TAM BẢO VÀ TAM QUY – NGŨ GIỚI (Bậc Sơ Thiện)

TAM BẢO VÀ TAM QUY – NGŨ GIỚI

I. TAM BẢO

Tam Bảo còn gọi là 3 ngôi báu, đó là Phật – Pháp -Tăng

1. PHẬT BẢO:
Chữ Phật do chữ Phạn Bouddha phiên âm ra. Phật là vị hiểu rõ chân lý cuộc đời, tự mình giác ngộ (tự giác), đem chân lý đó chỉ dạy cho chúng sanh (giác tha). Hai công hạnh ấy đều thành tựu (giác hạnh viên mãn)

 Đức Phật Thích Ca thành Phật ở cõi người nên ứng với cõi người mà có 10 danh hiệu:

+
Như Lai
: Theo con đường như thực mà tới và thành chánh giác.

+
Ứng Cúng
:  Đáng được hưởng sự cúng dường của Người và Trời.

+
Chánh Biến Tri
: là bậc có chánh trí, biết rõ mọi pháp.

+
Minh Hạnh Túc
: hạnh tam minh cụ túc.

+
Thiện Thệ
: Dùng nhất thiết trí là cổ xe lớn đi trên con đường Bát chánh mà nhập Niết bàn.

+
Thế Gian Giải
: Hiểu được mọi sự của loài hữu tình, loài phi tình trong thế gian.

+
Vô Thượng Sĩ
: Trong mọi pháp, Niết bàn là vô thượng. Trong tất cả chúng sinh, Phật cũng là vô thượng, nên gọi là Vô thượng sĩ.

+
Điều Ngự Trượng Phu
: Đức Phật có lúc dùng lời dịu dàng, có lúc dùng lời tha thiết, có khả năng điều khiển chế ngự được các bậc trượng phu nên gọi là điều ngự trượng phu.

+
Thiên Nhơn Sư
: là bậc thầy của trời và người, dạy bảo cho họ những điều nên làm.

+
Phật – Thế Tôn
: Phật đà là bậc được thế gian tôn trọng.

2. PHÁP BẢO:
Pháp là do chữ phạn pharma phiên âm ra. Pháp: phương pháp tu hành mà Phật đã  tìm ra để diệt trừ mọi mê muội. Về sau chư Bồ Tát, Tổ Sư biên soạn lại và kết tập thành tam tạng kinh điển: Kinh, Luật, Luận.

– Kinh thuyết thuộc định học.

– Luật thuyết thuộc giới học.

– Luận thuyết thuộc tuệ học.

3. TĂNG BẢO:
do chữ phạn shanga phiên âm ra. Nghĩa là hòa hợp chúng, là một đoàn thể tu hành từ 4 người trở lên cùng sống trong lục hòa, giữ giới luật Phật.

4. BA BẬC TAM BẢO

Tam bảo có 3 bậc: Đồng thể tam bảo, Xuất thế gian Tam bảo và Thế gian trụ trì Tam bảo.

* Đồng thể Tam Bảo:

a. Đồng thể Phật bảo: chúng sanh cùng với chư Phật đồng một thể tánh sáng suốt.

b. Đồng thể Pháp bảo: ý nói chúng sanh cùng với chư Phật đồng một pháp tánh từ bi và bình đẳng.

c. Đồng thể Tăng bảo: ý nói tất cả chúng sanh cùng chư Phật đồng một thể tánh thanh tịnh, sự lý hòa hợp.

 *
Xuất thế gian Tam bảo:

a. Xuất thế gian Phật bảo: là chỉ cho đức Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, 10 phương chư Phật ba đời đã tự giải thoát ra khỏi sự ràng buộc của thế gian.

b. Xuất thế gian Pháp bảo: là chỉ cho chánh pháp của Phật, có công năng làm cho chúng sanh thoát khỏi sự ràng buộc của thế gian như:  tứ diệu đế, nhân quả, luân hồi lý nhân duyên sinh…

c. Xuất thê gian Tăng bảo: là chỉ cho các vị Thánh Tăng đã thoát ra ngoài sự ràng buộc của thế gian như đức Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Ca Diếp, A Nan….

*
Thế gian trụ trì Tam bảo:

a. Thế gian trụ trì Phật bảo: là chỉ cho xá lợi của Phật, tượng Phật đúc bằng kim khí, xi măng, đất, gỗ, giấy…

b. Thế gian trụ trì Pháp bảo: là chỉ cho 3 tạng kinh được viết, in, chạm khắc trên mọi chất liệu.

c. Thế gian trụ trì Tăng bảo: chỉ những vị Tỳ kheo tu hành chân chính, thanh tịnh, giới luật trang nghiêm trong hiện tại.

II. TAM QUY

 1. Định nghĩa:
Quy y Tam bảo là quay về nương tựa với Phật, Pháp, Tăng.

 2. Vì sao phải quy y Tam bảo?

– Vì Phật là đấng hoàn toàn sáng suốt, từ bi vô lượng, đức hạnh viên mãn.

– Vì chỉ có phương pháp của Phật, giáo lý của Ngài là đầy đủ công năng để đưa chúng sanh qua bể khổ đến bờ giải thoát.

– Vì Tăng là người đã từ bỏ gia đình danh vọng… để thay Phật hướng dẫn chúng ta trên đường học đạo.

3. Sự quy y Tam bảo:

– Sự quy y Phật: Hàng ngày chúng ta phải nhớ tưởng đến Phật, niệm danh hiệu Ngài, chiêm ngưỡng Phật tượng, chí tâm thật ý lễ bái,  nguyện suốt đời theo bước chân của Phật.

– Sự quy y Pháp: Hằng ngày nên dành thời gian  tụng, đọc, xem kinh, luật, luận; nghe kinh, các bài giảng về giáo lý có chọn lọc…

– Sự quy y Tăng: luôn cung kính, tôn trọng  những bậc xuất gia chân chính, giữ gìn giới luật… ta xem những vị ấy là đại diện của Như Lai.

 4. Lý quy y Tam bảo:
 nghĩa là quy y Tam bảo bên trong tâm chúng ta.Vì bên trong gọi là đồng thể tam bảo hay tam tự quy y gọi là lý quy y.

– Tự quy y Phật: là tự mình trở về với Phật tánh của tâm mình. Phật tánh của chúng ta dù bị vọng tưởng, vô minh che lấp sâu kín đến đâu cũng vẫn thường còn. Nếu chúng ta bỏ quên Phật tính của mình mà chỉ chạy theo cầu khẩn Phật bên ngoài thì mong cầu khó đạt. Vậy nên trở về với Phật tính của chúng ta đó là lý quy y Phật.

– Tự quy y pháp: là vâng theo pháp tính của mình. Trong tâm ta có đủ các pháp từ bi, trí tuệ, nhẫn nhục, tinh tấn , hỷ xả… chúng ta cần phát huy chúng.

– Tự quy y tăng: Vị thầy trong tâm mình là đức tính thanh tịnh, hòa hợp, cũng vậy hàng ngũ Tăng Già là hiện thân của sự hòa hợp, thanh tịnh bên ngoài. Trở về quy y vị thầy nơi tâm mình đó là lý quy y Tăng.

5. Lễ quy y:

Sau khi hiểu rõ sự và lý quy y rồi, chúng ta cần biết sơ qua nghi thức quy y.

– Phải tắm gội thân tâm cho sạch.

– Phát nguyện: thường thì chư Tăng hướng dẫn nhưng để bảo tồn lý tưởng cao cả của mình và giữ vững đức tin trên đường đạo ta tự nguyện một cách mạnh mẽ và thành khẩn như sau:

+ Đệ tử quy y PHẬT, nguyện trọn đời không quy y thiên, thần, quỷ, vật.

+ Đệ tử quy y PHÁP, nguyện trọn đời không quy y ngoại đạo, tà giáo.

+ Đệ tử quy y TĂNG, nguyện trọn đời không quy y thầy tà, bạn ác

6. Lợi ích của quy y Tam bảo:

+ Khỏi đi lạc vào nơi tăm tối, quy y chính là ta đã bám vào cái bè mà Phật chế ra để cứu vớt chúng sanh sắp chết đuối trong biển khổ mênh mông nầy.

+ Khi đã phát nguyện quy y, mình dễ giữ đúng lời đã hứa vì có sự chứng minh của chư Phật và chúng Tăng.

+ Chúng ta nên quy y cả sự lẫn lý để luôn tinh tấn. Không nên chấp sự bỏ lý, càng không chấp lý bỏ sự. Sự là giới, lý là định, thấu triệt được sự lý là tuệ.

III. NĂM GIỚI
1. Định nghĩa:

Ngũ giới là 5 điều ngăn cấm Phật đã chế ra để ngăn những tưởng niệm ác, hành động bất chính, nói năng chẳng lành của hàng Phật tử tại gia và có công năng làm hàng rào ngăn chặn tội lỗi.

2. Hành tướng của 5 giới:

a.
Không sát sanh
: không được giết hại; cũng không bảo người khác giết hoặc thấy người khác giết mà sanh tâm vui mừng. Sanh mạng quý báu nhất là sanh mạng người. Đạo Phật cấm sát sanh bởi tôn trọng sự công bằng, tôn trọng tính bình đẳng; nuôi dưỡng lòng từ bi và tránh nhân quả báo ứng oán thù.

b.
Không trộm cướp
: không lấy của người khác. Có 3phương diện:

– Đoạt thủ: dùng sức mạnh, uy quyền để chiếm đoạt.

– Thiết thủ: dùng mánh khóe xảo trá để chiếm đoạt.

– Trá thủ: dối gạt, lừa đảo.

Phật cấm trộm cướp vì tôn trọng quyền bình đẳng, quyền sở hữu của người khác. Người trộm cướp có thể tránh được luật pháp thế gian  nhưng không tránh được luật nhân quả nghiệp báo.

c.
Không tà dâm
: nghĩa là thân, miệng, ý sống đoan trang, thanh tịnh, trong sạch và chân chính. Phật cấm vì tôn trọng sự công bằng, bảo vệ hạnh phúc gia đình, tránh oán  thù và quả báo xấu xa.

d.
Không được nói dối
: nói không đúng sự thật.

Phật cấm nối dối vì muốn chúng ta tôn trọng sự thật, nuôi dưỡng niềm tin, bảo tồn sự trung tín trong xã hội. Tránh nghiệp báo khổ đau vì “họa tùng khẩu xuất”.

e.
Không uống rượu
: nghĩa là không được dùng các chất kích thích như rượu, ma túy, cần sa… Vì nó làm cho tinh thần rối loạn; ý niệm điên đảo.

Phật cấm giới nầy với các lý do sau: Bảo toàn hạt giống trí tuệ; ngăn ngừa những nguyên nhân gây ra tội lỗi… người say rượu mất hết tư cách làm người bị người đời xem thường, người thân xa lánh.

3. Lợi ích của việc giữ giới

– Phật tử không giữ giới thì chưa phải là người Phật tử. Tam quy làm nền tảng thì Ngũ giới là 5 nấc thang của người Phật tử tại gia để bước lần lên Thánh quả.

– Được nhiều người nể trọng, tin yêu, niềm nở đón tiếp, tâm hồn thanh thản, sống ung dung tự tại.

Người không phải là Phật tử cũng nên giữ 5 giới  vì giới không có gì cao siêu huyền bí , bất cứ ai  nếu tín tâm đều thực hiện được. Thật vui thay nếu một xã hội, một quốc gia có nhiều người giữ 5 giới thì đất nước bình yên, cuộc sống an lạc biết bao!!!

CÂU HỎI ÔN TẬP:

a. Ba tạng kinh điển là gì?

b. Ba bậc Tam Bảo là gì?

c. Như thế nào gọi là Thế gian Trụ trì Tam Bảo?

d. Quy y Tam Bảo là gì?

e. Nêu rõ sự và lý quy y Tam Bảo?

f. Lợi ích của quy y Tam bảo?

g. Định nghĩa 5 giới cấm.

h. Tóm lược hành tướng của 5 giới.

i. Nêu lợi ích của sự giữ giới.

k. Em hãy hình dung một quốc gia mà mọi người đều giữ 5 giới của Phật.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.