường Trần Khanh

A. DẪN NHẬP:

Từ khi chào đời, mỗi cá nhân trong chúng ta nhận được sự đánh giá của những người xung quanh: đẹp trai,xinh gái, dễ thương, kháu khỉnh….. dễ ghét, dễ yêu….

Cả đời mỗi người nhận về mình vô số những lời  bình phẩm.

Những lời khen tiếng chê có nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, không ai giống ai,

Có lời khen đưa con người vượt lên chính mình, vượt  qua số phận nghiệt ngã  trở thành người hữu ích, người thành đạt.

Có những lời khen khiến cho đối tượng  được khen trở thành kẻ bất hảo, làm hại xã hội

Có lời chê thức tỉnh ngay đối tượng, trở thành người  tốt.

Có lời chê đưa đôí tượng đến bờ vực thẳm , kết thúc cuộc đời hoặc trở thành kẻ gian ác.

B. TÁC DỤNG CỦA VIỆC GÓP Ý, PHÊ BÌNH

Góp ý phê bình là con dao 2 lưỡi, tổ chức nào muốn phát triển phải nghiêm túc thực hiện việc đánh giá con người hàng quý, sáu tháng, hàng năm với tinh thần cầu thị, công bằng, nếu thực hiện  có hệ thống thì cơ quan,đoàn thể đó phát triển và ngược lại.

  1. Khen: Tâm lý chung ai cũng thích được khen, nhưng khen có 2 cung bậc khác nhau.

  2. Khen đúng: đối tượng được khen phấn khởi làm việc, phục vụ tốt hơn, có hiệu quả hơn.

  3. Khen sai:

* Người khen là cấp trên, nếu đối tượng được khen có bản lĩnh thì bình thản, cảnh giác, nếu đối tượng được khen chưa có kinh nghiệm sống, thì vội mừng rỡ cho mình là người có năng lực, lún sâu vào sai lầm, hậu quả khó lường

* Người khen là bạn bè, người cùng cơ quan, nếu người được khen có nhân cách thì phân tích chối từ lời khen, nếu người được khen là người hám danh thì  hể hả  mừng vui, càng tự cao, tự đại

  1. Chê: (lời khuyên)

Người đời thường nói: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” và người xưa dặn “Bạn  phải uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” (il faut  tournes sept fois sa lange avant de parler) (&)

Chọn lọc và đưa ra lời góp ý, lời khuyên không dễ dàng gì,  nên chúng ta phải lựa thời điểm, lựa lời nói, ngữ điệu và đặc biệt là tính chân tình thì mới cảm hóa được  đối tượng

  1. Tâm thế của người góp ý:

Khen chê là nghệ thuật sống nhưng cáí gốc của vấn đề là tâm của người góp ý và thái độ của người được góp ý. Nếu tâm ta vắng lặng sự đố kỵ, định kiến thì sự phê bình có ý nghĩa tích cực, lời khuyên được chấp nhận (ý nghĩ chân chính=>lời nói trung thực=> tác động tích cực). Nếu ta góp ý mà tâm ta mang nặng định kiến  thì việc góp ý khó thành tựu.

4.Tâm thế của người được góp ý:

  1. Thở thật sâu, mỉm cười với chính mình, lắng nghe với lòng cầu thị

  2. Ghi nhớ: có thể ghi chép lời góp ý

  3. Bình tỉnh, suy nghĩ và trả lời chậm rãi, ngắn gọn (ái ngữ là tiêu chí hàng đầu), bỏ qua lời chỉ trich nặng nề, chân tình ghi nhận lời phê bình đúng mang tính xây dựng, không phê phán người góp ý, xét thấy mình có lỗi thì hứa sửa mình hoặc sám hối.; nếu thấy mình bị oan thì thì xin cuộc họp xét lại, bản thân không phạm lỗi. (lời lẽ tha thiết chân thành)

5.Những điều nên tránh:

  1. Người góp ý nói lòng vòng, có ý mĩa mai mà không đi thẳng vào việc chính là góp ý.. Ví dụ: “Tôi nghĩ anh là người trí thức (học lớp 11/12) đã thọ cấp cao (Tín) mà hay đi họp trễ!!!”.- Đáng lẽ nên nói thẳng: “Tôi nghĩ anh là Huynh trưởng có cấp cần làm gương cho Huynh trưởng trẻ”.

Người góp ý mĩa mai là sai, nhưng người được góp ý phản bác mạnh mẽ lại càng sai dẫn đến đỗ vỡ…..tốt nhất người được góp ý nhận lỗi đi trễ đồng thời nói  rằng: “Việc tôi đi họp trễ không liên quan đế trình độ văn hóa và cấp bậc. tôi xin sám hối việc hay đi hop trễ”.

a  Đừng phê phán nặng lời nơi chỗ đông người
b. Đừng thể hiện sự giận dữ mất bình tĩnh
C. ỨNG PHÓ THẾ NÀO VỚI TÁM NGỌN GIÓ ĐỜI (BÁT THẾ PHONG)
1.Tóm tắt ý nghĩa:

8 ngọn gió đời tạm chia thành 4 cặp đối lập: (LỢI-AI; HỦY-DỰ; XƯNG-CƠ; KHỔ-LẠC)

*LỢI: Lợi lộc, có lợi thì vui

*AI (Suy): Buồn thảm,hao tổn, gặp bất lợi thì buồn

*HỦY: Nói xấu, lo ngại người khác nói xấu về minh

*DỰ: Khen gián tiếp, mong nghe dư luận tốt

*XƯNG: Khen tặng (trực tiếp) nhận được khen thưởng thì vui

*CƠ: Chê trách trực tiếp, buồn không muốn tiếp xúc

*KHỔ: Hoạn nạn, nghịch cảnh,  gặp chuyện buồn thì đau khổ

*LẠC: Thân tâm vui vẻ,  gặp chuyện vui thì  hào hứng.

  1. Ứng phó như thế nào?

Đối với các bậc Thánh Tăng thì các ngài tĩnh lặng trước 8 ngọn gió đời, đối với những người phàm phu như chúng ta, việc ứng phó với bát thế phong không dễ dàng gì. Xin kể giai thoại  giữa Thiền sư Phật Ấn và Tô Đông Pha (nhà thơ lỗi lạc, nhà Phật học uyên bác, nguyên Tể tướng Tống triều).

Câu chuyện thứ nhất: Vốn là 2 người bạn tâm giao, Ngài Tô Đông Pha về Hàng Châu thăm Ngài Phật Ấn, trong buổi trà đạo, ngài Tô Đông Pha tâm sự: “bây giờ tôi về hưu rồi nên phớt qua tám ngọn gió đời để lòng thanh thản rong chơi và làm thơ thưởng ngoạn”. Mấy ngày sau Thiền sư Phật Ấn nhận được bài thơ của Ngài Tô Đông Pha yêu cầu lời bình của Ngài, Thiền sư mỉm cười rồi viết: “fang pi” (có nghĩa như cái đánh rấm). Xem bài thơ quá tệ, cái “ta” của Tô Đông Pha bị tổn thương, nhà thơ liền đến phản đối Thiền sư. Để cho Tô Đông Pha nguôi cơn giận, Ngài bảo: “ông đã phớt qua 8 ngọn gió đời rồi kia mà” Tô Đông Pha giật mình tự nhủ “mình thua ông thầy tu nầy rồi

Câu chuyện thứ hai: Một hôm đang uống trà, Tô Đông Pha hỏi Ngài Phật Ấn “Ngài xem tôi thế nào?” Ngài Phật Ấn bảo: “Ông giống Đức Phật”, Tô Đông Pha vui mừng ra mặt, Ngài Phật Ấn lai hỏi “Ông thấy tôi thế nào ?” Tô Đông Pha trả lời “Mặt thầy giống đống phân bò”, Ngài Phật Ấn mỉm cười và cuộc trò chuyện tiếp tục, trong thâm  tâm Tô Đông Pha cho mình đã thắng cuộc và xin phép về sớm có việc, việc đó chính là để gặp cô em Tô Tỉ muội để khoe. Tô Đông Pha bảo “Hôm nay anh thắng thầy Phật Ấn rồi”  nghe anh kể xong, cô cười lớn bảo “anh lại thua nữa rồi, vì tâm của Ngài Phật Ân là tâm Phật nên thấy anh giống Phật còn tâm anh là tâm  phân bò nên thấy Thầy là phân bò” nghe cô em, nhà Phật học thông tuệ, giải thích chí lý, lòng Tô Đông Pha nặng trĩu ra về.

Thưa chư vị, thưa quý anh chị trưởng!

Người có nhân cách lớn như Tô Đông Pha mà không vượt qua nỗi lời phê bình  chân tình, dí dỏm của vị Thiền sư, còn người phàm phu thì khó lường hậu quả. May thay các vị ấy đã  hiểu sâu giáo lý Phật Đà nên mối quan hệ tốt đep như xưa.

D. VIỆC AN TRÚ TÂM

Chỉ có tu học và hành trì giáo lý Phật  Đà  thì chúng ta mới vượt thắng 8 ngọn gió đời, sống ung dung trong cảnh giới vô thường, tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến.

Việc đối nhân xử thế của người Phật tử sẽ dễ dàng hơn vì họ được hiểu luật Nhân Qủa, Bát chánh đạo, Tứ nhiếp pháp, Thập thiện nghiệp và Tứ vô lượng tâm…..nên việc khen chê đều đem lại lợi lạc cho nhiều người. Mỗi người cần thực hiện việc an trú tâm trước khi phát biểu sẽ giảm thiểu những bất hòa, tiêu cực. Nên chăng cần áp dụng pháp môn Thiền Tịnh song tu vào cuộc sống vì:

+ Tinh yếu của Tịnh độ là Tín, Nguyện, Hạnh =>Nhất tâm bất loạn => Giải thoát

+Tinh yếu của Thiền  là  Giới, Định, Tuệ => Chứng ngộ => Giải thoát

Cốt yếu của Thiền và Tịnh là thấy Tánh, thấy tánh tức là thấy Tâm, thấy Tâm tức là thấy Phật. Khi người Phật tử, người Huynh trưởng có lòng bao dung như không gian vô cùng và trủng thấp như đại dương mênh mông thì Lời khen sẽ được hoan hỷ đón nhận và Tiếng chê được ghi nhận chân tình./.

Những ngày cuối Hạ năm Quý Mão. Phật lịch 2567

                     Thaophanngoc@gmail.com  ĐT : 0919462898

 

Ghi chú:

Tournes có dấu sắc trên chữ e.

 

 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.