MỤC ĐÍCH – CHÂM NGÔN – ĐIỀU LUẬT GIA ĐÌNH PHẬT TỬ (Bậc Sơ Thiện)

MỤC ĐÍCH – CHÂM NGÔN – ĐIỀU LUẬT
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

I. Mục đích GĐPT:

“Đào luyện thanh thiếu đồng niên tin Phật thành Phật tử chân chính, góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội”. (Nội quy GĐPT ban hành ngày 17/7/2013)

Mục đích GĐPT mang nội dung giáo dục trên nền tảng tinh thần giáo lý Phật Đà. Nội dung cốt lõi của mục đích GĐPT trước sau vẫn nhằm đào luyện thanh thiếu đồng niên tin Phật thấm nhuần tinh thần tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.

+ Lơi ích của mục đích GĐPT: tự lợi và lợi tha.

– Tự lợi được thể hiện: đào luyện thanh thiếu đồng niên tin Phật trở thành Phật tử chân chính.

– Lợi tha được thể hiện: góp phần phụng sự Đạo Pháp và xây dựng xã hội.

Người Phật tử chân chính không ngừng lại ở tự lợi mà quên phần lợi tha.

II. Châm ngôn:

* Châm ngôn của GĐPT là: Bi – Trí – Dũng.

 * Châm ngôn của Ngành Đồng GĐPT là: Hòa – Tin – Vui.

Bi-Trí-Dũng bắt nguồn từ Đại Hùng – Đại Lực – Đại Từ Bi trong phẩm tựa Kinh Lăng Nghiêm – Thập chú.

Đạo Phật nêu cao tình yêu thương rộng lớn nên lấy
từ bi làm động lực
cho mọi hành động vì chúng sanh. Mục đích tối hậu của đạo Phật là giác ngộ chân lý và giải thoát khổ đau nên lấy
trí tuệ làm đuốc soi đường,
vì trí tuệ là ánh sáng xua tan bóng tối của vô minh phiền não.

Trên đường giác ngộ đạo Phật tất yếu phải có dũng lực là sức mạnh để chiến thắng nội ma, ngoại chướng. Nên đạo Phật lấy
dũng lực làm đà tiến thủ
.

Như vậy BI-TRÍ-DŨNG là 3 đức tính biểu trưng cho tinh thần Đạo Phật. Ba đức tính nầy có mối tương quan mật thiết, bổ sung và hỗ tương lẫn nhau

                   
BI
    
    TRÍ                    DŨNG

Châm ngôn BI-TRÍ-DŨNG không chỉ là tiêu chuẩn căn bản mà là đức tính cần thiết cho người đoàn viên GĐPT.

Về phương diện khách quan: không có Từ Bi thì không có tình người, nhân loại, quê hương, dân tộc; không có Trí Tuệ thì mỗi hành động trở nên mù quáng, phản chân lý; không có Dũng Lực thì không có sức mạnh tinh thần để đưa đạo vào đời.

Về phương diện chủ quan: không có Từ Bi dễ sa vào đường ác, không có Trí Tuệ thì mê mờ không thể giác ngộ, không có Dũng Lực thì dễ trở nên hèn nhác, thiếu nghị lực.

Ý nghĩa Hòa – Tin – Vui
:

+ Hoà thuận: Là thuận thảo với tất cả mọi người, không tranh giành cãi cọ nhau. Trong gia đình em luôn luôn thuận thảo với anh chị em, đến trường em là một học sinh gương mẫu không đánh nhau với bạn học; đến với Ðoàn em luôn luôn hòa đồng với các bạn trong Ðoàn, nghe lời những người bạn lớn, hiểu biết hơn mình, giúp đỡ những em nhỏ mới chập chững vào Ðoàn.

+ Tin yêu: Là thương mến, tin tưởng nhau, luôn luôn tin Phật để gần Phật. Em phải thương yêu mọi người như thương yêu chính bản thân em. Em phải tin vào những người lớn, những anh chị Huynh Trưởng, và nhất là em phải tin vào Ðức Phật vì Ngài hướng dẫn em trở thành người tốt.

+ Vui vẻ: Là không buồn giận, luôn luôn vui vẻ tươi cười với mọi người. Em có tính tình vui vẻ sẽ dễ gần gũi với bạn bè, anh chị em. Nũng nịu, giận hờn, la khóc rất khó nhìn, và bạn bè sẽ xa lánh em.

III. ĐIỀU LUẬT GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

*
Ba điều luật Ngành Đồng

1. Em tưởng nhớ Phật.

Em nhớ nghĩ đến đức tính Từ Bi, Hỷ Xả của Phật, tướng tốt của Ngài ở mọi nơi, mọi lúc, nguyện học tập theo Phật.

2.

Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em.

Cha mẹ là người sinh ra ta, nuôi dạy ta nên người, hiếu thảo với  cha mẹ là bổn phận của mọi người. Hơn nữa Đức Phật dạy “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Anh em sống trong một nhà, cùng huyết thống phải biết thuận thảo, yêu thương để cha mẹ vui lòng.

3. Em thương người và vật.

Người và vật đều ham sống sợ chết, ta phải tôn trọng cuộc sống của mỗi người và yêu thương loài vật vì con vật mà ta giết hại có thể kiếp trước là người thân của ta (luật luân hồi). Chúng ta phải bảo vệ các loại vật quý hiếm để trái đất đẹp hơn, xanh hơn…

*
Năm điều luật của Huynh trưởng và Đoàn sinh Ngành Thanh, Thiếu niên

1. Phật tử quy y Phật, Pháp, Tăng và giữ giới đã phát nguyện.

Quy y Phật, Pháp, Tăng: là quay về nương tựa Phật, Pháp, Tăng. Không quy y ngọai đạo tà giáo, tổn hữu, ác đảng.

2.

Phật tử mở rộng lòng thương tôn trọng sự sống.

Ta phải có tình thương rộng lớn đối với người và vật, tuyệt đối không xâm phạm sự sống của người với bất kỳ lý do gì, hạn chế tối đa giết hại loài vật (không trực tiếp giết hại, không nghe thấy việc giết hại, không tán trợ sự giết hại).

3
.
Phật tử phải trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật.

Phải học tập, tu dưỡng, thực hành chánh niệm thường xuyên thì trí tuệ mới phát triển. Tôn trọng sự thật thì việc làm mới chân chính, tạo được sự tin yêu của mọi người.

4. Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm.

Phải trong sạch từ ý nghĩ, hành vi, lời nói. Phải rèn luyện theo lộ trình “Bát Chánh Đạo” (Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tư Duy Chánh Định, Chánh Niệm, Chánh Kiến, Chánh Tinh Tấn).

5. Phật tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường đạo.

Sống vui vẻ, không đố kỵ, biết tha thứ cho mọi người thì nơi ta đang sống là cảnh giới cực lạc nơi trần thế.

 

CÂU HỎI ÔN TẬP

a. Hãy nêu lợi ích của mục đích GĐPT.

b. BI-TRÍ-DŨNG có thể xem là chiếc ghế 3 chân được không? Nếu thiếu 1 chân thì điều gì xảy ra
(Đoàn sinh soạn trước, chọn mỗi Đội, Chúng một em trình bày truớc Đoàn; có thể tổ chức thi hùng biện).

c. Em hãy cho ví dụ môt hành vi của Đoàn sinh vi phạm Điều luật thứ tư trong 5 Điều luật của Huynh trưởng, Ngành Thanh, Thiếu.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.