BÁC TÂM MINH LÊ ĐÌNH THÁM Là vị Bồ Tát hiện thân của Thế kỷ 20


Kính thưa chư Tôn Thiền đức, quý vị Thiện tri thức, quý anh chị Đoàn viên Gia đình Phật tử Việt Nam!
Mỗi khi có dịp đề cập về những vị Cư sĩ có công lao xây dựng Phật giáo vào thế kỷ 20 thì bao giờ Bác Tâm Minh Lê Đình Thám cũng đứng hàng đầu. Xin phép quý vị , bài viết nầy bản thân xin lý giải vì sao chúng ta tôn vinh Bác là vị BỒ TÁT giữa đời thường.
Theo giáo lý nhà Phật: các  quả vị tu chứng Nhân thừa (giữ 5 giới), Thiên thừa (giữ 10 giới), Thanh văn thừa (tu theo Tứ đế), Duyên giác thừa (áp dụng miên mật 12 nhân duyên), Bồ Tát thừa (hành trì lục độ ba la mật), Phật thừa (Giác  hạnh viên mãn)
Xin kính lạy chân linh Bác Tâm Minh Lê Đình Thám, xin phép Bác cho chúng con với cái nhìn phàm tục, nói về Bác với sự thành kính biết ơn của kẻ hậu học, ngưỡng mong Bác hoan hỷ.
Thưa chư vị! một vị Bồ tát đạt Tứ Vô ngại trí thì mới giải quyết mọi chướng ngại từ đời sống vật chất đến tâm linh vượt thắng mọi gian lao khổ ách có cuộc sống ung dung giữa mọi biến động của cuộc đời, cuộc đời của Bác Tâm Minh Lê Đình Thám thể hiện hành trạng của vị Bồ tát của thế gian và vì thế gian.
VỀ ĐỜI: Bác Lê Đình Thám sinh quán tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình khoa bảng (thân sinh là binh bộ thượng thư Lê Đỉnh dưới triều Tự Đức, có người anh là Y sĩ bị Pháp cầm tù tại nhà tù Ban Mê Thuột).
Bác Lê Đình Thám (1897 – 1969) luôn luôn xuất sắc ở mọi cấp học, đã tốt nghiệp  Thủ khoa Y sĩ Đông Dương năm 1916 và đậu Bác sĩ Y khoa ngạch Pháp quốc năm 1930. Bác đã từng làm việc tại Quảng Nam, Hà Tỉnh, Huế, Bình Định, Bình Thuận, Phú Yên…..Ngoài việc phục vụ bệnh nhân không ngừng nghỉ, Bác còn phát minh sérum Normet năm 1928. Một công chức thời Pháp nhưng không quên thân phận người dân mất nước, việc Bác dự lễ truy điệu nhà Chí sĩ Phan Chu Trinh đã minh chứng tấm lòng của Bác.
VỀ ĐẠO: Là người lấy tam cang, ngũ thường của Nho giáo làm trọng và trong lòng có cảm tình với Đạo Phật. Năm 1926 khi viếng cảnh chùa Tam Thai tại Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng, Bác đọc được bài kệ của Tổ Huệ Năng ghi trên vách chùa: (**)
“ Bồ đề bổn vô thọ,
Minh cảnh diệt phi đài
Bổn lai vô nhất vật.
Hà xứ nhạ trần ai”
Việt dịch:  «Bồ đề vốn không cây, gương sáng không cần đài, trước nay không có vật, cớ chi bám bụi trần ».
Đây là lần đầu tiên Bác tiếp xúc với triết lý Phật giáo, bài kệ trên đã gieo vào tâm thức Bác một ấn tượng sâu sắc về đao Phật, mặc dù thời gian nầy, là một công chức Bác không được đến gần với cửa thiền.
Năm 1928, Bác Lê ĐìnhThám lên chùa Trúc Lâm, cách kinh đô Huế 7 km, duyên kỳ ngộ đã đến, Bác thỉnh tôn ý của Hòa Thượng Giác Tiên. Sau khi kiểm chứng lại sự tỏ ngộ của mình, Bác Thám đã thọ Tam quy, Ngũ giới và ăn chay trường từ đó. Bác đã nghiên cứu miên mật giáo lý Phật đà, Hòa Thượng Giác Tiên  ban cho Bác Pháp danh Tâm Minh, Pháp hiệu Chiêu Hải.
Năm 1929, cư sĩ Tâm Minh thọ giáo Hòa Thượng Phước Huệ chùa Thập Tháp, Bình Định.
Theo chỉ đạo của Hòa Thượng , Bác đã nghiên cứu các bài giảng của Ngài Thái Hư Đại Sư, nhà cải cách Phật giáo ở  Trung Hoa. Bác Thám đã  trình ý kiến của mình lên chư Hòa thượng: Phước Huệ, Giác Tiên, Giác Nhiên, Tịnh Hạnh, Tịnh Khiết và đã được quý Ngài chấp thuận.                                                                                                       Năm 1932, Hội  An Nam Phật học ra đời Bác Lê Đình Thám là Hội trưởng,, các Hòa thượng trong ban chứng minh là Cố vấn.
          Hội tổ chức thuyết pháp 2 lần/tháng. Mở trường đào tạo tăng tài. Thành lập đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục (tiền thân của  Gia Đình Phật Hóa Phổ, Gia đình Phật tử Việt Nam hiện nay). Xuất bản nguyệt san Viên Âm. Thiết lập các Tòng lâm để Chư Tăng tu học
Từ 1949, Bác Lê Đình Thám tập kết ra Bắc, ngoài giờ làm việc, Bác Thám đến chùa Quán Sứ để dịch kinh và giảng kinh
Bác đã dịch và viết các tập sách: Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Luận Nhơn minh, Đai thừa khởi tín luận, Bát thức quy củ tụng, Phật học thường thức, Bát nhã tâm kinh, Lịch sử PGVN và Phật tổ Thích Ca, Tâm Minh Lê Đình Thám tuyển tập (5 tập)
Lý giải việc đạo, việc đời của Bác Tâm Minh Lê Đình Thám, một người dân mất nước mà công việc phụng đạo, xây đời tròn đầy như thế thì hậu thế chỉ có thể tôn vinh Bác là vị Bồ tát giữa cõi Ta bà.
Phải chăng, Bác đã đạt Tứ Vô Ngại Trí:                                                        1. Pháp vô ngại: Thông suốt tường tận giáo pháp.                                                
          2.Nghĩa vô ngại: Giảng giải tường tận không bế tắc
3.Từ vô ngại: Ngôn từ được tự tại, thông suốt
4.Lạc thuyết vô ngại: Do 3 vô ngại trên Bồ tát vì chúng sanh vui vẻ thuyết      pháp không bao giờ bế tắc.
Bác Lê Đình Thám đã thực hiện trọn vẹn 4 Vô ngại trên,
Thật vậy, năm 1926 là một người am hiểu nho học, được rèn luyện văn hóa Tây phương nhưng khi viếng chùa Tam Thai đọc 4 câu kệ của Lục tổ Huệ Năng trên vách chùa, đầu óc Bác luôn luôn tư duy trong mọi thời điểm giống như người đốn củi tại Tân Châu khi qua khách điếm nghe câu kinh Kim Cang “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”. Người đốn củi (tức Ngài Huệ Năng sau nầy) đã gởi mẹ và tìm đến Ngũ tổ Hoằng Nhẫn để tu học. Sau khi nghe câu kinh trên thì người đốn củi đã “ngộ” ngay chân tánh.
Có lẽ bác Thám cũng đã “ngộ” được ý nghĩa bài kệ. Năm 1928 khi thọ giáo Hòa thượng Giác Tiên về bài kệ thì Bác “Ngộ” ý chỉ của bài kệ và hiểu giáo lý Phật Đà không mấy khó khăn, Phải chăng bác đã đạt  Pháp Vô ngại
Viêc Bác Tâm Minh bái lạy Chư Tăng, Ni trước khi trình bày bài giảng trong đạo tràng, trước pháp tòa là thể hiện lòng tôn kính trước Tam bảo, sự khiêm cung, trình bày tường tận giáo lý Phật Đà một cách dễ hiểu, thông suốt được đạo hữu tin tưởng và  chư Hòa thượng khen ngợi phải chăng Cư sĩ Tâm Minh đã đạt Nghĩa vô ngại, Từ vô ngại.
Bác sống ung dung tự tại trong cảnh giới vô thường, nhờ chính quyền thuộc địa “quan tâm” đặc biệt, không để bác ở lâu nơi nào nên bác mới có điều kiện đi khắp các tỉnh gieo hạt giống Bồ đề, tại chùa Từ Đàm khi đang đảm nhiệm Hội trưởng Hôi An Nam Phật học,  viên mật thám Pháp cho rằng chữ vạn của Đạo Phật giống biểu tượng Phát xít Đức, y muốn gây khó khăn cho Phật giáo, bằng cách giải thích khéo léo Bác đã hóa giải lòng nghi kỵ của Người Pháp, (Bác cho vẽ vòng tròn bao quanh chữ vạn và nói rằng đó là tượng trưng cho viên dung vô ngại).
Ngày 10/8/1938 trong bài diễn văn của hội An Nam Phật học, Bác tuyên bố “Không có một thành tựu vững bền nào lại không nhắm đến hàng ngũ Thanh Thiếu nhi, họ là những người tiếp nối chúng ta trong mai hậu”.
Các đoàn Đồng ấu Phật tử, Thanh niên Phật học Đức Dục, Gia đình Phật hóa Phổ và sau nầy là Gia Đình Phật Tử Việt Nam (từ 1951) ra đời thể hiện quyết tâm của Bác và những người đồng sự. Những tháng ngày ở miền Bắc cho đến cuối đời (1969), Bác đã dịch những bộ kinh quý giá. Rõ ràng  Bác Tâm Minh đã đạt “Lạc thuyêt vô ngại”
Chúng ta nhớ lại vào năm 1934, trước linh vị Hòa Thượng Giác Tiên, cư sĩ Tâm Minh Lê đình Thám đã chí thành phát nguyện “kiến tướng nguyên vọng, kiến tánh nguyên chơn, viên giác diệu tâm ninh hữu ngã. Chúc pháp linh truyền chúc sanh linh độ, thừa đương di huấn khởi vô nhân” (tướng các pháp tuy vọng, tánh các pháp vốn chơn, Hòa thượng đâu có mất còn, chánh pháp cần phải truyền, chúng sanh cần phải độ, lời di huấn đó con xin nguyện gánh vác”
Lời Cư sĩ Tâm Minh hứa với Giác linh Hòa thượng Bổn sư và việc làm của Cư sĩ đối với đời và đạo pháp  thập phần viên mãn.
Bác xứng đáng được chúng cháu tôn vinh là vị Bồ tát hiện thân của thế kỷ 20
THẾ HỆ KÊ THỪA CƯ SĨ TÂM MINH LÊ ĐÌNH THÁM
Với bài viết ngắn, Tâm Giới xin phép được trình bày một số sự kiện có liên quan đến Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Kính thưa chư vị, nói đến những người đồng sự và kế thừa xuất săc bác Tâm Minh, chúng ta phải nêu tên các vị tiêu biểu sau đây: anh Đinh Văn Nam tức Hòa thượng Thich Minh Châu (cố vấn giáo hạnh của GĐPTVN), anh Nguyên Hùng Võ Đinh Cường Huynh trưởng cấp Dũng, Trưởng Ban hướng dẫn GĐPTVN, Nói đến học trò xuất săc của bác Thám về lãnh vực GĐPT xin giới thiệu các anh chị:         Nguyên Hùng Võ Đình Cường, Tâm Chánh  Hoàng Thị Kim Cúc, Nguyên Y Lương Hoàng Chuẩn, Tâm Thiệt Nguyễn Xuân Quyền…..và nhà lý luận Phật học Như Tâm Nguyễn Khắc Từ……
Quý anh chị là những con chim đầu đàn là những người học trò kiệt xuất của Bác Tâm Minh, sống trong một đất nước nô lệ, đạo Phật là chướng ngại cho việc cai trị của thực dân Pháp và các thế lực không thân thiện như triều đình phong kiến v.v…
 Các tổ chức Thanh Thiếu niên Phật tử đến năm 1951 thống nhất mang tên Gia đình Phật tử Việt Nam (đại hội lần thứ nhất tại Tổ đình Từ Đàm – Huế) là một sự kiện lớn lao của Phật giáo Việt Nam vì chỉ có Phật GiáoViệt Nam  mới có tổ chức GĐPT.!!!!
Nôi quy GĐPT được tu chỉnh qua các kỳ đại hội lần 2 (1953 – Huế),lần 3(1955 – Đà Lạt), lần 4 (1961 – Sài Gòn),n lần 5 (1964– Sài Gòn), lần 6 (1967 – Sài Gòn), lần 7 (1970 – Quy Nhơn) đại hội lần thứ 8 tại Đà Nẵng (đai hội Huynh trưởng, cựu Huynh trưởng, Ban bảo trợ GĐPT). Quy tụ hầu hết các tỉnh thành.          Thời kỳ 1964-1975, GĐPT phát triển rực rỡ có lúc gần 200.000 Huynh trưởng  và Đoàn sinh.
Hai mươi năm GĐPT sinh hoạt cầm chừng (1975-1995), không có pháp lý. Từ 1995 đến nay GĐPT sinh hoạt theo hai xu hướng, một bên theo sự chỉ đạo của Giáo hội PGVN, một bên theo chỉ đạo của GHPGVN TN. Điều đáng tiếc nhất là cuộc họp của 4 Huynh trưởng cấp Dũng, gồm các anh Nguyên Hùng Võ Đình Cường, Tâm Bửu Tống Hồ Cầm, Tâm Thiệt Nguyễn xuân Quyền, Nguyên Tín Nguyễn Châu vào ngày 27/10/1997 do Hòa thượng Thích Minh Châu  chủ trì tại Thiền viện Vạn Hạnh có biên bản 5 điểm về việc sinh hoạt hợp nhất của GĐPT, nhưng sau đó không áp dụng được.
Từ năm 1998 đến nay Phân ban GĐPT Trung ương đã tổ chức các kỳ đại hội thứ 9 (2001 – TP Huế), lần thứ 10 (2006 – TP HCM), lần thứ 11 (2011 – TP Huế), lần thứ 12 (2018 – TP Đà Nẵng)
 Ngày nay màu LAM đã lan tỏa khắp mọi nơi trên thế giới. Màu Lam  đã gắn kết hầu hết  mọi anh chị em xa gần .
ĐỀ XUẤT NGUYỆN VỌNG
Thưa quý anh chị em Lam viên khắp mọi miền  !
Nhiều năm rồi trong lòng day dứt mà không nói ra được, hôm nay xin bộc bạch đôi điều: Tâm Giới sinh hoạt GĐPT từ 1957 tại Quảng Ngãi, tham gia Ban Hướng dẫn GĐPT tỉnh từ 1965, là giáo viên giảng dạy tại trường THPT chuyên Lê Khiết Quảng Ngãi (nghỉ hưu năm 2007), nghỉ tham gia Phân ban GĐPT Trung ương từ tháng 5/12/2019, nghỉ tham gia Trưởng Phân ban GĐPT Quảng Ngãi  tháng 5/2022 và nghỉ Uỷ viên BTS PGVN tỉnh Quảng Ngãi từ tháng 5/2022, đang là Cố vấn chuyên môn cho Phân ban GĐPT tỉnh Quảng Ngãi.  Bản thân hiện đang sống thanh thản cùng vợ và con cháu.
Điều mà Tâm Giới  quan tâm nhất hiện nay là anh em chúng ta còn nhìn nhau qua cặp kính màu.
Kính mong anh em chúng ta học tập hạnh “Bồ Tát đạo” của Bác Thám để hành xử đúng chánh pháp.
“Lấy Nhẫn nhục làm pháp môn tu luyện,
Lấy Trí tuệ để xét đoán việc đời,
Lấy Từ bi để yêu thương tất cả”
Kính đề nghị quý anh chị lãnh đạo GĐPT, trình với Lãnh đạo Giáo hội PGVN xin  tổ chức  ngày lễ tưởng niệm  7/3/ Âm lịch hằng năm  của bác Tâm Minh tại một địa điểm thích hợp. sau lễ có cuộc họp sơ bộ bàn về việc hợp  nhất sinh hoạt GĐPT Việt Nam.
Nếu tổ chức được ngày húy kỵ chung thì giác linh bác Tâm Minh sẽ hoan hỷ vô cùng, còn hợp nhất được GĐPTVN là phước đức to lớn cùa Nhà Lam Việt Nam….!
Ôi, hạnh phúc biết bao!!!
Tâm Giới tin tưởng thế hệ Huynh trưởng kế thừa hiện nay sẽ làm được những  điều mà thế hệ trước chưa làm được!!!
Xin nhất tâm nguyện cầu giác linh Bồ tát Tâm Minh Lê Đình Thám độ trì cho GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM tìm lại nét đẹp uyên nguyên như ngày đầu mang tên.!!!
                               Quảng Ngãi  đầu hạ 14/6/2022 .
                             thao.phanngoc@gmail.com  ĐT 0919462898
(**) Bài kệ nầy họa lại bài kệ của Đại Sư Thần Tú:
“Thân thị Bồ đề thọ,
Tâm như minh cảnh đài,
Thời thời thường phấc thức,
Vật sử nhạ trần ai”
(Thân là cây bồ đề, Tâm như đài gương sáng, Thường siêng lau, siêng rửa, Chớ để bám bụi trần).
Ngài Thần Tú: tiệm ngộ; Ngài Huệ Năng: Đốn ngộ.
 
 
 
 
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.