Một vài suy nghĩ về quá trình hình thành và phát triển Gia đình Phật tử Việt Nam

Đây là động cơ chính đưa đến sự chấn hưng Phật giáo Việt Nam nói chung và Gia đình Phật tử nói riêng. Từ đó trong nước thành lập các hội Nghiên cứu Phật học, Hội Phật giáo, các Phật học đường ra đời. Trong khi đó ở Huế có Hội An Nam Phật học được thành lập. Từ năm 1932 những tổ chức thanh thiếu niên đã có mặt, được gọi là Ban Đồng Ấu, do anh Bửu Bác chăm lo dạy dỗ. Đây là phương pháp nhấn mạnh vào tầng lớp thanh thiếu niên. Từ năm 1940 Bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám đã quy tụ một số thanh niên trí thức tân học ở Huế, dạy về các môn học và tư tưởng như Nho – Lão học, để nâng cao kiến thức và tiếp thu tinh hoa văn hoá mới cho tầng lớp thanh thiếu niên; lớp này sau trở thành Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục, ông gọi tổ chức này bằng tiếng Pháp là:“Commission d’Etudes Bouddhiques Et De Perfectionnement Moral”. Và đây là lực lượng quy tụ thanh niên trí thức biên tập tạp chí Viên Âm của hội An Nam nghiên cứu Phật học và xuất bản sách dành cho giới trẻ lúc bấy giờ. Điều thú vị ở đây là Phật giáo đã hình thành được một tầng lớp trẻ, nhanh nhẹn, sinh hoạt của họ có tính cách “Mới”, mà bài ca chính thức được viết bằng tiếng Pháp. Đó là ca khúc Rangeons – nous mes amis .“Bài ca sen trắng”. Trong đoàn tổ chức Đồng Ấu này mỗi đoàn gồm có 40 em/1 đoàn, đến năm 1942 có 12 đoàn. Nơi sinh hoạt chính lấy đồi Quảng Tế làm cơ sở.

Từ những năm 1942 các lớp Phật học mở liên tục cho thanh thiếu niên nhất là vào dịp hè do cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám phụ trách và giảng dạy. Trong khoảng thời gian đó Bác sĩ đã sáng kiến thành lập Gia Đình Phật Hoá Phổ, đây là tiền thân Gia đình Phật tử ngày nay.

Từ năm 1945 – 1947 sau này giới Phật tử yêu nước đã tham gia một số tổ chức kháng chiến, và dần dần nhận ra được nhất là sau các tổ chức Phật giáo Bắc Trung Nam trở thành những lực lượng xã hội có ảnh hưởng trực tiếp đến thời cuộc bấy giờ. Từ đó tiến hành và đi tới triệu tập đại hội, Tổng hội Phật giáo Việt Nam sau này. Trước đó một số đoàn sinh cũ Gia đình Phật hoá Phổ đã tập hợp tại nhà của cư sĩ Phan Cảnh Tú để tìm lại không khí đầm ấm trước chiến tranh. Hai gia đình; gia đình Hướng Thiện do cư sĩ Phan Cảnh Tú làm phổ truởng, và gia đình Gia Thiện do cư sĩ Nguyễn Văn Phiên làm phổ trưởng. Những gia đình này tập hợp trụ sở của Hội Phật học Trung Việt để học giáo lý do quý vị tôn túc giảng dạy: Như thầy Minh Châu, Thiên Ân, Chơn Trí, Đức Tâm, mục đích xây dựng Gia đình Phật hoá phổ với sự nhiệt tâm của các anh quá cố như: Võ Đình Cường, Phan Cảnh Tuân, Văn Đình Hy, Cao Chánh Cựu, Phan Xuân Sanh, Hoàng Thị Kim Cúc…Từ Gia đình Phật hoá Phổ đã nhanh chóng phát triển lan rộng tới miền Nam và miền Bắc. Có thể khẳng định đây là một tổ chức thiếu nhi quan trọng và có nhiều điểm mới và đặc sắc cho đạo Phật Việt Nam. Theo thống kê vào năm 1973 số lượng Huynh trưởng và đoàn viên trong tổ chức này đã lên đến 200.000 người. Những người tâm huyết là những học tăng ở Phật học đường Báo Quốc. Ngoài ra còn mở các trại huấn luyện để đào tạo những người có khẳ năng hướng dẫn gia đình, và cũng từ đây từ danh xưng Phổ đã đổi thành Gia trưởng; song trong các đoàn đội được phân chia theo lứa tuổi và trình độ như: Ngành nam, ngành nữ, ngành thiếu…

Tại chùa Quán Sứ miền Bắc Hoà thượng Tố Liên đã bắt đầu xây dựng lại cơ sở Phật học. Năm 1949 Hội Việt Nam Phật học tái hoạt động sau thời gian gián đoạn. Đặc biệt hội đã thành lập một cô nhi viện nuôi dưỡng với 200 trẻ mồ côi thiếu niên, nhi đồng do cư sĩ Nguyễn Văn Xếch và Đặng Văn Khuê chịu trách nhiệm, các em đuợc chia thành đoàn đội khác nhau. Ngoài ra hội còn mở hai trường tiểu học: Khuông Việt cho nam sinh và Vạn Hạnh cho nữ sinh do cư sĩ Lê Ngọc Quỳnh làm hiệu trưởng. Các đoàn đội chúng vào mỗi chủ nhật đến chùa lễ Phật, tập ca hát, và được hướng dẫn những kỉ năng trong đoàn.

Cũng trong thời gian này đầu năm 1950 hai trường vừa được thành lập trên gộp lại tạo thành Gia đình Phật hoá phổ minh tâm. Tổ chức này sinh hoạt trong vòng một năm mà khá mạnh và vững chắc, đầy đủ các đoàn đội, chúng; và có hai ngành nam nữ do những Huynh trưởng đảm trách.

Cũng từ năm 1949 tại Sài Gòn Gia đình Phật hoá phổ cũng từ từ manh nha và phát triển. Tại chùa Sùng Đức, chợ lớn, đến năm 1950 đổi thành Gia đình Phật hoá phổ chánh giác, đơn vị này thuộc Giáo hội Tăng già Việt Nam, sinh hoạt tại chùa Phật Quang do Hoà thượng Huyền Dung làm cố vấn, ông Nguyễn Văn Thục làm Huynh trưởng. Về sau Gia đình Phật hoá phổ phát triển đến Tiền Giang, Hậu giang… dần dần khắp cả miền nam.

Ngày 10-12-1948 trong dịp tết Nguyên Đán đã phát động phong trào Gia đình Phật hoá phổ đánh dấu một Phật giáo Việt nam trong khuynh hướng phát triển của đạo Phật. 
Năm 1951 hội nghị toàn quốc của Gia đình Phật hoá phổ (GĐPHP) được triệu tập tại Huế, từ đây danh hiệu Gia đình Phật hoá phổ được đổi thành Gia đình Phật tử (GĐPT). Tổ chức này mới bắt đầu có đồng phục, có phù hiệu, bài ca chính thức. Ban hướng dẫn khoá I (1950-1951) được ra mắt trước hội đồng Tăng già Trung ViệtHội Việt Nam Phật học Trung Việt tại chùa Từ Đàm – Huế. Trong dịp này huy hiệu hoa sen trắng trên nền xanh lá mạ được gắn đầu tiên cho các Huynh trưởng lãnh đạo phong trào. Trong những thời gian này về mặt giáo dục và hướng dẫn cho Gia đình Phật tử là thầy Thích Minh Châu (nay là Hoà Thượng Minh Châu viện chủ thiền viện Vạn hạnh) đảm nhiệm về giáo lý, ông Tráng Thông phụ trách về chuyên môn, anh Võ Đình Cường đảm nhiệm về tổ chức cùng cộng tác nhiều vị thành viên trong đoàn Đức Dục cũ. Năm 1951 Tổng hội Phật giáo Việt Nam được thành lập do Hoà thượng Thích Tịnh Khiết làm hội chủ. Trong dịp này Ban hướng dẫn Gia đình Phật tử đọc chúc từ và dâng lên đại hội tác phẩm Phật giáo Việt Nam của Lê Cao Phan sau lần Đại hội Phật giáo toàn quốc, và chọn làm (Phật giáo ca).

Sau hội nghị này nghiễm nhiên các tổ chức Phật tử đã có quy mô và nền móng vững chắc và thống nhất cả nước. Chúng ta thấy rằng những thăng trầm của đất nước trong những giai đoạn lịch sử đều có sự nhiệt huyết của Phật tử. Đại hội Huynh trưởng toàn quốc được tổ chức tại Đà Lạt năm 1955 và sau đó cứ ba năm một lần. Huế: 1958, Sài Gòn: 1961.

Trong khoảng thập niên 60, GĐPT bắt đầu bén rễ và phát triển khá mạnh. Các hội tổ chức như: Hội Tăng Già, Phật học thuộc miền Nam Nam bộ được sự hợp tác của một số huynh trưởng miền Trung vào Nam sinh sống. Có thể khẳng định trong giai đoạn này từ Trung ương đến địa phương của tổ chức GĐPT có chí hướng đoàn kết, hoà hợp nhất là Đại hội Huynh trưởng toàn quốc vào năm 1961 tại chùa Xá lợi.

Trong giai đoạn rối ren vai trò Phật tử được khẳng định, đó là năm 1963 các tổ chức GĐPT đã ngoại hộ và nghiễm nhiên trở thành lực lượng hậu bị của Giáo hội, bảo vệ giáo hội và nhà chùa. Trong đó lực lượng chính là hàng cư sĩ và thanh thiếu niên Phật giáo. Bước sang năm 1964 trở đi Phật giáo đang trên đà phát triển về tổ chức cũng như số lượng, nhưng có ảnh hưởng đôi phần về bối cảnh xã hội, chính trị thời này. Tuy vậy GĐPT đã tuỳ duyên vươn lên trong lòng thời đại theo tinh thần Bi – Trí – Dũng của Phật giáo.

Bước sang năm 1975 khi đất nước thống nhất các tổ chức và sinh hoạt GĐPT có chùn bước trước những thách đố của thời đại. Thế nhưng các trại huấn luyện như A-no-ma, Tuyết-sơn, A-dục, Ni-liên… và các sinh hoạt hè các gia đình tổ chức thường xuyên. Nhất là sau đại hội Phật giáo Việt Nam năm 1981. Từ đây các gia đình được chú trọng cố gắng duy trì phát triển, cho đến ngày nay các tổ chức GĐPT trong cả nước từng bước cũng cố và phát huy tinh hoa vốn có và làm sao phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên trong thời hiện đại.

Một bước ngoặc mới của GĐPT đã được mở ra ngày 03-10-1999 vào những tháng cuối của thế kỷ 20, trong phiên họp và quyết định của chư Tôn đức trong Hội Đồng Trị Sự Trung ương, Ban Hướng dẫn Phật tử và các Huynh trưởng của 20 tỉnh thành, khu vực phía Nam có GĐPT đang sinh hoạt có quy chế, những chương trình tu học và văn kiện có liên quan đến hoạt động của GĐPT được ban Tôn giáo cho phép và Giáo hội giao cho Ban hướng dẫn Phật tử tổ chức thông qua phiên họp này. 
Có thể nói những chặng đường hình thành và phát triển của GĐPT Việt Nam gian nguy và đầy thử thách. Nhưng vì chân lý luôn soi sáng cho sự thật mà từ đó GĐPT uyển chuyển vươn lên như mầm non vực dậy để đón ánh nắng ban mai trong hào quang chư Phật. Trong thời đại ngày nay các tổ chức và sinh hoạt gia đình Phật tử cần được triển khai dưới nhiều hình thức để phù hợp với bối cảnh xã hội, nhằm đem lại hạnh phúc chung. Nhìn từ quá khứ chư Tôn đức cũng như chư vị Cư sĩ đã triển khai tầng lớp thanh thiếu niên với mục đích là nhắm đến thế hệ trẻ. Đây là tinh thần linh hoạt và mang tính giáo dục cao nhằm hướng đến các em có lòng tin Phật, sống đời lương thiện. Đồng thời trực tiếp xây dựng và đống góp cho dân tộc và đạo pháp. Tương lai thanh thiếu niên GĐPT là nòng cốt cho sự hưng thịnh phát triển Phật giáo Việt Nam.
 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.