CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA PHÁP SƯ HUYỀN TRANG (phần 1)

CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP
CỦA PHÁP SƯ HUYỀN TRANG

 (Ở chương trình bậc Định đã có đề tài “cuộc đời và sự nghiệp của pháp sư Huyền Trang”. Nhưng do tính cách vĩ đại và cao thượng của cuộc đời Ngài quả là tấm gương sáng, là ngọn đuốc soi đường cho người Trại sinh Huynh trưởng cấp II, người Liên Đoàn trưởng trong trách nhiệm lãnh đạo một GĐPT với tinh thần bất thối chuyển và phục vụ không mệt mỏi.
 Cho nên ở trại Huấn luyện Huyền Trang, đề tài này lại cần thiết để củng cố, nâng cao hơn về kiến thức, nhận thức và tinh thần nghị lực của Huynh trưởng trại sinh.)
 

Có một thời đất nước Trung Quốc đã sản sinh ra một người con ưu tú, đã làm vẻ vang cho Tổ quốc. Có một thời đất nước Ấn Độ đã đón tiếp một khách hành hương nhiệt tâm hùng lực đến từ phương đông vạn dặm để rồi trở thành một học giả thông bác một pháp sư uyên thâm đã làm rạng rỡ cho đại thừa Phật giáo ngay trên quê hương đức Phật và trở thành bất tử đối với Phật giáo ở viễn đông Châu Á cũng như khắp năm châu thế giới. Con người vĩ đại ấy chính là Pháp sư Huyền Trang
 I. THÂN THẾ, TƯ CHẤT VÀ CHÍ NGUYỆN:
 Ngài Huyền Trang, người đời thường trân trọng gọi Ngài bằng danh hiệu đầy đủ ý nghĩa xứng đáng “Đường Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang”, tên đời là Trần Vĩ, sinh năm 569(1) (đời vua Văn đế nhà Tùy) ở quê hương huyện Hầu Thị (nay là huyện Uyển Sư, tỉnh Hà Nam-Trung Quốc). Thân sinh Ngài tên là Trần Huệ làm quan lệnh ở Giang Lăng. Gặp lúc vua Tuỳ Dượng đế bạc ác, phóng đãng xa xỉ, triều đình mục nát, đất nước loạn lạc nên cáo quan về nhà sống đời an bần lạc đạo. Ngài là con út trong bốn anh em. Người anh thứ hai của Ngài tên Trần Tiệp làm hoà thượng chùa Tịnh Độ ở Lạc Dương. Những lúc đến chùa thăm anh, Ngài thường ở lại dự nghe thuyết giảng kinh điển. Đây là nhân duyên có ảnh hưởng lớn đến xu hướng tư tưởng khiến Ngài sau này bỏ Khổng giáo mà Ngài đã theo học và thấm nhuần từ nhỏ để theo đạo Phật.
Không những có tướng mạo khôi ngô tuấn tú, phong thái trang nghiêm đĩnh đạc, ôn hoà, từ niên thiếu Ngài đã nổi tiếng thông minh xuất chúng và sớm biểu lộ ý chí tinh thần cao thượng hiếm có và báo hiệu cuộc đời đầy ý nghĩa cao cả, vĩ đại của Ngài trong tương lai.
Mô tả hình dáng, đức tính cao quý của Ngài, sử sách đã ghi chép với những lời ca ngợi đầy trân trọng và cảm phục:
“… Pháp sư cao hơn bảy thước xưa, da hồng hào, với lông mày rộng và cặp mắt tươi sáng. Cử chỉ của Ngài tề chỉnh như pho tượng và đẹp đẽ như một họa phẩm. Tiếng nói của Ngài trong sáng vang xa, và Ngài lúc nào cũng nói một cách thanh nhã và lịch sự khiến người nghe không bao giờ nhàm chán. Khi Ngài ở trong đồ chúng hay trong khi tiếp khách, Ngài ngồi thẳng không dao động trong một thời gian khá lâu. Ngài thường mặc bộ sắc phục Gandhara bằng nỉ dạ, không quá rộng và vừa vặn chững chạc. Ngài đi đứng ung dung khoan thai, luôn luôn ngó thẳng, không nhìn qua một bên. Cử chỉ của Ngài như dòng sông lớn chảy và sáng sủa như đoá hoa sen nở trên mặt nước” (2)
Ngài luôn tôn trọng những điều cao thượng và nhất là hành trì giới luật rất nghiêm chỉnh và thực hành không hề lay chuyển: “… Ngài giữ giới hạnh một mực tinh nghiêm. Ngài mến tiếc giới luật hơn cái phao cứu mạng và giữ gìn giới luật kiên trì. Tánh của Ngài ưa tĩnh mịch, giản dị, ít thích giao du. Mỗi khi Ngài vào đạo trường thì chỉ có lệnh của triều đình mời Ngài mới ra khỏi phòng việc…” (3)
 Trường hợp xuất gia của Ngài là rất đặc biệt, đã bộc lộ rõ ràng chí nguyện rộng lớn của Ngài ngay từ còn niên thiếu. Luật lệ thời ấy bắt buộc người muốn xuất gia phải qua một kỳ sát hạch mới được làm tăng.
 Năm mới 13 tuổi, cái tuổi chưa được phép xuất gia, nhưng do chí nguyện xuất trần quá mạnh, Ngài vẫn nộp đơn tuy biết là khó bề được chấp nhận.
 Thấy vẻ người tuấn tú phong thái đĩnh đạc của người thiếu niên ứng tuyển, một vị giám khảo gọi Ngài lại ướm hỏi: Người muốn xuất gia để làm gì?
 Ngài trả lời một cách chắc quyết và minh bạch: “Thưa, tôi muốn: Xa nối chí Phật Như Lai, gần hoằng dương chánh pháp”.
 Những lời đối đáp trôi chảy, khí phách trang mạo khác thường của Ngài đã khiến các giám khảo phải kinh ngạc và không thể từ chối trước một tương lai đang chờ đón người niên thiếu phi phàm.
 Sau khi được độ điệp, Ngài ở lại chùa Tịnh Độ với anh, ngày đêm chăm chuyên tu học nên nhanh chóng tiến bộ, thâm hiểu giáo pháp.
 Năm 618 nhà Tuỳ bị diệt, nhà Đường lên thay. Do chiến tranh loạn lạc nhiều năm, tình hình ở đô thành Lạc Dương rất rối ren, dân chúng đói khổ trăm điều, phải phiêu tán khắp nơi. Ngài Huyền Trang bàn với anh bỏ quê hương Lạc Dương về Tràng An, đến ở chùa Trang Nghiêm. Nhưng thấy ở đây cũng không thuận lợi, vì phần lớn các vị cao tăng thạc đức đều đã bỏ nơi này quy tụ về đất Thục là nơi khá yên tĩnh. Vì vậy hai anh em Ngài lại rời Tràng An và vào Thành Đô (Thủ phủ của đất Thục-tỉnh Tứ Xuyên ngày nay). Tại đây hai Ngài ở chùa Không Tuệ, tu học với mấy vị cao đức danh tiếng (như Ngài Phùng Không, Đạo Cơ) trong năm năm. Ngài Huyền Trang đã tỏ rõ trí tuệ xuất chúng lại đạo đức hơn người, mọi người đều thán phục. Ngài đã đi khắp Thành Đô để tìm tòi học hỏi, nên rất uyên thâm Phật pháp. Nhưng với ý chí muốn hiểu sâu rộng, cầu học không chán, Ngài không lấy thế làm thoả mãn. Ngài thường nói: “Học cốt kinh lịch cho xa nghĩa là cốt khai thông đến nguồn gốc. Nếu chỉ trông ngóng ở một nơi thì chẳng bao giờ đạt được huyền áo”.
 Ngài khẳng định chí nguyện đời Ngài là vượt lên trên tất cả mọi sự trói buộc của đời sống tầm thường, xem danh vọng như cát bụi, chỉ có giác ngộ chân lý là tối thượng, là sự nghiệp chân chính đáng sống:
 “… Ở đời nếu chỉ biết trọng sinh mạng mà coi khinh sự nghiệp tức sẽ không ra gì, mà sinh mạng cũng sẽ nát với cỏ cây. Một đời không có chí lớn, chỉ quanh đi quẩn lại, lo sợ ngó trước dòm sau, suốt đời cũng thành ra một đời hư vinh vô bổ …” và Ngài xác định chí nguyện đời mình: “Tôi mong muốn phổ biến rộng rãi thông điệp của đức Như Lai và đốt cháy các ngọn đuốc học thuyết Ngài để lại”, cho nên Ngài đã tìm cách rời Thành Đô, bôn ba khắp nơi, xuôi theo sông Dương Tử ngược lên phía Bắc, vượt sông Hoàng Hà, rồi lại về Tràng An …, tìm học khắp các vị danh tăng cũng như tài tục, người Hoa lẫn người Ấn, nghiên cứu khắp các kinh điển của mọi tông phái, tiểu thừa và đại thừa, Phật học lẫn thế học. Tất cả mọi kinh điển, giáo thuyết Ngài đều liễu triệt uyên thâm khiến mọi người đều thán phục. Danh tiếng Ngài vang dội khắp Trung Quốc.
 Nhưng học vấn càng sâu rộng, mối nghi ngờ của Ngài càng lớn vì kinh điển thời bấy giờ tuy đã được dịch ra chữ Hán nhưng còn bộc lộ nhiều điều vụng về thiếu sót, nghi vấn thậm chí còn mâu thuẫn khó hiểu và thiếu căn bản vững chắc. Từ nhận định ấy Ngài thấy cần phải chỉnh lý lại kinh điển cho đúng với ý nghĩa sâu xa của Phật pháp. Muốn vậy thì phải có căn cứ vững chắc, phải tìm đến tận nguồn gốc, nơi phát sinh ra đạo Phật, tức Ấn Độ. Thế là Ngài bắt đầu ấp ủ hoài bảo lớn lao là thực hiện một chuyến ”nhập Trúc cầu pháp”, một cuộc tây du thỉnh kinh.
 II. ĐẠO NGHIỆP ĐỜI NGÀI:
 Thật khó nói hết công nghiệp của đời Ngài vì trí tuệ, hạnh nguyện, nghị lực và ý chí của Ngài thực siêu phàm quá tầm cảm nhận của phàm tình, công hạnh của đời Ngài phi thường và vĩ đại quá sức tưởng tượng của người đời. Chúng ta chỉ có thể góp nhặt một vài nét rất sơ lược về sự nghiệp và thành quả mà Ngài suốt đời miệt mài vì lý tưởng phụng sự đạo pháp, cống hiến cho đất nước và giáo hoá chúng sanh.
 1. Ngài đã thực hiện cuộc tây du thần kỳ hy hữu:
 Pháp luật thời ấy ngăn cấm người dân xuất du ra khỏi nước. Vã lại một cuộc tây du xa hàng vạn dặm sẽ vô cùng nguy hiểm, một đi khó về, nên gia đình bạn hữu, mọi người đều khuyên can Ngài từ bỏ ý định ấy.
 Nhưng lòng khát khao chân lý, chí nguyện cần về đất Phật để tìm hiểu tận gốc giáo lý, học hỏi trọn vẹn kinh điển, như ngọn lửa luôn cháy bỏng trong tâm trí, thôi thúc Ngài tìm mọi cách thực hiện cho kỳ được nguyện lớn. Đêm đêm Ngài quỳ trước bàn Phật, ngước nhìn lên tượng đức Như Lai thành khẩn nguyện cầu sự gia hộ cho cuộc tây du của mình được thành tựu.
Biết trước trên đường đi Tây Trúc sẽ có muôn ngàn chông gai hiểm trở gian nan đang chờ đón, nhưng Ngài vẫn cương quyết ra đi.
 Năm 629 (niên hiệu Trinh Quán thứ ba đời Đường Thái Tông) đợi mãi mà biểu xin phép xuất ngoại của Ngài gửi triều đình vẫn không được trả lời, Ngài quyết định ra đi. Thừa lúc tình hình loạn lạc, dân chúng đói khổ lưu tán các nơi kiếm sống, Ngài bèn ra khỏi Tràng An đi về phía Tây tới Tần Châu, Lan Châu, Lương Châu, Qua Châu (đều thuộc tỉnh Cam Túc). Bị quan quân đuổi bắt, người khuyên ngăn, các người đồng hành lần lượt bỏ rơi, ngựa chết dọc đường, nhưng cảm động trước sự quyết tâm của Ngài, vẫn có mấy Phật tử thành tín đã tìm cách giúp đỡ Ngài. Sau nhiều khó khăn vất vã Ngài cũng đã vượt qua khỏi cửa ải Ngọc môn quan hiểm trở cũng là lúc người đệ tử cuối cùng là Bàn Đà cũng bỏ Ngài mà quay về. Từ đây Ngài một mình một ngựa đi vào sa mạc hoang vu và lần lượt qua được 5 phong hoả đài (đồn canh biên phòng), rồi lại đi vào sa mạc Qua Bích (Gobi) mênh mông rùng rợn hơn sa mạc trước. Bị lạc trong sa mạc, không một giọt nước, ngày nóng như rang, không một bóng cây một ngọn cỏ, đêm rét tận xương. Có lúc định quay về để kiếm nước, nhưng ý chí kiên cường, tinh thần bất thối chuyển lại thôi thúc Ngài thách thức trước cái chết, Ngài khẳng quyết: “… Ta thà đi sang phương Tây mà chết còn hơn là quay về hướng Đông mà sống.” Không nao núng sợ hãi, Ngài tiếp tục nhắm hướng Tây thẳng tiến. Suốt bốn năm ngày đêm trên sa mạc, người ngựa không có một giọt nước. Kiệt sức nằm vật ra trên cát hàng giờ, Ngài không ngớt niệm danh hiệu đức Bồ tát Quán Thế Âm và khấn nguyện:
 “Lạy đức Quán Âm! Trong chuyến đi này con không vì giàu sang chức tước. Con chỉ đi cầu pháp độ sanh. Ngài hãy thương xót con như đã thương xót bao nhiêu quần sanh chìm đắm trong biển khổ, rũ lòng từ bi cứu vớt con ra khỏi bước cùng này”.(4) Rồi với một thứ sức mạnh phi thường Ngài đã đứng lên tiến bước và hai ba ngày sau Ngài ra khỏi tử địa với 800 dặm đường trên cát bỏng của sa mạc Qua Bích mà Ngài đã dũng cảm vượt qua một cách kỳ diệu để vào nước Y Ngô. Danh tiếng Ngài chẳng bao lâu đã lan đến nước Cao Xương (thuộc Tân Cương ngày nay). Vua nước này tên Khúc Văn Thái là người rất sùng thượng đạo Phật đã khẩn khoản mời Ngài đến thăm đất nước. Với lòng kính phục và ngưỡng mộ Ngài, vua Cao Xương không những đón tiếp nồng hậu, cúng dường một cách cung kính long trọng, mà còn chí thiết mời thỉnh Ngài ở lại để giáo hoá dân chúng trong nước chứ đừng đi Tây du nữa. Ngài đã giải bày tâm tư, bản nguyện và mục đích chuyến đi của mình. “… Tâu đại Vương, bần tăng ra đi chuyến này không phải để nhận lãnh phú quý vinh hoa. Bần tăng đã bao năm khổ tâm vì tại nước nhà, lý nghĩa Phật pháp đang còn hoang mang, kinh điển còn nhiều thiếu sót nên mới phát nguyện Tây du để nghiên cứu kinh điển, không quản ngại đường sá gian lao có thể tổn hại đến tánh mạng. Bần tăng mong rằng rồi đây mưa pháp sẽ thấm nhuần không phải chỉ ở Ấn Độ, mà cả toàn cõi Trung Quốc bao la. Vì thế xin Đại Vương … Đại Vương hiểu thấu cho bần tăng phải bỏ dỡ cuộc hành trình. Bần tăng rất lấy làm cảm kích về sự tiếp đãi ân cần của Đại Vương, nhưng không thể nghĩ đến chuyện ở lại đây được. Xin Đại Vương hiểu thấu cho”.(5)
 Cung kính khẩn nài mà không lay chuyển được quyết tâm của Ngài, vua Cao Xương bèn dùng áp lực của vương quyền để bắt Ngài ở lại hoặc đưa Ngài trở về nước, nhưng Ngài vẫn không khuất phục và Ngài tuyệt thực để tỏ rõ quyết tâm không lùi bước của mình cho dù phải hy sinh tính mạng: “Bần tăng lặn lội xa xôi, cốt là cầu lấy kinh Phật, hiện giờ bị đại vương ngăn giữ, Đại Vương chỉ giữ được hài cốt của bần tăng thôi, chứ tinh thần ý chí của bần tăng thì Đại Vương không giữ được”.(6)
 Cảm phục trước hạnh nguyện cao cả và ý chí gang thép của Ngài, vua Cao Xương bày tỏ sám hối, và đành để Ngài ra đi. Vua bèn cung cấp rất đầy đủ các phương tiện từ đồ ăn thức uống, áo quần, thuốc men, ngựa xe, kẻ dẫn đường, người hầu hạ và cả gấm vóc vàng bạc … để Ngài đi đường được an toàn. Vua lại viết 24 bức thư cho 24 quốc vương mà Ngài sẽ đi qua để giới thiệu và xin giúp đỡ cho Ngài. Thế là từ đây Ngài trở thành vị quốc khách của 24 nước trên đường đến biên giới Ấn Độ.
 Cảm biệt vua Cao Xương, Ngài đi về phía Tây. Tuy lần này đến đâu Ngài đều được vua các nước tiếp đãi nồng hậu và tận tình giúp đỡ, nhưng dọc hành trình Ngài vẫn phải trải qua vô số điều hiểm nguy, gian nan khổ sở và cuộc viễn hành tưởng như vô tận.
 Trước sau Ngài đã đi qua 24 nước Trung Á, có nước giàu có sầm uất, con người thuần phác, có nơi thì nghèo nàn xơ xác, dân tình đói khổ tập tục lạc hậu dã man, nhiều xứ đạo Phật đã thịnh hành, cũng có chỗ thì theo ngoại đạo tà giáo. Ngài đã có những kỷ niệm sâu sắc tại các nước như A Kỳ Ni (thuộc Tân Cương ngày nay) là nước láng giềng ở phía Tây nước Cao Xương, rồi nước Khuất Chi (hay Nhục Chi, nơi sinh trưởng của Ngài Cưu Ma La Thập, người đã dịch nhiều kinh từ chữ Phạn ra chữ Hán), nước Cô Mặc (thuộc Tân Cương). Từ đây Ngài vượt qua khỏi dãy núi Thông Lĩnh (Thiên Sơn) cheo leo hiểm trở quanh năm tuyết phủ để vào nước Đột Quyết hùng mạnh (thuộc Liên Xô cũ ngày nay), đi tiếp đến nước Thiên Toàn phì nhiêu giàu có, rồi nước Chữ Thì (thuộc Liên Xô cũ ngày nay) dân chúng theo đạo thờ lửa. Từ đây Ngài đi về phía Nam mấy trăm dặm đường núi non trùng điệp hiểm trở để đến nước Thổ Hoà La (giáp Afghanistan ngày nay). Do có sự gửi gắm của vua Cao Xương và vua Đột Quyết, Ngài phải rẽ về nước Tất Già Thì (thuộc Batriane, Afghanistan) phồn vinh, Phật giáo tiểu thừa rất thịnh, trong nước có hàng trăm tịnh xá, hàng ngàn tăng sĩ và nhiều di tích của đức Phật.
 Rời nước Tất Già Thì, Ngài đi về hướng đông nam và đi lên Tuyết Sơn (tức Hy Mã Lạp Sơn) ngất trời muôn ngàn hiểm trở. Sau khi một mình đi gần 3000 dặm đường núi non trùng điệp cực kỳ gian khó hiểm nguy, Ngài đã vượt khỏi Hy Mã Lạp Sơn vĩ đại cao nhất thế giới và đặt chân lên biên giới Bắc Ấn Độ.
 Vậy là từ hoài bảo thượng cầu hạ hoá mãi thôi thúc, lòng khát vọng chân lý luôn cháy bỏng đã khiến Ngài Huyền Trang dấn thân vào gió bụi của cuộc hành trình tây du thỉnh kinh hy hữu và cực kỳ gian truân. Làm sao nói hết được trăm ngàn nổi hiểm nguy Ngài đã phải chịu đựng bởi trùng trùng núi non chất ngất tuyết phủ, của hoang mạc bảo cát lấp thây, của sông sâu suối xiết cuốn xác, của lửa nóng nung người và sương tuyết cắt da, bởi giặc cướp đón đường hại mạng, hàng trăm lần tính mệnh chỉ còn treo tóc … nhưng với dũng lực vô bờ bến, với tinh thần bất thối chuyển có một không hai, với sức mạnh của lòng tin hơn gang thép, sức mạnh của ý chí bạt núi lấp sông Ngài đã vượt lên tất cả, chiến thắng tất cả mọi sự ngăn cản của lòng người và trở lực bởi thiên nhiên, sau hơn 2 năm lầm lũi thẳng tiến trên con đường vạn dặm, một bước không lùi, Ngài đã tới được Ấn Độ, nguyện ước tây du của Ngài một phần đã thành tựu.
 Chiêm bái Phật tích là một trong ba mục đích tây du của Ngài, nên ngay sau khi đặt chân lên đất Ấn Độ, Ngài liền hành hương đến các Thánh địa. Cuộc hành hương của Ngài Huyền Trang là một công trình chiêm bái lịch sử, đầy ly kỳ quyến rũ và cảm động, bởi rất nhiều thánh tích tại hàng trăm nước mà Ngài đã đến viếng, bởi những gian khó không kể hết mà Ngài phải trải qua, bởi thời gian rất dài để thực hiện một trong các ước nguyện của một đời người, bởi tâm hồn chứa chan tình cảm sâu sắc, bởi niềm tin thành khẩn của Ngài đối với đức Phật, thánh chúng, các vị tiền bối Tổ sư mà những gì Ngài thuật lại sau này thật phong phú đồ sộ, đầy sức hấp dẫn đối với mọi người và là những tài liệu nghiên cứu lịch sử hết sức quý giá cho ngày nay và mãi mãi mai sau.
 Trên đường hành hương, Ngài không chọn lựa các nơi theo thứ tự ưu tiên, nhưng dọc hành trình, đến xứ nào, nước nào hễ nơi đó có di tích thánh địa thì Ngài liền đến chiêm bái.
 Trong số hàng trăm di tích Ngài đã đến viếng, ngoài các di tích của các vị Thánh tăng đại đệ tử của Phật, các vị Tổ sư như Tháp thờ xá lợi của các Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ưu Ba Ly, A Nan, La Hầu La, Tịnh xá của Tổ sư Hiếp Tôn Giả, Vô Trước, Thế Thân … thì đáng kể hơn cả là 6 thánh địa quan trọng ghi dấu cuộc đời vẻ vang cao thượng của đức Phật đó là:
– Vườn Lâm Tì Ni, nơi đức Phật đản sanh.
– Thành Ca Tỳ La Vệ, quê hương của đức Thế Tôn.
– Bồ đề Đạo Tràng, nơi đức Phật thành đạo
– Vườn Lộc Uyển (vườn Nai), nơi đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên cho nhóm năm người ông Kiều Trần Như
– Tịnh Xá Kỳ Hoàn (vườn Cấp Cô Độc), nơi đức Phật tịnh trú nhiều nhất và thường thuyết pháp.
– Rừng Sala (song thọ), nơi đức Phật vào Niết Bàn.
 Tại mỗi nơi Phật địa, bất cứ một dấu tích hay di vật gì dù là một mảng tường đổ nát, một viên gạch vở, một cội cây già cằn cỗi, một lối mòn trơ sỏi đá bụi vàng, dưới mỗi bước chân đi đều gợi lên trong lòng Ngài bao nhiêu kỷ niệm sâu sắc của đức Phật. Hình ảnh uy nghiêm mà đầy từ bi trí huệ thanh tịnh, cuộc đời vĩ đại cao cả tuyệt với của đức Thế Tôn như vẫn lunh linh sống động. Với tâm hồn phong phú đa cảm, lòng tràn đầy niềm hân hoan lẫn xúc động ngậm ngùi, Ngài sụp lạy trên đất rất lâu như lễ bái chính đức Phật trước mắt.
 Khi chiêm bái cây Bồ đề, lòng vô hạn thành khẩn cảm bội ân đức cao cả của đức Như Lai, Ngài đãnh lễ hồi lâu và lớn tiếng than khóc trong nước mắt chan hoà.
 “Kính lạy đức Từ phụ, khi Ngài đã chứng quả Bồ đề thì con đang còn lặn hụp trong biển khổ si mê, cho đến nay sau khi Ngài đã nhập Niết bàn trên một ngàn năm rồi, con cũng vẫn chưa thoát khỏi cảnh sanh tử luân hồi! Thật quả nghiệp báo của con quá nặng nề, và con vô cùng xấu hổ, thẹn thuồng cho duyên kiếp của con”
 Thế là ước nguyện chiêm bái các Phật tích thánh địa Ngài từng ấp ủ nay đã thành tựu, xứng đáng cho xiết bao hiểm nguy gian nan Ngài đã phải kinh qua trên cuộc hành trình vĩ đại của một nhà chiêm bái đầy thành tín phi thường và hy hữu.
 2. Tu học nghiên cứu Phật pháp:
 Tuy hết sức hân hoan mãn nguyện được hành hương hầu hết các Phật tích thánh địa, nhưng chiêm bái không phải là mục đích chính yếu của chuyến tây du gian khổ mà cốt yếu là để cầu học và sưu tầm kinh điển, vì vậy Ngài đã phải tranh thủ mọi thời gian, mọi nơi, tất cả các cơ hội để tu học, nghiên cứu tam tạng hầu thỏa mãn lý trí và niềm khát vọng chân lý luôn nung nấu từ lâu.
 Từ lúc mới bước chân vào đất Ấn ở miền Bắc rồi dần xuống miền Trung, rẽ Đông xuôi Nam lên Tây, hễ nơi nào nghe có danh tăng thạc đức, minh sư hay cư sĩ lỗi lạc, có kinh điển quý báu, bất kỳ giáo phái nào, tiểu thừa hay đại thừa, dù thuộc trường phái tư tưởng triết học gì, kể cả ngoại đạo Ngài đều tìm đến. Nơi ở lại vài tuần, chỗ năm bảy tháng, có khi đôi ba năm, để tham học, tu tập, khảo sát nghiên cứu, biên chép kinh điển một cách say mê không biết mệt mỏi. Sự học tập nghiên cứu của Ngài thật sâu rộng cùng khắp và vô tận. Lần lượt đi qua hàng chục nước, Ngài đã học tập, nghiên cứu rất nhiều kinh điển, nhất là luận tạng như các bộ luận: Câu Xá, Tỳ Bà Sa, A Tỳ Đạt Ma chánh lý luận, Nhơn Minh Luận, Chúng sự phần Tỳ Bà Sa … Có nhiều bộ luận Ngài đã phải học tập, tham vấn giải nghi tới nhiều lần, trong nhiều năm với nhiều luận sư danh tiếng khác nhau như Câu Xá Luận, Tỳ Bà Sa Luận, Căn bản A Tỳ Đạt Ma, Du Già sư địa luận, Nhơn Minh Luận, Lục túc luận … đặc biệt Ngài học hỏi rất kỹ các bộ luận thuộc đại thừa như Du Già sư địa luận, Thuận chánh lý luận, Đối pháp luận, Nhơn minh luận, Bách luận …
 Nhưng thời gian lâu nhất và công trình tu học quan trọng nhất của Ngài là ở tu viện NALANDA, sau khi đã chiêm bái Bồ đề đạo tràng. Chùa Nalanda được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ V ở phía Bắc thành Vương Xá nước Ma Kiệt đà (Ràjgir ngày nay). Đây là một học viện Phật giáo vĩ đại quy mô nhất thời ấy, là nơi hội tụ của rất nhiều bậc danh tăng thạc học khắp bốn phương, giao điểm của tất cả các luồng tư tưởng, tinh hoa triết học của Phật giáo nói riêng, học thuật Ấn Độ nói chung và là trung tâm đào tạo tăng tài cho mọi miền, mọi xứ, có thể đón nhận 10.000 tu sĩ đến học tập, nghiên cứu Phật pháp. Khi đến tu viện Nalanda Ngài được đón tiếp rất long trọng nồng hậu. Tại đây Ngài đã thọ học chánh pháp trực tiếp với pháp sư Giới Hiền (Silabhadra) là một vị đại luận sư danh tiếng về Duy thức học tiếp nối truyền thống trường phái Du Già thuộc “Duyên khởi luận” do hai anh em Bồ tát Vô Trước, Thế Thân khởi xướng (vào cuối thế kỷ thứ IV), lúc ấy đương là viện chủ tu viện Nalanda. Ngài đã ở tại Nalanda năm năm để chuyên tâm nghiên cứu thực sâu rộng hết thảy tam tạng kinh điển của các bộ phái, và vài bộ sách của Bà La Môn, đặc biệt là tam tạng thuộc Phật giáo đại thừa.
 Tuy thế, Ngài vẫn chưa thoả mãn, Ngài thấy cần phải mở rộng thêm tầm nhìn, nâng cao hơn sự hiểu biết, cho nên Ngài rời tu viện Nalanda, một lần nữa du hành khắp Ấn Độ, hết lên Tây, xuống Đông lại xuôi Nam ngược Bắc, đi bộ đi thuyền, qua sông băng rừng vượt hàng ngàn dặm, tới hàng chục nước, nơi chỉ đi qua chiêm bái cúng dường, nơi phải ở lại lâu hơn để nghiên cứu tìm tòi học hỏi. Sáu năm như thế trôi qua như ngắn ngũi đối với niềm say mê, lòng khao khát chân lý và ý chí tiến thủ vô tận của Ngài. Rồi Ngài lại trở về Nalanda, và đi quanh vùng tìm sư đến các danh tăng, cư sĩ, luận học rộng để học các bộ luận “Thành vô uý, bất trú niết bàn, Thập nhị nhân duyên, Trang nghiêm kinh luận” và giải quyết tiếp các điểm nghi vấn về Du già sư địa luận, Nhơn minh luận …
 Như vậy, chúng ta thấy rõ rằng công trình nghiên cứu học hỏi của của Ngài hết sức triệt để và vô cùng sâu rộng, tuy có thiên hẳn về A Tỳ Đạt Ma (luận tạng) mà nhẹ về kinh tạng và luật tạng, trong đó Ngài lại chuyên về tư tưởng học phái Du Già (đại thừa) nhiều hơn.
 Đã sẵn thông minh xuất chúng lại thêm ý chí tiến thủ, tinh thần cầu học cao tột và sự hăng say nổ lực không mệt mỏi, Ngài trở thành một nhà học giả vô cùng uyên bác không chỉ tinh thâm áo nghĩa của giáo lý đại thừa mà còn thông suốt tất cả mọi học thuyết của các bộ phái tiểu thừa, các ngoại đạo và là một nhà thuyết giáo tài ba, một nhà biện luận vô địch khiến cho tất cả các vị pháp sư lỗi lạc, các đại luận sư danh tiếng nhất đương thời đều phải kính phục không tiếc lời ca tụng Ngài. Chính sự uyên bác của Ngài sẽ làm nên các công trình xiển dương đại thừa Phật giáo hết sức rạng rỡ.
 Tuy thông minh uyên bác có một không hai, biện tài vô địch như thế, nhưng Ngài luôn tỏ ra mềm mỏng khiêm tốn, độ lượng lại nghiêm trì giới luật, phong cách luôn chỉnh túc thanh tịnh trang nghiêm nên uy đức danh tiếng Ngài càng vang dội khắp nơi.
 3. Hùng biện, phá tà hiển chánh xiển dương đại thừa:
 Sự uyên bác tinh thâm giáo lý của Ngài đã khiến mọi người thán phục bao nhiêu thì khả năng trước thuật xuất sắc, tài năng thuyết giáo hiếm có và hùng biện vô song lại càng làm danh tiếng Ngài trở nên bất hủ và đại thừa Phật giáo vô cùng rực rỡ ngay trên quê hương đức Phật. Tác phẩm của ngài viết tuy không nhiều về số lượng nhưng rất sâu sắc và giá trị về tư tưởng học thuật, văn học, ảnh hưởng hết sức lớn lao đến sự phát huy đại thừa.
 Tại Ấn Độ, hai luận văn vô cùng sâu sắc của Ngài là “Chế ác luận”“Hội tông luận” đã đem lại kết quả phá tà hiển chánh hết sức vẻ vang.
 Sau khi về Trung Quốc, Ngài đã viết bộ “Đại Đường Tây vức ký” gồm 12 cuốn thuật lại cuộc hành trình tây du thỉnh kinh vĩ đại, trong đó đã ghi chép rất nhiều chi tiết về địa lý thiên nhiên, khí hậu, con người, phong tục tập quán, kinh tế, văn hoá, ngôn ngữ, văn tự, kiến trúc, chùa tháp, Phật tích … của 138 nước lớn nhỏ mà Ngài đã đi qua. Bộ sách đồ sộ ấy đã trở thành những tài liệu hết sức quý giá cho các nhà khảo cổ, các nhà nghiên cứu văn hoá, lịch sử trên thế giới. Trong việc trước thuật Ngài luôn nhân các cơ hội có sự kiện, gặp di tích, chuyện tích … là Ngài mô tả, kể lại để đề cao tuyên dương đại thừa Phật giáo.
 Tại Ấn Độ, đại thừa Phật giáo lúc này được xiển dương rất rực rỡ chính là nhờ công lao rất lớn của Ngài Huyền Trang. Thành tựu phát huy đại thừa trở nên vẻ vang của Ngài có thể kể bằng 2 hoạt động tiêu biểu nhất đó là:
 – Ngài đã hùng biện để khuất phục những kẻ ngoại đạo chống phá Phật giáo.
– Ngài đã trước tác cực kỳ sâu sắc nhằm đả phá những người tiểu thừa bài xích đại thừa và chỉnh lý những vị đại thừa lại chống bác đại thừa.
 Tu viện Nalanda là nơi thường diễn ra các cuộc tranh luận sôi nổi giữa Ngài Huyền Trang với những người tà giáo, hoặc các vị sư tiểu thừa và có khi với cả những danh sư đại thừa mà lại phi bác đại thừa. Với trình độ uyên thâm quán thông tất cả các học thuyết và tài hùng biện vô địch Ngài luôn khiến người đối biện phải chịu cúi đầu khuất phục.
 Có một lần, một thủ lĩnh của một phái Bà La Môn ngoại đạo đến Nalanda thách thức Ngài tranh luận. Trước sự chứng kiến của đại sư Giới Hiền và rất nhiều tỳ kheo khác, với sự uyên bác tường tận lý thuyết của các tà phái, Ngài đã bác bỏ tất cả các tà kiến nêu ra một cách sâu sắc, hùng hồn đầy sức thuyết phục khiến những người ngoại đạo thách đấu phải khiếp sợ, công nhận chịu thua và xin chịu chết như lời cam kết. Trước thái độ chịu khuất phục ấy, Ngài đã ôn tồn từ hòa và tha thứ.
 Không phải chỉ có kẻ ngoại đạo chống phá đạo Phật mà còn có những người tiểu thừa bài xích đại thừa khiến Ngài Huyền Trang phải đứng ra đương đầu để nêu cao ánh sáng rực rỡ của giáo lý đại thừa. Lúc ấy có một vị sư tiểu thừa cực đoan tên là Bát Nhã Cúc Đa (Prajnaqupta) viết một bản văn dài 700 đoạn gọi là “phá đại thừa luận” phỉ báng đại thừa, dâng cho vua Giới Nhật (Siladitya) xem và thách thức xem ai trong các sư đại thừa có thể bác bỏ được một chữ nào trong bản văn đó. Rồi họ lại yêu cầu nhà vua cho tổ chức một cuộc tranh luận giữa các người đại diện của hai phái. Vua Giới Nhật thời bấy giờ trị vì nước Ma Kiệt Đà, là một nước lớn ở Trung Ấn Độ, Phật giáo vẫn đang thịnh hành. Vua là một Phật tử sùng mộ đại thừa. Trước sự kiện ấy nhà vua rất lo lắng bèn thông tri cho đại sư Giới Hiền đề cử người ra tranh luận. Ngài Giới Hiền hội họp tất cả cao tăng đại đức trong chùa Nalanda nhưng không có ai dám đứng ra nhận thách đấu, chỉ mình Ngài Huyền Trang đã mạnh dạn đảm nhận sứ mạng đương đầu với những kẻ quá khích trong cuộc tranh luận đầy khó khăn hy hữu này.
 Ngài bèn nghiên cứu kỹ lưỡng bản văn “phá đại thừa luận” của người khiêu khích, rồi viết ra quyển “CHẾ ÁC LUẬN” gồm 1600 bài tụng, dùng giáo lý đại thừa bác bỏ hoàn toàn những ác kiến trong quyển sách tiểu thừa nọ. Ngài Giới Hiền và vua Giới Nhật cùng tăng chúng trong chùa xem sách xong đều hết sức thán phục ca ngợi và rất vui mừng tin chắc Ngài sẽ chiến thắng trong mọi cuộc tranh luận.
 Theo lời yêu cầu của vị sư tiểu thừa nọ, vua Giới Nhật đã cho tổ chức Hội nghị tranh luận vô cùng rực rỡ long trọng với nghi thức cung rước cúng dường cực kỳ trang nghiêm trọng hậu trong nhiều ngày. Ngài Huyền Trang được nghinh thỉnh đăng đàn thuyết giáo trước sự chứng kiến của nhà vua, đông đảo triều thần, hoàng thân quốc thích, cùng sự có mặt của 18 vị vua của 18 xứ được mời đến, 3000 tỳ kheo uyên bác nhất được chọn lựa từ hai phái đại thừa, tiểu thừa; hơn 2000 người Bà la Môn và tà giáo ngoại đạo cùng 1000 tu sĩ của tu viện Nalanda. Sau khi nghe Ngài thuyết giáo biện luận vô cùng hùng hồn sắc bén, tất cả các phái đối nghịch hoàn toàn lặng thinh, không một ai dám lên tiếng tranh luận để phi bác lý lẽ của Ngài, mặc dù nhà vua công khai khuyến khích cổ vũ. Trong thời gian tiếp diễn hội nghị, có một số người tiểu thừa quá khích nổi lòng căm tức đã âm mưu cấu kết với tà phái tổ chức ám sát Ngài, nhưng nhà vua đã được mật báo kịp thời bèn nghiêm khắc cảnh cáo trước công chúng nên Ngài được bảo vệ an toàn. Tiếp hơn 10 ngày nữa, hội nghị vẫn diễn ra im lặng không một ai lên tiếng tranh luận. Trong lễ bế mạc theo chương trình đã định, Ngài Huyền Trang lại lên diễn đàn tán dương sự thậm thâm vô thượng của giáo lý đại thừa. Với lời hùng biện hấp dẫn, lý lẽ xác đáng chắc quyết, Ngài đã khiến cho nhiều người tuyên bố bỏ ngay tà kiến và quy y đại thừa tại chỗ. Vua Giới Nhật vô cùng hân hoan trước kết quả rất rực rỡ của hội nghị nên hết sức trọng vọng, cung kính cúng dường Ngài rất nhiều vàng bạc, phẩm vật, hàng trăm bộ tăng phục quý giá và cung rước Ngài đi vòng quanh hội nghị với nghi thức cực kỳ long trọng, nhưng Ngài đều khiêm tốn từ chối. Nhà vua bèn cho rao truyền lời tuyên bố để dân chúng được rõ “… Vị pháp sư Trung Quốc đã thiết lập đại thừa và phá hủy mọi tà thuyết, trong 18 ngày không ai dám đối lập. Nay tin cho công chúng biết.” Trước chiến thắng vẻ vang ấy mọi người đều hết lời ca tụng Ngài. Người đại thừa thì phong tặng Ngài danh hiệu Đại thừa thiên  còn những người tiểu thừa thì xưng tụng Ngài là Mộc Xoa Đề Bà (hay Giải thoát thiên).
 Khuất phục tà giáo, đả phá tiểu thừa chống nghịch chưa đủ, Ngài còn phải nổ lực bảo vệ chánh giáo đại thừa trước một số pháp lữ đại thừa mà bài bác đại thừa. Sự việc là lúc bấy giờ có tỳ kheo tên Sư Tử Quang là một luận sư xuất sắc của trường phái Thật tướng luận rất tinh thông Bách luậnTrung quán luận, nhưng do nhận thức lệch lạc đã đòi loại bỏ thuyết Du già thuộc trường phái Duyên khởi luận về bản chất của thực tại tuyệt đối.
 Với trình độ cực kỳ uyên thâm áo nghĩa của Bách luận, Trung quán luận và cả Du già sư địa luận, Ngài đã viết một luận án nhan đề là “Hội tông luận” bằng chữ Phạn gồm 3000 đoạn nêu lên sự tương đồng giữa Trung quán Du già, rằng Bách luận Trung quán không hề phủ nhận bản chất của Duyên khởi về thực tại tuyệt đối, đã phản bác lập luận và quan điểm sai lầm của Sư Tử Quang, dung hoà hai phái và bảo vệ sự trong sáng chân tinh thần giáo lý đại thừa. Ngài Giới Hiền đã ca ngợi đây là một tác phẩm rất xuất sắc. Tỳ Kheo Sư Tử Quang hổ thẹn bèn bỏ đi rồi nhờ bạn là Tỳ kheo Sư Tử Nguyệt đến tranh luận hầu rửa nhục. Nhưng khi đối diện với Ngài Huyền Trang thì vị Tỳ kheo này cũng đành im lặng và hoàn toàn quy phục. Vậy là một lần nữa, giáo lý đại thừa lại được tôn vinh hơn và danh tiếng Ngài Huyền Trang càng thêm vang dội.

Xem tiếp Cuộc đời và sự nghiệp của Pháp sư Huyền Trang (phần 2)
 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.