Đề nghị tu chỉnh chương trình Tu học – Huấn luyện

A. MỤC ĐÍCH – Ý NGHĨA:
Chương trình tu học huấn luyện là phần chủ yếu của nền tảng giáo dục Gia đình Phật tử. Tất cả các sinh hoạt giáo dục đều từ đó mà triển khai. Để đạt được mục đích giáo dục Gia đình Phật tử, nội dung chương trình tu học huấn luyện phải dựa trên tinh thần các nguyên lý giáo dục và đường hướng giáo dục Phật giáo.
Đường hướng “Giới – Định – Tuệ” để hướng dẫn trong việc học tập thực hành và sống hướng đến “Chân – Thiện – Mỹ” (trên nền tảng của Bát chánh đạo).
Giáo dục Gia đình Phật tử dựa trên tinh thần nguyên lý, đường hướng nói trên là nền tảng kiến lập chương trình sinh hoạt, tu học huấn luyện cho Huynh trưởng và Đoàn sinh.
Gia đình Phật tử qua các giai đoạn hoạt động, đúc rút kinh nghiệm mà nhiều lần tu chỉnh nội dung tu học, huấn luyện, khai quang đường lối, cải tiến phương pháp giáo dục qua các kỳ Đại hội Huynh trưởng toàn quốc. Đặc biệt, Đại hội Huynh trưởng Khoáng Đại toàn quốc năm 1973 đã thông qua một chương trình tu học huấn luyện khá hoàn chỉnh. Chúng ta cần rà soát lại, rút kinh nghiệm để cải tiến nội dung chương trình tu học hiện hành cũng như vừa mới tu chỉnh để áp dụng vào sinh hoạt giáo dục Gia đình Phật tử cho phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay.
“Hội nghị Đại biểu Gia đình Phật tử toàn quốc trong các ngày 11,12,13 và 14.8.2006 vừa qua tại văn phòng II Trung ương Giáo hội thiền viện Quảng Đức, Tổ đình Vĩnh Nghiêm thành phố Hồ Chí Minh là Hội nghị tổng kết tất cả các thành tựu mà Gia đình Phật tử đã có được 60 năm qua, mở ra một con đường giáo dục của Gia đình Phật tử Việt Nam, phù hợp với con đường giáo dục Phật giáo xuyên suốt gần 3000 năm. Đó là lấy tam học “Giới – Định – Tuệ” làm định hướng giáo dục của Gia đình Phật tử. Từ định hướng này, cấu trúc chương trình tu học mỗi cấp, mỗi ngành tạo ra những chuyển động mới, tích cực hơn về mặt tu học, thực tiễn hơn và thích ứng hơn với bối cảnh của Gia đình Phật tử đứng trước một xã hội đang trên đà phát triển công nghiệp và hiện đại. Vì vậy chương trình tu học ngày nay của Gia đình Phật tử đơn giản hơn nhưng vẫn cung cấp đầy đủ kiến thức Phật học và cập nhật hóa các môn học còn lại, hầu bắt kịp đà tiến bộ trong đời sống con người và xã hội” (trích Lời nói đầu – Bản đề cương chương trình tu học và huấn luyện)
 
Từ ý nghĩa đó, chương trình tu học và huấn luyện thông qua Hội nghị Đại biểu năm 2006 về cấu trúc đường lối có những thay đổi, chuyển biến mới.
Mục đích chính của việc tu chỉnh chương trình tu học và huấn luyện là chỉnh sửa đề tài các bộ môn cho thích hợp với tình thế mới và đi sát hơn với định hướng giáo dục. Cấu trúc của nội dung chương trình vẫn giữ nguyên, trên nền tảng giáo dục xây dựng trước đây. Xác định như vậy để chúng ta có phương án biên soạn tài liệu tu học huấn luyện theo hướng cải tiến, bảo đảm nền tảng giáo dục Gia đình Phật tử mà chúng ta kế thừa, vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới phương thức sinh hoạt Gia đình Phật tử.
Trước khi chúng ta thảo luận góp ý tu chỉnh chương trình tu học huấn luyện. Chúng ta hãy điểm lại những kết quả đã nhật tu tài liệu tu học huấn luyện trong thời gian qua. Trong cuộc họp tổng kết Phật sự năm 2015 của Ban Hướng Dẫn Phân ban Gia đình Phật tử Trung ương và phương hướng năm 2016 tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm thành phố Hồ Chí Minh. Thường trực Ban Hướng Dẫn Trung ương đã phân công Huynh trưởng TÂM GIỚI chủ trì việc nhật tu tài liệu tu học và huấn luyện Huynh trưởng. Để có tài liệu thống nhất phát hành trong nhiệm kỳ 2012 – 2017. Tháng 12 năm 2016 tổ Nghiên huấn – Tu thư đã nhật tu hiệu đính tài liệu các bậc học và trại Huấn luyện Huynh trưởng và phát hành trên cả nước. Mặc dù tài liệu của chúng ta đã được nhật tu hiệu đính rồi nhưng chúng ta phải cập nhật cho phù hợp với điều kiện sinh hoạt của Gia đình Phật tử trong hiện tại và tương lai. Do đó, trong Hội nghị Huynh trưởng toàn quốc lần thứ XII này, các anh chị Huynh trưởng sẽ tập trung trí tuệ vì sự phát triển Gia đình Phật tử và thế hệ Đoàn sinh mai sau thuộc thế hệ kế thừa mà có những góp ý tích cực khả thi để tài liệu tu học huấn luyện của Gia đình Phật tử mỗi ngày một tốt hơn.
 
B. Ý KIẾN ĐỀ NGHỊ:
Sau đây chúng tôi xin có một số ý kiến đề nghị Hội nghị:
1. Nên đưa bớt những bài học ít liên quan đến việc huấn luyện tay nghề Huynh trưởng vào phần tu học.
* Trại Lộc Uyển: Phần B kiến thức tổ chức và điều khiển.
– Đề tài: Sơ lược về sự hình thành và phát triển của tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam.
Nên đưa đề tài này vào chương trình bậc Kiên.
* Trại A Dục: Phần B kiến thức về tổ chức và điều khiển.
– Đề tài: Cách soạn và hướng dẫn một bài học cho Đoàn sinh
Nên đưa chương trình này vào đề tài bậc Trì.
* Trại Huyền Trang: Phần A rèn chí
– Đề tài: Cuộc đời và sự nghiệp của Pháp sư Huyền Trang
Đề tài này đã có ở chương trình bậc Định rồi.
2. Độ tuổi dự trại:
* Trại Lộc Uyển: Tuổi tối thiểu là 18 cho Đoàn sinh lên, 20 tuổi cho thanh niên mới vào.
* Trại A Dục: Tuổi tối thiểu là 20 tuổi
* Trại Huyền Trang: Tuổi tối thiểu là 24 tuổi
3. Cần tăng thêm thời gian thực tập các bài học liên quan đến tổ chức, điều hành hướng dẫn việc tu học, sinh hoạt trong Gia đình Phật tử như: Các đề tài về tổ chức, quản trị, điều hành. Cần có thêm tiết cho trại sinh đi thăm, khảo sát học hỏi rút kinh nghiệm tại một số Gia đình cơ sở tiêu biểu. Soạn bài và hướng dẫn một bài học cho Đoàn sinh. Ngoài phần lý thuyết cần có giờ cho Huynh trưởng soạn bài, thực tập, kiến tập, giảng dạy, nên chọn vài Gia đình Phật tử cơ sở làm mẫu cho các buổi thực tập hay kiến tập này.
4. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế vào tháng 6 năm 2012, Ban Hướng Dẫn Phân ban Gia đình Phật tử tỉnh đã đổi mới công tác huấn luyện đưa trại sinh đi thực tập tại các Gia đình Phật tử cơ sở. Đây là một xu hướng tất yếu và hết sức tiến bộ của công tác đào tạo và huấn luyện Huynh trưởng trong thời đại mới vì công tác đào tạo luôn phải gắng liền lý thuyết với thực tiễn. Không những đưa trại sinh đi thực tập Ban Hướng Dẫn tỉnh mạnh dạng đưa học viên bậc Trì, bậc Định đi thực tập và kiến tập. Trong quá trình đi thực tập và kiến tập gặt hái được nhiều kết quả khả quan.
Hiện nay có một số biểu mẫu đi thực tập, kiến tập:
– Phiếu thông báo bài dạy – bậc dạy.
– Phiếu thu hoạch sau thực tập.
– Phiếu đánh giá thực tập.
Để quý anh chị tham khảo.
5. Tài liệu huấn luyện trại A Dục và trại Huyền Trang đều có bài “Tổ chức các lễ lượt” chỉ khác là ở tài liệu A Dục thì “Tổ chức các lễ lượt trong Đoàn”, ở tài liệu Huyền Trang thì “Tổ chức các lễ lượt trong GĐPT”, nhưng nội dung thì nhiều điểm giống nhau. Nên chăng có thể lượt bớt những gì đã học ở A Dục thì không nên đưa vào Huyền Trang nữa.
Ở tài liệu A Dục và tài liệu Huyền Trang mở đầu đều có bài “Lễ Phật thường lệ” nhưng ở tài liệu A Dục hướng dẫn phần niệm danh hiệu Phật và Bồ Tát đều tụng 3 lần, trong lúc tài liệu Huyền Trang hướng dẫn tụng danh hiệu Phật 10 lần, danh hiệu Bồ Tát 3 lần.
Tài liệu A Dục thì hướng dẫn hát bài “Trầm Hương Đốt” trước khi đọc 3 điều luật, 5 điều luật.
Trên đây chỉ đơn cử một vài chi tiết nhỏ so sánh giữa 2 tài liệu, nếu đọc hết và so sánh phân tích toàn bộ 2 bài này của 2 tập tài liệu thì rối rắm vô cùng.
——————
Ghi chú: Đầu đề do BBT đặt

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.