SỰ TÍCH VÀ HẠNH NGUYỆN CỦA CHƯ TỔ VÀ BỒ TÁT (Bậc Chánh Thiện)
SỰ TÍCH VÀ HẠNH NGUYỆN
CỦA CHƯ TỔ VÀ BỒ TÁT
I. TỔ MA HA CA DIẾP (MAHA KASYAKA)
Ngài đứng đầu trong 33 vị tổ Thiền tông Ấn Hoa
1. Quê quán dòng họ: Ngài dòng Bà-la-môn ở Ấn Độ, vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha), con của đại bá hộ Kapila và thân mẫu là Sumanadelvi, hồi nhỏ ngài thông minh, hiếu học, ưa cuộc sống thanh tịnh. Thuận theo ý của cha mẹ, Ngài kết hôn với Bhadda kapilami nhưng cả hai đều ưa hạnh thanh tịnh không cùng chăn gối cho đến khi Ngài xuất gia.
2. Ngài Ca Diếp gặp Phật: Năm 30 tuổi, Ngài Ca Diếp xuất gia và vào rừng tìm đạo. Hai năm sau mới gặp đức Phật. Tôn giả Ca Diếp phát nguyện thọ hạnh đầu đà tức là tu khổ hạnh gồm 10 điều. Ngài hiểu sâu giáo pháp, tinh tấn hành trì không bao giờ lơi lỏng và chỉ bảy ngày sau Ngài chứng quả A La Hán.
3. Đạo nghiệp của Ngài Ca Diếp:
Người cùng thời đã tự động gọi ngài là Thường tịnh đại Ca Diếp, gọi tắt là Đại Ca Diếp. Đức Phật rất quý trọng tôn giả Ca Diếp.
4. Vai trò kế thừa của Ngài Ca Diếp
Đức Phật đã giao phó cho tôn giả Đại Ca Diếp sau nầy điều hành Giáo hội và dặn: “Nay giao phó cho ngươi, ngươi khéo giữ gìn chánh pháp, truyền trao mãi đừng cho dứt, đến sau nầy truyền lại cho A Nan”.
+ Khi Đức Phật nhập diệt, sau khi làm lễ trà tỳ, Ngài đứng ra chia xá lợi Phật cho các nước về thờ.
+ Ngài tổ chức kết tập kinh điển lần thứ nhất: số lượng 500 vị A la hán, Ngài chọn động Tát-bát-la ở núi Kỳ Xà Quật làm nơi kết tập.
Ngài A Nan đọc Kinh tạng (sutta pitaka).
Ngài Ưu Ba Ly đọc Luật tạng (vinaya pitaka). Vua A Xà Thế ủng hộ mọi mặt suốt 3 tháng. Cuộc kết tập thành tựu viên mãn.
5. Kết luận: Ngài là tấm gương sáng cho mọi Tăng Ni, Phật tử noi theo, phẩm hạnh đạo đức của Ngài là hương vị tuyệt vời ảnh hưởng rất lớn cho đương thời và mai sau.
II. NGÀI ƯU BA LY (UPALI)
Ngài là một trong 10 đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca, đó là:
1. Xá Lợi Phất Trí huệ đệ nhất.
2. Mục Kiền Liên Thần thông đệ nhất.
3. Phú Lâu Na Thuyết pháp đệ nhất.
4. Tu Bồ Đề Giải không đệ nhất.
5. Ca Chiên Diên Luận nghị đệ nhất.
6. Ma Ha Ca Diếp Đầu đà đệ nhất.
7. A Na Luật Thiên nhãn đệ nhất.
8. Ưu Ba Ly Trì giới đệ nhất.
9. A Nan Đà Đa văn đệ nhất.
10. La Hầu La Mật hạnh đệ nhất.
1.Thân thế và trường hợp xuất gia của Ngài Ưu Ba Ly
Ngài Ưu Ba Ly thuộc giai cấp nô lệ Thủ đà la, vốn làm nghề thợ cạo hầu hạ trong hoàng cung dưới trướng của vương tử Bạt Đề, con của Hộc Phạn vương (em vua Tịnh Phạn).
Trong lần đầu tiên về thăm quê hương và giáo hóa hoàng gia, các vương đệ của Phật như Đề Bà Đạt Đa, Anan (con của Bạch Phạn Vương), Ana Luật (con của Cam Lộ Vương) đều xin xuất gia và được Phật chấp thuận.
Ưu Ba Ly được gọi đến cạo tóc cho các vương tử trong lễ thế phát xuất gia. Trước cảnh vui tươi phấn khởi ấy, Ưu Ba Ly muốn thoát tục xuất gia tu hành nhưng sợ không được phép vì thân phận thấp hèn nên buồn tủi khóc lóc… Chợt ngài Xá lợi Phất đi qua, thấy vậy hỏi sự tình nguyên do. Ngài Xá Lợi Phất bèn trình lên Đức Phật và được Đức Phật hoan hỷ chấp thuận nguyện vọng của Ưu Ba Ly.
Đây là người Thủ đà la đầu tiên được Đức Phật thu nhận vào giáo đoàn và cũng chính là người nô lệ thủ đà la đầu tiên tham dự vào hoạt động tôn giáo trong lịch sử văn minh Ấn Độ.
2. Giới hạnh và công đức của Ngài.
Tinh thần và hành động bình đẳng của Đức Phật khiến Ưu Ba Ly vô cùng xúc động nên đã hết sức dũng mãnh tu hành, đặc biệt chăm chỉ giữ giới luật.
Do nghiêm trì giới luật nên Ngài đắc quả A La Hán và được Phật khen ngợi là đệ tử “trì giới đệ nhất” trong hàng thập thánh chúng.
Trong lần kết tập kinh điển lần thứ nhất, Ngài Ưu Ba Ly là vị trưởng lão được đại hội suy cử tuyên tụng giới luật. Bộ Bát Thập Tụng Luật (80 luật) là bộ luật căn bản đầu tiên.
3. Kết luận:
Phật giáo Nam Tông vốn chú trọng giới luật đã tôn sùng Ngài lên hàng đầu.
Phật giáo Bắc Tông vẫn luôn ghi nhớ ân đức to lớn của Ngài trong công hạnh lưu truyền tam tạng chánh pháp: “Nam mô kết tập luật tạng Ưu Ba Ly tôn giả”.
III. NGÀI LỤC TỔ HUỆ NĂNG
Sáu vị tổ Thiền tông Trung Hoa:
1. Bồ Đề Đạt Ma (tổ 28 của Thiền tông Ấn Độ)
2. Huệ Khả
3. Tăng Xán
4. Đạo Tín
5. Hoằng Nhẫn
6. Huệ Năng
1. Thân thế và hành trạng:
Ngài Huệ Năng có quê mẹ huyện Tân Hưng, Quảng Đông, Trung Quốc, quê cha ở Lĩnh Nam. Ngài sinh ngày 8 tháng 2 năm 638 đời Đường Thái Tôn. Năm 3 tuổi mồ côi cha, nhà nghèo, phải gánh nước, kiếm củi nuôi mẹ. Năm 24 tuổi, một hôm gánh củi đến bán cho nhà một phú ông, chợt nghe có người tụng kinh Kim Cang, Ngài tĩnh ngộ bèn lập chí xuất gia cầu đạo. Tìm hiểu Ngài biết ở núi Đông Sơn, huyện Hoằng Mai có Ngũ Tổ là Ngài Hoằng Nhẫn đang truyền giảng thiền tông rất hưng thịnh. Ngài Huệ Năng thu xếp việc nhà tìm người gởi mẹ rồi đến ra mắt Ngũ Tổ.
Qua đối đáp, Ngũ Tổ nhận ra Ngài là bậc căn trí phi phàm liền thu nạp nhưng giả vờ cho làm việc ở nhà bếp. Ngài cặm cụi lo bổ củi giã gạo 8 tháng không hề than vãn điều gì. Một hôm Ngũ Tổ cho đại chúng trình kệ về sở học, sở tu của mỗi người, Thần Tú là vị giáo thọ có bài kệ xuất sắc được chúng tăng ca ngợi, Ngũ Tổ cũng khen hay trước đại chúng nhưng Ngài biết rõ chưa đạt. Bài kệ của Thần Tú:
“Thân thị Bồ đề thọ
Tâm như minh cảnh đài
Thời thời thường phất thức
Vật sử nhạ trần ai”
(Thân là cây bồ đề
Tâm như đài gương sáng
Cần lau chùi thường xuyên
Chớ để bụi trần bám)
Ngài Huệ Năng nhờ người viết bài kệ của mình lên vách:
“Bồ Đề bổn vô thọ
Tâm phi minh cảnh đài
Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai”
(Bồ đề vốn không cây
Tâm không phải đài gương
Xưa nay không một vật
Chỗ nào dinh bụi trần)
Ngũ Tổ biết Ngài Huệ Năng đã chứng ngộ bèn ấn chứng trao truyền y bát giữ ngôi Tổ thứ sáu (Tổ sau cùng theo lời kệ của Bồ Đề Đạt Ma: nhất hoa sanh ngũ diệp).
Theo lời dạy của Ngũ Tổ, Ngài đi về phương nam, phải mai danh ẩn tích 15 năm với phường thợ săn để lánh nạn. Năm 676, Ngài đến chùa Pháp Tánh ở Quảng Châu gặp pháp sư Ấn Tôn. Ấn Tôn nhận ra Ngài là bậc y pháp bèn làm lễ thế phát cho Ngài thọ cụ túc giới. Ngài khai thị Pháp Môn Đông Sơn. Năm sau Ngài về chùa Bảo Lâm ở Tào Khê và biến nơi đây thành đạo tràng bao la, người ham mộ theo học rất đông, vua Đường Trung Tôn thỉnh Ngài vào cung thuyết pháp, Ngài cáo bệnh chối từ. Nhà vua cảm đức khai thị của Ngài nên cho dựng ngôi chùa Quốc Ân tại nơi ở cũ của Ngài.
Năm 713, Ngài an nhiên từ biệt mọi người, thọ 76 tuổi. Những lời thuyết pháp của Ngài được đệ tử là sư Pháp Hải ghi chép lại thành quyển kinh “PHÁP BẢO ĐÀN”.
2. Hệ thống truyền thừa và ảnh hưởng của Lục Tổ
Từ Ngài Huệ Năng về sau không còn lệ truyền y bát nữa và các Tổ không ấn chứng riêng cho một người. Tại Việt Nam, các dòng thiền: Vô ngôn Thông, Thảo Đường, Tào Động, Lâm Tế đều thuộc hệ thống truyền thừa từ Lục Tổ Huệ Năng mà ra.
3. Kết luận
Ngài Huệ Năng là vị Tổ thứ 33 của các vị Tổ Ấn Hoa, là Tổ thứ 6 của Trung Hoa và là Tổ cuối cùng được truyền y bát. Do công hạnh của Lục Tổ mà Thiền tông phát triển tại Trung Hoa và nước ta.